Thống kê mới nhất từ Cục Kiểm soát ô nhiễm, thuộc Bộ Tài nguyên và Môi trường vừa công bố cho thấy, trung bình mỗi ngày tại TP.HCM thu gom khoảng 7.000 tấn rác. Trong tổng số lượng rác thu gom đó, có đến 70 - 80 tấn rác là ni lông. Điều đáng nói, trong tổng lượng rác thu gom, xử lý bằng phương pháp tái chế thành phân compost chỉ khoảng 40%. Số còn lại xử lý bằng biện pháp chôn lấp. Do vậy, việc tồn tại một lượng lớn túi ni lông trong rác thải đã khiến cho việc xử lý hết sức khó khăn. Bởi trong môi trường chôn lấp, ni lông thường tồn tại vài trăm năm mới có thể phân hủy. Không chỉ vậy, ni lông còn gây cản trở và khiến cho quá trình phân hủy loại rác thải khác trở nên chậm hơn.
Một quan ngại khác là tình trạng chậm phân hủy của rác thải chôn lấp sẽ đòi hỏi phải dành nhiều hơn nữa diện tích đất cho xử lý rác thải. Và điều này thực sự rất khó với TP.HCM khi “tấc đất” là “tấc vàng”. Trên thực tế, TP.HCM cũng không còn quỹ đất nào trống để dành cho bãi chôn lấp rác thải nếu bãi chôn lấp tại Đa Phước và Phước Hiệp đầy.
Xuất phát từ thực trạng trên, Bộ Tài nguyên và Môi trường đã trình Chính phủ cho phép thực hiện thu thuế túi ni lông với mức áp thuế rất cao từ 150% - 200%. Mục đích nhằm hạn chế người tiêu dùng sử dụng túi ni lông nhưng việc không thể kiểm soát hết số lượng cũng như chất lượng cơ sở sản xuất hoạt động trong lĩnh vực này đã tạo kẻ hở để những loại túi ni lông gây hại môi trường, giá rẻ vẫn mặc nhiên tồn tại. Còn sản phẩm túi ni lông tự hủy được sản xuất gần 2 năm nay nhưng thị phần tiêu thụ rất nhỏ, chủ yếu tập trung tại các siêu thị, trung tâm thương mại lớn. Còn tại khu vực chợ truyền thống thì gần như rất hiếm được sử dụng.
Lý do một phần là giá thành túi ni lông tự hủy cao hơn khoảng 15% so với loại túi thông thường. Tiểu thương chợ bán lẻ truyền thống vẫn ưu tiên tiêu dùng túi kém chất lượng, chỉ khoảng từ 16.000 đồng - 25.000 đồng/kg. Phần nữa, tâm lý tiện dụng cũng khiến người dân không quan tâm đến sản phẩm thân thiện với môi trường vốn đã có mặt trên thị trường.
Ngoài giải pháp kinh tế trên, TP.HCM cũng đã tổ chức nhiều chương trình nhằm vận động cộng đồng giảm thiểu sử dụng túi ni lông như: Ngày hội tái chế chất thải, ngày không sử dụng túi ni lông, tổ chức lực lượng xuống từng chợ để vận động tiểu thương hạn chế sử dụng túi ni lông, đồng thời tăng cường dùng túi sử dụng nhiều lần thân thiện với môi trường... Tuy nhiên, chương trình đang vấp phải nhiều rào cản mà chủ yếu là do nhận thức của một số người dân còn hạn chế.
Trong lúc người dân vẫn còn thói quen sử dụng túi ni lông, thì việc đầu tư dự án xử lý túi ni lông thành dầu FO là hết sức cần thiết. Ông Huỳnh Minh Nhựt - Giám đốc Công ty TNHH một thành viên Môi trường đô thị TP.HCM cho biết, hiện công ty đã đầu tư 2 lò đốt tái chế các loại bao bì nhựa có nguồn gốc polyme với công suất 15 tấn ni lông/ngày. Kết quả ban đầu cho ra sản phẩm khá khả quan, tương đương khoảng 6.000 lít dầu FO. Loại dầu này hoàn toàn có thể sử dụng làm nguyên liệu đốt cho các nhà máy sản xuất.
Điều đáng nói là quy trình sản xuất này khá đơn giản, ni lông tươi sau khi phân loại và thu gom về không cần phải qua quy trình vệ sinh, chuyển vào đốt và trải qua quá trình nhiệt phân là tạo được ra dầu FO. Hiện tại công ty đang sử dụng rác thải là ni lông tươi (lượng ni lông vận chuyển về mỗi ngày) để sản xuất. Và từ nay đến cuối năm sẽ đầu tư thêm 10 lò đốt để nâng công suất đốt ni lông lên 75 tấn/ngày.
Đến lúc đó, ngoài lượng ni lông tươi được sử dụng làm nguyên liệu phục vụ sản xuất, công ty sẽ đề xuất thành phố cho phép dỡ lại những bãi chôn lấp rác đã đóng cửa tiếp nhận như bãi chôn lấp rác Gò Cát và Đông Thạnh để lấy lại ni lông xử lý.
Có thể nói, việc đưa vào ứng dụng sản xuất thành công ni lông thành dầu FO đã mở ra hướng mới trong hoạt động xử lý rác thải. Theo đó, lượng rác thải được tái chế thành sản phẩm thân thiện với môi trường tăng lên, lượng rác chôn lấp giảm đi. Và quan trọng hơn, về lâu dài giúp cải thiện chất lượng môi trường khu vực xung quanh bãi chôn lấp rác vốn đang bị ô nhiễm nghiêm trọng do phát sinh từ hoạt động chôn lấp rác kéo dài của thành phố.
Bình luận hay