23/11/2020 10:06 GMT+7

Bộn bề Trà Leng

LÊ TRUNG
LÊ TRUNG

TTO - Trà Leng, cái tên ám ảnh mỗi lần nhắc tới. Lũ quét, sạt lở núi làm nhiều đồng bào chết thảm. Hàng chục nhà cửa bị xóa sổ. Nhiều người chết tới giờ vẫn chưa tìm thấy thi thể. Người còn sống vẫn phải dựng lều ở tạm...

Bộn bề Trà Leng - Ảnh 1.

Trẻ em ở nóc Ông Đề đã tìm lại được nụ cười sau nỗi đau thương - Ảnh: LÊ TRUNG

Trà Leng bộn bề gian khó như một thanh âm buồn giữa đại ngàn Trường Sơn.

Ngôi làng "ma"

Con đường từ quốc lộ 40B dẫn vào xã Trà Leng ở miền núi huyện Nam Trà My, Quảng Nam đầy bùn lầy, đất núi. Nhiều cầu cống đứt gãy, ngổn ngang...

Đường bêtông dẫn vào làng Tăk Pát, thôn 2, xã Trà Leng bị lũ cắt đứt ở đầu làng. Những trận lũ quét đã xóa sổ cả một ngôi làng nằm nép mình bên dòng sông Xoan.

"Tăk Pát từng là ngôi làng đông vui. Chiều chiều, dân làng tập trung ra sân bóng chuyền sau một ngày lên rẫy. Ấy mà giờ đây ngôi làng hoang vắng đến lạnh người, như một ngôi làng ma" - ông Phan Quốc Cường, chủ tịch UBND xã Trà Leng, nhìn về phía ngôi làng, chua xót.

Đứng từ xa cũng thấy rõ cảnh tượng hoang tàn. Những trận lũ quét cuối tháng 10 đầu tháng 11 đã khiến 31 ngôi nhà ở làng này bị sạt lở xuống sông. Mọi tài sản bị cuốn trôi theo dòng lũ dữ.

Đứng nhìn ngôi nhà mình chỉ còn cái móng, tất cả đồ đạc đều bị nước cuốn trôi, anh Hồ Văn Chương (26 tuổi) đau xót. Anh nhớ như in buổi chiều 28-10, bão số 9 càn quét ngôi làng, nước lũ ở thượng nguồn trên sông Xoan dâng cao cuốn phăng mọi thứ. May mắn thay, tất cả dân làng đã được sơ tán nên không ai bỏ mạng trong dòng lũ.

"Đứng trên đồi nhìn xuống, lần lượt từng ngôi nhà sụp xuống sông, mọi thứ trôi theo nước lũ. Chẳng còn gì sót lại" - Chương buồn bã nhớ lại.

Dòng sông Xoan thường ngày vốn hiền hòa, thơ mộng, dân làng chiều nào cũng ra tắm giặt, trẻ con nghịch nước. Nhưng khi lũ dâng, sông Xoan trở nên cuồng nộ.

"Chưa từng bao giờ thấy sông nổi giận như vậy. Nước lũ tràn về khủng khiếp và hung tợn. Những ngôi nhà của dân làng quá nhỏ bé so với sức nước. Rồi mọi thứ chìm xuống dòng nước lũ, rất nhanh!" - anh Cao Thanh Nhất (40 tuổi) rùng mình nhớ lại.

Lũ qua, dân làng ra sông cố gắng lượm lặt những gì còn sót lại. Vài cây cột gỗ, mấy tấm tôn, còn vật dụng đều theo dòng nước lũ. Chính quyền xã đã huy động tổng lực dựng nhà tạm cho hàng chục hộ dân tá túc. Những căn lều tạm dựng lên bằng tre, gỗ, vài tấm tôn và ít bạt nilông. Người dân bồng bế con cái ở trong các căn lều tạm đó.

Mọi thứ còn quá ngổn ngang, khó khăn cùng cực với dân làng Tăk Pát. "Nhà cửa, đồ đạc trôi hết rồi, chúng tôi chỉ còn hai bàn tay trắng" - chị Đinh Thị Tiểu (21 tuổi) nghẹn ngào.

Tận cùng gian khó

Cách Tăk Pát chỉ vài cây số, nóc Ông Đề, thôn 1, nơi vừa xảy ra trận sạt lở núi kinh hoàng khiến 22 người chết, mất tích, nhiều người bị thương cũng trở thành một ngôi làng ma. Hơn chục căn nhà bị vùi lấp dưới đống ngổn ngang đất đá.

Chiều muộn, một đoàn xe từ thiện vừa ngang nóc, mọi người dừng lại. Họ lần lượt xuống xe, đốt những nén nhang thắp quanh những đống đất đá. Họ đau xót, cầu nguyện cho những linh hồn đồng bào mình được siêu thoát. 13 người dân vẫn còn mất tích, chưa tìm thấy thi thể!

Điểm trường nóc Ông Lục, cạnh nóc Ông Đề là nơi trú tạm của hàng chục người dân mất nhà cửa, người thân. Họ là những người may mắn chạy thoát khi sạt lở núi ập xuống. Giờ đây, khi thảm họa đã qua, họ chẳng còn gì.

Những dân làng phải nương náu nhau trong khó khăn, thiếu thốn. Họ trải chiếu dưới nền để ngủ tạm, sống tạm bợ vì mọi thứ ở đây còn quá ngổn ngang.

Cả gia đình hơn chục người của già làng Hồ Văn Đề tá túc tạm ở điểm trường. Ông ngồi co ro bên bếp lửa, đôi mắt trĩu buồn. Tám người là con cháu của ông tử nạn trong vụ sạt lở, mới tìm thấy thi thể ba người. Nỗi đau quá lớn ập đến với người có công lập ra ngôi làng (tên ông được lấy đặt cho nóc Ông Đề).

Gần một tháng qua, những người còn sống trong gia đình đang từng ngày nguyện cầu mong sao sớm tìm thấy người thân.

"Dân làng khổ quá rồi, tôi chỉ mong sớm lập làng mới để cuộc sống bà con dần ổn định, quên đi nỗi đau, bắt đầu cuộc sống mới" - già Đề bộc bạch.

Bộn bề Trà Leng - Ảnh 2.

Học sinh Trà Leng trở lại trường sau sạt lở, lũ quét - Ảnh: L.TRUNG

Cha mẹ mất rồi, thầy cô sẽ là cha mẹ của các em.

Cô giáo HÀ THỊ PHƯƠNG LY

Gian nan con chữ

Điểm Trường phổ thông dân tộc bán trú tiểu học Trà Leng vẫn còn đầy dấu bùn đất sau trận lũ quét kinh hoàng chiều 28-10. Nhiều công trình của trường đã bị lũ phá hủy, đồ đạc, vật dụng, thiết bị dạy học chìm trong biển nước.

Nay trường tạm mở dạy trở lại, nhưng rất ít học sinh đến trường vì gia đình các em vẫn còn chìm ngập trong mất mát, khó khăn.

"Sau trận lũ quét, thống kê thiệt hại gần 1 tỉ đồng. Chưa bao giờ tôi thấy lũ quét kinh hoàng đến vậy" - thầy Bùi Quang Ngọc, hiệu trưởng nhà trường, chua xót.

Trà Leng còn quá bộn bề sau sạt lở núi, lũ quét. Dân mất nhà cửa, người thân, tâm lý hoang mang. Nhưng những thầy cô ở trường quyết tâm vận động để trò đến trường, không bỏ chữ.

Cô Lê Thị Phi Yến, giáo viên của trường, kể rằng sau khi dọn dẹp trường xong, giáo viên phải chia nhau đến từng thôn để vận động học sinh ra lớp. Nhưng nhiều nóc, thôn vẫn còn sạt lở ngổn ngang, đường đi quá khó khăn.

"Thầy cô phải thuyết phục phụ huynh, tâm lý họ vẫn còn hoang mang lắm. Họ sợ đưa con ra trường, lỡ có lũ quét nữa thì làm sao. Họ yêu cầu phải đảm bảo an toàn cho con em của mình" - cô Yến kể.

Sau những nỗ lực, cuối cùng cũng có vài chục em học sinh đã ra trường, ở bán trú để học.

"Lớp nhiều nhất dưới chục em, có lớp chỉ một vài đứa. Mặc dù vậy các thầy cô vẫn phải dạy, để các em quen dần. Nhà trường sẽ tiếp tục cắt cử thầy cô đến nhà dân vận động đưa con em ra lớp" - thầy Ngọc quả quyết.

Trên con đường dẫn vào Trà Leng, nhiều thầy cô lái xe máy chở học sinh về trường. Đó là những học sinh có cha mẹ chết trong vụ sạt lở ở nóc Ông Đề. Cô Hà Thị Phương Ly, giáo viên nhà trường, kể rằng những học sinh đó bị ám ảnh, dường như muốn bỏ học.

"Thầy cô phải yêu thương dỗ dành, động viên các em đến trường. Cha mẹ mất rồi, thầy cô sẽ là cha mẹ của các em" - cô Ly xúc động nói.

Giúp dân vượt qua đau thương

Ông Phan Quốc Cường, chủ tịch UBND xã Trà Leng, cho biết những trận lũ quét khiến làng Tăk Pát bị sạt lở nghiêm trọng. Nước lũ cuốn phăng 31 nhà, còn 25 ngôi nhà có nguy cơ sạt lở, xã đã tổ chức di dời hết các hộ đến chỗ khác để dựng nhà tạm.

Trước mắt hỗ trợ lương thực, dựng nhà tạm để bà con ở. Về lâu dài, xã đã khảo sát khu đất cao ráo, an toàn để xây dựng khu dân cư mới.

Còn vụ sạt lở ở nóc Ông Đề, ông Cường cho biết xã đã khảo sát khu đất rộng 3ha, tận dụng nguồn hỗ trợ của tỉnh và các doanh nghiệp để dựng lại ngôi làng mới với 15 căn nhà cho dân ở.

"Chúng tôi sẽ không để dân đói rét, quyết tâm sẽ ổn định lại cuộc sống dân làng" - ông Cường nói.

Thượng tá Hà Ra Diêu - chỉ huy trưởng Ban chỉ huy quân sự huyện Nam Trà My - cho biết gần một tháng nay lực lượng quân sự của Quân khu 5, tỉnh, huyện với hàng trăm chiến sĩ đã tất bật chia nhau nhiều cánh. Cánh thì dốc lực tìm kiếm những người còn mất tích sau sạt lở, cánh khác thì hỗ trợ dân dựng nhà tạm để ở.

"Quyết làm sao để người dân ổn định cuộc sống, quên đi nỗi đau thương" - thượng tá Diêu tâm sự.

Cào bùn, bới đất tìm tung tích nạn nhân còn mất tích ở Trà Leng

TTO - Kể từ khi xảy ra vụ sạt lở đất ở thôn 1, xã Trà Leng (Nam Trà My, Quảng Nam), tới ngày 19-11 hàng chục cán bộ, chiến sĩ Lữ đoàn công binh 270 Quân khu 5 vẫn kiên cường bám trụ hiện trường, nỗ lực tìm kiếm những người còn mất tích.

LÊ TRUNG

Bình luận hay

Chia sẻ

Tuổi Trẻ Online Newsletters

Đăng ký ngay để nhận gói tin tức mới

Tuổi Trẻ Online sẽ gởi đến bạn những tin tức nổi bật nhất

Bình luận (0)
Tối đa: 1500 ký tự

Tin cùng chuyên mục

Ký ức những lần tách - nhập tỉnh - Kỳ cuối: Cùng cả nước 'xé rào', bước vào thời kỳ đổi mới

Còn nhớ năm 1978, hàng trăm ngàn tấn lúa suýt mất trắng trong đại dịch rầy nâu nhưng may mắn vượt qua được.

Ký ức những lần tách - nhập tỉnh - Kỳ cuối: Cùng cả nước 'xé rào', bước vào thời kỳ đổi mới

Bùa yêu biến thái và lừa đảo: 'Cho thầy làm tình cắt duyên âm con ma'

Khi có người hỏi liệu bùa yêu có hiệu nghiệm, Quỳnh đáp thẳng: "Toàn phải trao đổi tình dục với chi phí cao".

Bùa yêu biến thái và lừa đảo: 'Cho thầy làm tình cắt duyên âm con ma'

Ký ức những lần tách - nhập tỉnh - Kỳ 8: Một thời Hậu Giang cứu đói lúa gạo cho các tỉnh

Với chủ trương "phải có không gian lớn để phát triển", tỉnh Hậu Giang được thành lập trên cơ sở hợp nhất tỉnh Cần Thơ và Sóc Trăng.

Ký ức những lần tách - nhập tỉnh - Kỳ 8: Một thời Hậu Giang cứu đói lúa gạo cho các tỉnh

Ký ức những lần tách - nhập tỉnh - Kỳ 7: Bình Trị Thiên sau thời khói lửa

Trong các tỉnh lớn được hợp nhất từ các tỉnh nhỏ sau năm 1975 ở nước ta thì tỉnh Bình Trị Thiên là một hiện tượng có nhiều điểm khác biệt so với các địa phương...

Ký ức những lần tách - nhập tỉnh - Kỳ 7: Bình Trị Thiên sau thời khói lửa

Ký ức những lần tách nhập tỉnh - Kỳ 6: Quảng Nam, Đà Nẵng về lại một nhà sau 28 năm

Trong nhiều tỉnh thành cả nước, Đà Nẵng và Quảng Nam có mối lương duyên đặc biệt khi nhiều lần chia tách, tái hợp.

Ký ức những lần tách nhập tỉnh - Kỳ 6: Quảng Nam, Đà Nẵng về lại một nhà sau 28 năm

Lời cảm ơn từ trái tim của người thương binh Nghệ An

'Cảm ơn nghĩa tình, sự tận tụy của báo Tuổi Trẻ, bố tôi và gia đình cảm nhận được tình người ấm áp giữa thành phố đông đúc, xa lạ'.

Lời cảm ơn từ trái tim của người thương binh Nghệ An
Tất cả bình luận (0)
Ý kiến của bạn sẽ được biên tập trước khi đăng, xin vui lòng viết bằng tiếng Việt có dấu.
Được quan tâm nhất
Mới nhất
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đâu tiên bình luận về bài viết.
Tối đa: 1500 ký tự
Avatar
Đăng ký bằng email
Khi bấm "Đăng ký" đồng thời bạn đã đồng ý với điều khoản của toà soạn Đăng ký
Đăng nhập
Thông tin bạn đọc Thông tin của bạn đọc sẽ được bảo mật an toàn và chỉ sử dụng trong trường hợp toà soạn cần thiết để liên lạc với bạn.
Gửi bình luận
Đóng
Hoàn thành
Đóng

Bình luận (0)
Tối đa: 1500 ký tự
Tất cả bình luận (0)
Ý kiến của bạn sẽ được biên tập trước khi đăng, xin vui lòng viết bằng tiếng Việt có dấu.
Được quan tâm nhất
Mới nhất
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đâu tiên bình luận về bài viết.
Tối đa: 1500 ký tự
Avatar