Trúng thầu lần lượt, quân xanh quân đỏ, bỏ thầu hoặc thầu phụ - bốn hình thức ấy đã được một số doanh nghiệp tận dụng như những chiêu bài để móc túi ngân sách, chủ yếu khi tham gia gói thầu mua sắm công. Trung tâm của câu chuyện ăn cắp này là một nhóm doanh nghiệp thỏa thuận ăn chia theo từng gói thầu theo kiểu “lọt sàng xuống nia”.
Luật đấu thầu quy định 19 hành vi bị cấm trong đấu thầu nhằm triệt tiêu mục đích hối lộ, dùng ảnh hưởng cá nhân hoặc dàn xếp người thân khi tham gia quá trình đấu thầu. Đại diện Cục C46 của Bộ Công an nhận định: “Thông thầu ở ta (Việt Nam) diễn ra rất nhiều.
Chúng ta chưa có chế tài đủ mạnh để xử lý triệt để”. Theo ý của vị cảnh sát kinh tế này, mức phạt 10% doanh thu năm trước khi một doanh nghiệp bị phát hiện đã thông thầu trong năm nay chưa phải là đòn đau. Ở nhiều nước, thỏa thuận hạn chế cạnh tranh (trong đó có thông thầu) được xem là hành vi nguy hiểm nhất cho môi trường cạnh tranh và phải xử lý nghiêm: xử tù kèm theo phạt tiền.
Phát hiện và chứng minh được hành vi ăn cắp này không phải là dễ. Kỹ năng thẩm vấn của người có thẩm quyền chưa đủ để bóc trần hành vi thông thầu, bởi doanh nghiệp chỉ cần đem cái lý của giá “hợp với dáng em” ra là... hòa.
Ở Nhật, trong hoạt động thực thi luật chống độc quyền, Ủy ban Công bằng thương mại (JFTC) đặc biệt bỏ nhiều sức lực nhằm triệt phá các thỏa thuận thông đồng đấu thầu. Tổ chức chuyên nghiệp này đã phát hiện tính tập quán (thỏa thuận khung và điều chỉnh cụ thể) trong hành vi thông thầu của các đối tượng và có phán quyết từ năm 1949: “Nhìn bề ngoài, tình tiết thống nhất với kết quả của hành vi thuộc đối tượng xem xét thì chưa đủ, mà cần phải có sự trao đổi về ý định nào đó giữa các bên thực hiện hành vi”.
Một ví dụ điển hình cho nỗ lực lành mạnh hóa môi trường đấu thầu là: JFTC vào cuộc, 34 công ty xây dựng có trụ sở tại thành phố Aomori và chủ đầu tư đã từng được một phen điều trần trước luật pháp khi thực hiện công trình dân dụng cấp 1 theo phương pháp cạnh tranh hạn chế. Kết quả là 27/34 công ty đã từ bỏ hành vi vi phạm, 28/34 công ty chấp hành lệnh nộp phạt.
Cục Quản lý cạnh tranh (Bộ Công thương) từng xử lý hành vi liên kết độc quyền của 19 doanh nghiệp bảo hiểm. Hành động này mở đường cho việc phát hiện tiếp theo những tình tiết liên quan giữa độc quyền và thông thầu. Một tiền lệ “bắt trộm” đã được xác lập bởi cả hai bộ luật: Luật cạnh tranh và Luật đấu thầu.
Bình luận hay