
Giáo hoàng Benedict XVI chơi piano - Ảnh: AFP
Giáo hoàng Benedict XVI chơi những bản nhạc cổ điển điêu luyện trên piano được một lúc, Hồng y Bergoglio hỏi ngài có biết ban nhạc The Beatles không, có biết ca khúc Eleanor Rigby của Lennon - McCartney lấy cảm hứng từ một nhà thờ không, có biết phòng thu Abbey Road không.
Hai vị giáo hoàng với không ít quan điểm lãnh đạo khác nhau, cuối cùng vẫn kết nối sâu sắc nhờ âm nhạc. Cuộc chuyện trò có lẽ chỉ là hư cấu của nhà biên kịch nhưng vẫn khả tín với người xem bởi hai vị giáo hoàng đều nổi tiếng yêu âm nhạc.
Album Giáng sinh của Giáo hoàng
Người ta vẫn yêu mến Giáo hoàng Francis vì sự giản dị, sự "nhập thế" của ngài. Ngay cả tình yêu âm nhạc của ông cũng có vẻ nhập thế. Ngài, thời trai trẻ, cũng như bao người, thích ghé qua một cửa hiệu bán băng đĩa ruột. Ngài cũng có một bộ sưu tập đĩa nhạc cá nhân.
Và trong số đó, bên cạnh rất nhiều nhạc cổ điển, hóa ra ngài cũng như chúng ta, cũng thích nghe Édith Piaf, cũng thích Elvis Presley (dù đều là những đĩa nhạc gospel chứ không phải rock 'n' roll), cũng thích những bản tango của Astor Piazzolla.
Có lẽ cũng vì gu âm nhạc cởi mở ấy nên album âm nhạc Wake Up! dựa trên những bài kinh cầu của ngài do hãng Believe Digital phát hành và linh mục Don Giulio Neroni chỉ đạo nghệ thuật cũng rất độc đáo: phần âm nhạc làm nền trải rộng từ những bản thánh ca Gregorian đến progressive rock, thậm chí là những bản ballad mang màu sắc Disney.
"Bạn có thể nghe từ nhạc pop tới nhạc rock, đó là điều chỉ có thể thực hiện với đúng Giáo hoàng Francis", Neroni chia sẻ.
Những lời lẽ của Giáo hoàng Francis gần gũi, lối sống của ngài cũng bình dân, bởi thế âm nhạc chọn cho ngài cũng không cần xa cách. Đến cả tựa đề album (hai từ tiếng Anh ngắn gọn, dễ hiểu, thêm một dấu chấm than vồn vã) cũng gần gũi vô cùng.
Trong khi đó người tiền nhiệm là Giáo hoàng Benedict XVI cũng từng phát hành album Giáng sinh với tựa đề tiếng Latin Alma Mater gồm tám ca khúc tụng ca Đức Mẹ Đồng Trinh.
ALMA MATER do Giáo hoàng Benedict XVI phát hành album Giáng sinh
Trái ngược với tinh thần đương đại sôi nổi của Wake Up!, Alma Mater mang vẻ đẹp kinh viện, linh thiêng, thánh thiện, một vẻ đẹp đương nhiên phải thế khi ta nghĩ đến những thánh đường, nghĩ đến những bài cầu nguyện, nghĩ đến sự gột sạch thân tâm.
Một album Kitô truyền thống và chuẩn mực. Nếu như với Wake Up!, người ta cảm tưởng có thể mở lên bất cứ lúc nào, trên bất cứ chặng đường nào để thưởng thức thì với Alma Mater, ta có cảm giác trước khi mở nhạc lên nghe cũng phải thực hiện những nghi thức để tẩy bỏ bụi trần, làm sạch thân thể trước khi bước vào âm nhạc.
Nếu có gì đó mang vẻ "trần gian" ở Alma Mater thì chỉ có sự thật là nó được ghi âm tại phòng thu Abbey Road - nơi đã thành thánh đường nhạc đại chúng nhờ The Beatles - chi tiết mà trong The Two Pope đã được thêu dệt thêm để gợi ra câu hỏi: làm sao để thu ngắn khoảng cách giữa kinh sách và đời sống thực?
Âm nhạc là một biểu hiện của tinh thần
Ấy vậy nhưng nếu có dịp lên mạng tìm xem một thước phim ngắn về hình ảnh Giáo hoàng Benedict XVI thành thục chơi một bản Impromptu của Franz Schubert trên piano, nhạc cụ mà ngài đã học từ khi còn nhỏ, thì khi xem đoạn video với chất lượng trung bình, quay tại gia, không ê kíp, ta cũng thấy ngài gần gũi, nhạc cổ điển cũng chẳng hề cao xa khó với.
Trong một lễ hội âm nhạc về Mozart nhiều năm trước, Giáo hoàng Benedict XVI từng xuất hiện và bày tỏ rằng: "Âm nhạc là một biểu hiện của tinh thần, một nơi chốn bên trong con người được tạo ra cho tất cả những gì chân thật, tử tế và đẹp đẽ...";
Và "Tác phẩm nghệ thuật đẹp nhất, kiệt tác của con người là mỗi hành động yêu thương thực thụ, từ những hy sinh nhỏ nhất đến những hy sinh lớn lao nhất. Vào lúc đó thì cuộc đời trở thành một bản thánh ca, sự mong đợi về một bản giao hưởng ta cùng đồng ca trên thiên đường".
Cả hai Giáo hoàng giờ đã yên nghỉ nơi Nước trời. Biết đâu cuộc hội thoại trong The Two Pope lại thành hiện thực và giờ hai tâm hồn ấy đang vừa trao đổi về âm nhạc vừa cất lời đồng ca "bản giao hưởng" thiên đường.
Bình luận hay