Theo Yonhap, Tổng thống Hàn Quốc Park Geun Hye đã ra tận sân bay chào đón giáo hoàng. Khi máy bay chở phái đoàn Tòa thánh Vatican qua không phận Trung Quốc, giáo hoàng đã gửi thông điệp cầu chúc hòa bình và thịnh vượng chưa từng có tiền lệ tới Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình. Trung Quốc đã cắt đứt quan hệ với Tòa thánh Vatican từ năm 1951.
Dự tính khoảng 1 triệu người sẽ dự thánh lễ ở quảng trường Gwanghwamun tại Seoul ngày 16-8. Tại đây Giáo hoàng Francis sẽ tuyên phúc cho 124 người Hàn Quốc qua đời vào thế kỷ 18 và 19. Sau đó, giáo hoàng sẽ dự Ngày thanh niên châu Á, một lễ hội cho người Công giáo trẻ tuổi trong khu vực. Ngài cũng sẽ gặp các học sinh sống sót trong thảm họa đắm phà Sewol.
Một thánh lễ vì hòa bình và hòa giải sẽ được tổ chức ở nhà thờ Myeong-dong vào ngày 18-8, ngày cuối cùng trong chuyến thăm của giáo hoàng. Ngài sẽ gửi thông điệp kêu gọi hòa bình trên bán đảo Triều Tiên và Đông Á. Nguồn tin từ Tòa thánh Vatican tiết lộ giáo hoàng đã lên kế hoạch đến thăm Philippines và Sri Lanka vào tháng 1-2015. Có tin Giáo hoàng Francis cũng sẽ đến thăm Nhật trong năm tới.
Giới quan sát nhận định chuyến thăm của Giáo hoàng Francis và các kế hoạch tiếp theo thể hiện quyết tâm mở rộng tầm ảnh hưởng của nhà thờ ở châu Á. Đây là khu vực nhà thờ từng “quên lãng”. Lần cuối cùng người đứng đầu Tòa thánh Vatican có mặt ở châu Á là khi cố giáo hoàng John Paul II tới Ấn Độ vào năm 1999. Tròn 15 năm đã trôi qua và thế giới đã có quá nhiều thay đổi.
Ngoại trưởng Vatican Pietro Parolin cho biết tại Hàn Quốc, Giáo hoàng Francis sẽ đưa ra thông điệp về “tương lai của châu Á” và “đối thoại với tất cả các nước châu lục”. Cha Bernardo Cervellera, biên tập viên trang Asia News, cho biết châu Á sẽ là ưu tiên lớn của Giáo hoàng Francis.
“Châu lục này là tương lai của Thiên Chúa giáo và Giáo hoàng Francis muốn ủng hộ xu hướng này” - ông Cervellera nhấn mạnh. Ông Paolo Affatato, giám đốc Hãng thông tấn Agenzia Fides, mô tả châu Á là “tiền tuyến của chiến dịch truyền đạo”.
Giới quan sát nhận định chiến lược của Tòa thánh Vatican sẽ vấp phải nhiều thách thức tại châu Á. Theo khảo sát của Trung tâm nghiên cứu Pew, tính đến năm 2010 chỉ có 3% dân số châu Á theo đạo Thiên Chúa, so với 72% dân số Mỹ Latin và 23,7% châu Âu.
Bình luận hay