18/07/2024 07:03 GMT+7
Trở lại chủ đề

Tuyên bố của Việt Nam về đệ trình thềm lục địa mở rộng ngoài 200 hải lý ở giữa Biển Đông

Tuyên bố nhấn mạnh việc nộp đệ trình nhằm bảo đảm các quyền hợp pháp của Việt Nam đối với phần thềm lục địa mở rộng của Việt Nam tại khu vực giữa Biển Đông, mà Việt Nam hoàn toàn có quyền được hưởng theo Điều 76 UNCLOS.

Toàn cảnh sự kiện ngày 17-7 tại New York (Mỹ) - Ảnh: Bộ Ngoại giao cung cấp

Toàn cảnh sự kiện ngày 17-7 tại New York (Mỹ) - Ảnh: Bộ Ngoại giao cung cấp

Ngày 17-7 giờ địa phương (rạng sáng 18-7 theo giờ Việt Nam), đại diện Bộ Ngoại giao Việt Nam đã trao cho Ủy ban Ranh giới thềm lục địa Liên Hiệp Quốc (CLCS) hồ sơ đệ trình Ranh giới thềm lục địa mở rộng ngoài 200 hải lý của Việt Nam tại khu vực giữa Biển Đông (VNM‑C).

Nhân sự kiện này, Bộ Ngoại giao Việt Nam đã long trọng tuyên bố về sự việc. Tuổi Trẻ Online đăng toàn văn tuyên bố như sau:

1. Là quốc gia lục địa tiếp giáp với Biển Đông và là quốc gia thành viên Công ước Liên Hiệp Quốc về Luật Biển năm 1982 (UNCLOS), căn cứ vào các quy định liên quan của UNCLOS và phù hợp với điều kiện địa lý tự nhiên của mình, Việt Nam có đầy đủ cơ sở pháp lý, khoa học để khẳng định Việt Nam có quyền có thềm lục địa tự nhiên mở rộng ngoài 200 hải lý tính từ đường cơ sở dùng để tính chiều rộng lãnh hải của Việt Nam.

Năm 2009, Việt Nam đã hoàn thành hai đệ trình quốc gia: đệ trình Ranh giới thềm lục địa mở rộng khu vực bắc Biển Đông (VNM‑N), đệ trình Ranh giới thềm lục địa mở rộng khu vực giữa Biển Đông (VNM‑C); đồng thời hợp tác cùng Malaysia xây dựng đệ trình chung Ranh giới thềm lục địa mở rộng đối với khu vực nam Biển Đông.

Tháng 5-2009, Việt Nam đã nộp đệ trình Ranh giới thềm lục địa mở rộng khu vực bắc Biển Đông và cùng với Malaysia nộp đệ trình chung Ranh giới thềm lục địa mở rộng đối với khu vực nam Biển Đông.

Trong công hàm gửi CLCS khi đó, Việt Nam đã khẳng định sẽ nộp đệ trình Ranh giới thềm lục địa mở rộng khu vực giữa Biển Đông vào thời điểm sau (nêu tại công hàm số CLCS.37.2009.LOS ngày 11-5-2009 của Tổng thư ký Liên Hiệp Quốc gửi tất cả các quốc gia thành viên Liên Hiệp Quốc).

Đại sứ Đặng Hoàng Giang, trưởng Phái đoàn Việt Nam tại Liên Hiệp Quốc (trái) và đại diện CLCS - Ảnh: Bộ Ngoại giao cung cấp

Đại sứ Đặng Hoàng Giang, trưởng Phái đoàn Việt Nam tại Liên Hiệp Quốc (trái) và đại diện CLCS - Ảnh: Bộ Ngoại giao cung cấp

2. Sau khi một số quốc gia ven biển liên quan ở Biển Đông đã nộp các đệ trình riêng của mình từ năm 2019 đến nay, việc Việt Nam nộp đệ trình Ranh giới thềm lục địa mở rộng khu vực giữa Biển Đông là nhằm bảo đảm các quyền hợp pháp của Việt Nam đối với phần thềm lục địa mở rộng của Việt Nam tại khu vực giữa Biển Đông mà Việt Nam hoàn toàn có quyền được hưởng phù hợp với Điều 76 của UNCLOS.

Việt Nam khẳng định việc Việt Nam nộp đệ trình tại khu vực giữa Biển Đông không ảnh hưởng đến việc phân định biển giữa Việt Nam với các quốc gia ven biển liên quan ở Biển Đông trên cơ sở UNCLOS.

3. Nhân dịp này, Việt Nam khẳng định lại chủ quyền của Việt Nam đối với hai quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa phù hợp với luật pháp quốc tế và các quyền của Việt Nam đối với các vùng biển của Việt Nam ở Biển Đông được xác lập phù hợp với UNCLOS.

Đồng thời, Việt Nam cam kết sẵn sàng giải quyết và kiểm soát các tranh chấp, bất đồng về chủ quyền lãnh thổ liên quan đến hai quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa và các tranh chấp về phân định biển giữa Việt Nam và các quốc gia ven biển liên quan ở Biển Đông bằng các biện pháp hòa bình, đồng thời cùng các nước trong khu vực và cộng đồng quốc tế duy trì hòa bình, ổn định, an ninh, an toàn, tự do hàng hải, hàng không và phát triển bền vững ở Biển Đông trên cơ sở luật pháp quốc tế, trong đó có UNCLOS.

Việt Nam lên tiếng việc Philippines đăng ký mở rộng thềm lục địa ở Biển Đông

Việt Nam bảo lưu toàn bộ quyền và lợi ích của mình theo luật pháp quốc tế, đặc biệt là UNCLOS 1982, và sẵn sàng trao đổi với Philippines để tìm kiếm và đi đến giải pháp phù hợp với lợi ích của cả hai nước.

Chia sẻ

Tuổi Trẻ Online Newsletters

Đăng ký ngay để nhận gói tin tức mới

Tuổi Trẻ Online sẽ gởi đến bạn những tin tức nổi bật nhất

Tin cùng chuyên mục

Sức ép ngừng bắn với Nga

Tân Thủ tướng Đức Merz tin rằng thỏa thuận ngừng bắn 30 ngày ở Ukraine là khả thi nhưng "quả bóng giờ hoàn toàn nằm trong sân của Matxcơva".

Sức ép ngừng bắn với Nga

Chờ dự án Việt - Nga trong kỷ nguyên mới

Cuộc hội đàm giữa Tổng Bí thư Tô Lâm và Tổng thống Nga Putin mở ra giai đoạn phát triển mới cho quan hệ hai nước trong kỷ nguyên mới.

Chờ dự án Việt - Nga trong kỷ nguyên mới

Nga xác nhận lệnh ngừng bắn kết thúc, Kiev bị tấn công

Nga xác nhận lệnh ngừng bắn 3 ngày đã kết thúc, và ngay sau đó diễn ra cuộc tấn công bằng drone tại vùng thủ đô của Ukraine.

Nga xác nhận lệnh ngừng bắn kết thúc, Kiev bị tấn công

Ông Trump: Đàm phán tại Geneva thiết lập lại quan hệ thương mại Mỹ - Trung

Đăng tải trên mạng xã hội ngày 10-5, Tổng thống Donald Trump ca ngợi đàm phán về quan hệ Mỹ - Trung tại Thụy Sĩ cùng ngày.

Ông Trump: Đàm phán tại Geneva thiết lập lại quan hệ thương mại Mỹ - Trung

Nga muốn gặp trực tiếp giải quyết tận gốc vấn đề với Ukraine

Ông Putin đưa ra lời đề nghị đàm phán trực tiếp với Ukraine, vài giờ sau khi Kiev và các lãnh đạo châu Âu kêu gọi ngừng bắn 30 ngày từ đầu tuần sau.

Nga muốn gặp trực tiếp giải quyết tận gốc vấn đề với Ukraine

Tin tức thế giới 11-5: Ông Putin đề xuất đàm phán Nga - Ukraine vào ngày 15-5

Các đồng minh của Kiev gây sức ép để Matxcơva ngừng bắn 30 ngày từ tuần sau; Ông Trump thấy tích cực về đàm phán Mỹ - Trung.

Tin tức thế giới 11-5: Ông Putin đề xuất đàm phán Nga - Ukraine vào ngày 15-5