Xem lại hệ thống các văn bản quy phạm pháp luật về quản lý giá thuốc, quả là cái gì VN cũng có. Luật dược đã được ban hành từ năm 2005, bên cạnh đó còn có quy chế kê đơn, có hướng dẫn đấu thầu thuốc vào bệnh viện, có quy định về kê khai, kê khai lại và niêm yết giá thuốc.
Chưa kể tại cơ quan Bộ Y tế còn có cả một phòng chức năng quản lý giá thuốc.
Thế nhưng xem lại giá thuốc hiện hành (ngày 4-3-2011) và giá thuốc đã kê khai - ở đây chỉ tính riêng từ báo cáo điều chỉnh giá thuốc của một công ty dược phẩm trung ương - đã thấy có sự bất thường, dường như các công ty đã “vẽ” ra và thổi phồng những con số để kê khai đối phó với quy định hiện hành.
Và đã có những lỗ hổng giá thuốc, những báo cáo hằng năm về giá thuốc chưa phản ánh được lỗ hổng này.
Thuốc Palitaxel 30mg giá bán kê khai ngày 23-7-2008 là 1.785.000 đồng/lọ, giá bán vừa mới tăng là 1.499.400 đồng; Infusamin 5% giá kê khai 31-12-2007 là 62.339 đồng/chai, giá bán mới tăng là 52.500 đồng/chai; Viatril S 1,5g giá kê khai năm 2007 là 16.984 đồng/gói, giá bán mới tăng là 13.580 đồng/gói. Đáng lưu ý như Calcium folinate 0,1g giá nhập khẩu đến cảng VN là 8,55 USD/ống, thời điểm kê khai 31-12-2007 tỉ giá USD là 16.200 VND/USD, tính cả lợi nhuận dự kiến là 27.202 đồng, chi phí dịch vụ nhập khẩu 83.106 đồng thì giá vốn sản phẩm đã là 228.542 đồng/ống. Vậy mà giá bán mới tăng của sản phẩm này chỉ là 183.750 đồng/ống, chưa bằng giá vốn năm 2007!
Quả là có một sự bất thường trong kê khai giá thuốc. Với quy định hiện hành, “các cơ sở sản xuất, cơ sở nhập khẩu không được bán thuốc cao hơn giá kê khai”, vô hình trung làm giá kê khai là một mức giá trần, trong khi các cơ quan chức năng lại chưa thể kiểm tra được mức độ trung thực của giá thuốc và các chi phí liên quan đã kê khai.
Chính vì thế, việc kiểm soát giá thuốc hiện tại mới là kiểm phần ngọn, vì toàn bộ giá mua ở nước ngoài, giá nhập khẩu đến cảng, các chi phí liên quan, giá bán dự kiến... như đã nói ở trên đều là những con số chưa thể đánh giá được tính xác thực.
Và vô hình trung quy định hiện hành đã tạo mức trần rất cao cho giá thuốc.
Tính từ cơn sốt giá thuốc năm 2003, đây là thời điểm có nhiều loại thuốc cùng đồng loạt tăng nhất. Giá thuốc chịu ảnh hưởng lớn từ điều chỉnh tỉ giá và thời điểm tỉ giá mới điều chỉnh thêm 9,3%, giá thuốc tăng là điều dễ hiểu.
Nhưng vì lý do gì mà Bộ Y tế lại cho phép trần giá thuốc quá cao và bất thường mà không quản lý giá thuốc bằng yêu cầu doanh nghiệp kê khai giá và chi phí thực tế hiện tại bên cạnh việc thanh tra, kiểm tra, thay vì cứ quản bằng giá kê khai đón đầu?
Không ít người cho rằng lần tăng giá thuốc này là té nước theo mưa, nhà nhà tăng giá. Chỉ một cuộc thanh tra kéo dài trong một buổi sáng của Sở Y tế Hà Nội đã có nhiều chuyện bất thường được phát hiện (Tuổi Trẻ ngày 4-3), tại sao với đầy đủ cơ quan công quyền trong tay, từ quản lý nhà nước đến thanh tra (thậm chí có thể mời thêm cả quản lý thị trường, hải quan...) mà Bộ Y tế vẫn để những điều bất thường này kéo dài?
Bình luận hay