![]() |
Nhà văn Lê Phương Liên và nhà văn Tô Hoài trong cuộc gặp gỡ văn học thiếu nhi 2008 - Ảnh: NVCC |
Khoảng trống mênh mang
Xem thêm |
“Mặc dù biết nhà văn đã 95 tuổi rồi, nhưng khi biết tin cụ mất, tôi cũng như nhiều anh em văn nghệ sĩ đều thấy buồn, và hụt hẫng. Cụ mất đi để lại khoảng trống lớn khó khỏa lấp được trên bầu trời văn học” - PGS.TS, nhà văn, nhà phê bình Ngô Văn Giá, trưởng khoa Sáng tác & Lý luận - phê bình văn học, trường Đại học Văn hóa chia sẻ. Ngày cụ còn khỏe, tôi với anh Trần Hòa Bình hay đến thăm cụ ở Nghĩa Đô, rồi mời cụ đi uống bia. Cụ thường nói vui rằng: “Tớ uống bia chẳng bao giờ say cả!”.
Cách mấy năm sau, khi chúng tôi đến thăm, cụ nói không còn uống bia nữa, mà chuyển sang uống rượu vang. Cách đây hai năm thì cụ không uống bia rượu nữa. Vẫn biết bia rượu uống nhiều thì không tốt, nhưng những lúc đấy chúng tôi đã chạnh lòng, lo cho sức khỏe của cụ.
Dù bận rộn nhưng sinh thời cụ vẫn dành nhiều thời gian đến trò chuyện với sinh viên. Tôi vẫn rất nhớ cụ luôn nói với các bạn trẻ rằng: Trong nghề viết, năng khiếu rất quan trọng, nhưng quan trọng hơn là phải khổ luyện. Sự khổ luyện đưa tác giả đi được lâu hơn và xa hơn trong việc viết văn.
Có lần cụ còn nói rằng, một số người viết văn chỉ “có ý chứ không có câu”, tức là không chăm sóc câu văn, chữ nghĩa. Với cụ, người cầm bút phải có năng lực tiếng Việt để không viết văn ẩu, thiếu tôn trọng độc giả.
Nói về sự nghiệp sáng tác của nhà văn Tô Hoài, nhà phê bình Ngô Văn Giá cho rằng, sự nghiệp của cụ có thể chia thành ba giai đoạn sáng tác rõ rệt. Những năm trước cách mạng, đề tài của Tô Hoài tập trung vào đời sống người lao động ven đô và đề tài thiếu nhi. Trong đó có cuốn sách “bất tử” Dế mèn phiêu lưu ký. Trong giai đoạn kháng chiến chống Pháp, Mỹ, Tô Hoài cho ra đời khối lượng tác phẩm đồ sộ với những O Chuột; Vợ chồng A Phủ; Mường Giơn giải phóng…Nhưng đến giai đoạn đổi mới, Tô Hoài cho ra mắt bạn đọc ba tác phẩm rất xuất sắc: Cát bụi chân ai; Chiều chiều; Ba người khác. “Với ba tác phẩm này, Tô Hoài lại một lần nữa chói sáng để lại ba tác phẩm tầm vóc trong nền văn học Việt Nam. Các tác phẩm này, Tô Hoài lại một lần nữa trở về với khát vọng lên đường, khát vọng tự do cháy bỏng từ thời Dế mèn phiêu lưu ký”.
Người mở đường cho văn học thiếu nhi
Trước cách mạng tháng Tám, các tác giả viết cho thiếu nhi đã có nhưng chưa nhiều. Dế mèn phiêu lưu ký của Tô Hoài là tác phẩm tiêu biểu nhất. Bằng tác phẩm này, Tô Hoài được đánh giá là một trong những nhà văn Việt Nam đầu tiên mở đường cho dòng văn học thiếu nhi ở Việt Nam. Tô Hoài đã đưa những nhân vật thiếu nhi có thật như Kim Đồng, Vừ A Dính…đến gần hơn với độc giả. “Tô Hoài là cha đẻ của những tác phẩm văn học thiếu nhi hấp dẫn, đồng thời là người tham gia sáng lập lên NXB Kim Đồng để đưa các tác phẩm thiếu nhi đến với các em nhỏ”- nhà văn Lê Phương Liên cho biết. |
Nhà văn Lê Phương Liên, đồng thời là biên tập viên NXB Kim Đồng có hơn 20 năm được tiếp xúc, làm việc với nhà văn Tô Hoài về đề tài Văn học thiếu nhi cho biết rằng, Tô Hoài là nhà văn mở đường cho văn học thiếu nhi của nước ta.
Nhà văn Lê Phương Liên cho biết: “Tô Hoài là một người rất giản dị và vui tính, dí dỏm. Cách nói của cụ rất tinh tường. Khi phê bình cụ luôn có những nhận xét rất vui, làm người khác dễ tiếp thu mà không giận”
Khác với các nhà văn trẻ bây giờ thường làm việc trên máy tính thì Tô Hoài luôn giữ thói quen viết tay, sau đó mới nhờ người khác đánh máy giúp.
Tô Hoài cũng là người sáng lập và là chủ tịch đầu tiên của Hội đồng văn học thiếu nhi Việt Nam (Sau này gọi là Ban văn học thiếu nhi của Hội nhà văn Việt Nam) cùng với các nhà văn: Phạm Hổ, Vũ Tú Nam, Võ Quảng…
Tô Hoài luôn cổ vũ, động viên các nhà văn trẻ viết cho thiếu nhi. Khi nhà văn Nguyễn Nhật Ánh mới xuất hiện trên văn đàn, có nhiều ý kiến nghi hoặc, nhưng Tô Hoài thì ủng hộ hết mực.
Nhà văn không có tuổi già
Nhà thơ Trần Đăng Khoa vẫn nhớ kỷ niệm về bài thơ cùng tên với một truyện ngắn của Tô Hoài có tên Ò…ó…o. Ông kể rằng đó là năm 1967, tình cờ đọc được một truyện ngắn viết cho thiếu nhi của Tô Hoài có tên Ò…ó…o. Đó chính là cảm hứng để ông sáng tác bài thơ cùng tên nhưng với nội dung khác. “Chữ Ò…ó…o là của Tô Hoài đấy. Chứ ngày trước chúng tôi được học tiếng gà gáy Cúc…cù…cu cơ. Nhưng tôi thấy tiếng đó giống tiếng chim bồ câu hơn là tiếng gà. Vì thế khi đọc truyện ngắn kia của Tô Hoài, tôi đã có ngay cảm hứng viết bài thơ. Dù lúc đó chưa được gặp nhưng tôi vẫn đề dưới bài thơ là “Kính tặng chú Tô Hoài” để tỏ lòng cảm ơn ông đã truyền cảm hứng cho tôi”.
Nhà thơ Trần Đăng Khoa kể lại, để có được số lượng tác phẩm đồ sộ hơn 200 tác phẩm đủ các thể loại từ tiểu thuyết đến truyện ngắn, bút ký, tự truyện, hồi ký…Tô Hoài đã làm việc không biết mệt mỏi ở mọi lúc, mọi nơi. Ông kể rằng, Tô Hoài tranh thủ cả những lúc ngồi họp để viết văn.
“Tôi có may mắn được sống với Tô Hoài suốt nửa tháng ở Nhà sáng tác Đại Lải, Vĩnh Phúc. Lúc đầu, tôi thật ngạc nhiên khi ông đi ngủ rất sớm, từ 8 giờ tối. Nhưng 3 giờ sáng hôm sau đã thấy ông lặng lẽ dậy, thắp đèn đọc và viết. Sau này, khi đã tuổi cao, ông vẫn luôn cố gắng vượt qua sự mệt mỏi của tuổi già. Ông là nhà văn không có tuổi già. Vì thế ông đã để lại số cho đời số lượng tác phẩm gấp đôi số tuổi thọ mình"- nhà thơ Trần Đăng Khoa tâm sự .
Theo nhà thơ Trần Đăng Khoa, Tô Hoài còn là “nhà Hà Nội học” với kiến thức uyên bác, tỉ mỉ về Hà Nội. “Ông nhớ rất rõ từng tên phố, từng ngách nhỏ của Hà Nội. Ông nhớ ngày trước Hà Nội có bao nhiêu ngôi nhà cổ, tượng đài và bây giờ mất bao nhiêu, còn bao nhiêu. Ông nhớ rõ Hồ Tây ngày trước rộng bao nhiêu, bây giờ thu hẹp còn bao nhiêu. Hà Nội với ông không chỉ là nơi sinh ra và lớn lên mà còn là tình yêu và sự am hiểu đến tường tận” - nhà thơ Trần Đăng Khoa nói.
Bình luận hay