
Cán bộ Trung tâm hành chính công phường Cát Lái, TP.HCM giúp người dân làm thủ tục hành chính - Ảnh: HỮU HẠNH
* Đề nghị cho biết tiêu chuẩn cụ thể về chức danh cũng như cơ cấu nhân sự trưởng phòng, phó phòng chuyên môn thuộc UBND xã, phường mới?
Bạn đọc NGUYỄN THỊ THU HÀ (TP Hà Nội)
- Về nội dung này, theo quy định tại nghị định 150 của Chính phủ, UBND cấp xã gồm có Văn phòng HĐND, UBND; Phòng kinh tế (đối với xã, đặc khu) hoặc Phòng kinh tế, hạ tầng và đô thị (đối với phường và đặc khu Phú Quốc); Phòng văn hóa - xã hội; Trung tâm phục vụ hành chính công.
Nghị định nêu rõ người đứng đầu phòng thuộc UBND cấp xã (gọi chung là trưởng phòng) do chủ tịch UBND cấp xã bổ nhiệm, chịu trách nhiệm trước UBND cấp xã, chủ tịch UBND cấp xã và trước pháp luật về thực hiện chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn của phòng. Mỗi phòng được bố trí một phó trưởng phòng.
Việc bổ nhiệm, bổ nhiệm lại, kéo dài thời gian giữ chức vụ lãnh đạo quản lý, cho từ chức, miễn nhiệm, điều động, luân chuyển, khen thưởng, kỷ luật, thực hiện chế độ, chính sách đối với trưởng phòng, phó trưởng phòng do chủ tịch UBND cấp xã quyết định theo quy định của pháp luật.
Cũng theo quy định, phòng thuộc UBND cấp xã làm việc theo chế độ thủ trưởng và theo quy chế làm việc của UBND cấp xã; bảo đảm nguyên tắc tập trung dân chủ. Căn cứ các quy định của pháp luật và phân công của UBND cấp xã, trưởng phòng ban hành quy chế làm việc của phòng và chỉ đạo, kiểm tra việc thực hiện.
Trưởng phòng chịu trách nhiệm trước UBND cấp xã, chủ tịch UBND cấp xã trong việc thực hiện chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn quản lý nhà nước về ngành, lĩnh vực ở địa phương và các công việc được UBND, chủ tịch UBND cấp xã phân công hoặc ủy quyền.
Đối với những vấn đề vượt quá thẩm quyền hoặc đúng thẩm quyền nhưng không đủ khả năng và điều kiện để giải quyết thì trưởng phòng phải chủ động làm việc với trưởng phòng có liên quan để hoàn chỉnh hồ sơ trình UBND, chủ tịch UBND cấp xã xem xét, quyết định.
Trưởng phòng có trách nhiệm báo cáo với UBND cấp xã, chủ tịch UBND cấp xã về tổ chức, hoạt động của cơ quan mình; báo cáo công tác với cơ quan có thẩm quyền theo quy định.
Trước đó, Ban Chỉ đạo của Chính phủ cũng đã có hướng dẫn tiêu chuẩn với công chức lãnh đạo, quản lý là trưởng phòng và tương đương, phó trưởng phòng và tương đương thuộc HĐND và UBND cấp xã.
Cụ thể, trưởng phòng phải có trình độ chuyên môn đại học trở lên, cơ bản phù hợp lĩnh vực công tác của vị trí việc làm được bố trí hoặc có kinh nghiệm thực tiễn liên quan vị trí việc làm. Đồng thời có bằng tốt nghiệp trung cấp lý luận chính trị trở lên hoặc có giấy xác nhận tương đương trình độ trung cấp lý luận chính trị của cơ quan có thẩm quyền.
Trưởng phòng cần phẩm chất đạo đức, bản lĩnh chính trị, tinh thần phục vụ nhân dân và năng lực tổ chức, giám sát.
* Xin cho hỏi về tiền lương tháng hiện hưởng để tính hưởng chính sách, chế độ nghỉ trước tuổi theo nghị định 178 (sửa đổi bởi nghị định 67) với cán bộ, công chức làm công tác cơ yếu trong cơ quan nhà nước sẽ gồm những loại phụ cấp nào?
Bạn đọc VÕ THANH BÌNH
- Về nội dung này, Bộ Nội vụ cho hay tại nghị định 178 (được sửa đổi, bổ sung bởi nghị định số 67/2025) của Chính phủ đã quy định tiền lương tháng hiện hưởng để tính hưởng chính sách, chế độ bao gồm bảy khoản phụ cấp. Cụ thể gồm phụ cấp chức vụ lãnh đạo, phụ cấp thâm niên vượt khung, phụ cấp thâm niên nghề, phụ cấp công vụ, phụ cấp ưu đãi theo nghề, phụ cấp trách nhiệm theo nghề, phụ cấp đảng đoàn thể chính trị - xã hội, phụ cấp đặc thù đối với lực lượng vũ trang.
Bộ Nội vụ nêu rõ các khoản phụ cấp khác (ngoài các phụ cấp nêu trên) không được tính vào tiền lương tháng hiện hưởng để tính hưởng chính sách, chế độ theo quy định tại nghị định 178 (được sửa đổi, bổ sung nghị định 67).
Bình luận hay