
Một chuyến tàu điện chạy trên tuyến Orange Line ở thành phố Lahore, Pakistan ngày 2-2-2024 - Ảnh: TÂN HOA XÃ
Theo Hãng tin Reuters, báo cáo của Viện Lowy (Úc) công bố hôm nay cho thấy các quốc gia nghèo nhất thế giới dự kiến sẽ phải thực hiện các khoản thanh toán nợ kỷ lục cho Trung Quốc trong năm 2025, liên quan đến các khoản vay được cấp cách đây một thập kỷ trong thời kỳ cao điểm của sáng kiến "Vành đai và con đường" (BRI).
Với sáng kiến BRI do Bắc Kinh khởi xướng vào năm 2013, Trung Quốc đã cho các nước vay hàng tỉ USD để xây dựng cơ sở hạ tầng kết nối châu Á, châu Âu và châu Phi, đồng thời tìm cách thúc đẩy thương mại và sức ảnh hưởng của mình.
Trong tổng số 35 tỉ USD nợ mà các nước đang phát triển phải trả cho Trung Quốc trong năm 2025, khoảng 22 tỉ USD sẽ do 75 quốc gia nghèo nhất và dễ tổn thương nhất thanh toán.
Điều đó có thể đe dọa đến ngân sách dành cho y tế và giáo dục tại các quốc gia này.
"Từ nay đến hết thập kỷ này, Trung Quốc sẽ đóng vai trò là người thu nợ nhiều hơn là người cho vay đối với các nước đang phát triển" - tác giả báo cáo, ông Riley Duke, nhận định.
Theo báo cáo, tại 54 quốc gia đang phát triển, các khoản thanh toán nợ cho Trung Quốc sẽ vượt quá tổng số tiền mà các nước phải trả cho Câu lạc bộ Paris (Paris Club) - nhóm các chủ nợ phương Tây.
"Trong khi Bắc Kinh chuyển sang vai trò người thu hồi nợ, các chính phủ phương Tây lại đang tập trung vào các vấn đề nội bộ, với viện trợ giảm dần và sự hỗ trợ đa phương ngày càng suy yếu" - báo cáo nêu.
Tháng 10-2023, Chính phủ Trung Quốc công bố sách trắng về BRI nhân kỷ niệm 10 năm triển khai sáng kiến này. Sách trắng cho biết kể từ khi triển khai, BRI đã phát triển "từ ý tưởng thành hành động, từ tầm nhìn thành hiện thực, và từ khuôn khổ chung thành các dự án cụ thể".
Theo Thời báo Hoàn Cầu, tính đến tháng 6-2023, Trung Quốc đã ký hơn 200 thỏa thuận hợp tác BRI với hơn 150 quốc gia và 30 tổ chức quốc tế.
Bắc Kinh từng phản bác những lời chỉ trích cho rằng các khoản vay liên quan đến BRI là "bẫy nợ", khẳng định Trung Quốc không chấp nhận điều này.
Tại một cuộc họp báo, người phát ngôn Bộ Ngoại giao Trung Quốc Mao Ninh nói: "Trung Quốc hành động theo các quy tắc thị trường và luật quốc tế, đồng thời tôn trọng ý chí của các nước liên quan.
Chúng tôi chưa bao giờ ép buộc bất kỳ bên nào vay tiền hoặc gây áp lực buộc quốc gia nào phải chấp nhận nợ. Chúng tôi không gắn bất kỳ điều kiện chính trị nào vào các thỏa thuận cho vay và không theo đuổi lợi ích chính trị riêng nào".
Bình luận hay