Với vị trí địa lý là cửa ngõ vùng Tây Bắc, Yên Bái là đầu mối, điểm trung chuyển của nhiều tuyến giao thông từ Hải Phòng, Hà Nội lên cửa khẩu Lào Cai. Nhưng lợi thế giao thông đó hầu như chưa thể giúp Yên Bái cải thiện được đời sống của người dân bằng chính những nông sản trong vùng.
“Báu vật” ai hay!
UBND tỉnh Yên Bái cho biết hiện Yên Bái có ít nhất vài loại đặc sản được ưa chuộng là quế, chè Shan tuyết Suối Giàng, quả sơn tra, gạo nếp Tú Lệ.
Trong số những sản vật này có những đặc sản thuộc loại hiếm quý như chè Shan tuyết Suối Giàng và gạo nếp Tú Lệ.
Vùng chè cổ thụ Shan tuyết Suối Giàng của Yên Bái nằm trên độ cao 1.000 m so với mặt nước biển, nhiệt độ trung bình năm dưới 20 độ C. Vùng chè cổ thụ hơn 300 ha này đã có tuổi đời hơn 300 năm, hiện đang đưa ra thị trường các sản phẩm chè khô có giá từ 300.000 đến 1,5 triệu đồng/kg.
Còn gạo nếp Tú Lệ (huyện Văn Chấn) chỉ có 90 ha và mỗi năm chỉ thu 350-400 tấn nhưng hầu hết sản vật quý này cũng chưa ra khỏi địa bàn vì người Yên Bái đã lùng mua để làm quà biếu cả rồi.
Chính vì thế, những sản vật này chưa phát huy được giá trị kinh tế thực sự do chưa có thương hiệu.
Hiện lãnh đạo tỉnh Yên Bái cũng đang liên kết với một đơn vị của Đức để nghiên cứu về đất sạch (đất hữu cơ). Định hướng là vùng đất sạch này sẽ chuyên dùng để trồng cấy sản phẩm nông nghiệp sạch, hướng tới thị trường các tỉnh lân cận và xuất khẩu.
Nỗ lực của địa phương là vậy nhưng nguồn lực còn hạn chế nên lãnh đạo tỉnh Yên Bái luôn chào đón các đối tác đầu tư. Ví dụ như gạo nếp Tú Lệ dù được ưa chuộng như vậy nhưng hiện chỉ cho chất lượng tốt nếu được trồng ở vùng đất Tú Lệ, được tưới tắm bằng chính nguồn nước ở đây.
Không bó hẹp liên kết
Từ câu chuyện của Yên Bái cho thấy nhiều địa phương đang trải thảm đỏ để doanh nghiệp tiếp cận cùng chung tay xây dựng kinh tế trên địa bàn đang ngày một phát triển. Tuy nhiên, chính việc các địa phương chủ động chung tay liên kết với nhau cũng đạt được hiệu quả kinh tế rất lớn. Không những thế, việc liên kết giữa các địa phương còn là sự “bảo đảm bằng vàng” để doanh nghiệp yên tâm bắt tay đầu tư, liên kết.
Điển hình nhất là TP.HCM, trung tâm kinh tế, đầu mối giao thương lớn của cả nước và khu vực.
Đại diện Sở Công Thương TP.HCM cho biết, lãnh đạo thành phố và các tỉnh, thành khu vực Đồng bằng sông Cửu Long luôn nhận thức việc liên kết, hợp tác toàn diện để khai thác lợi thế cũng như phát huy thế mạnh từng vùng miền, đáp ứng xu thế hội nhập là nhiệm vụ chiến lược, dài hạn.
Từ giữa tháng 12-2011, TP.HCM đã ký thỏa thuận hợp tác thương mại với các tỉnh, thành phố miền Đông và Tây Nam Bộ. Đây là tiền đề để chính quyền các bên làm cầu nối cho doanh nghiệp các địa phương hợp tác đầu tư trong nhiều lĩnh vực nông, lâm, ngư nghiệp. Cùng với đó các doanh nghiệp có thể dễ dàng phát triển hệ thống phân phối, phối hợp theo dõi để nắm bắt tình hình nuôi, trồng, sản xuất để ổn định giá cả thị trường, góp phần bảo đảm an sinh xã hội.
Sau đó 1 năm, các hội nghị kết nối cung cầu đã thu hút 14 địa phương và 198 doanh nghiệp tham gia. Đến năm 2014, đã có 38 địa phương và trên 1.000 doanh nghiệp tham gia. Tính đến nay chương trình đã xúc tiến được 867 hợp đồng tiêu thụ sản phẩm, với giá trị giao dịch trên 19.000 tỷ đồng.
Từ thực tiễn này, tỉnh Yên Bái, dù có thể không phải là nơi có thế mạnh như TP.HCM và các tỉnh vùng Đồng bằng sông Cửu Long nhưng hoàn toàn có thể tìm kiếm cơ hội hợp tác theo ngành dọc. Cùng với đó là tăng cường việc thu hút doanh nghiệp để thêm được hàm lượng khoa học công nghệ cũng như xây dựng thương hiệu cho các sản phẩm thế mạnh của mình.
Hợp tác dựa trên nguyên tắc “cung - cầu” đòi hỏi lãnh đạo mỗi địa phương không những có tư duy kinh tế nhạy bén mà còn phải có sự bao quát để đảm bảo an sinh xã hội. Hài hòa được hai vấn đề này chắc chắn mỗi địa phương sẽ chắp cánh được cho thương hiệu nông sản vùng miền của mình bay xa…
Bình luận hay