TT - Tết này cũng như bao tết khác, sân khấu rối nước vẫn sáng đèn. Ở phía sau bức mành, những nghệ sĩ múa rối nước cố quên đi không khí tết đang chộn rộn bên ngoài để sống với những vui buồn của rối. Tết của họ cũng là tết của rối nước.
![]() |
Các nghệ sĩ phải dầm mình trong dòng nước giá lạnh - Ảnh: H.Hương |
Giữa những đoạn lồng tiếng cho các hoạt cảnh, thi thoảng lại vang lên tiếng xuýt xoa vì rét. Các nghệ sĩ cho biết có hôm Hà Nội rét quá, mọi người phải chất củi đốt một đống lửa, cứ diễn xong vai của mình lại chạy lên hơ tay chân mới có thể xuống diễn tiếp. Nhiều lúc bộ quần áo cao su bị thủng, nước ngập cả người lạnh cóng nhưng phải đợi đến hết suất diễn mới lên thay được.
Ở phía ngoài sân khấu, nơi chỉ có những nụ cười của chú Tễu, những hoạt cảnh bắt cá, múa hát vui nhộn, ít ai hình dung nổi những cơ cực và nhọc nhằn của nghề diễn lắm công phu này. Chỉ cách khán giả một bức mành, cả chục người ngâm mình trong dòng nước giá lạnh. Quần áo bảo hộ chỉ là một lớp cao su mỏng.
Nghệ sĩ Nguyễn Bá Thành uống vội vốc thuốc muối chữa dạ dày rồi tất bật ôm các con rối lội xuống nước. Anh bảo làm nghề lâu năm hầu như người nào cũng bị đau dạ dày, sưng khớp hoặc gặp vấn đề liên quan đến cột sống. Rồi anh cười: "Sinh nghề tử nghiệp, cái nghề của mình nó thế".
Quê anh ở Thanh Hóa, hơn sáu cái tết rồi anh chưa về quê. Tết nào đoàn của anh cũng kín lịch diễn, nếu không diễn ngày 30 thì mồng 1, mồng 2 hoặc mồng 3, không diễn rối nước thì diễn rối cạn.
Mấy ngày tết vợ anh tất bật với quán nước nhỏ trong khuôn viên nhà hát, anh đành bế cô con gái đang bị sốt cho ngồi ở phía sau sân khấu xem bố diễn.
Sáu cái tết gắn bó với những vui buồn của rối, năm nay cũng không phải là ngoại lệ đối với nghệ sĩ Lan Hương. Bà nội về quê, hai vợ chồng chị đành gửi đứa con hơn bảy tháng tuổi sang nhà bà ngoại. Vợ là diễn viên múa rối, chồng làm ở dàn nhạc cụ, hai người cứ mải miết với những suất diễn ngày tết.
Chị chia sẻ: "Nhiều lúc nghĩ cũng tủi thân, ngày lễ ngày tết người ta đưa con đi chơi, còn mình cứ bám lấy cái ao này, người ướt sũng nước".
Chị bảo biết là phải sống vì nghề nhưng nhiều lúc cũng sốt ruột lắm. Nhiều hôm đang diễn ông bà ngoại gọi điện liên tục vì cháu quấy khóc đòi mẹ. Chờ xong suất diễn, tất tả chạy về nhà thì con đã ngủ.
Vất vả là vậy nhưng nụ cười vẫn nở trên những đôi môi đang tím lại vì rét.
Nghệ sĩ ưu tú Hà Nguyên Trí, trưởng đoàn diễn viên 3, cho biết: "Dù biết diễn tết thì không có nhiều thời gian bên gia đình nhưng anh em nghệ sĩ vẫn vui vẻ. Thậm chí, những người có gia đình ở Hà Nội còn nhận diễn hộ những người ở xa để họ có cơ hội về quê ăn tết. Hơn nữa, với những người đã trót yêu nghề này thì đi diễn tết luôn có những cảm xúc đặc biệt".
HÀ HƯƠNG
Tại Hà Nội, các vở rối nước, rối cạn vẫn đang được diễn liên tục một ngày ba suất (từ 17g-20g) tại Nhà hát Múa rối Việt Nam (361 Trường Chinh, Q.Thanh Xuân). Tại TP.HCM, từ trước tết đến nay nhà hát múa rối nước Rồng Vàng (Công ty Thái Dương) cũng diễn liên tục mỗi ngày ba suất (17g, 18g30 và 20g). Với 18 trò rối cổ truyền như bắt cá, tát nước, hái dừa, cấy lúa..., mỗi suất diễn thu hút 150-200 khán giả. Trong dịp tết, ngoài khách du lịch nước ngoài, lượng khán giả Việt Nam đến xem rối nước tăng lên đáng kể. Dịp này nhà hát áp dụng chế độ ưu đãi giảm 30% giá vé cho khách đi theo đoàn.
|
Bình luận hay