
Những chiến sĩ biệt động Sài Gòn trong vở Người thứ ba được huy chương vàng - Ảnh: T.ĐIỂU
Tối 7-7, Liên hoan nghệ thuật sân khấu chuyên nghiệp toàn quốc về "Hình tượng người chiến sĩ Công an" lần thứ 5, năm 2025 đã tổng kết và trao giải tại Nhà hát Hồ Gươm, Hà Nội.
Liên hoan do Bộ Công an phối hợp với Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch, Hội Nghệ sĩ sân khấu Việt Nam tổ chức.
Đây cũng là hoạt động văn hóa, văn nghệ trọng tâm chào mừng kỷ niệm 80 năm Ngày truyền thống Công an nhân dân và 20 năm Ngày hội toàn dân bảo vệ an ninh Tổ quốc.
Sau 13 ngày, các đơn vị đã biểu diễn 25 tác phẩm, trong đó có 15 vở kịch nói, 4 vở chèo, 2 vở cải lương. Đáng chú ý, có 2 vở diễn được dàn dựng từ kịch bản của 2 tác giả là cán bộ công an.

Ba người lính cứu hỏa hy sinh trong vở Ngược chiều bình an - vở đoạt huy chương bạc - Ảnh: T.ĐIỂU
Mới hiểu về người chiến sĩ công an ở hình thức bên ngoài
Theo đánh giá của hội đồng giám khảo, 25 tác phẩm tham dự liên hoan lần này là 25 mảnh ghép để tạo nên một bức tranh khá hoàn chỉnh về hình tượng người chiến sĩ Công an nhân dân.
Có ba đơn vị nghệ thuật lựa chọn đề tài này để khai thác về những gian khó, hiểm nguy và sự hy sinh quả cảm của người lính cứu hỏa. Nơi người khác chạy đi thì các anh lao vào, nơi con người tìm cách thoát khỏi cái chết thì các anh sẵn sàng chấp nhận cái chết để nhân dân được sống.
Có những chiến sĩ công an tình nguyện rời chốn phồn hoa đô thị, tạm biệt những người thân yêu để lên biên giới…

5 vở diễn xuất sắc nhận huy chương vàng - Ảnh: T.ĐIỂU
Ghi nhận nhiều nỗ lực của các đoàn kịch, nhưng hội đồng giám khảo cũng chỉ ra nhiều hạn chế của các tác phẩm tham dự liên hoan lần này. Đó là hình ảnh người chiến sĩ công an trong tác phẩm bị mờ nhạt so với hình ảnh tội phạm.
Một số vở diễn thiếu tính chân thật. Khán giả thấy cay đắng khi trên sân khấu có quá nhiều chiến sĩ công an rơi vào hoàn cảnh éo le, kinh tế khó khăn, người thân bị bạo bệnh hoặc tai nạn…
Theo ông Nguyễn Đăng Chương - chủ tịch hội đồng giám khảo, ai cũng hiểu người sáng tạo muốn đẩy nhân vật vào hoàn cảnh bi kịch để cho họ vượt qua và chiến thắng.
Nhưng nếu hư cấu quá thì chỉ tạo nên sự phản cảm.
Ngoài ra, một hạn chế nữa trong liên hoan lần này, các nhân vật là chiến sĩ công an hy sinh nhiều quá.
Và chưa thấy vở diễn nào khai thác vấn đề "người công an sống trong lòng dân", "tình cảm của nhân dân đối với người chiến sĩ công an", "sự gắn bó máu thịt giữa người dân và công an".
Ông Chương đánh giá lực lượng sáng tạo nghệ thuật sân khấu mới hiểu về người chiến sĩ công an ở hình thức bên ngoài, ở những thông tin mà các cơ quan truyền thông đưa tin hằng ngày, chưa hiểu được hạt nhân, bản chất.

8 vở diễn nhận huy chương bạc - Ảnh: T.ĐIỂU
Trao hàng trăm huy chương
Ban tổ chức đã quyết định trao 5 huy chương vàng cho 5 vở diễn: Người thứ ba (tác giả: Minh Anh; đạo diễn: NSND Lê Hùng) của Nhà hát Kịch Công an Nhân dân; Trời xanh nơi đáy vực (tác giả: Trúc Ngân; đạo diễn: Nguyễn Hoàng Tùng) của Trường đại học Sân khấu - Điện ảnh Hà Nội;
Không gục ngã (tác giả: Nguyễn Đăng Chương; đạo diễn: NSND Lê Hùng) của Nhà hát Kịch Quân đội; Cuộc đoàn tụ của cảm xúc (tác giả: Hoài Hương; đạo diễn: Lê Quốc Na) của Công ty TNHH Sân khấu Trương Hùng Minh; Sấm dậy cửa Lạch Hới (tác giả: Nguyễn Toàn Thắng; đạo diễn: NSND Nguyễn Toàn Thắng) của Nhà hát Nghệ thuật Lam Sơn.
8 vở diễn đoạt huy chương bạc: Con về với mẹ (tác giả: Bùi Vũ Minh; đạo diễn: NSND Trần Hoài Thu) của Đoàn Nghệ thuật chèo - Trung tâm Văn hóa Nghệ thuật tỉnh Hà Nam; Một cuộc chiến khác (tác giả: Tống Phương Dung; đạo diễn: NSƯT Lê Nguyên Đạt) của Sân khấu kịch Hồng Vân;
Nắng trong mắt bão (tác giả: nhà văn Chu Lai; đạo diễn: NSND Hoàng Quỳnh Mai - NSND Trần Nhượng) của Đoàn Nghệ thuật tỉnh Quảng Ninh; Đối mặt (tác giả: Trịnh Huyền; đạo diễn: NSND Tuấn Hải) của Nhà hát Kịch Hà Nội;
Bến sông trăng (tác giả: Hồng Mặc Cát; đạo diễn: NSND Trương Hải Thọ) của Nhà hát Chèo Hưng Yên; Vùng trời bình yên (tác giả: Minh Hương; đạo diễn: NSND Vũ Tự Long) của Nhà hát Chèo Quân đội;
Đoạn kết (tác giả: Lê Qúy Hiền; đạo diễn: Đào Duy Anh) của Nhà hát Tuổi trẻ Việt Nam; Ngược chiều bình an (tác giả: Thiên Ân; đạo diễn: NSƯT Kiều Minh Hiếu) của Nhà hát Kịch Việt Nam.

Một số diễn viên trong 50 người được trao huy chương vàng - Ảnh: T.ĐIỂU
Và 10 vở diễn được trao huy chương đồng.
50 huy chương vàng, 50 huy chương bạc, 50 huy chương đồng cho diễn viên.
Cùng 15 giải chuyên đề cho Đạo diễn xuất sắc; Đạo diễn âm thanh, ánh sáng xuất sắc; Diễn viên trẻ đóng vai chiến sĩ công an xuất sắc; Họa sĩ sân khấu xuất sắc…
Bình luận hay