![]() |
Khoảng 20 năm trước, một số nhà nghiên cứu người Việt ở Pháp cũng định xuất bản một cuốn sách tặng học giả Hoàng Xuân Hãn, nhưng ý định đó không thành. Cách đây vài năm, một số nhà sử học nước ngoài có làm một cuốn sách theo cách tương tự tặng cho nhà sử học Phan Huy Lê, nhưng các bài viết hoàn toàn bằng tiếng Anh và chỉ in ở nước ngoài.
"Vì vậy, chúng tôi đặt mục tiêu, sách tặng bác Lê Thành Khôi phải được in trong nước! Quê hương thân yêu bác vẫn gắn bó thiết tha với tư cách công dân. Ngoài ra, dù là một nhà nghiên cứu nổi tiếng ở nước ngoài, nhưng trong nước bác chưa phải là một người được biết nhiều" - một trong 4 thành viên nhóm biên soạn - là Việt kiều Pháp và Canada - nói.
Một chi tiết nhỏ cũng đáng chú ý trong TBK: Khác với những cuốn sách dạng biên khảo lâu nay in ở nước ta, TBK có dòng chữ "Quan điểm trình bày trong mỗi bài viết là quan điểm riêng của tác giả". "Trong việc nghiên cứu khoa học, sự khác biệt, sự bất đồng về quan điểm là chuyện hoàn toàn bình thường. Cái chính là khả năng lắng nghe nhau. Đây là những bài viết tâm đắc của các tác giả, không phải là bài ca ngợi thân thế sự nghiệp của bác Khôi. Chúng đa dạng về đề tài cũng như cách viết, liên quan 4 lĩnh vực bác Khôi nghiên cứu: Sử học, ngôn ngữ, văn học, kinh tế học và các ngành KH-XH khác. Những người chủ biên chỉ biên tập câu chữ, không đụng vào ý tưởng của tác giả" - một thành viên nhóm biên soạn cho biết.
Hai chi tiết nhỏ liên quan tới kỹ thuật làm cuốn sách thể hiện: Nhân cách và sự nghiệp nghiên cứu khoa học của Giáo sư Lê Thành Khôi - tác giả cuốn sách "Lịch sử Việt Nam từ khởi thủy đến 1858" (nguyên gốc tiếng Pháp Histoire du Vietnam de origines à 1858), một người "sống trong một giai đoạn khốc liệt, và nhiều xáo trộn của lịch sử VN, là một nhà trí thức dấn thân với một lập trường chính trị tiến bộ rõ ràng, kiên định nhưng bao giờ cũng mực thước ôn hoà".
Nhà sử học - Giáo sư Charles Fourniau -Trường Cao học về Khoa học xã hội (EHESS)-Marseille viết: "Lê Thành Khôi không chỉ thuần tuý là nhà sử học theo nghĩa hẹp. Ông có cái nhìn về VN của một nhà dân tộc học, ngôn ngữ học, dịch giả, tóm lại là của một nhà nho trong ý nghĩa cao đẹp nhất của từ ngữ thời VN xưa, thêm vào đó là những tài năng rất hiện đại của một nhà nhiếp ảnh đáng nể trọng. Do đó, để tiếp cận VN - một VN mà tôi muốn gọi là VN muôn thuở - toàn bộ tác phẩm của Lê Thành Khôi đều đáng được tham khảo."
Còn, trong bài viết "Khoa học mới" và vài suy nghĩ về kinh tế, xã hội", Giáo sư Phan Đình Diệu - Đại học Quốc gia Hà Nội - trích lời của nhà văn Pháp Marcel Proust: "Một cuộc thám hiểm thật sự không phải ở chỗ kiếm tìm những vùng đất mới, mà là ở chỗ cần những đôi mắt mới".
Nếu đọc TBK "Từ đông sang Tây" trong tinh thần này, có thể thấy nhiều điều bổ ích.
Bình luận hay