
Dự báo vị trí và hướng di chuyển áp thấp nhiệt đới lúc 10h sáng 23-7 - Ảnh: NCHMF
Theo Trung tâm Dự báo khí tượng thủy văn quốc gia lúc 10h sáng 23-7, tâm áp thấp nhiệt đới đang ở trên vùng biển phía tây bắc của đảo Luzon (Philippines). Sức gió mạnh nhất vùng gần tâm áp thấp nhiệt đới mạnh cấp 6 (39-49km/giờ), giật cấp 8.
Dự báo trong chiều đến tối nay, áp thấp nhiệt đới đi vào Biển Đông.
Sau khi vào Biển Đông, bão tiếp tục đổi hướng nam tây nam rồi hướng đông, sau đó theo hướng đông bắc và đi ra khỏi Biển Đông.
Về cường độ, áp thấp nhiệt đới có khả năng mạnh lên thành bão (gió cấp 8 trong khoảng 24 giờ tới. Tuy nhiên, xoáy thuận nhiệt đới này ít có khả năng mạnh thêm.
Do ảnh hưởng của bão, ở vùng biển phía Đông của khu vực Bắc Biển Đông có gió mạnh lên cấp 6-7, vùng gần tâm bão mạnh cấp 8, giật cấp 10, sóng biển cao 2-3,5m. Tàu thuyền hoạt động trong các vùng nguy hiểm nói trên đều có khả năng chịu tác động của dông, lốc, gió mạnh, sóng lớn.

Vị trí áp thấp nhiệt đới và bão Francisco - Ảnh: NCHMF
Trước đó, sáng 23-7, Trung tâm Dự báo khí tượng thủy văn quốc gia cho biết sáng nay vùng áp thấp phía bắc đảo Luzon (Philippines) mạnh lên thành áp thấp nhiệt đới.
Dự báo áp thấp nhiệt đới di chuyển về phía tây nhưng ít khả năng ảnh hưởng đến đất liền nước ta.
Đồng thời ngoài khơi Philippines, bão Francisco - cơn bão thứ 7 trên Tây Bắc Thái Bình Dương - cũng mới hình thành từ 7h sáng nay.
Dự báo bão Francisco di chuyển về vùng biển phía bắc Đài Loan.
Cơ quan khí tượng cũng cho biết rạng sáng nay, áp thấp nhiệt đới (suy yếu từ cơn bão Wipha - bão số 3) đã suy yếu thành một vùng áp thấp trên khu vực biên giới Việt Nam - Lào, tiếp tục di chuyển chủ yếu theo hướng tây tây nam, suy yếu và tan dần.

Thị trấn Thạch Giám (cũ) nay là xã Tương Dương, Nghệ An ngập sâu sáng 23-7 - Ảnh: ĐÌNH TUÂN
Trung tâm Dự báo khí tượng thủy văn quốc gia dự báo ngày và đêm 24-7, ở khu vực Bắc Bộ, Thanh Hóa và Nghệ An có mưa vừa, mưa to và dông, cục bộ có nơi mưa rất to với lượng mưa phổ biến 30-70mm, cục bộ có nơi trên 120mm.
Ngày và đêm 25-7, khu vực Bắc Bộ, Thanh Hóa và Nghệ An tiếp tục có mưa vừa, mưa to và dông, cục bộ có nơi mưa rất to với lượng mưa phổ biến từ 30-60mm, cục bộ có nơi trên 100mm (tổng lượng mưa từ ngày 24 đến 25-7 ở Bắc Bộ, Thanh Hóa và Nghệ An phổ biến 60-130mm, cục bộ có nơi trên 200mm).
Trong mưa dông có khả năng xảy ra lốc, sét, mưa đá và gió giật mạnh. Ngoài ra người dân cũng cần đề phòng mưa lớn cục bộ gây ra lũ quét, sạt lở đất ở vùng núi và ngập lụt ở khu đô thị, vùng trũng thấp.
Từ ngày 26-7, mưa lớn ở Bắc Bộ, Thanh Hóa và Nghệ An có khả năng giảm dần.
Trước khi có mưa lớn trở lại từ mai, hôm nay ở Bắc Bộ có mưa rào và dông rải rác, cục bộ có nơi mưa to với lượng mưa 15-30mm, cục bộ có nơi trên 80mm.
Ngoài ra, chiều và tối nay, khu vực cao nguyên Trung Bộ và miền Đông Nam Bộ có mưa rào và dông rải rác, cục bộ có nơi mưa to với lượng mưa từ 10-30mm, cục bộ có nơi trên 60mm.
Cảnh báo mưa dông nội thành Hà Nội
Theo bản tin lúc 9h35 của cơ quan khí tượng, qua theo dõi trên ảnh vệ tinh và ảnh ra đa thời tiết cho thấy mây đối lưu đang phát triển trên khu vực các xã Tam Hưng, Thường Tín, Dân Hòa, Thượng Phúc, Chương Dương, Phượng Dực, Phú Xuyên. Vùng mây đối lưu này xu hướng phát triển và mở rộng về phía khu vực nội thành Hà Nội.
Dự báo trong khoảng 30 phút đến 4 giờ tới, các phường: Chương Mỹ, Yên Nghĩa, Dương Nội, Hà Đông, Phú Lương, Kiến Hưng, Thanh Liệt, Hoàng Liệt, Yên Sở, Lĩnh Nam có mưa rào và dông.
Vùng mưa dông có khả năng tiếp tục mở rộng sang các phường khác thuộc nội thành Hà Nội.
Trong cơn mưa có khả năng xảy ra lốc, sét và gió giật mạnh.
Lũ cuốn 1 người mất tích
Sáng 23-7, Cục Quản lý đê điều và Phòng chống thiên tai (Bộ Nông nghiệp và Môi trường) cho biết theo báo cáo của các địa phương, bão số 3 và mưa lũ làm 1 người ở Nghệ An bị mất tích do lũ cuốn, 1 người bị thương.
Về nhà ở có 420 nhà ở bị hư hỏng, tốc mái, trong đó Phú Thọ 8 nhà, Thanh Hóa 251 nhà, Nghệ An 161 nhà.
Về nông nghiệp: gần 120.000ha lúa bị ngập (Hưng Yên 26.000ha; Ninh Bình 74.017ha, Thanh Hóa 19.391ha; các tỉnh khác đang thống kê). Hiện các tỉnh đang vận hành máy bơm tiêu nước, chống úng.
Về chăn nuôi có 9 con gia súc, 3.276 con gia cầm bị chết, cuốn trôi.
Bình luận hay