
Nhiều trẻ sơ sinh chết trong khi chờ được ghép tim - Ảnh: REUTERS
Các bác sĩ phẫu thuật tại Đại học Duke (Mỹ) đã thực hiện hồi sức cho một trái tim "chết" trên bàn mổ sau khi nó ngừng đập hơn năm phút. Với sự đồng ý của gia đình người hiến tạng, các bác sĩ phẫu thuật đã hồi sức trái tim trên bàn phẫu thuật bằng máy tạo oxy và máy bơm ly tâm.
Sau đó cơ quan này được ghép vào lồng ngực của một em bé 3 tháng tuổi để cứu sống em. Đứa trẻ hiện đã được 6 tháng tuổi và trái tim hiến tặng em nhận được vẫn cho thấy các chức năng tim bình thường, không có dấu hiệu thải ghép.
Câu chuyện là bằng chứng cho thấy khái niệm "hồi sức trên bàn mổ" hiệu quả trong việc bảo quản tim để cấy ghép, ít nhất là đối với trẻ sơ sinh, theo trang Science Alert ngày 21-7.
Ngày nay tại Mỹ có tới 20% trẻ sơ sinh cần ghép tim chết trong khi chờ hiến tạng. Hầu hết những người hiến tạng phải được tuyên bố chết não trước khi tạng được lấy ra khỏi cơ thể họ. Chỉ 0,5% các ca ghép tim ở trẻ em được hiến sau khi tim ngừng đập và máu ngừng tuần hoàn.
Một số người chỉ trích cho rằng việc rút ống thở của bệnh nhân giai đoạn cuối, giúp tim đập trở lại rồi lấy ra để cấy ghép là không đúng về mặt đạo đức.
Họ cho rằng nếu một trái tim được hồi sức bên trong cơ thể người hiến tạng, điều này sẽ phủ nhận định nghĩa về chết tuần hoàn (tình trạng tim ngừng đập và ngừng lưu thông máu, dẫn đến ngừng cung cấp oxy và dưỡng chất cho các cơ quan trong cơ thể).
Các bác sĩ Đại học Duke cho rằng việc hồi sức tim bên ngoài cơ thể ngay trên bàn mổ sẽ làm giảm những vấn đề đạo đức. Họ cũng lưu ý cách làm này có thể giúp tăng số lượng tạng hiến tặng lên 30%.
Trong khi đó, các bác sĩ phẫu thuật tại Đại học Vanderbilt (Mỹ) lại có ý tưởng khác để tránh những lo ngại phổ biến nhất về mặt đạo đức.
Thay vì tìm cách hồi sức trái tim hiến tặng ngay lập tức, họ bảo quản nó. Nhóm giải thích rằng bằng cách kẹp động mạch chủ và bơm dung dịch giữ lạnh, họ đã thành công trong việc phục hồi ba trái tim của người hiến tạng để cấy ghép.
Bằng cách kẹp chặt hệ tuần hoàn của tim, nhóm đã tách bạch công việc của họ khỏi não của người hiến tạng - điều thường làm dấy lên lo ngại về mặt đạo đức trong quá trình hồi sức.
"Kỹ thuật của chúng tôi chỉ đưa dung dịch bảo quản có oxy vào tim của người hiến tạng, không cần hồi sức tim và không cần tưới máu toàn thân hay não", nhóm nghiên cứu giải thích.
Kỹ thuật này ghi nhận kết quả hậu phẫu tốt. Cả ba trái tim hiến tặng đều được cấy ghép thành công với chức năng tim khỏe mạnh. Nhóm nhận định phương pháp này có khả năng ứng dụng rộng rãi.
Cả hai công trình của Đại học Duke và Đại học Vanderbilt đều được đăng trên Tạp chí Y khoa New England (NEJM).
Bình luận hay