![]() |
PGS.TS Lê Hoàng Ninh |
Ông cho biết:
- BSGĐ khác các BS chuyên khoa khác là họ có khả năng đáp ứng được hầu hết nhu cầu chăm sóc sức khỏe của người dân, gia đình và cộng đồng mà họ chịu trách nhiệm chăm sóc.
BSGĐ phải là người có khả năng chăm sóc y tế liên tục và toàn diện; phải có khả năng phát triển mối quan hệ lâu dài và bền vững với bệnh nhân (BN). Chính mối quan hệ này cho phép BN được chăm sóc dài hạn và không giới hạn ngay cả khi bị bệnh nhẹ và ngắn ngày.
Để trở thành BSGĐ, trước hết họ phải là BS đa khoa. Họ được huấn luyện đặc biệt về tất cả chuyên khoa nội, ngoại, sản, nhi… để có đủ khả năng, kiến thức nhằm nâng cao chất lượng phục vụ và chăm sóc sức khỏe cho cá nhân, gia đình và cộng đồng.
Ngoài kiến thức chuyên môn, họ còn được trang bị kiến thức về xã hội học, tâm lý học, kinh tế - văn hóa, quản lý y tế…
* Xin PGS cho biết công việc cụ thể của BSGĐ là gì?
- BSGĐ hành nghề vượt ra ngoài phạm trù chăm sóc điều trị bệnh đơn thuần. Họ có trách nhiệm giúp BN tiếp cận một cách toàn diện hơn với hệ thống chăm sóc y tế: cung cấp kiến thức về tăng cường sức khỏe, phòng bệnh, hỗ trợ về tâm lý và về mặt xã hội.
Đặc biệt, BSGĐ còn có khả năng hỗ trợ BN (ở mọi lứa tuổi, phái tính và nhiều vấn đề sức khỏe khác nhau) trong việc kết hợp các dịch vụ chăm sóc chuyên khoa, vì họ là người khám BN đầu tiên, có quá trình chăm sóc và theo dõi BN nên nắm rõ bệnh lý, khi tình trạng bệnh lý vượt quá khả năng, BSGĐ biết chính xác chuyên khoa nào BN cần được khám và giới thiệu BN đến BS chuyên khoa thích hợp và kịp lúc.
Sau đó, BSGĐ có thể cho lời khuyên, tham vấn BN về các thông báo hay các hướng dẫn của BS chuyên khoa.
* Thưa PGS, người dân được hưởng lợi gì từ BSGĐ?
- BSGĐ với định hướng gia đình, họ biết từng cá thể BN trong khung cảnh toàn bộ gia đình. Vì vậy họ quản lý và xử trí bệnh đúng, cũng như dự báo nguy cơ phát bệnh, dự phòng, tham vấn và đề nghị các biện pháp can thiệp để nâng cao sức khỏe các thành viên trong gia đình; quản lý hồ sơ bệnh án liên tục và suốt đời cho BN (trong bệnh án có cây phả hệ gia đình); viết thư mời, thông báo BN đến phòng khám, trung tâm y tế, bệnh viện để tầm soát, theo dõi bệnh (kiểm tra đường huyết, các bệnh tim mạch, ung thư, chủng ngừa định kỳ...).
Ví dụ, trong một gia đình có ba thế hệ cùng sinh sống, BSGĐ sẽ biết đối với người lớn tuổi thường mắc các bệnh như tim mạch, cao huyết áp, tiểu đường, xương khớp…; những vấn đề sức khỏe của phụ nữ đang mang thai (theo dõi sức khỏe thai phụ từ khi mang thai đến khi sinh đẻ), phụ nữ ngoài 40 tuổi, ở độ tuổi mãn kinh thường mắc bệnh gì, lúc nào cần sàng lọc bệnh ung thư; hoặc sức khỏe trẻ em như chăm sóc trẻ sơ sinh, chủng ngừa vacxin, các bệnh thường mắc phải, béo phì, suy dinh dưỡng…; những bệnh di truyền từ đời ông bà, cha mẹ sang con cái và biện pháp phòng ngừa từ xa… để có biện pháp bảo vệ và tăng cường sức khỏe cho người dân.
Đặc biệt, do chăm sóc sức khỏe liên tục nên BSGĐ biết được mối quan hệ giữa BN và cộng đồng, bạn bè, nơi làm việc… BSGĐ có thể nắm bắt được các vấn đề y tế trong bối cảnh cộng đồng và cuộc sống hằng ngày của BN.
Từ đó họ có trách nhiệm phấn đấu để cải thiện sức khỏe cộng đồng bằng cách làm việc với các cơ quan sức khỏe và các đoàn thể của cộng đồng.
* Thưa PGS, việc đào tạo BSGĐ ở VN hiện nay như thế nào?
- Năm 2000, Bộ Y tế đã cho phép thành lập thêm chuyên khoa mới y học gia đình tại ba trường đại học: Y Hà Nội, Y Thái Nguyên và Y dược TP.HCM.
Riêng TP.HCM, Trung tâm đào tạo BSGĐ thuộc ĐH Y dược TP.HCM đã được thành lập vào năm 2002, có chức năng đào tạo BSGĐ cho khu vực phía Nam và tuyển sinh đào tạo khóa đầu tiên (2002-2004) được 17 BS đa khoa.
Riêng khóa thứ 2 (2003-2005) tuyển sinh được 10 BS. Ngoài ra, ĐH Y dược TP.HCM phối hợp với Y dược Cần Thơ đã tổ chức tuyển sinh đào tạo BS chuyên khoa cấp 1 y học gia đình cho các BS khu vực đồng bằng sông Cửu Long vào cuối tháng 9-2003.
Y học gia đình là một chuyên khoa mới tại VN nên những năm đầu đào tạo, chúng tôi vừa làm vừa rút kinh nghiệm sao cho chương trình đào tạo sát hợp với điều kiện, hoàn cảnh của chúng ta.
* PGS có thể cho biết đối tượng tuyển sinh của trường? Thời gian học, bằng cấp sau đào tạo và BSGĐ sẽ làm việc ở đâu? Bao giờ người dân VN mới có BSGĐ?
- Đối tượng tuyển sinh là các BS đa khoa yêu thích công việc này và đang công tác ở các bệnh viện đa khoa, trung tâm y tế quận huyện, trạm y tế phường xã… Thời gian đào tạo hai năm liên tục, học đủ các chuyên khoa, thực hành tại các bệnh viện và các trung tâm y tế quận, huyện (trước mắt chúng tôi triển khai tại ba trung tâm y tế quận 4, 5, 8)… Khi tốt nghiệp, họ là BS chuyên khoa I y học gia đình và sẽ trở về đơn vị cũ làm việc.
Nếu BS đa khoa ở các cơ sở y tế trên, nhất là BS tuyến y tế cơ sở, được đào tạo chuyên sâu về y học gia đình thì chất lượng chăm sóc sức khỏe cho người dân sẽ không còn gì tuyệt vời bằng.
Tôi cho rằng không bao lâu nữa người dân sẽ có BSGĐ chăm sóc sức khỏe cho họ. BSGĐ sẽ đem lại cho người dân sự đồng cảm, khả năng chăm sóc toàn diện và liên tục, giúp định hướng điều trị trên người bệnh và dự phòng bệnh cho người dân một cách tốt nhất.
Bình luận hay