21/10/2009 08:28 GMT+7

Tiếng hát và nước mắt dưới chân nhà giàn DK

MINH THÙY
MINH THÙY

TT - Ca sĩ Thúy Vy chỉ có thể hát được nửa câu rồi nấc lên thành tiếng...Qua máy bộ đàm, nghệ sĩ Ái Xuân cất cao tiếng hát nhưng nước mắt tuôn trào... Đó là câu chuyện ghi lại trong chuyến trở về của đoàn công tác “Hát về Trường Sa thân yêu, hát về biển đảo của Tổ quốc” khi ghé thăm nhà giàn DK1.

Tiếng hát và nước mắt dưới chân nhà giàn DK

TT - Ca sĩ Thúy Vy chỉ có thể hát được nửa câu rồi nấc lên thành tiếng...Qua máy bộ đàm, nghệ sĩ Ái Xuân cất cao tiếng hát nhưng nước mắt tuôn trào... Đó là câu chuyện ghi lại trong chuyến trở về của đoàn công tác “Hát về Trường Sa thân yêu, hát về biển đảo của Tổ quốc” khi ghé thăm nhà giàn DK1.

Nghệ sĩ Ái Xuân hát tặng chiến sĩ nhà giàn qua máy bộ đàm - Ảnh: Đ.Trang

Chiều 20-10, đoàn công tác Trường Sa của TP.HCM về đến TP Vũng Tàu, kết thúc chuyến hải trình “Hát về Trường Sa thân yêu, hát về biển đảo của Tổ quốc”. Trên đường về đất liền, đoàn đã đến thăm khu vực cụm dịch vụ kinh tế - khoa học kỹ thuật Phúc Tần (nhà giàn DK1/2).

“Toàn tàu báo thức, báo thức toàn tàu! Thông báo. Do sóng to gió lớn nên đoàn công tác chỉ bố trí một ít người lên nhà giàn Phúc Tần để đảm bảo an toàn. Sau đây là danh sách...”.

Chúng tôi hồi hộp từng giây để được nghe tên mình. Người thứ 5, người thứ 7... Tôi nín thở, rồi như vỡ òa khi nghe tên mình.

“Lên một tí thôi cũng được, thủ trưởng ơi”

Nhà giàn hiện ra trước mặt, gần lắm rồi. Chúng tôi nhanh chóng thực hiện tất cả biện pháp bảo vệ theo yêu cầu và sẵn sàng xuống xuồng. Vị chuẩn đô đốc Quân chủng hải quân Nguyễn Cộng Hòa xuống trước. Tôi xuống thứ 3.

Sóng mỗi lúc một lớn. Chiếc xuồng tung lên ngụp xuống như biên độ dao động tăng dần. Nhóm người xếp hàng xuống xuồng vẫn còn chật mạn tàu. Nguy hiểm tăng lên. Đại tá Đặng Minh Hải - phó chính ủy Vùng 4 hải quân - cầm loa hướng dẫn lại cách xuống xuồng.

Đột nhiên, “Cứu người!”. Tất cả hướng mắt về thang xuống, một người đang bị kẹt giữa mạn tàu và xuồng. Sóng lên, tất cả như nín thở... Nhưng thật may, sóng đẩy chiếc xuồng ra xa thay vì va vào thành tàu (nếu chuyện đó xảy ra, chắc chắn vị khách kia sẽ mãi mãi để lại đôi chân trong lòng biển). Mấy thủy thủ cạnh đó vội vàng đỡ người bị kẹt lên. Thêm hai thủy thủ nữa xuống xuồng để giúp mọi người...

Những gương mặt chiến sĩ nhà giàn đồng thanh hát vang bài Tâm tình người chiến sĩ nhà giàn. Giữa sóng gió, chỉ nghe được mấy chữ “mơ về quê nhà...” - Ảnh: Đà Trang

Xuồng lướt đi, dập dềnh theo con sóng. Nước tràn vào xuồng. Tất cả đã mặc áo phao với quyết tâm cao nhưng cũng không khỏi băn khoăn khi nhà giàn còn xa mà đã có ba đợt sóng tràn vào xuồng. Ba người ngồi đầu sũng nước...

Xuồng tiếp cận nhà giàn. Sóng dập, gió dồn. Tôi nhận ra gương mặt quen thuộc: thiếu tá Bùi Xuân Bổng, người đã lênh đênh trên mảnh phao bè suốt 18 giờ trong trận cuồng phong năm 1990 khiến nhà giàn Phúc Tần bị đổ.

Chưa kịp hỏi thăm, một cơn sóng nhồi chiếc xuồng làm mọi người được phen hú vía. Mọi người quăng dây, làm hết sức nhưng chiếc xuồng vẫn chao liệng theo những cơn sóng lớn dần. Phía sau, tiếng trưởng đoàn lẩm bẩm: “Có khi không lên được, chuyển quà lên thôi”. Nghe mà nhói lòng. Khắc nghiệt đến thế ư? Chúng tôi đã ở dưới chân các anh rồi mà. Tôi ngước lên, trên cao hơn 10m các anh vẫn đang cố gắng quăng dây tìm cách cố định xuồng và đón người lên.

Sóng vẫn không ngừng nhồi con xuồng bé nhỏ. Những gương mặt tìm nhau qua sóng gió dù chưa quen nhưng như thật thân thương. Ai cũng mong nhanh được bước lên chiếc thang sắt ấy, được nắm bàn tay các anh, được cảm nhận và chia sẻ một chút gì đó không khí của nhà giàn.

Từ trên giàn cao vọng xuống tha thiết: “Lên một tí thôi cũng được, thủ trưởng ơi!”. Tôi thấy cổ mình nghẹn lại, tay run lên, cầm máy không vững nữa.

“Các anh chị cho nhà giàn gửi tặng ít quà”

Rồi biển lặng đi một chút, sóng êm, mọi người thở phào. Tôi gọi các anh quăng dây xuống để đưa máy lên trước. Thế nhưng khi dây quăng xuống, thay vì buộc máy kéo lên anh thủy thủ lại buộc thùng quà. Linh cảm bảo rằng chắc chẳng thể lên, tôi cắn chặt môi, tay run lên, nước mắt trào ra. Tìm một điểm tựa tranh thủ ghi hình, tôi bấm máy liên tục trong vị mặn của nước biển hòa với nước mắt. Thúy Vy - cô ca sĩ của Đoàn nghệ thuật Quân khu 7 - ngồi phía sau tôi bật khóc ngon lành. Biết là khách chẳng thể lên, các anh ở nhà giàn chuyển vội thùng quà của mình xuống, giọng lạc đi: “Các anh chị cho nhà giàn gửi tặng chút quà”.

Đại tá Trương Công Thế, phó chính ủy Vùng 2 hải quân, bắt bài hát Đoàn tàu ra khơi. Tất cả bộ đội hòa nhịp vỗ tay trong tiếng gầm gào của biển. Trên nhà giàn, một hàng ngang hòa nhịp với những người đang bị nhồi sóng ở dưới xuồng, tiếng hát giữa biển lẫn vào tiếng nấc của những gương mặt tìm nhau trong vội vã. Sóng gió vẫn cứ xô đẩy chúng tôi xa dần.

Một thành viên trong đoàn ngậm ngùi nhìn nhà giàn đang dần xa mà mình không được đặt chân lên đó  - Ảnh: Đà Trang

Nếu lúc đi đạp sóng để đến được nhà giàn háo hức thế nào thì lúc về cánh nhà báo vội vàng quay, chụp, còn khách trên xuồng ngậm ngùi tiếc nuối. Về đến tàu, tôi chạy vội lên cabin, rủ thêm hai cô gái đi cùng xuồng. Anh Thế - thủ lĩnh của những chiến sĩ nhà giàn, người thấu hiểu hơn ai hết trong số chúng tôi về tâm tư của những chiến sĩ nhà giàn - đang nối máy nói chuyện với các anh trên ấy. “Bổng ơi, không lên được thì động viên anh em nhá. Xác định tốt nhiệm vụ nhá. Anh em nhà báo muốn nói chuyện với anh em chút này”.

Tôi cầm chiếc bộ đàm: “Anh Bổng ơi, em Minh Thùy nè”. “Ừ, Minh Thùy à, không lên được buồn quá!”. Tôi nấc lên dù môi đang cắn chặt. Ai đã từng một lần sống trên nhà giàn mới hiểu được sự khát khao hình ảnh đất liền với các anh lớn như thế nào. Đầu đội trời chân đạp sóng, điều mà các anh thiếu thốn nhất là hơi ấm đất liền. Vậy mà đất liền đã chạm được đến chân nhà giàn nhưng không thể với được đến các anh...

Chúng tôi hiểu các anh đã mong mỏi ngày này và chuẩn bị đón đoàn từ nhiều hôm trước. Rồi biết đâu trong số đó có những người đã nhuộm tóc cho nhau, có người đã chuẩn bị những bộ cánh thật đẹp. Gặp nhau gần lắm rồi mà chỉ kịp gửi đất liền một thùng quà. Không kịp nhìn ngắm nhau, đọc cho nhau nghe một câu thơ hay chỉ đơn giản là nghe được giọng nói của nhau mộc mạc...

Vậy nhưng khi đoàn chúng tôi không lên được nhà giàn, chính các anh lại mạnh mẽ động viên chúng tôi qua sóng bộ đàm rằng các anh vẫn khỏe, rất vui vì được nghe tiếng của mọi người; rằng các anh đã được tiếp thêm sức mạnh, niềm tin để vững vàng bám trụ. “Nhìn thấy mọi người ở dưới xuồng như thế là hạnh phúc lắm rồi, thấy đất liền rồi”.

Ca sĩ Thúy Vy chỉ có thể hát được nửa câu rồi nấc lên thành tiếng, không sao cầm được - Ảnh: Đà Trang

Ca sĩ Thúy Vy ôm mặt chạy ra lan can tàu khóc. Giọng anh Thế lạc đi: “Ở đây mọi người đang quây quần đông lắm, chị Ái Xuân sẽ hát tặng anh em nhá!”. Chị Ái Xuân hát xong, các chiến sĩ nhà giàn đáp lại bằng bài Tâm tình người chiến sĩ nhà giàn: “Người chiến sĩ nhà giàn vẫn kiên cường trong bão dông, dù gian khó không sờn lòng, hiến dâng tuổi xuân sá chi, gìn giữ đất cha ông, giữ trọn lòng son sắt, cờ thắm gió tung bay, súng ngang trời đứng canh...”.

Tất cả mọi người đứng chật cabin con tàu HQ 996 lúc ấy không cầm được nỗi xúc động vô bờ. Nước mắt yêu thương tràn ra, tan vào sóng biển...

MINH THÙY

====================================================================Ý

Ý kiến bạn đọc

* Tôi muốn cảm ơn các anh, những người chiến sĩ anh hùng đã hi sinh tất cả vì Tổ quốc thân yêu. Sự hi sinh đó không gì có thể so sánh được, một sự hi sinh vô bờ bến. Mong cho các anh luôn mạnh khỏe, luôn vui vẻ, và luôn cất cao giọng hát yêu quê hương của mình.

Gửi Trường Sa thân yêu một tình cảm chân thành của đất liền.

LE HIEN

* Chúng tôi đang ở đất liền - nơi có các phương tiện thông tin đầy đủ, cơ sở vật chất không thiếu nên chưa cảm nhận được hết sự thiếu thốn như các anh đang ở nơi xa xôi. Muốn viết nhiều lắm nhưng khả năng diễn đạt có hạn. Tôi chỉ mong qua đây gửi tới các anh lời chia sẻ chân thành của một công dân và cũng mong các anh an tâm canh giữ, bảo vệ chủ quyền lãnh thổ quốc gia.

Mong báo Tuổi Trẻ tiếp tục phát động các chương trình hỗ trợ để cán bộ, chiến sĩ nơi xa xôi được nhận nhiều tình cảm bù đắp trong thời gian làm nhiệm vụ.

HOÀNG NHI

* Điều gì đã làm cho các anh kiên cường dũng cảm đến vậy? Phải rồi, đó là tình yêu, một tình yêu vô bờ đối với Tổ quốc và dân tộc. Các anh ơi, hãy cố lên! Đất liền lúc nào cũng hướng về các anh.

NGUYỄN PHƯƠNG HỒNG

* Đọc bài này, tôi xúc động vô cùng. Giờ tôi mới hiểu hết những vất vả, hi sinh và đặc biệt là sự thiếu thốn tình cảm của các anh. Mong Tuổi Trẻ tiếp tục tiếp thêm sức mạnh cho các chiến sĩ nhà giàn.

thanhsonnp@...

* Là một người dân ở Tây Nguyên, tôi cũng có ước mơ một lần được ra Trường Sa. Nơi ấy có những trái tim yêu thương, trái tim của những con người biết hi sinh để bảo vệ sự bình yên của Tố quốc. Tôi gới đến các anh lòng những lời yêu thương nhất, gởi đến các anh lòng nhiệt huyết của tuổi trẻ để giữ vững sự bình yên của biển trời quê hương.

PHẠM THỊ TRUNG NA

MINH THÙY

Bình luận hay

Chia sẻ

Tuổi Trẻ Online Newsletters

Đăng ký ngay để nhận gói tin tức mới

Tuổi Trẻ Online sẽ gởi đến bạn những tin tức nổi bật nhất

Bình luận (0)
Tối đa: 1500 ký tự

Tin cùng chuyên mục

Sài Gòn - TP.HCM - miền đất hứa bao phận người - Kỳ 4: Dang tay với những phận người khó khăn

TP.HCM dang rộng vòng tay với cả bao thân phận nghèo khó, những người khiếm khuyết, thiệt thòi cũng có thể mưu sinh thiện lương ở TP này.

Sài Gòn - TP.HCM - miền đất hứa bao phận người - Kỳ 4: Dang tay với những phận người khó khăn

Sài Gòn - TP.HCM - miền đất hứa bao phận người - Kỳ 4: Từ gánh hàng rong đến cuộc sống đủ đầy

25 năm trước, khi bước chân lên chuyến xe rời TP hoa phượng đỏ Hải Phòng vào TP.HCM lập nghiệp, bà Vũ Thị Thoa (53 tuổi, hiện ngụ phường An Khánh, TP Thủ Đức) chỉ có vỏn vẹn vài bộ quần áo và một ít tiền phòng thân.

Sài Gòn - TP.HCM - miền đất hứa bao phận người - Kỳ 4: Từ gánh hàng rong đến cuộc sống đủ đầy

Sài Gòn - TP.HCM - miền đất hứa bao phận người - Kỳ 3: Gói cháo bột TP.HCM mang ra thế giới

Thuận, ông chủ trẻ của thương hiệu cháo bột cá lóc Cà Mèn, nói rất biết ơn khi được thành phố tạo cơ hội tốt nhất cho những người xa quê.

Sài Gòn - TP.HCM - miền đất hứa bao phận người - Kỳ 3: Gói cháo bột TP.HCM mang ra thế giới

Sài Gòn - TP.HCM - miền đất hứa bao phận người - Kỳ 2: Chàng thủ khoa đất đỏ và giấc mơ đổi đời

19 năm về trước, chàng trai trẻ Đặng Dương Minh Hoàng rời quê hương Bình Phước mang theo khát vọng đổi đời ở miền đất hứa TP.HCM.

Sài Gòn - TP.HCM - miền đất hứa bao phận người - Kỳ 2: Chàng thủ khoa đất đỏ và giấc mơ đổi đời

Bùa yêu, biến thái và lừa đảo: Đốt tiền để làm bùa yêu kỳ dị

Nhiều người sau khi làm bùa yêu không chỉ mất tiền mà còn khủng hoảng tâm lý nặng nề vì bị những kẻ biến thái dụ dỗ.

Bùa yêu, biến thái và lừa đảo: Đốt tiền để làm bùa yêu kỳ dị

Sài Gòn - TP.HCM miền đất hứa bao phận người - Kỳ 1: Giáo sư làm thiện nguyện trả ơn thành phố

Năm 1975, Sài Gòn - TP.HCM vừa trải qua chiến cuộc với hơn 3 triệu dân. 50 năm sau, thành phố đã trở thành đô thị lớn nhất nước với quy mô dân số lên đến gần 10 triệu người, và đô thị hiện đại được phát triển cả bề rộng lẫn chiều sâu chất lượng sống.

Sài Gòn - TP.HCM miền đất hứa bao phận người - Kỳ 1: Giáo sư làm thiện nguyện trả ơn thành phố
Tất cả bình luận (0)
Ý kiến của bạn sẽ được biên tập trước khi đăng, xin vui lòng viết bằng tiếng Việt có dấu.
Được quan tâm nhất
Mới nhất
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đâu tiên bình luận về bài viết.
Tối đa: 1500 ký tự
Avatar
Đăng ký bằng email
Khi bấm "Đăng ký" đồng thời bạn đã đồng ý với điều khoản của toà soạn Đăng ký
Đăng nhập
Thông tin bạn đọc Thông tin của bạn đọc sẽ được bảo mật an toàn và chỉ sử dụng trong trường hợp toà soạn cần thiết để liên lạc với bạn.
Gửi bình luận
Đóng
Hoàn thành
Đóng

Bình luận (0)
Tối đa: 1500 ký tự
Tất cả bình luận (0)
Ý kiến của bạn sẽ được biên tập trước khi đăng, xin vui lòng viết bằng tiếng Việt có dấu.
Được quan tâm nhất
Mới nhất
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đâu tiên bình luận về bài viết.
Tối đa: 1500 ký tự
Avatar