![]() |
Các diễn viên dùng tre để múa, đi lại, nhào lộn - Ảnh: Nguyễn Duy Chân |
Vé xem 11 chương trình tại Pháp đã bán hết Chuyến lưu diễn của vở xiếc Làng tôi bắt đầu tại Pháp từ tháng 6-2009. Theo ông Jean Luc Larguier - giám đốc Hội đoàn Sân khấu địa cầu Pháp, điểm đến đầu tiên của đoàn sau khi đặt chân đến Pháp là 11 buổi diễn tại Bảo tàng Quai Branly dưới chân tháp Eiffel - địa điểm chỉ dành cho những chương trình nghệ thuật đặc biệt. 11 suất diễn này được Chính phủ Pháp tài trợ giá vé. Đến nay, vé xem chương trình năm 2009 đã được các nhà tổ chức biểu diễn Pháp bán hết. Bỉ, Anh, Đức, Mỹ... sẽ là những điểm đến tiếp theo của Làng tôi sau Pháp. |
Làng tôi được Liên đoàn Xiếc VN dàn dựng và công diễn lần đầu tiên tháng 8-2005 tại rạp xiếc trung ương. Tuy chưa thật thành công nhưng vở xiếc đã tạo được ấn tượng khác biệt với công chúng. Đó là vì lần đầu tiên nghệ thuật xiếc kết hợp cùng âm nhạc dân tộc phối khí theo lối đương đại, nghệ thuật sắp đặt, nghệ thuật hình thể cùng với việc đem lên sân khấu xiếc những đạo cụ lạ mắt như tre nứa, rơm rạ và được đặt trong một vở kịch có nội dung cụ thể.
Nối tiếp thành công ấy, Liên đoàn Xiếc VN và Hội đoàn Scène de la Terre quyết định cùng đầu tư sản xuất phiên bản mới của chương trình này với sự tham gia của 19 nghệ sĩ. Đây được xem như một tác phẩm nghệ thuật tổng hợp, trong đó xiếc là chủ đạo.
Ngôn ngữ chính: cây tre VN!
Từng động tác, di chuyển nhằm làm nổi bật lên bức tranh làng quê VN với những trò xiếc mô phỏng trò chơi dân gian như đá cầu, chơi chuyền, tát nước, đánh đu...; do đó ở phiên bản này thay vì quá tập trung vào đạo cụ rườm rà, thì cây tre VN được chọn làm ngôn ngữ chính thể hiện tác phẩm. Các diễn viên dùng tre để múa, đi lại, lộn nhào trên thân tre, tung hứng bằng rổ rá tre, thậm chí sân khấu cũng dùng mành tre làm nền, hay phần nhạc của tác phẩm cũng từ đàn môi được làm bằng chất liệu tre.
Ý tưởng ra đời Làng tôi nảy nở cách đây năm năm khi ba người Việt sống xa xứ: đạo diễn Tuấn Anh (Đức), nhạc sĩ Nhất Lý (Pháp) và giáo viên xiếc Nguyễn Lân (Pháp) cùng bắt tay soạn thảo một dự án trao đổi văn hóa Pháp - Việt. Sau lần công diễn đầu tiên năm 2005, cũng êkip ấy lại suy tư, trăn trở để làm sao đứa con tinh thần của mình sinh ra mà không bị xếp vào kho như nhiều tác phẩm xiếc nội địa khác. Vậy là họ lao vào chỉnh sửa Làng tôi, hoàn chỉnh những sai sót của phiên bản cũ, ra mắt phiên bản mới với 19 nghệ sĩ thay vì 80 người như ban đầu.
Hạnh phúc hơn, họ đã thuyết phục được Hội đoàn Sân khấu địa cầu Pháp đầu tư để đứa con của mình được “xuất khẩu”, không chỉ một lần mà là liên tục trong vòng ba năm ở nhiều nước châu Âu cùng nhiều quốc gia khác.
![]() |
Vở xiếc Làng tôi - Ảnh: Liên đoàn Xiếc VN cung cấp |
Có thể hơn 3 năm
Đạo diễn và 14 diễn viên - phần lớn là những gương mặt trẻ ưu tú của Liên đoàn Xiếc VN, cùng với năm nhạc công đã lao động cật lực gần một năm trời. Vở được chăm chút từ trang phục, ánh sáng, nét mặt, động tác sao cho chuyên nghiệp, thậm chí đến từng cây tre cũng được xử lý hóa chất để có thể sử dụng tốt trong nhiều năm.
Với quan điểm làm việc hiện đại, đạo diễn Tuấn Anh khai thác tối đa tính sáng tạo của từng thành viên trong nhóm: “Tôi chỉ là người đưa ra ý tưởng, còn các diễn viên sẽ tự đưa ra quan điểm, cách làm của mình dựa trên cách tư duy, trí tưởng tượng, cảm xúc riêng. Từ đó tôi mới “nhặt” các chất liệu để dàn dựng chương trình. Dàn nhạc cũng vậy. Nhạc công xem diễn viên diễn mà chơi theo và diễn viên cũng theo tiếng nhạc để diễn”. Cũng theo đạo diễn Tuấn Anh, với cách làm mới này, ban đầu các nghệ sĩ bỡ ngỡ nhưng sau đó bắt nhịp và sáng tạo rất nhanh.
Người xem có quyền hi vọng vào chất lượng của Làng tôi, bởi để được một tổ chức uy tín như Hội đoàn Scène de la Terre đứng ra đầu tư, tổ chức biểu diễn không phải đơn giản nếu họ không nhìn thấy lợi nhuận cầm chắc mà vở diễn đem lại. Đạo diễn Tuấn Anh tin rằng nếu vở xiếc gây tiếng vang ở nước ngoài, con số ba năm lưu diễn có thể sẽ không dừng lại.
Bình luận hay