31/01/2025 07:07 GMT+7
Trở lại chủ đề

Truyện ngắn của Nguyễn Ngọc Tư: Bên cõi

Lâu lắm Nguyễn Ngọc Tư mới trở lại trên giai phẩm Xuân của báo Tuổi Trẻ. Lần này, chị về với Bên cõi, một truyện ngắn vỏn vẹn ngàn chữ.

Truyện ngắn của Nguyễn Ngọc Tư: Bên cõi - Ảnh 1.

Minh hoạ của LÊ THIẾT CƯƠNG

Không đao to búa lớn. Giọng trần thuật tỉnh rụi, đôi khi lạnh tanh. Như cái điệu bộ cuộc đời vèo vèo phát một. Nhưng đọc xong coi bộ lại buồn quá chừng.

Ông già khùng với hành trang sặc sỡ lạc lõng và vô định trong Bên cõi chẳng biết giờ đã về tới nhà chưa? Nhưng không còn ai cười cợt cái trạng thái hư vô của ông nữa. Trong cái vòng quay mải miết của công cuộc mưu sinh xì xèo bán - mua ấy, hóa ra ông minh triết nhất.

Sự nhỏ bé và cô đơn của con người trong cái thăm thẳm và không cùng của hiện thực nghiệt ngã đời sống - rốt cuộc cái nào hơn cái nào? Ông cũng như bao phận đời nổi trôi, mắc kẹt trong văn Nguyễn Ngọc Tư, luôn tìm kiếm tự do, hơi ấm nhưng chẳng thoát khỏi cõi này.

Đọc xong Bên cõi, muốn gác hết mọi bận bịu, lo toan mắc mớ để… về nhà. Nhất là khi, mùa Tết Nguyên đán sắp về.

Một cái va li nhựa cỡ vừa màu hồng rực. Một cặp kiếng gọng xanh lá non. Một ông già héo quắt nắng cháy đến tận lõi. Những vật chất tưởng chừng rời rạc chẳng liên quan gì nhau, nhưng bện nhau thành một.

Từ lúc ông già xuất hiện với hành trang sặc sỡ, khu chợ căng nhức bỗng chậm lại một nhịp, ai cũng đậu mắt lên kẻ đang kéo va li ung dung băng qua vạch vôi dành cho người đi bộ, hoặc dọc theo vỉa hè cồn cào cuộc bán mua, hoặc đứng/ngồi bên cạnh hành lý mà không làm gì khác.

Sự không làm gì càng lôi kéo sự nhìn vào, mùa này là mùa sôi sục kiếm tiền, sao có kẻ thờ ơ chẳng thiết. Rõ là khùng, nhưng thái độ nhàn nhã, thong thả của ông già khiến người ta ngờ. Ông khùng thật, hay là không? Sao đôi lúc ánh mắt ông nhìn kẻ lại người qua như cảm thương, chua xót?

Sao phơi thân ra dưới trời, đày đọa mình trong mưa nắng, mà mắt mũi mãn nguyện vậy? Ừ thì đúng khùng mới kéo va li luẩn quẩn mãi trên đoạn đường ngang qua chợ, nhưng chúng ta tỉnh mà cũng có thoát khỏi những con đường đâu, cũng xuôi ngược rạc rài chẳng biết bao giờ thực sự dừng.

Ngay đây thôi, trong tầm tay, tầm mắt, nhưng cảm giác ông già ở cõi nào đó, khác. Cách ông nhẩn nha lui tới khiến ta tin nơi chốn ông đang nhúng mình vào chẳng tạp nhiễm bởi âm thanh của những kỳ kèo ngã giá, tiếng còi xua người nán chờ đèn xanh, tiếng chửi bậy sau cú tạt đầu xe, tiếng rao hàng được thu sẵn tăng âm hết cỡ.

Nơi chốn không có những cây cân đã được chỉnh già, những sạp rau đẫm thuốc sâu, những thứ hải sản tắm mình trong hóa chất. Cả những người đứng ra che chắn, giúp đỡ ông già qua cơn mưa rào, hay cơn khát, cũng như thể được hít thở thứ không khí lanh lảnh cõi bên kia.

Chỉ có vậy anh bảo vệ cửa hàng điện máy mới che dù cho ông già đến tàn mưa mà chẳng vẻ gì sốt ruột, hay anh xe ôm những trưa nâng ly nước mía trước mặt ông già, tay kia giữ ống hút, nhẫn nại chờ tới khi nước cạn đến đáy.

Những lúc vậy, hỏi ông đi đâu đây, ông sẽ bảo đang đi về nhà, hỏi nhà đâu thì ông chỉ vào ngực mấy anh nói nhà đây. Nhưng khi người dưng không ở cạnh, hỏi nhà đâu ông già sẽ chỉ tay vào đất, bằng chất giọng cả quyết, "nhà đây".

Những kẻ hỏi han ông già đa số là muốn chọc ghẹo cho vui, chỉ vài người thật sự tò mò, hy vọng đầu óc vô minh nhưng còn chút nhớ nơi chốn mình thuộc về. "Cái nhà quan trọng với con người ta lắm, như cái tên vậy", một người bùi ngùi.

Kẻ nói câu ấy ngày nào cũng bắc cái ghế ngồi trước nhà bán nước sâm, nên chứng kiến ông già va li hồng diễu hành qua mấy lượt. Trước bà cáng đáng cả tiệm cơm phần, nhưng mấy cái khớp chân viêm nặng, cuộc mua bán trở nên lay lắt.

Căn nhà một trệt một lầu sau lưng người đàn bà được một tay bà dành dụm cất lên. Bà tin ở nhà cao cửa rộng mới gọi là ở.

Tin nhìn vào nhà đánh giá được giàu nghèo. Hồi kéo xe dừa tươi bán dạo, mỗi khi nép vào trú mình dưới cái bóng đậm đặc nhà ai đó, bà nhớ bóng nhà mình.

Cái bóng mỏng dính nằm ở bên sông, nơi có hãng nước mắm được coi là bề thế nhất thì cũng xuống cấp, vài ba nhà máy nước đá xập xệ, những trại cưa trại xuồng, dãy nhà sàn ọp ẹp chắp vá của dân lao động nghèo. Lúc đó bà nuôi một ý nghĩ ráo riết, mình sẽ đắp dài và dày bóng nó.

Giờ thì bà, trong những chuyển động cực hình với các khớp xương mục rã, di chứng của tháng năm lao lực, đã an trú dưới mái nhà mặt phố kiên cố, vẫn nghĩ bóng này chưa đủ chắc, dày, nên khi ngó vào ông già khùng nọ, bà giận hung.

Ông nhắc bà nhớ mình rồi cũng phải dọn đến nơi chốn khác, và dẫu thu vén chẳng chút nào ngơi, có thể bóng căn nhà cuối cùng ấy vẫn mỏng dính đến không che được cỏ. Nhưng bất chấp bao cảm xúc chung quanh, ông già tỉnh rụi.

Chờ đèn dành cho người qua đường bật xanh dưới nắng trưa, có khi xanh đến mười lượt mà ông vẫn đứng y một chỗ. Đứng đó và không làm gì, va li dựng ngay trước mặt.

Đôi lúc cột điện che khuất ông, không thấy nhân dạng đâu, nhưng nhìn hành lý người ta vẫn biết ông đang ở đó, đang nghỉ chân trong chuyến đi vô tận của chính mình.

Ông không biết mình thường được người đời nhắc trong bữa cơm, cuộc nhậu, những trò chuyện bâng quơ lúc trời đất mù mưa. "

Không biết thằng chả sắp tới nhà chưa", ai đó thốt lên. Có thể là bà già nước sâm, ông nha sĩ có phòng răng hoang vắng, tay bảo vệ quán bar xăm trổ, chị bán bánh gai vừa bỏ chồng. Nhắc ông già va li hồng, lâu rồi người ta không còn ra giọng chạnh lòng hay cười cợt.

Họ còn gật gù khen phải, khi nhắc lại hành động chỉ tay vào bề mặt trái đất nói đây nhà mình. Cũng có lý chớ không phải không, cuối cùng thì con người ta, giàu nghèo gì, cũng về đúng căn nhà đó.

Nghĩ vậy, nhìn ra cuộc bán mua cảm giác được hơi ấm của bến bờ, nhìn thấy cái khối hình xa mờ. Bên kia đường, ông già ngồi xếp bằng trên gạch vỉa hè và không làm gì, không nhìn gì, đầu hơi nghiêng như mải lắng nghe tiếng gọi của hư vô.

Truyện ngắn của Nguyễn Ngọc Tư: Bên cõi - Ảnh 2.

Nguyễn Ngọc Tư nhận giải 'Văn học Đông Nam Á xuất sắc nhất 2024' ở Trung Quốc

Truyện ngắn Những biển của nhà văn Nguyễn Ngọc Tư vừa được trao giải thưởng 'Văn học Đông Nam Á xuất sắc nhất năm 2024' do tạp chí Văn học Điền Trì (Trung Quốc) tuyển chọn.

Bình luận hay

Chia sẻ

Tuổi Trẻ Online Newsletters

Đăng ký ngay để nhận gói tin tức mới

Tuổi Trẻ Online sẽ gởi đến bạn những tin tức nổi bật nhất

Bình luận (0)
Tối đa: 1500 ký tự

Tin cùng chuyên mục

48 năm bún riêu nấu củi, ngày bán trăm tô, bún nhiều gấp đôi nơi khác

Trong con hẻm 72 trên đường Bành Văn Trân, quận Tân Bình, TP.HCM có một quán bún riêu khá đặc biệt, bởi được nấu bằng bếp củi trong 48 năm qua.

48 năm bún riêu nấu củi, ngày bán trăm tô, bún nhiều gấp đôi nơi khác

Ban Tuyên giáo Thành ủy TP.HCM thăm nghệ sĩ Kim Cương, Trần Xuân Tiến, Nguyễn Hữu Lộc

Chiều 23-5, đoàn 6 trong các đoàn lãnh đạo TP.HCM đã đến thăm và tặng quà các văn nghệ sĩ tiêu biểu có đóng góp phát triển văn học, nghệ thuật thành phố, đất nước. Đó là NSND Kim Cương, nhạc sĩ Trần Xuân Tiến, nghệ sĩ nhiếp ảnh Nguyễn Hữu Lộc.

Ban Tuyên giáo Thành ủy TP.HCM thăm nghệ sĩ Kim Cương, Trần Xuân Tiến, Nguyễn Hữu Lộc

Hàng nghìn người đội mưa đón xá lợi Đức Phật về chùa Phúc Sơn

Ngày 23-5, hàng nghìn phật tử và người dân từ nhiều địa phương đã đổ về chùa Phúc Sơn (Bắc Giang) để cung rước xá lợi Đức Phật.

Hàng nghìn người đội mưa đón xá lợi Đức Phật về chùa Phúc Sơn

Lần đầu tiên tổ chức triển lãm về Bác Hồ tại EXPO 2025 Nhật Bản

Lễ khai mạc triển lãm ‘Chủ tịch Hồ Chí Minh - Biểu tượng của hòa bình và hữu nghị’ đã khai mạc ngày 23-5 trong Nhà triển lãm Việt Nam tại EXPO 2025 Osaka, Kansai, Nhật Bản.

Lần đầu tiên tổ chức triển lãm về Bác Hồ tại EXPO 2025 Nhật Bản

Comic Land Productions, khởi lên giấc mơ truyện tranh Việt Nam

17 năm làm nghiên cứu thị trường, chị Lương Thúy Phương khát khao xây dựng một nơi khởi lên cho những giấc mơ về truyện tranh Việt Nam, đó là Comic Land Productions.

Comic Land Productions, khởi lên giấc mơ truyện tranh Việt Nam

Giáo sư Trần Văn Thọ gặp gỡ độc giả ba miền với Hồi ức đến tương lai

Sách 'Hồi ức đến tương lai' của giáo sư Trần Văn Thọ tập hợp những bài báo chính luận, ghi chép và tùy bút đầy trăn trở, giàu cảm xúc của ông, một trong những trí thức Việt Nam tiêu biểu tại Nhật Bản.

Giáo sư Trần Văn Thọ gặp gỡ độc giả ba miền với Hồi ức đến tương lai
Tất cả bình luận (0)
Ý kiến của bạn sẽ được biên tập trước khi đăng, xin vui lòng viết bằng tiếng Việt có dấu.
Được quan tâm nhất
Mới nhất
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đâu tiên bình luận về bài viết.
Tối đa: 1500 ký tự
Avatar
Đăng ký bằng email
Khi bấm "Đăng ký" đồng thời bạn đã đồng ý với điều khoản của toà soạn Đăng ký
Đăng nhập
Thông tin bạn đọc Thông tin của bạn đọc sẽ được bảo mật an toàn và chỉ sử dụng trong trường hợp toà soạn cần thiết để liên lạc với bạn.
Gửi bình luận
Đóng
Hoàn thành
Đóng

Bình luận (0)
Tối đa: 1500 ký tự
Tất cả bình luận (0)
Ý kiến của bạn sẽ được biên tập trước khi đăng, xin vui lòng viết bằng tiếng Việt có dấu.
Được quan tâm nhất
Mới nhất
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đâu tiên bình luận về bài viết.
Tối đa: 1500 ký tự
Avatar