14/07/2015 10:12 GMT+7

Vĩnh biệt một người thầy sân khấu

LÊ CHÍ TRUNG
LÊ CHÍ TRUNG

TT - “Ông đã viên mãn đi qua cuộc đời này với bao đóng góp cho đời, với một nhân cách lớn của một nhà văn hóa” - NSƯT Chí Trung viết tiễn biệt NSND Đình Quang...

GS.TS.NSND Đình Quang và NSƯT Mỹ Uyên vào tháng 1-2015 - Ảnh: NVCC

Cách đây hơn một tháng ông còn thao thao bất tuyệt, say sưa giảng bài cho trại sáng tác kịch bản sân khấu Việt Nam.

NSƯT Lê Chức - phó chủ tịch Hội Nghệ sĩ sân khấu - đứng lên giới thiệu về ông ngắn gọn: “Thầy Đình Quang là thầy của các thầy trên sân khấu Việt Nam hôm nay”.

Nhiều thế hệ học trò cưng của ông như NSND Doãn Hoàng Giang, NSND Đoàn Dũng, NSND Thế Anh, NSND Doãn Châu... được giới phê bình và đồng nghiệp tôn vinh là những cây “đại thụ”, vẫn luôn thành tâm, thành kính khi nhắc về ông - một học giả, một người nghệ sĩ tài hoa và một nhân cách văn hóa lớn.

Ở tuổi 87, ông cũng là một người “cổ lai hi” trí tuệ, khi hai giờ nói chuyện vo trước các nhà viết kịch không sai sót từng dấu chấm phẩy, cập nhật chuyện nghề, chuyện thế sự uyên bác, thâm trầm... Cái trí tuệ vượt qua quá trình lão hóa ấy là nhờ ông không ngừng đọc, học hỏi, làm việc.

Theo thông tin từ gia đình NSND Đình Quang, tang lễ của ông sẽ được tổ chức vào ngày 16-7, tức ngày 1 tháng 6 âm lịch tại nhà tang lễ Bộ Quốc phòng (số 5 Trần Thánh Tông, Hà Nội). 

Lễ viếng bắt đầu từ 7g30 - 9g30. Cùng ngày, linh cữu của NSND Đình Quang được đưa đến yên nghỉ tại công viên nghĩa trang Lạc Hồng Viên, Hòa Bình. (Đ. Triết)

Ông dành hết tâm huyết cho nghề và tập sống rũ bỏ thói tham, sân, si có thể làm mờ đi tâm trí của một nhà văn hóa lớn. Ông hay bảo tôi: “Tớ thích sống với bọn trẻ. Và điều lớn nhất của tớ đó là nghề và quê hương...”.

Những năm cuối đời ông in tập Tạp bút, có viết tặng vợ chồng tôi một quyển. Mấy ngày sau, ông điện thoại hỏi: “Mày thấy thế nào?”. Tôi nói với ông: “Bài Quê tổ bố viết hay nhất. Bởi đó là tâm hồn của bố vượt lên câu chữ một nhà lý luận...”.

Thế hệ của ông có rất nhiều văn nghệ sĩ đa tài. Ông vừa là nhà nghiên cứu lý luận sân khấu hàng đầu, hiệu trưởng Trường Sân khấu - điện ảnh Việt Nam những năm đầu thành lập, một đạo diễn tài hoa với những tác phẩm để đời, một nhà quản lý thời thăng hoa của sân khấu Việt Nam...

Mà cốt cách văn hóa của ông suốt bao năm không thay đổi, vẫn nghiêm cẩn rành rẽ từng nghề khác nhau, vẫn hóm hỉnh vui đùa trong từng câu chuyện, vẫn đau đáu chuyện thế nhân... Chính vì thế, vì hiểu ông, tôi cảm nhận tâm hồn ông vượt lên trên tất cả.

Một lần ông rỉ tai tôi: “Sao nhiều thằng sống chẳng ra gì lại hay bốc phét...”. Tôi chọc: “Vậy đời bố có bao nhiêu lần không nói thật?”. Ông chuyển ngay tông giọng: “Đời tao làm lý luận, có thể sai nhưng không bốc phét, đám nhà văn chúng mày mới hay bốc phét”.

Vậy mà lát sau ông chùng xuống: “Đúng là sống thật và chỉ nói ra sự thật chính là nhân cách người làm văn hóa”. Con người ông là như vậy. Trăn trở cả đời để sống ngay thẳng với chính lòng mình.

Cũng như ông từng nói với tôi: “Tao gốc người Công giáo đi theo cách mạng, có những thời kỳ cũng lắm gian nan... Nhưng chữ Đạo Đời, nếu mình giữ trọn thì không phải ân hận về mình”.

Nghe tin ông mất, tôi không quá buồn. Bởi ông đã viên mãn đi qua cuộc đời này với bao đóng góp cho đời, với một nhân cách lớn của một nhà văn hóa.

Thật ra hai chữ phù du chỉ nên dành cho những ai không bao giờ biết sống cho người khác. Tên tuổi Đình Quang vẫn sống mãi, như bao nghệ sĩ tài hoa trong lòng sân khấu Việt Nam.

Sáng sớm ngủ dậy, khi vừa nhận điện thoại báo tin ông mất, tôi nói với anh Doãn Hoàng Giang, anh có bài vè nào vui vui về ông Quang không?

Bởi chắc ít ai biết anh Giang là đệ tử tài hoa dòng thơ châm biếm Bút tre... Anh Giang đọc: “Chưa có ghế anh trồng Bạch Đàn Liễu cho Quê hương Việt Nam. Giữa buổi Tàn đêm, Đất ngọt vẫn ngọt ngào qua từng cơn Bão biển. Xóm vắng đìu hiu Đêm giông tố vẫn êm đềm.

Có ghế ngồi anh mắc liền Bệnh sĩ, Quên Cố nhân khi Tuổi hai mươi. Mượn Người tốt ở Tứ Xuyên làm Chứng nhân lịch sử. Nhưng người tốt ở đâu chỉ mơ ước Hão huyền...”.

Những chữ in đậm là tên các tác phẩm mang dấu ấn sân khấu một thời của đạo diễn, NSND Đình Quang... Dân nghệ sĩ chúng tôi hay cợt đùa tếu táo, mua vui cho đời một vài trống canh, kể cả trong nỗi buồn như thế đấy.

NSƯT Mỹ Uyên: Người thầy, người bố đáng kính của tôi

Lần đầu tôi gặp thầy Đình Quang là ở Liên hoan đạo diễn sân khấu trẻ toàn quốc 2007, chú Lê Duy Hạnh (chủ tịch Hội Sân khấu TP.HCM) có giới thiệu tôi với thầy.

Lúc đó, thầy chỉ nhìn tôi thật lâu mà không nói gì. Đến ba ngày sau, được đi ăn cơm với thầy, thầy mới hỏi: “Thế năm nay ba mẹ con bao nhiêu tuổi rồi?”. Tôi nói: “Dạ, ba mẹ chết lâu rồi thầy ạ!”.

Thầy nhìn tôi thật lâu và im lặng. Thầy bỏ đũa xuống, không ăn nữa, mà uống rượu. Rồi ngạc nhiên là tôi thấy thầy khóc. Thầy nói: “Ba mẹ mất mà nói nhẹ nhàng thế à?”. Tôi trả lời: “Dạ, tại con cố gắng tập cứng như vậy lâu rồi thầy ơi!”.

Thầy lại khóc, rồi dặn: “Không nhé! Dù thế nào mình cũng là phái yếu nhé con!”. Như thế, rồi thầy quay qua ôm siết tôi, vẫn khóc. Thầy nói: “Hay con làm con gái nuôi của thầy, để thầy về nói lại với cô...!”.

Từ đó, có chuyến ra Hà Nội nào tôi cũng cố gắng đến thăm thầy. Hay mỗi lần thầy vô Sài Gòn tôi đều đến thăm, dù bận bịu thế nào.

Thầy hay... cho tiền tôi. Đó là những lúc ông đi đâu đó về, có phong bì, liền dúi vào tay tôi. Tôi nói: “Bố ơi, con có tiền mà...”. Nhưng tôi không cầm là ông giận.

Anh Giang (NSND Doãn Hoàng Giang - PV) chứng kiến nhiều lần cứ khua tay: “Ôi, em lấy đi. Bố có tiền. Bố không sống bằng tiền ấy đâu mà lo”.

Lần sau cùng tôi gặp thầy là hồi tháng 1-2015, được đi ăn sáng chung với ông và chụp hình kỷ niệm với ông. Khi hay tin thầy nhập viện ở Đà Nẵng, tôi gọi điện cho người trong gia đình hỏi thăm. Nhưng không ai ngờ tin buồn đến nhanh như vậy.

Sáng 13-7, khi nghe tin thầy mất, anh Đoàn Dũng (NSND Đoàn Dũng) cứ ôm tôi mà khóc. Mọi người thương thầy lắm. Tôi cũng khóc thương cho một người thầy, người bố đáng kính của tôi!”.

QUANG THI ghi

Theo thông tin từ Hội Nghệ sĩ sân khấu Việt Nam, GS.TS.NSND Đình Quang (tên thật là Nguyễn Đình Quang) đã qua đời tại Bệnh viện Đà Nẵng lúc 23g30 ngày 12-7.

Trước đó, ông vào Đà Nẵng và bị ốm rồi điều trị ở Bệnh viện Đà Nẵng. Hiện gia đình đã đưa thi hài ông ra Hà Nội và quàn tại nhà tang lễ Bộ Quốc phòng.

NSND Đình Quang sinh năm 1928 tại Hà Nội. Ông được đào tạo bài bản về sân khấu tại Học viện Hý kịch trung ương Bắc Kinh, sau đó ông tiếp tục tu nghiệp và nhận bằng tiến sĩ ở Đại học Humboldt, Berlin.

GS.TS Đình Quang được học trò kính trọng, gọi là người “năm trong một”: nhà sư phạm, nhà lý luận, nhà văn hóa, nghệ sĩ với hàng chục vở diễn và là nhà quản lý với chức vụ thứ trưởng Bộ Văn hóa trong giai đoạn đất nước bắt đầu tiến hành công cuộc đổi mới.

Ngoài ra, ông còn là nghệ sĩ ngâm thơ, là nhà văn với những kịch bản, truyện ngắn, bút ký... NSND Đình Quang đã được Nhà nước trao tặng Giải thưởng Hồ Chí Minh về văn học nghệ thuật năm 2007.

ĐỨC TRIẾT

LÊ CHÍ TRUNG

Bình luận hay

Chia sẻ

Tuổi Trẻ Online Newsletters

Đăng ký ngay để nhận gói tin tức mới

Tuổi Trẻ Online sẽ gởi đến bạn những tin tức nổi bật nhất

Bình luận (0)
Tối đa: 1500 ký tự

Tin cùng chuyên mục

Tranh đá 7.000 năm tuổi về săn cá voi của Hàn Quốc được công nhận là Di sản thế giới

Hai bức tranh khắc trên đá thời tiền sử có niên đại 7.000 năm ở mũi Đông Nam của Hàn Quốc đã được UNESCO công nhận là Di sản thế giới.

Tranh đá 7.000 năm tuổi về săn cá voi của Hàn Quốc được công nhận là Di sản thế giới

Những cô đào xuất sắc đời thứ năm gia tộc Minh Tơ - Thanh Tòng

Năm 2025 kỷ niệm 100 năm gia tộc hát bội - cải lương tuồng cổ Vĩnh Xuân - bầu Thắng - Minh Tơ - Thanh Tòng theo nghề hát.

Những cô đào xuất sắc đời thứ năm gia tộc Minh Tơ - Thanh Tòng

Quần thể Yên Tử - Vĩnh Nghiêm - Côn Sơn, Kiếp Bạc trở thành Di sản văn hóa thế giới

Quần thể di tích và danh thắng Yên Tử - Vĩnh Nghiêm - Côn Sơn, Kiếp Bạc được công nhận là Di sản văn hóa thế giới vào ngày 12-7, tại kỳ họp lần thứ 47 của UNESCO diễn ra từ ngày 6 đến 16-7 ở Paris, Pháp.

Quần thể Yên Tử - Vĩnh Nghiêm - Côn Sơn, Kiếp Bạc trở thành Di sản văn hóa thế giới

Di tích liên quan chế độ diệt chủng Pol Pot ở Campuchia thành di sản văn hóa thế giới

Bảo tàng diệt chủng Tuol Sleng (S21), Cánh đồng chết Choeung Ek và Nhà tù M13 cũ của Campuchia chính thức được công nhận là di sản văn hóa thế giới tại kỳ họp thứ 47 của UNESCO.

Di tích liên quan chế độ diệt chủng Pol Pot ở Campuchia thành di sản văn hóa thế giới

30 máy bay sẽ bay chào mừng diễu binh dịp Quốc khánh

Theo kế hoạch, 9 tốp bay với 30 máy bay sẽ có màn bay chào mừng trong lễ kỷ niệm 80 năm Cách mạng Tháng Tám thành công và Quốc khánh 2-9 (A80).

30 máy bay sẽ bay chào mừng diễu binh dịp Quốc khánh

Hoài Linh sẽ diễn trên Sân khấu Mới, vai ông già Nam Bộ từ truyện Nguyễn Ngọc Tư

Vào đầu tháng 8, một sân khấu mới tinh sẽ ra mắt tại TP.HCM. Vở diễn đầu tiên sẽ có sự góp mặt của nghệ sĩ Hoài Linh.

Hoài Linh sẽ diễn trên Sân khấu Mới, vai ông già Nam Bộ từ truyện Nguyễn Ngọc Tư
Tất cả bình luận (0)
Ý kiến của bạn sẽ được biên tập trước khi đăng, xin vui lòng viết bằng tiếng Việt có dấu.
Được quan tâm nhất
Mới nhất
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đâu tiên bình luận về bài viết.
Tối đa: 1500 ký tự
Avatar
Đăng ký bằng email
Khi bấm "Đăng ký" đồng thời bạn đã đồng ý với điều khoản của toà soạn Đăng ký
Đăng nhập
Thông tin bạn đọc Thông tin của bạn đọc sẽ được bảo mật an toàn và chỉ sử dụng trong trường hợp toà soạn cần thiết để liên lạc với bạn.
Gửi bình luận
Đóng
Hoàn thành
Đóng

Bình luận (0)
Tối đa: 1500 ký tự
Tất cả bình luận (0)
Ý kiến của bạn sẽ được biên tập trước khi đăng, xin vui lòng viết bằng tiếng Việt có dấu.
Được quan tâm nhất
Mới nhất
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đâu tiên bình luận về bài viết.
Tối đa: 1500 ký tự
Avatar