15/07/2013 11:23 GMT+7

Cả làng hiến máu cứu người

VÕ MINH
VÕ MINH

TT - Năm năm trước, tại Bệnh viện Đa khoa Quảng Ngãi có một cảnh tượng chưa từng thấy: cả làng đi xe đêm khuya đến hiến máu cứu người. Nhờ những giọt máu nghĩa tình của người cùng làng, hai mẹ con đã được cứu sống.

Phóng to
Gia đình chị Nguyễn Thị Bình hiện sống đầm ấm bên nhau nhờ giọt máu của dân làng - Ảnh: V.Minh

Hai mẹ con vượt qua cõi chết năm đó là chị Nguyễn Thị Bình (37 tuổi) và cháu Võ Huyền Trân, làng Phương Lý Tây, xã Nghĩa Phương, huyện Tư Nghĩa (Quảng Ngãi) giờ trong tâm trí vẫn không phai chuyện cũ. Dù đã năm năm trôi qua, chuyện về bà con làng Phương Lý Tây hiến máu cứu người vẫn được nhiều người Quảng Ngãi kể, truyền miệng nhau nghe. Một câu chuyện đẹp như cổ tích giữa đời thường.

Những giọt máu quý của làng

Tôi trở lại làng Phương Lý Tây khi ở đây vẫn còn “nổi tiếng” chuyện cả làng đã tự nguyện hiến máu cứu hai mẹ con chị Bình. Ấy là đêm 14-7-2008, tại Bệnh viện Đa khoa Quảng Ngãi, bé Trân vừa lọt lòng mẹ cất tiếng khóc chào đời thì điều không may đã đến với chị Bình. Chị bị băng huyết, máu chảy mãi không cầm. 23g đêm, bệnh viện phải mổ khẩn cấp, máu ra quá nhiều khiến chị Bình đuối sức. Máu dự trữ của bệnh viện chỉ truyền được ba bịch nhưng không có tác dụng nên y bác sĩ khuyên người nhà gọi người thân đến hiến máu trực tiếp.

Anh Võ Quang Bước - chồng chị Bình - điện thoại về quê báo tin dữ. Khi bịch máu cuối cùng dần cạn, y bác sĩ và người thân chị Bình như ngồi trên đống lửa, loay hoay tìm cách cầm máu cho chị, tưởng chừng chị Bình không vượt qua khổ nạn. Bất ngờ giữa đêm khuya, một đoàn hơn 30 người kéo nhau đến bệnh viện xin y bác sĩ lấy máu mình để cứu chị Bình. Có nhiều gia đình như gia đình anh Võ Duy Tánh cả năm người đều lặn lội ra tận bệnh viện xin được hiến máu. Người đi xe máy, người đi xe đạp, tất tả vượt hơn 16km từ thôn ra bệnh viện.

Các y bác sĩ trực hôm đó ngớ người ngạc nhiên. Lập tức tất cả những người tới hiến máu được đưa vào xét nghiệm máu. Cuối cùng trong số đó chỉ có ba người có thể truyền máu được cho chị Bình là anh Trần Văn Tới, chị Lê Thị Muốn và anh Trần Văn Hồng. Những người không được cho máu cứu chị Bình buồn rười rượi. Có thêm ba bịch máu, chị Bình đã có cơ hội được cứu sống. Người dân Phương Lý Tây an tâm lên xe về lại quê nhà khi đã 1g30 sáng.

Mới bước chân vào nhà, mọi người lại nghe tin chị Bình đang cần thêm máu. Cả xóm lại xôn xao không biết tìm đâu ra người có cùng nhóm máu với chị Bình. Thêm lần nữa, anh Tới, chị Muốn và anh Hồng lại tức tốc ra bệnh viện xin được hiến máu lần hai để cứu bằng được chị Bình. Y bác sĩ không đồng ý vì không thể lấy máu lần hai khi chưa đúng thời gian quy định. Nhưng anh Tới, chị Muốn cứ nằng nặc xin cho máu và quả quyết sẽ chịu trách nhiệm nếu bản thân có xảy ra chuyện xấu.

Đang trong lúc khẩn cấp, y bác sĩ bệnh viện đành phải lấy máu của anh Tới và chị Muốn lần hai để kịp cứu chị Bình. Cho máu xong lần hai, anh Tới và chị Muốn như muốn ngất đi nhưng cũng cố gượng. Trên đường ra bệnh viện lúc sau, xe anh Hồng bị thủng lốp nên lúc đến bệnh viện thì chị Bình không cần thêm máu. “Nếu xe tôi không hư, ra kịp lúc với Tới và Muốn thì tôi cũng cho thêm bịch máu nữa” - anh Hồng nhớ lại.

Sau khi được truyền hết hai bịch máu còn lại, chị Bình được cứu sống.

Nhưng mọi người trong làng vẫn chưa yên tâm, cử thêm gần 30 người tiếp tục ra bệnh viện ứng trực chờ được xét nghiệm, hiến máu. Mãi đến 5g sáng, khi đã biết chị Bình mẹ tròn con vuông không cần thêm máu, mọi người mới an tâm rời bệnh viện trở về nhà. “Hôm đó nếu như không nhờ bà con chòm xóm lặn lội từ quê ra cho máu thì tôi bây giờ đâu còn cơ hội ngồi đây. Tình làng nghĩa xóm quý lắm. Cũng nhờ những giọt máu của hàng xóm mà mẹ con tôi mới thoát chết. Tôi mang ơn người trong làng mình suốt cả đời. Ơn nghĩa này sao trả nổi” - chị Bình xúc động nhớ lại.

“Chuyện nên làm”

Chị Bình giới thiệu tôi tìm gặp lại ân nhân năm xưa, anh Tới, người đã mạo hiểm cho chị Bình hai bịch máu cách nay gần năm năm. Cuộc sống không khá giả, gia đình quẩn quanh chỉ vài sào ruộng và quầy tạp hóa nhỏ ở làng, nhưng tiếng thơm của anh Tới ai cũng biết. Anh Tới kể: “Đêm cho máu chị Bình, nhà nào trong làng cũng có người đi. Đang ngủ ở nhà, nghe bà con loan tin chị Bình sinh tại bệnh viện bị băng huyết đang rất cần máu để truyền, ai cho máu cứu chị thì ra bệnh viện. Nghe xong, tôi chạy xe máy đi ngay. Hiến lần thứ nhất về nhà tắm rửa xong, chế tô mì gói chưa kịp ăn thì nghe chồng chị Bình gọi điện cho tôi bảo chị Bình lại cần máu. Vậy là tôi và chị Muốn, anh Hồng chạy ra cho máu tiếp chứ chờ người trong làng ra đợi xét nghiệm nữa thì cứu không kịp”.

Cho máu chị Bình liên tục hai lần như vậy, anh không sợ nguy hiểm đến tính mạng mình sao? Anh Tới đáp thật lòng: “Lúc đó tôi không nghĩ gì cả, chỉ sợ chị Bình không có máu sẽ chết nên cho. Trong đầu tôi chỉ muốn cho máu đến khi cứu được chị Bình mới thôi”. Anh Tới nói thêm rằng thấy chị Bình nằm đó, là người trong làng mà không giúp thì sao chịu được. Lúc đến bệnh viện cho máu, đôi chân anh vẫn còn dính đầy bùn đất. “Người bệnh nằm đó cần máu của mình mà mình không cho, họ chết thì rất ân hận. Chuyện cho máu cứu người có to tát gì đâu. Bây giờ thấy gia đình chị Bình sống hạnh phúc, tôi rất mừng” - anh Tới tiếp lời. Còn chị Muốn chia sẻ: “Đó là chuyện nên làm. Ai cần máu là tôi cho hết, cứu hết. Để hàng xóm mất đi một người thì rất tiếc thương. Hai, 3 giờ sáng cũng phải đi hiến máu nếu người trong làng cần máu của mình”.

Bé Trân bây giờ xinh xắn, chuẩn bị vào lớp 1. Gia đình năm người của chị Bình hạnh phúc với cuộc sống hiện tại của mình, càng hạnh phúc hơn khi có được sự yêu thương đùm bọc của người trong làng. “Tôi và cháu Trân đã được bà con trong làng cứu sống. Bé Trân là giọt máu của làng giữ lại. Lỡ ai trong làng cần máu của tôi, của bé Trân thì mẹ con tôi sẽ tự nguyện hiến máu để trả nghĩa tình năm xưa” - chị Bình nói.

Chị kể sau đó hai năm, chị Trần Thị Dung, người làng Phương Lý Tây sinh con, bác sĩ bệnh viện cũng báo là có thể chị Dung cần máu. Vậy là làng Phương Lý Tây lại huy động hàng chục người do anh Tới dẫn ra túc trực ở bệnh viện. Hai vợ chồng chị Bình hay tin cũng bỏ công việc nhà, cùng đi theo ra bệnh viện để chờ được hiến máu cứu người. Nhưng lúc đến bệnh viện, chị Dung chưa đến mức cần máu nên không hiến được. “Ở làng Phương Lý Tây ai cũng tốt bụng. Hễ ai đau ốm là kéo cả làng đi thăm. Ai cần giúp đỡ là bà con giúp đỡ hết lòng, như chuyện hiến máu” - chị Bình nói.

Một giọt máu cho đi một cuộc đời ở lại. Làng Phương Lý Tây đã làm được điều đó bằng chính những giọt máu nghĩa tình.

Phóng to
Anh Trần Văn Tới được UBND tỉnh Quảng Ngãi tặng bằng khen vì nghĩa cử cao đẹp - Ảnh: V.Minh

Nghĩa cử cao đẹp

Ngay sau khi cả làng Phương Lý Tây hiến máu cứu người, năm 2008 UBND tỉnh Quảng Ngãi đã tổ chức lễ khen thưởng, tuyên dương những tập thể, cá nhân ở Phương Lý Tây vì có nghĩa cử cao đẹp khi kịp thời hiến máu cứu chị Nguyễn Thị Bình. UBND tỉnh tặng bằng khen, giấy khen kèm theo số tiền thưởng gần 2 triệu đồng cho tập thể làng Phương Lý Tây và các cá nhân Lê Thị Muốn, Trần Văn Tới, Trần Văn Hồng, Võ Thanh Sơn và Võ Duy Tánh vì có nghĩa cử cao đẹp trong việc tích cực vận động, kịp thời hiến máu cứu người. Ông Nguyễn Xuân Huế, nguyên chủ tịch UBND tỉnh Quảng Ngãi, nhận xét: “Hành động của người dân Phương Lý Tây là nghĩa cử cao đẹp nên cần khuyến khích nhân rộng trong cộng đồng”.

VÕ MINH

Bình luận hay

Chia sẻ

Tuổi Trẻ Online Newsletters

Đăng ký ngay để nhận gói tin tức mới

Tuổi Trẻ Online sẽ gởi đến bạn những tin tức nổi bật nhất

Bình luận (0)
Tối đa: 1500 ký tự

Tin cùng chuyên mục

Hàng me tây cổ thụ, điểm check-in nổi tiếng Quảng Ngãi bị lột vỏ do che ruộng lúa

Người dân cho rằng hàng me tây cổ thụ tỏa tán rộng che hết nắng ruộng lúa, giảm năng suất nên đã lột vỏ các nhánh lớn.

Hàng me tây cổ thụ, điểm check-in nổi tiếng Quảng Ngãi bị lột vỏ do che ruộng lúa

Thợ điện lạnh phá cửa kính cứu tài xế đột quỵ trong ô tô

Một người thợ sửa chữa điện tử, điện lạnh ở Nghệ An thấy chiếc xe trôi tự do đã nhanh trí phá cửa kính, đưa tài xế bị đột quỵ bên trong xe đi cấp cứu.

Thợ điện lạnh phá cửa kính cứu tài xế đột quỵ trong ô tô

Đình chỉ phòng khám Phượng Đạt sau vụ bị 'bóc phốt' chặt chém bệnh nhân

Ngày 9-7, Sở Y tế tỉnh Gia Lai đã có quyết định đình chỉ toàn bộ hoạt động chuyên môn đối với Phòng khám đa khoa Phượng Đạt sau vụ bị người nhà bệnh nhân 'bóc phốt' chặt chém trên mạng xã hội.

Đình chỉ phòng khám Phượng Đạt sau vụ bị 'bóc phốt' chặt chém bệnh nhân

Hàng chục xác heo trên kênh cấp nước, cơ quan chức năng vào cuộc

Hơn một tuần qua, cơ quan chức năng tỉnh Thanh Hóa đã vớt, tiêu hủy hàng chục xác heo chết thả trôi trên nhiều tuyến kênh cung cấp nước sinh hoạt.

Hàng chục xác heo trên kênh cấp nước, cơ quan chức năng vào cuộc

Ông Lương Kim Sơn làm trưởng Ban Quản lý Khu kinh tế Dung Quất và các KCN Quảng Ngãi

Ông Lương Kim Sơn - trưởng Ban Nội chính Tỉnh ủy - được tín nhiệm, bổ nhiệm giữ chức trưởng Ban Quản lý Khu kinh tế Dung Quất và các khu công nghiệp Quảng Ngãi.

Ông Lương Kim Sơn làm trưởng Ban Quản lý Khu kinh tế Dung Quất và các KCN Quảng Ngãi

Hơn 1.300 hồ sơ trong 7 ngày, Trung tâm hành chính xã Nhà Bè khởi đầu đầy sôi động

Từ ngày 1-7, Trung tâm phục vụ hành chính công xã Nhà Bè (TP.HCM) chính thức hoạt động. Chỉ trong 7 ngày đầu vận hành, trung tâm đã tiếp nhận tổng cộng 1.321 lượt người dân đến nộp hồ sơ thủ tục hành chính.

Hơn 1.300 hồ sơ trong 7 ngày, Trung tâm hành chính xã Nhà Bè khởi đầu đầy sôi động
Tất cả bình luận (0)
Ý kiến của bạn sẽ được biên tập trước khi đăng, xin vui lòng viết bằng tiếng Việt có dấu.
Được quan tâm nhất
Mới nhất
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đâu tiên bình luận về bài viết.
Tối đa: 1500 ký tự
Avatar
Đăng ký bằng email
Khi bấm "Đăng ký" đồng thời bạn đã đồng ý với điều khoản của toà soạn Đăng ký
Đăng nhập
Thông tin bạn đọc Thông tin của bạn đọc sẽ được bảo mật an toàn và chỉ sử dụng trong trường hợp toà soạn cần thiết để liên lạc với bạn.
Gửi bình luận
Đóng
Hoàn thành
Đóng

Bình luận (0)
Tối đa: 1500 ký tự
Tất cả bình luận (0)
Ý kiến của bạn sẽ được biên tập trước khi đăng, xin vui lòng viết bằng tiếng Việt có dấu.
Được quan tâm nhất
Mới nhất
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đâu tiên bình luận về bài viết.
Tối đa: 1500 ký tự
Avatar