![]() |
Thí sinh nộp hồ sơ xét tuyển NV2 tại Trường ĐH Sài Gòn ngày 26-8 - Ảnh: NHƯ HÙNG |
Sáng 25-8, khá nhiều thí sinh có nguyện vọng (NV) 2 vào bậc CĐ đến Trường ĐH Sài Gòn thắc mắc về giấy chứng nhận kết quả mà họ nhận được. Thí sinh Nguyễn Văn Dương, dự thi ĐH khối C được 14,5 điểm nhưng có NV1 vào học bậc CĐ. Tuy nhiên, Dương không thấy trường gửi giấy báo trúng tuyển mà chỉ gửi hai giấy chứng nhận kết quả tuyển sinh để xét NV2, 3. “Có phải em đã rớt NV1?” - thí sinh này băn khoăn.
Giới hạn NV2
Ngày hội xét tuyển nguyện vọng 2 Từ 8g ngày 28-8, báo Người Lao Động sẽ phối hợp với Đài truyền hình TP.HCM tổ chức ngày hội “Xét tuyển nguyện vọng 2” tại Cung văn hóa Lao động TP.HCM (55B Nguyễn Thị Minh Khai, Q.3). Ngày hội là nơi để các trường ĐH, CĐ cung cấp thông tin tuyển sinh nguyện vọng 2, 3 và các thông tin khác đến phụ huynh, học sinh. |
Ông Huỳnh Tổ Hạp - phó trưởng phòng đào tạo nhà trường - cho biết: “Để tạo điều kiện cho thí sinh, trường vẫn xét tuyển thí sinh có NV1 vào bậc CĐ như những thí sinh đăng ký xét tuyển NV2, đồng thời cấp giấy chứng nhận tuyển sinh để các em có thể xét tuyển vào trường khác”.
Một phụ huynh có con thi được 10,5 điểm vào bậc CĐ ngành quản trị kinh doanh không đồng tình: “Như vậy là không công bằng, lẽ ra trường phải ưu tiên xét tuyển thí sinh có NV1 trước chứ nhập chung như thế thì đâu còn ý nghĩa NV1, 2”.
Trong khi đó, thí sinh Nguyễn Thanh Hải thi ĐH khối A được 19,5 điểm. Với số điểm này Hải đủ điều kiện đăng ký xét tuyển NV2 vào Trường ĐH Ngân hàng TP.HCM. Thế nhưng, khi đến trường nộp hồ sơ, trường cho biết chỉ xét NV2 những thí sinh đã dự thi vào trường. Đây không phải là năm đầu tiên Trường ĐH Ngân hàng TP.HCM giới hạn đối tượng xét tuyển NV2.
TS Phan Ngọc Minh - trưởng phòng đào tạo Trường ĐH Ngân hàng TP.HCM - giải thích: “Điểm sàn xét tuyển NV2 vào trường khá cao, kể cả bậc CĐ, nên nếu xét NV2 rộng rãi, nhiều thí sinh sẽ nộp và khả năng không trúng tuyển rất lớn, trong khi xét vào trường khác khả năng trúng tuyển không hề nhỏ. Hơn nữa, trường cũng áp dụng chính sách ưu tiên cho những thí sinh thiết tha học tại trường ngay từ đầu. Với những thí sinh không thi vào trường điều đó có vẻ không công bằng, nhưng với những thí sinh dự thi vào trường là điều công bằng”.
Đồng tiền lấy trước
Đáng chú ý nhất trong hoạt động xét tuyển NV2 năm nay vẫn là cách làm một mình một cõi của Trường ĐH Hồng Bàng. Trong ngày 25-8, nhiều thí sinh và phụ huynh đến nộp hồ sơ xét tuyển NV2 tại Trường ĐH Hồng Bàng tỏ ra ngạc nhiên và không biết mình có trúng tuyển hay chưa. Các thí sinh đến nộp hồ sơ xét tuyển NV2 được Trường ĐH Hồng Bàng phát kèm một “Thư báo trúng tuyển ĐH chính quy” có chữ ký của hiệu trưởng Nguyễn Mạnh Hùng và được đóng dấu đỏ hẳn hoi.
Thư báo có nội dung: “...Thí sinh nêu trên đã được xét trúng tuyển vào hệ đại học chính quy của Trường ĐH Quốc tế Hồng Bàng niên khóa 2010-2011” (?) Thư báo này còn đề nghị “nhận được thư báo này thí sinh chọn một trong số các ngành cùng khối thi và cầm giấy chứng nhận kết quả tuyển sinh 2010 đến văn phòng ban tuyển sinh của trường để làm thủ tục nhập học. Mức học phí 9.980.000-14.980.000 đồng/năm tùy ngành nghề”.
Tuy nhiên, điều rất lạ là trong thư báo này không hề ghi các thông tin như tên tuổi, địa chỉ, điểm thi... của thí sinh mà bỏ trống để thí sinh tự ghi vào. Chẳng những vậy, đối với các thí sinh cho dù đã trúng tuyển NV1 nhưng sau khi đóng học phí mới được nhận “giấy báo trúng tuyển chính thức” của trường.
Thí sinh cũng lắm “chiêu” Trưởng phòng đào tạo một trường ĐH cho biết dù đã lường trước nhưng vẫn khó tránh khỏi việc thí sinh gian lận khi xét tuyển NV2. Có thí sinh đến xin cấp lại giấy chứng nhận kết quả tuyển sinh vì đã bị mất. Trường hợp này trường phải cấp lại với điều kiện phải có xác nhận “chưa nhận được” của nơi nhận hồ sơ. Nhưng việc “bỏ nhỏ” để xác nhận việc này đâu khó khăn gì. Một chuyên viên phòng đào tạo Trường ĐH Kinh tế TP.HCM cho biết vừa gửi giấy chứng nhận kết quả tuyển sinh chiều hôm trước, sáng hôm sau đã có phụ huynh đến xin cấp lại giấy chứng nhận mới với lý do bị mất kèm xác nhận của công an địa phương! Một kiểu gian lận tinh vi nữa là đăng ký xét tuyển khống. Thí sinh đủ điều kiện về điểm xét tuyển của các trường gửi hồ sơ xét tuyển bằng đường bưu điện về nhiều trường khác nhau, trong thư là tờ giấy trắng, không ghi bất kỳ thông tin nào. Đến khi các trường công bố điểm chuẩn, danh sách trúng tuyển sẽ không có thí sinh này (vì không có hồ sơ). Lúc này thí sinh mới đi kiện trường tại sao không xét trúng tuyển bởi điểm thi đủ điểm chuẩn. Thí sinh trưng ra biên nhận của bưu điện là đã gửi hồ sơ về trường và đổ cho trường làm mất hồ sơ! “Biết thí sinh gian lận nhưng phải xét trúng tuyển bởi trường cũng không muốn làm ầm ĩ” - trưởng phòng đào tạo một trường ĐH nói. |
Bình luận hay