13/09/2008 07:01 GMT+7

Thảm sát thú rừng Tây nguyên

HOÀNG KHƯƠNG
HOÀNG KHƯƠNG

TT - Khắp Tây nguyên, đi kiếm nhà hàng đặc sản thú rừng dễ hơn tìm... quán cơm bụi. Ngày ngày, những “lò sát sinh” này đã... hóa kiếp không biết bao nhiêu thú rừng quý hiếm thành mồi nhậu phục vụ “thượng đế”. Để phục vụ, các nhà hàng có cả một “hệ thống” đầu nậu sẵn sàng cung ứng từ rắn, rùa, chồn, tê tê... cho đến nai, gấu...

Phóng to
Rắn hổ nặng 3,6kg bị các đầu bếp quán Dốc Võng (Gia Nghĩa, Đắc Nông) cắt lấy huyết, moi mật để pha rượu - Ảnh: H.K.

Đó là chưa kể một lượng lớn thú rừng được tuồn về các thành phố lớn để đưa vào thực đơn các nhà hàng, quán nhậu.

Chiều 25-8, chúng tôi tìm đến quán đặc sản Lâm Viên nằm trên đường Phan Đình Phùng (TP Pleiku, Gia Lai). Vừa yên vị, cô nhân viên phục vụ sà tới chào mời: “Mấy anh dùng thịt rừng nhé, quán em có đủ hàng tươi sống nhím, nai, chồn, cheo, kỳ đà, thỏ, rùa...”. Thấy khách chưa chọn được món, cô nhân viên đon đả: “Các anh khai vị món nhím xào nhé. Sau đó mình làm con chồn hương nấu giả cầy hay cắt tiết con rắn hổ mang nấu cháo ăn cho khỏe”.

Thú rừng rủ nhau lên... bàn nhậu

Quán Lâm Viên chỉ là một trong nhiều quán nhậu tại Gia Lai bán thịt thú rừng. Ở TP Pleiku, muốn thưởng thức những loại thịt rừng hoang dã như tê tê (trút), rắn, rùa, nhím, heo, nai, kỳ đà... còn dễ hơn kiếm một quán cơm bụi. Chỉ cần làm quen anh xe ôm là có thể nghe kể vanh vách những tên quán đặc sản thịt rừng nổi tiếng ở phố núi.

Trên đường Phạm Văn Đồng, có khá nhiều quán bán “hàng độc” phục vụ khách hạng sang, trong đó phải kể quán Biển Hồ Xanh. Theo anh quản lý, quán chỉ bán thú rừng “còn sống nhăn răng” chứ không bán thịt đông lạnh. Thực đơn ở đây có hàng chục món đặc sản rừng: chồn hương, rắn hổ mang, nhím 600.000 đồng/kg, tê tê 1,5 triệu đồng/kg, kỳ đà 350.000 đồng/kg...

Những “sát thủ” không chuyên

Tham gia tàn sát động vật rừng có cả cán bộ nhà nước, bác sĩ, lái xe cơ quan... Trong một lần cùng anh Hào, một chủ nhà hàng đặc sản ở TP.HCM, đi tìm mối thịt rừng, chúng tôi gặp H., công tác tại một cơ quan nhà nước ở Gia Lai. Khi biết ý định của anh Hào, H. vỗ đùi: “Tui với ông có duyên rồi”.

H. cho biết anh có thể cung cấp hầu hết các loại thịt rừng nhím, chồn, tê tê, rùa, rắn, kỳ đà... “Cần thứ gì gọi điện sẽ có người giao hàng tận nơi” - H. nói. Trên đường về TP.HCM, H. gọi điện cho chúng tôi báo: “Em có bộ tay gấu (trước và sau) giá 8,5 triệu, nếu cần em gửi xuống cho anh”.

Nhà bác sĩ Hưng nằm trên đường Nguyễn Du, TP Pleiku. Ông Hưng cho biết có đủ các loại thú rừng tươi sống, nhưng nếu giao tận TP.HCM thì chỉ có hai mặt hàng “chủ lực” là tê tê và chồn. Phòng khách nhà bác sĩ Hưng có treo bộ sừng min (bò tót) rất đẹp. Thấy chúng tôi trầm trồ khen, ông nói: “Có ông Đ. làm UBND một phường ở Q.9 (TP.HCM) hỏi mua 30 triệu nhưng chưa bán”.

Trên đường Phạm Văn Đồng còn có một quán đặc sản thú rừng khác, đó là quán Đông Dương. Mới 11 giờ trưa nhưng khách ngồi kín hết các phòng. Liếc qua thực đơn, chúng tôi thấy hàng chục món chế biến từ thịt thú rừng, từ loài bò sát đến các loại thú có chân. Chúng tôi yêu cầu cho xem hàng, người phục vụ cho biết quán chỉ trữ những con thú đã thọc huyết, còn thú sống như tê tê, rắn hổ mang, rùa vàng... phải “ém” chỗ khác (vì sợ bị kiểm tra đột xuất), khi khách có nhu cầu mới lấy về.

Trưa 26-8, chúng tôi có mặt tại thị xã Kontum (tỉnh Kontum). Ở thị xã nhỏ bé này, các món ăn, nhậu từ heo rừng, cheo, dúi, chồn, ba ba, nhím, nai, mễn... đến những loại “đẳng cấp” như tê tê, rùa vàng, tay gấu, sơn dương đều có đủ. Theo chỉ dẫn của một “thổ địa”, chúng tôi tìm đến quán Thạch Anh nằm trên đường Huỳnh Thúc Kháng. Tại quán này, anh phục vụ giới thiệu: nhím 450.000 đồng/kg, kỳ đà 380.000 đồng/kg, chồn 500.000 đồng/kg...

Về TP Buôn Ma Thuột (Đắc Lắc), thịt rừng có trong thực đơn của hầu hết quán nhậu, nhà hàng đặc sản. Quán Dũng “râu” trên đường Nguyễn Tri Phương nổi tiếng món rắn hổ và chồn. Ông chủ quán còn có bí quyết pha rượu mật bò tót (nghe nói mua từ Campuchia) rất ngon. Tại quán Hùng Cường trên đường Đào Duy Từ, chúng tôi hỏi có đúng thịt sống không, anh nhân viên quả quyết “sống nhăn răng”. Để chứng minh, anh ta chạy xuống bếp tóm lên một con kỳ đà chừng 4kg quăng ra giữa nhà cho chúng tôi xem.

Thị xã Gia Nghĩa (Đắc Nông) cũng được xem là nơi tiêu thụ thịt rừng mạnh không kém Pleiku hay Buôn Ma Thuột. H., người bạn làm ở một cơ quan nhà nước của tỉnh, cho biết ở Gia Nghĩa nếu nói về đặc sản thú rừng thì “nhất Dốc Võng, nhì Hải Dương”. Ghé quán Dốc Võng (đường Hùng Vương) vào một đêm cuối tháng tám, chúng tôi chứng kiến tay đầu bếp “hạ thủ” hai con rắn hổ chúa, một con 1,9kg, con kia gần 4kg, moi mật, lấy huyết pha rượu trước khi chế biến món nhậu. Ngồi gần khu vực bếp, chúng tôi nghe rõ tiếng những con thú hoang dã bị đem cắt tiết kêu thống thiết.

Đi tìm đầu nậu thịt rừng

Phóng to

Chiều 26-8 chúng tôi tìm đến nhà Vũ nằm gần hồ Diên Hồng, TP Pleiku. Vũ là đầu nậu thu gom thịt thú rừng về bỏ mối cho các quán nhậu ở Pleiku và các tỉnh. Gặp chúng tôi, Vũ khoe mới gom hàng về, phần lớn còn tươi sống, không bị sứt mẻ gì. Vũ lôi mấy lồng sắt nhốt kỳ đà, rùa, rắn ra chào hàng. Vũ cho biết số hàng này mua từ cửa khẩu Đức Cơ, sau đó bỏ vào vali, túi xách chở về Pleiku.

Chúng tôi đặt vấn đề cần mua số lượng lớn thú rừng đưa về TP.HCM tiêu thụ, Vũ cho biết “đã tìm đúng địa chỉ” và liệt kê trên chục loại thú rừng kèm theo giá cả. Chúng tôi hỏi đưa hàng đi bằng cách nào, không sợ kiểm lâm kiểm tra hay sao, Vũ nói “chuyện đó tui lo”.

Ở Pleiku còn một số đầu nậu cung cấp thịt rừng có “máu mặt” khác như: Lệ, Trường, Sương, Hải, Như, Tính... Theo tìm hiểu, các đầu nậu Lệ, Sương, Tính, Hải chuyên thu gom thú rừng từ các cửa khẩu Lệ Thanh, Đức Cơ (Gia Lai), Sa Thầy (Kontum) rồi đưa đi TP.HCM, Bình Dương, Đồng Nai tiêu thụ. T., tài xế kiêm đầu nậu động vật quý hiếm, chuyên “đánh” hàng bằng xe hơi từ các cửa khẩu về bỏ mối cho các nhà hàng ở Pleiku và các tỉnh. Trong khi đó “trùm” Như chuyên thu mua những loại hàng độc (tê tê, gấu...). Khi chúng tôi đặt hỏi mua vài bàn tay gấu đem về TP.HCM, ông Như nói: “Ở đây chỉ có tui mới có nhưng phải đặt trước một hai ngày để đi gom”.

Trong những ngày ở Tây nguyên, cái tên mà chúng tôi nghe nhắc nhiều nhất trong giới cung cấp động vật hoang dã là bà Dương. Trưa 26-8, chúng tôi đến vựa thịt rừng của bà Dương ở đường Phạm Văn Đồng, Pleiku. Anh nhân viên vồn vã cho biết ở đây chỉ bán “hàng độc” (thú rừng còn sống, không bị thương tích) các loại thú: tê tê, nhím, rùa vàng, rắn hổ, kỳ đà, heo, nai...

Chúng tôi nói cần xem hàng trước, anh nhân viên nói phải đợi chiều tối bà chủ về, dạo này kiểm lâm hay kiểm tra nên không dám để ở quán. Tối, chúng tôi gọi điện đặt vấn đề mua thịt sống về TP.HCM, bà Dương cho biết mấy ngày nay hút hàng, hiện còn năm con nhím, vài con kỳ đà.

Ngược lên Kontum, chúng tôi gặp ông D., một “trùm” đầu nậu thịt rừng ở đường Huỳnh Thúc Kháng. Ông D. có nguồn hàng độc quyền từ Sa Thầy (Kontum) về nên lúc nào cũng có đủ thịt tươi sống và giá rẻ hơn những nơi khác. Chúng tôi hỏi có tay gấu không, ông D. quả quyết: “Có, giá 5 triệu tay trước, 4,5 triệu tay sau, đảm bảo hàng độc”.

HOÀNG KHƯƠNG

Bình luận hay

Chia sẻ

Tuổi Trẻ Online Newsletters

Đăng ký ngay để nhận gói tin tức mới

Tuổi Trẻ Online sẽ gởi đến bạn những tin tức nổi bật nhất

Bình luận (0)
Tối đa: 1500 ký tự

Tin cùng chuyên mục

Phố xá, ruộng đồng nào cũng quê hương - Kỳ 2: Về chung một nhà và niềm kỳ vọng

Dù còn bỡ ngỡ với tên gọi hay địa chỉ hành chính mới, người dân vẫn mang chung tâm thế: kỳ vọng chặng đường phát triển phía trước của quê hương.

Phố xá, ruộng đồng nào cũng quê hương - Kỳ 2: Về chung một nhà và niềm kỳ vọng

Phố xá, ruộng đồng nào cũng quê hương - Kỳ 1: 'Anh Tây Ninh, em Long An' đã là kỷ niệm

Mới hôm qua thôi, nhiều người sống ở các vùng ranh tỉnh thành cũ còn đầy chuyện khôi hài như "nhà tôi Long An nhưng cái chuồng bò ở Tây Ninh", "con gái tôi dân TP.HCM lấy chồng Bình Dương dù hai nhà liền cái giậu mồng tơi"…

Phố xá, ruộng đồng nào cũng quê hương - Kỳ 1: 'Anh Tây Ninh, em Long An' đã là kỷ niệm

50 năm kỳ thi tốt nghiệp THPT - Kỳ cuối: Gian nan học thật, thi thật

Trong lịch sử những kỳ thi tốt nghiệp THPT, xuyên suốt hành trình 50 năm vẫn là nỗ lực đổi mới đầy gian nan để hướng đến việc học thật, thi thật.

50 năm kỳ thi tốt nghiệp THPT - Kỳ cuối: Gian nan học thật, thi thật

50 năm kỳ thi tốt nghiệp THPT - Kỳ 5: Những vụ gian lận rúng động

Chỉ vài năm kể từ khi thực hiện cuộc vận động "hai không", cảnh gian lận thi cử lại tái phát.

50 năm kỳ thi tốt nghiệp THPT - Kỳ 5: Những vụ gian lận rúng động

Lấy chuyên môn làm tình nguyện

Đoàn y bác sĩ tình nguyện TP.HCM đón trung bình 500 lượt người dân đến khám mỗi ngày tại Attapeu, Lào.

Lấy chuyên môn làm tình nguyện

50 năm kỳ thi tốt nghiệp THPT - Kỳ 4: Kỳ thi thời 'hai không'

Năm học 2006-2007 là mốc thời gian thực hiện việc nói không với tiêu cực trong thi cử và bệnh thành tích trong giáo dục.

50 năm kỳ thi tốt nghiệp THPT - Kỳ 4: Kỳ thi thời 'hai không'
Tất cả bình luận (0)
Ý kiến của bạn sẽ được biên tập trước khi đăng, xin vui lòng viết bằng tiếng Việt có dấu.
Được quan tâm nhất
Mới nhất
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đâu tiên bình luận về bài viết.
Tối đa: 1500 ký tự
Avatar
Đăng ký bằng email
Khi bấm "Đăng ký" đồng thời bạn đã đồng ý với điều khoản của toà soạn Đăng ký
Đăng nhập
Thông tin bạn đọc Thông tin của bạn đọc sẽ được bảo mật an toàn và chỉ sử dụng trong trường hợp toà soạn cần thiết để liên lạc với bạn.
Gửi bình luận
Đóng
Hoàn thành
Đóng

Bình luận (0)
Tối đa: 1500 ký tự
Tất cả bình luận (0)
Ý kiến của bạn sẽ được biên tập trước khi đăng, xin vui lòng viết bằng tiếng Việt có dấu.
Được quan tâm nhất
Mới nhất
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đâu tiên bình luận về bài viết.
Tối đa: 1500 ký tự
Avatar