
Thủ tướng Phạm Minh Chính và Thủ tướng Malaysia Anwar Ibrahim tại cuộc gặp gỡ báo chí chung ngày 25-5 - Ảnh: VGP
Việc Malaysia trở thành quốc gia đầu tiên trong ASEAN thiết lập Đối tác chiến lược toàn diện với Việt Nam không phải ngẫu nhiên. Trong một cuộc phỏng vấn với Tuổi Trẻ, Thủ tướng Malaysia Anwar Ibrahim tiết lộ nước này đã chuẩn bị cho chuyến thăm của Thủ tướng Phạm Minh Chính từ nhiều tháng trước khi diễn ra.
Với vai trò tiên phong nâng cấp quan hệ khu vực, Malaysia đã đưa ra nhiều đề xuất và đạt được những thỏa thuận quan trọng với Việt Nam, đặc biệt là dự án kết nối lưới điện với đường cáp ngầm truyền tải xuyên biên giới.
Thỏa thuận đột phá nhiều lĩnh vực
Ngày 25-5 tại Malaysia, sau lễ đón chính thức, hai Thủ tướng đã có cuộc hội đàm thành công. Mức độ tin cậy và sự lạc quan về hợp tác song phương được thể hiện rõ trong cuộc gặp gỡ báo chí chung sau đó.
Nhà lãnh đạo Malaysia bày tỏ tình cảm ngưỡng mộ đối với cuộc đấu tranh anh dũng và tương lai phát triển của Việt Nam: "Về mặt cá nhân, tôi vui mừng đón tiếp ngài như một người bạn cũng như chúng tôi coi Việt Nam là người bạn rất thân thiết với Malaysia".
Thủ tướng Malaysia đặc biệt đánh giá cao thỏa thuận hợp tác lưới điện với đường dây cáp ngầm truyền tải từ Việt Nam tới Malaysia.
Ông khẳng định đây sẽ là dự án lớn minh chứng sự thành công của ASEAN và hợp tác song phương, giúp hiện thực hóa chính sách chuyển dịch năng lượng, phát triển năng lượng tái tạo của hai nước và cả khu vực.
Đáp lại, Thủ tướng Phạm Minh Chính khẳng định quan hệ Việt Nam - Malaysia đã trở thành hình mẫu hợp tác khu vực "bền về chính trị, mạnh về kinh tế, sâu sắc về văn hóa và rộng về tầm nhìn; nhìn xa trông rộng, nghĩ sâu làm lớn". Mối quan hệ này sẽ đóng góp thiết thực vào lợi ích chung và vì hòa bình, ổn định của khu vực.
Theo thông tin từ Bộ Ngoại giao, hai Thủ tướng nhất trí thành lập cơ chế trao đổi thường niên linh hoạt giữa lãnh đạo cấp cao.
Về thương mại, hai bên thống nhất hạn chế rào cản thương mại và tiến tới kim ngạch 20 tỉ USD vào năm 2030 theo hướng cân bằng, đồng thời mở rộng hợp tác kinh tế số, kinh tế tuần hoàn và kinh tế xanh.
Thủ tướng Phạm Minh Chính khẳng định Việt Nam sẵn sàng cung cấp nguồn gạo ổn định lâu dài cho Malaysia, đồng thời đề nghị Malaysia hỗ trợ Việt Nam phát triển ngành công nghiệp Halal và sớm ký văn kiện hợp tác trong lĩnh vực này.
Hai bên cũng nhất trí tăng cường hợp tác quốc phòng - an ninh, thúc đẩy ký kết các văn kiện liên quan; trao đổi về thúc đẩy hợp tác công nghiệp quốc phòng, đào tạo; thiết lập cơ chế hợp tác giữa lực lượng hải quân, không quân, cảnh sát biển.
Đáng chú ý, hai nhà lãnh đạo nhấn mạnh tầm quan trọng hợp tác biển và đại dương, nhất trí xem xét thành lập cơ chế tham vấn về các vấn đề trên biển và thiết lập đường dây nóng chống khai thác hải sản bất hợp pháp, không khai báo và không theo quy định (IUU).
Hai nước cũng sẽ tiếp tục thúc đẩy hợp tác trong các lĩnh vực khác, bao gồm xem xét sớm ký mới các hiệp định hợp tác hàng không và du lịch, tăng cường tần suất chuyến bay cũng như đẩy mạnh hợp tác giáo dục - đào tạo, lao động, nông nghiệp, văn hóa, thể thao.
Dẫn dắt tầm nhìn khu vực
Việc nâng cấp quan hệ Việt Nam - Malaysia phản ánh mức độ tin tưởng cao song phương, đồng thời thể hiện nhu cầu củng cố quan hệ với các đối tác "sát sườn" trong bối cảnh thế giới hiện tại.
Việt Nam, từ chỗ là nước gia nhập ASEAN sau, đang cho thấy vai trò ngày càng quan trọng và đi đầu trong các công việc chung của khu vực. Hợp tác lưới điện Việt Nam - Malaysia được xem là một phần nỗ lực hiện thực hóa sáng kiến Mạng lưới điện ASEAN (APG).
Về mặt chính trị, việc Hà Nội ủng hộ sáng kiến này là động thái thiện chí bởi APG là một trong những trọng tâm thúc đẩy của Thủ tướng Malaysia trong năm nước này làm chủ tịch ASEAN.
Về mặt thực tiễn, hợp tác này hứa hẹn đem lại lợi ích cho Việt Nam sau khi dự án xuất khẩu điện gió ngoài khơi sang Singapore đã có tiến triển khả quan.
Nhà nghiên cứu Mirza Sadaqat Huda (Viện ISEAS - Yusof Ishak, Singapore) nhận định: "Việc hiện thực hóa sáng kiến này sẽ tạo điều kiện thuận lợi cho việc buôn bán năng lượng, tăng cường phát triển kinh tế, tăng khả năng tiếp cận điện và nâng cao tính ổn định hệ thống năng lượng".
Việt Nam hiện đại hóa mạng lưới truyền tải điện không chỉ góp phần tích cực vào hiệu quả APG mà còn đóng góp cho nỗ lực chống biến đổi khí hậu, chuyển đổi năng lượng khu vực.
Giáo sư Datuk Awang Azman Awang Pawi (Đại học Malaya) cho rằng Malaysia và Việt Nam cần dẫn đầu trong các mục tiêu phát triển bền vững, thúc đẩy quá trình chuyển đổi xanh ASEAN thông qua các dự án thí điểm chung và sáng kiến mang tầm khu vực.
Sáng kiến Mạng lưới điện ASEAN
Mạng lưới điện ASEAN (ASEAN Power Grid - APG) là sáng kiến kết nối hệ thống điện các nước thành viên nhằm tối ưu hóa tài nguyên năng lượng khu vực.
Dự án tích hợp điện Lào - Thái Lan - Malaysia - Singapore (LTMS-PIP) triển khai thành công năm 2022 đã khởi động xu hướng kết nối xuyên biên giới.
Việt Nam gia nhập với dự án xuất khẩu điện gió ngoài khơi sang Singapore năm 2023, tiếp theo là thỏa thuận kết nối lưới điện với Malaysia.
APG được kỳ vọng sẽ tăng cường an ninh năng lượng, thúc đẩy phát triển năng lượng tái tạo và hỗ trợ mục tiêu chuyển đổi xanh của ASEAN.
Bình luận hay