
Thịt lợn bày bán tại một chợ ở TP Đà Nẵng - Ảnh: CHÂU SA
Theo chuyên gia, nếu thịt đã nhiễm vi khuẩn như liên cầu lợn thì việc nấu chín không loại bỏ hoàn toàn nguy cơ.
Nguy cơ mắc liên cầu lợn từ tiết canh, thịt tái, lòng non
Theo CDC TP Huế, thời gian qua trên địa bàn ghi nhận nhiều ca mắc liên cầu khuẩn lợn ở người, trong đó có ca đã tử vong.
Liên cầu lợn ở người là bệnh nhiễm khuẩn cấp tính do vi khuẩn Streptococcus suis gây ra. Đây là bệnh lây truyền từ động vật sang người, phổ biến qua lợn mắc bệnh hoặc sản phẩm từ lợn chưa được chế biến kỹ như tiết canh, thịt tái, lòng non...
Người mắc bệnh có thể gặp hai thể bệnh nguy hiểm nhất là viêm màng não mủ (gây điếc vĩnh viễn) và sốc nhiễm khuẩn (gây xuất huyết lan tỏa, rối loạn đông máu, suy đa cơ quan và có thể tử vong).
Tỉ lệ tử vong dao động từ 5-20%, thời gian hồi phục thường kéo dài và có thể để lại di chứng.
Vi khuẩn có thể xâm nhập qua vết thương hở, niêm mạc, tồn tại sẵn ở họng, hạch, máu, phủ tạng của lợn nhiễm bệnh.
Ngoài lợn, vi khuẩn này còn được phát hiện ở một số động vật khác như trâu, bò, lợn rừng, dê, chó...
Đừng nghĩ nấu chín thịt lợn bệnh sẽ không nguy hiểm
ThS Nguyễn Hữu Quý - Trung tâm Kiểm soát bệnh tật (CDC) TP Đà Nẵng, lưu ý: "Thịt lợn đã bị bệnh, tức chắc chắn chứa vi khuẩn gây hại, thì dù có nấu chín kỹ cũng tuyệt đối không được ăn vì vẫn tiềm ẩn nguy cơ cao cho sức khỏe.
Với thịt chưa bị bệnh hoặc chưa phát hiện nhiễm bệnh, việc nấu chín kỹ có thể giúp giảm nguy cơ mắc bệnh nhưng không đảm bảo an toàn tuyệt đối. Do đó, biện pháp quan trọng nhất vẫn là kiểm soát và loại bỏ sớm nguồn lây, tức phát hiện, tiêu hủy lợn mắc bệnh trước khi được đưa ra thị trường".

Thịt lợn đã bị bệnh thì dù nấu chín kỹ vẫn tiềm ẩn nguy cơ cao cho sức khỏe - Ảnh: CHÂU SA
CDC Đà Nẵng khuyến cáo người dân, đặc biệt là các nhóm nguy cơ cao như người giết mổ, bán thịt tươi sống, người nội trợ cần đặc biệt chú ý áp dụng các biện pháp phòng ngừa.
Người dân tuyệt đối không giết mổ hoặc tiêu thụ lợn ốm, chết, không rõ nguồn gốc; không ăn tiết canh, thịt tái, lòng non hay các sản phẩm từ lợn chưa nấu kỹ. Chỉ nên mua thịt lợn đã được kiểm dịch thú y và đảm bảo điều kiện vệ sinh.
Khi tiếp xúc hoặc chế biến thịt sống cần sử dụng đầy đủ phương tiện phòng hộ như găng tay, kính, khẩu trang; đồng thời rửa tay bằng xà phòng sau khi chế biến thịt hoặc dọn dẹp khu vực giết mổ. Các vật dụng như dao, thớt, bàn chế biến cần được vệ sinh kỹ sau khi sử dụng.
Người có vết thương hở hoặc vùng da bị tổn thương không nên giết mổ hoặc chế biến thịt lợn sống. Nếu buộc phải làm, cần băng kín vết thương và sử dụng chất khử trùng ngay sau khi hoàn tất công việc.
Trong trường hợp có biểu hiện sốt cao đột ngột, đau đầu, buồn nôn sau khi ăn thịt lợn hoặc tiếp xúc với lợn bệnh, người dân cần đến ngay cơ sở y tế gần nhất để được khám, xét nghiệm và điều trị kịp thời.
Ngoài ra, người dân cần chủ động báo cho cơ quan thú y nếu phát hiện lợn có dấu hiệu ốm, chết, sẩy thai bất thường để xử lý đúng quy trình.
Đồng thời, các cơ sở chăn nuôi, giết mổ và buôn bán lợn cần đảm bảo vệ sinh môi trường, thực hiện phun tiêu độc khử trùng định kỳ bằng dung dịch cloramin B 2% hoặc các loại dung dịch phù hợp.
Vi khuẩn S. suis cũng thường phát triển mạnh tại các ổ dịch lợn tai xanh, nên việc phối hợp giám sát giữa ngành y tế và thú y là cần thiết để chặn nguy cơ bùng phát dịch liên cầu khuẩn lợn từ gốc.
Bình luận hay