27/01/2019 11:13 GMT+7
Trở lại chủ đề

Venezuela làm nóng Liên Hiệp Quốc

BÌNH AN
BÌNH AN

TTO - Tình hình Venezuela tiếp tục nóng lên khi Mỹ, Nga và các nước với lập trường khác nhau có cuộc chạm mặt tại Hội đồng Bảo an Liên Hiệp Quốc.

Venezuela làm nóng Liên Hiệp Quốc - Ảnh 1.

Tổng thống Venezuela Nicolas Maduro trong cuộc họp báo tại Caracas ngày 25-1 - Ảnh: Reuters

Mỹ đề nghị Hội đồng Bảo an Liên Hiệp Quốc (LHQ) tổ chức cuộc họp khẩn trong ngày 26-1 (giờ Mỹ) về cuộc tại đã leo thang mạnh mẽ, khi Chủ tịch Quốc hội Venezuela đồng thời là lãnh đạo phe đối lập mới nổi Juan Guaido, hôm 23-1, tự phong là "tổng thống lâm thời" của nước này.

Thế đối đầu tại LHQ

Ngoại trưởng Mỹ Mike Pompeo, Ngoại trưởng Venezuela Jorge Arreaza cùng người đồng cấp các nước khác dự kiến có bài phát biểu tại cơ quan gồm 15 thành viên.

Để chuẩn bị cho cuộc họp quan trọng này, Ngoại trưởng Mỹ Mike Pompeo đã chỉ định nhà ngoại giao Elliott Abrams làm đặc phái viên cho tiến trình "khôi phục dân chủ" tại Venezuela.

Các nguồn tin cho biết ông Abrams, cựu phó cố vấn an ninh quốc gia Mỹ dưới thời tổng thống George W. Bush, có thể sẽ thực hiện chuyến công du tới các nước trong khu vực Mỹ Latin để thúc đẩy sự ủng hộ đối với lãnh đạo phe đối lập Guaido.

Trước cuộc họp, Mỹ đã phát hành một bản dự thảo tuyên bố với nội dung: "Vì điều kiện ở Venezuela tiếp tục xấu đi, Hội đồng Bảo an bày tỏ sự ủng hộ hoàn toàn đối với quốc hội, cơ quan duy nhất được bầu cử dân chủ của Venezuela".

Theo Reuters, nếu các thành viên Hội đồng Bảo an ủng hộ tuyên bố này, điều đó đồng nghĩa cơ quan này sẽ công nhận ông Guaido là nguyên thủ quốc gia của Venezuela.

Tuy nhiên, đại sứ Nga tại LHQ Vassily Nebenzia khẳng định Matxcơva sẽ phản đối tuyên bố công nhận ông Guaido là "tổng thống lâm thời" của Venezuela. Quyết định của Nga có sức nặng và có tính quyết định, bởi tuyên bố của Hội đồng Bảo an phải nhận được sự đồng thuận của tất cả 5 thành viên thường trực là Mỹ, Nga, Anh, Pháp và Trung Quốc.

Hôm 25-1, Ngoại trưởng Nga Sergey Lavrov lên án chính sách của Washington đối với Venezuela mang tính "phá hoại". Trong khi Mỹ cùng một số quốc gia Mỹ Latin tuyên bố không công nhận ông Nicolas Maduro là tổng thống hợp pháp của Venezuela thì Nga, Trung Quốc, Iran, Cuba, Thổ Nhĩ Kỳ... lại dành sự ủng hộ cho nhà lãnh đạo 56 tuổi.

Trước đó, Cao ủy nhân quyền LHQ Michelle Bachelet đã kêu gọi các nhà lãnh đạo chính trị của Venezuela ngồi xuống đàm phán, trong bối cảnh hơn 3 triệu người đã rời bỏ quốc gia chìm trong khủng hoảng này.

Yếu tố quân đội

Trong khi Tổng thống Nicolas Maduro thúc giục đối thoại thì ông Guaido lại từ chối, đồng thời kêu gọi những người ủng hộ ông thực hiện một cuộc biểu tình lớn vào tuần tới.

Ông Juan Guaido từng nói rằng điều ông cần nhất là sự ủng hộ của 3 nhóm có ảnh hưởng lớn là: người dân Venezuela, cộng đồng quốc tế và quân đội.

Trong khi các cuộc biểu tình đã thu hút hàng chục ngàn người trên đường phố Venezuela và một số quốc gia ủng hộ ông Guaido thì quân đội chính là nhân tố có tính quyết định, theo Đài NBC News.

Sự ủng hộ của quân đội là nền tảng vững chắc đảm bảo ngôi vị tổng thống của ông Maduro vào lúc này.

Trong một động thái nhằm tạo nên sự đoàn kết của người dân cũng như củng cố chiếc ghế của mình, ông Maduro tuyên bố quân đội nước này sẽ tổ chức tập trận quy mô lớn từ ngày 10 đến 15-2 tới, theo Hãng tin Sputnik.

Nhà lãnh đạo Venezuela cho biết trong đợt tập trận này, các binh sĩ Venezuela sẽ đối phó tình huống đẩy lùi một cuộc xâm lược giả định để tăng cường năng lực bảo vệ lãnh thổ và lãnh hải của quốc gia.

"Các lực lượng vũ trang giúp đất nước chúng ta bất khả xâm phạm. Chúng ta phải chuẩn bị để bảo vệ Venezuela trong bất kỳ kịch bản nào!" - Tổng thống Maduro nhấn mạnh.

Trước đó, Bộ trưởng quốc phòng Vladimir Padrino của Venezuela khẳng định ông Maduro chính là lãnh đạo hợp pháp của nước này.

"Chúng tôi sẽ không khuất phục trước sự can dự của nước ngoài, hoặc một chính phủ không được bầu chọn bởi chính người dân" - ông Padrino khẳng định.

Vì đâu nên nỗi?

Từng được xem là quốc gia giàu nhất ở Mỹ Latin với trữ lượng dầu lớn hơn cả Saudi Arabia và Iran, ngày nay Venezuela đang đối mặt với một cuộc khủng hoảng kinh tế và chính trị chưa từng có, mà dễ thấy nhất là tình trạng thiếu lương thực và thuốc men trầm trọng, theo trang Al Jazeera.

Khi ông Maduro lên lãnh đạo Venezuela sau khi tổng thống Hugo Chavez qua đời vào năm 2013, nền kinh tế phụ thuộc vào dầu mỏ của Venezuela vốn đã gặp khó khăn. Các chính sách thất bại của ông Maduro tiếp tục khiến Venezuela lún sâu vào khủng hoảng.

Năm 2018, lạm phát tại Venezuela đã lên tới hơn 1 triệu phần trăm.

Các nhà chỉ trích chính phủ và các thành viên phe đối lập cho rằng nền kinh tế sa sút của Venezuela là kết quả của nhiều năm quản lý kinh tế kém cỏi và tham nhũng.

Còn những người ủng hộ ông Maduro lại cho rằng đó là do giá dầu giảm phi mã và lệnh trừng phạt quốc tế.

Chia sẻ

Tuổi Trẻ Online Newsletters

Đăng ký ngay để nhận gói tin tức mới

Tuổi Trẻ Online sẽ gởi đến bạn những tin tức nổi bật nhất

Tin cùng chuyên mục

Dư luận Hàn Quốc xấu hổ vì hành vi kém văn minh của du khách nước mình

Gần đây, tại các nước như Thái Lan và Việt Nam, một số người Hàn Quốc đã có hành vi thiếu chuẩn mực như đánh nhau tập thể hay hành hung người bản địa, khiến dư luận chỉ trích gay gắt.

Dư luận Hàn Quốc xấu hổ vì hành vi kém văn minh của du khách nước mình

Ông Trump: Anh sẽ chiến đấu vì Mỹ nếu có chiến tranh, đặt dấu hỏi với EU và NATO

Tổng thống Trump tự tin nước Anh sẽ chiến đấu để bảo vệ Mỹ nếu xảy ra chiến tranh, nhưng hoài nghi các nước EU và NATO sẽ làm điều tương tự, viện dẫn đây là lý do ông cân nhắc áp thuế 30% hàng hóa châu Âu.

Ông Trump: Anh sẽ chiến đấu vì Mỹ nếu có chiến tranh, đặt dấu hỏi với EU và NATO

Thủ tướng Ukraine đệ đơn từ chức, chuẩn bị cải tổ nội các quy mô lớn

Thủ tướng Ukraine Denys Shmyhal ngày 15-7 tuyên bố đã đệ đơn từ chức, mở đường cho cuộc cải tổ nội các lớn chưa từng có của quốc gia này kể từ khi xung đột với Nga nổ ra vào tháng 2-2022.

Thủ tướng Ukraine đệ đơn từ chức, chuẩn bị cải tổ nội các quy mô lớn

Châu Âu tranh cãi gay gắt về biện pháp trừng phạt Israel vì chiến sự Gaza

Liên quan đến xung đột Gaza, các nước EU vẫn đang loay hoay tìm kiếm sự đồng thuận tập thể, khi nội bộ khối tiếp tục chia rẽ sâu sắc về các biện pháp trừng phạt Israel.

Châu Âu tranh cãi gay gắt về biện pháp trừng phạt Israel vì chiến sự Gaza

Thượng tướng Nguyễn Văn Hiền tiếp Tư lệnh Hải quân Hoàng gia Thái Lan

Ngày 15-7, Thượng tướng Nguyễn Văn Hiền, thứ trưởng Bộ Quốc phòng, đã có buổi tiếp Đô đốc Jirapol Wongwit, tư lệnh Hải quân Hoàng gia Thái Lan.

Thượng tướng Nguyễn Văn Hiền tiếp Tư lệnh Hải quân Hoàng gia Thái Lan

Nhật Bản lo ngại an ninh bị đe dọa khi Trung Quốc tăng áp lực quân sự

Nhật Bản cảnh báo các hoạt động quân sự ngày càng leo thang của Trung Quốc đang tạo ra mối đe dọa nghiêm trọng chưa từng có đối với an ninh quốc gia, buộc họ phải tăng chi tiêu quốc phòng và củng cố liên minh với Mỹ.

Nhật Bản lo ngại an ninh bị đe dọa khi Trung Quốc tăng áp lực quân sự