
Liên hoan phim Cannes là sân chơi điện ảnh khét tiếng không ngại dư luận, sẵn sàng vinh danh các phim gây tranh cãi kịch liệt về chính trị, đạo đức - Ảnh: LionsGate/ColumbiaPictures/Cannes
Qua gần 80 năm lịch sử thăng trầm, các giám khảo của Cannes không ít lần khiến công chúng tranh cãi khi trao giải thưởng cao nhất - Cành cọ vàng - cho những bộ phim đi ngược lại thị hiếu số đông, thậm chí bị đánh giá là trái với luân thường đạo lý.
Những quyết định đó đôi khi vấp phải làn sóng phản đối từ khán giả - vốn nổi tiếng hay la ó, huýt sáo phản đối tại Cannes - cũng như giới phê bình, giới chính trị hay cả giáo hội.
Dù vậy, nhiều bộ phim từng bị la ó lại được thời gian chứng minh là tác phẩm kinh điển, có ảnh hưởng sâu rộng đến nghệ thuật thứ bảy. Một số khác thì dần chìm vào quên lãng, chỉ còn được nhắc đến như những lựa chọn "gây tranh cãi" bậc nhất trong lịch sử liên hoan.
1. Fahrenheit 9-11
Là phim tài liệu hiếm hoi giành giải Cành cọ vàng, Fahrenheit 9-11 của Michael Moore vạch trần những bê bối trong nhiệm kỳ tổng thống George W. Bush, từ cuộc chiến Iraq đến cách truyền thông Mỹ dẫn dắt dư luận sau vụ khủng bố 11-9.
Fahrenheit 9-11 đạt doanh thu hơn 220 triệu USD toàn cầu - con số kỷ lục trong thể loại này.

Bức tranh rối ren của xã hội Mỹ đầu thế kỷ 21 hiện ra đầy trào phúng dưới góc nhìn của đạo diễn Michael Moore - Ảnh: Lionsgate Films
Tuy nhiên, tác phẩm cũng vấp phải làn sóng chỉ trích dữ dội từ giới bảo thủ, cho rằng phim mang nặng tuyên truyền của cánh tả, bóp méo sự thật và công kích cá nhân tổng thống.
Nhà bình luận Joe Scarborough mô tả phim là "đầy dối trá đến mức khó tin". Sự chia rẽ mà phim khơi lên cũng phản ánh rõ nét tình trạng phân cực chính trị ngày càng sâu sắc trong xã hội Mỹ những năm đầu thế kỷ 21.
2. Taxi Driver
Martin Scorsese là một trong những đạo diễn bị tranh cãi nhiều nhất Hollywood, từ bạo lực trần trụi, ngôn ngữ tục tĩu đến mô tả tổ chức tội phạm hay chủ đề tôn giáo gây sốc. Trong sự nghiệp ấy, Taxi Driver là một trong những tác phẩm gây phản ứng mạnh mẽ nhất.
Lấy bối cảnh New York hậu chiến, phim xoay quanh Travis Bickle - một cựu binh cô độc làm nghề lái taxi về đêm - dần rơi vào trạng thái hoang tưởng và bạo lực sau khi bị từ chối tình cảm.

Ngoài giành giải Cành cọ vàng tại Liên hoan phim quốc tế Cannes, Taxi Driver còn nhận 4 đề cử Oscar (1976). Phim cũng được tạp chí Time vinh danh trong danh sách 100 bộ phim hay nhất mọi thời đại - Ảnh: IMDb
Robert De Niro nhập vai Travis với thần thái lạnh lùng đáng sợ, còn Jodie Foster - khi ấy mới 12 tuổi - vào vai Iris, một cô bé bỏ nhà đi bụi và làm công việc bán dâm.
Việc chọn Foster cho vai diễn bị cho là "quá liều lĩnh", đến mức cô phải trải qua hàng loạt đánh giá tâm lý để được phép đóng phim, đảm bảo không bị tổn thương sau vai diễn gai góc.
Trước cả khi ra mắt, Taxi Driver đã bị Hiệp hội Điện ảnh Mỹ (MPAA) dọa dán nhãn X - tương đương "cấm chiếu" - do cảnh bạo lực quá khốc liệt.
Để tránh điều này, Scorsese buộc phải giảm độ bão hòa màu trong phân đoạn đấu súng cuối phim, khiến máu trên màn ảnh có màu nâu xỉn thay vì đỏ tươi.
Cách xử lý kỹ thuật đó sau này lại được khen ngợi vì tăng cảm giác u ám và siêu thực cho tác phẩm.
Phim không chỉ gây chấn động giới phê bình mà còn để lại hệ quả xã hội nghiêm trọng.
Năm 1981, John Hinckley Jr. - kẻ ám sát hụt Tổng thống Mỹ Ronald Reagan - khai rằng mình bị ám ảnh bởi tình tiết của phim và ra tay để nhằm gây ấn tượng với chính Jodie Foster. Vụ việc đẩy Taxi Driver trở thành tâm điểm của cuộc tranh luận về tác động của phim ảnh tới hành vi ngoài đời thực.
3. Bá Vương biệt Cơ
Bá Vương biệt Cơ của Trần Khải Ca là một trong những kiệt tác của điện ảnh Trung Quốc, đồng thời cũng là tác phẩm gây tranh cãi bậc nhất.
Phim khắc họa mối quan hệ phức tạp giữa hai nghệ sĩ kinh kịch từ thời thơ ấu đến khi bị cuốn vào biến động lịch sử Trung Quốc suốt nửa thế kỷ, trong đó có Cách mạng văn hóa và chiến tranh Trung - Nhật.
Trailer phim Bá Vương biệt Cơ
Chiến thắng Cành cọ vàng tại Cannes 1993 giúp Bá Vương biệt Cơ trở thành phim nói tiếng Hoa đầu tiên (và đến nay vẫn là duy nhất) giành giải cao nhất tại Cannes.
Tuy nhiên, khi chiếu tại Trung Quốc, phim nhanh chóng bị cấm chiếu vì "không phù hợp", đề cập đến vấn đề đồng tính và những cảnh tự tử.
Trước sức ép quốc tế và lo ngại ảnh hưởng đến việc tranh quyền đăng cai Olympic 2000, chính quyền buộc phải cho chiếu lại phim, nhưng dưới phiên bản bị cắt gọt đáng kể.
4. Blue is the Warmest Colour
Tác phẩm tình cảm lãng mạn của đạo diễn Abdellatif Kechiche kể lại mối tình giữa hai cô gái Adèle và Emma, trải dài từ thời trung học đến tuổi trưởng thành.
Phim gây tranh cãi dữ dội ngay từ lần công chiếu vì những cảnh quan hệ đồng giới kéo dài và chân thực chưa từng thấy trên màn ảnh rộng.

Blue is the Warmest Colour là một câu chuyện tình đẹp đẽ nhưng để lại di sản đầy tranh cãi từ trên màn ảnh đến sau hậu trường - Ảnh: MUBI
Tại Liên hoan phim Cannes 2013, Blue is the Warmest Colour gây tiếng vang lớn khi giành Cành cọ vàng không chỉ cho đạo diễn mà còn cho hai nữ chính Adèle Exarchopoulos và Léa Seydoux - điều chưa từng có tiền lệ. Tuy nhiên, đằng sau thành công đó là những lùm xùm về bê bối tình dục cũng như điều kiện làm việc khắc nghiệt của đoàn phim.
Cả hai nữ diễn viên chính đều công khai chỉ trích đạo diễn vì những cảnh quay kéo dài, mệt mỏi và thiếu tôn trọng. Các thành viên đoàn phim cũng tố cáo Kechiche vi phạm luật lao động, ép làm thêm giờ không lương.
Tới năm 2018, một nữ diễn viên còn cáo buộc ông tấn công tình dục, khiến những chỉ trích với Blue is the Warmest Colour ngày càng gay gắt hơn theo thời gian và đã phủ bóng lên thành công nghệ thuật của tác phẩm.
5. Titane - con quái vật chinh phục Cannes
Không ít khán giả đã bỏ ghế rời khỏi rạp giữa chừng khi Titane ra mắt tại Liên hoan phim Cannes năm 2021. Bộ phim của nữ đạo diễn Pháp Julia Ducournau ngay lập tức gây chia rẽ bởi phong cách cực đoan, hình ảnh bạo lực và nội dung vượt khỏi mọi khuôn khổ thông thường của điện ảnh.
Titane theo chân Alexia - một phụ nữ từng sống sót sau tai nạn ô tô từ nhỏ và được cấy một mảnh titan vào hộp sọ. Cô phát triển mối quan hệ kỳ dị với máy móc, đặc biệt là ô tô, và mang thai một sinh vật kim loại.

Buổi công chiếu Titane tại Cannes năm 2021 đầy tiếng la ó, nhiều khán giả thậm chí không thèm xem hết phim để rồi bất ngờ khi thấy nữ đạo diễn Julia Ducournau lên giành giải Cành cọ vàng - Ảnh: MUBI
Bằng lối kể chuyện phi lý nhưng ám ảnh, Titane không chỉ đặt ra câu hỏi về giới, thân thể và bản dạng, mà còn khiến người xem phải đối diện với chính cảm giác bất an và ranh giới đạo đức trong xã hội hiện đại.
Dẫu gây tranh cãi, ban giám khảo Cannes 2021 - dưới sự chủ trì của đạo diễn Spike Lee - đã nhất trí trao Cành cọ vàng cho Titane. Julia Ducournau trở thành người phụ nữ thứ hai trong lịch sử Cannes nhận giải thưởng cao quý này, sau Jane Campion với The Piano (1993).
Những phim kể trên không được nhớ tới chỉ vì những vụ cấm chiếu, tranh cãi chính trị đến các cuộc tranh luận đạo đức.
Chúng đại diện cho một tinh thần bất diệt của Liên hoan phim Cannes, nơi các nhà làm phim dám vượt khỏi chuẩn mực xã hội, tôn vinh sự thiên biến vạn hóa của điện ảnh dù cho có trái với "lẽ thường" đến mức nào.
Bình luận hay