![]() |
Ảnh: Bùi Thành |
Hoa ngồi duyên dáng trên xe thổ mộ để thành xe hoa, hoa bước xuống xuồng ba lá trôi vào ngày vui thành thuyền hoa, hoa nằm nhí nhảnh, đung đưa trên võng hoa, hoa thả xuống từ các đu hoa rồi lại theo nhau hoa trèo lên các tháp hoa…
Trong rừng chữ đẹp đến những củ khoai, củ sắn, những bắp ngô... suốt năm phải làm no bụng cho người, mấy ngày tết cũng được làm đẹp, được nằm trên mặt đường như một tác phẩm sắp đặt, hướng đến đoạn kết có hậu của các kiếp hoa nói chung.
Trên đường nhựa đen lại có hẳn một mảng xanh màu lá mạ của cây lúa non chưa làm đòng, xanh như tiền vận của những bông đẹp đầy một đường kia. Lạ nhất là những viên gạch thẻ màu lửa hồng, được đứng xít vào nhau khỏi cần vôi vữa, ken vai giữ hoa, xếp thành những bồn hình sao xòe cánh, hình trăng khuyết, trăng tròn... cứ đứng mộc như thế mà hóa gạch bông, gạch hoa!
Đường hoa Nguyễn Huệ - tên người anh hùng đã là tên loài huệ trắng đài các, rất ăn nhịp, vậy mà sự nghiệp của ông lại còn rực màu đào hoa tình tứ nữa chứ! Rực trong thơ hoa Chế Lan Viên kể tình sử Nguyễn Huệ - Ngọc Hân: Hẳn nhớ Thăng Long, hẳn nhớ đào? / Mai vàng xứ Huế dễ khuây đâu!/ Đào phi theo ngựa về cung nhé!/ Nở cạnh đài gương sắc chiến hào...
Cứ ngỡ bài tứ tuyệt đã xưa lại vừa theo ngựa trạm mà tái xuất giang hồ làm đẹp cho đường hoa tết này!
Từ đường hoa về phòng viết, mở sách tính phân loại mấy chữ săn được, mới hay trong Từ điển Bách khoa Việt Nam, ở mục từ “đường” đã sẵn 178 chữ, có đường thiên lý tên gọi quốc lộ 1 từ khi nó còn là đường đất; đường mòn Hồ Chí Minh dài theo dãy Trường Sơn; dài nữa là đường dây 500kV Bắc - Nam... nhưng chưa có chữ đường hoa.
Bao giờ đường hoa đủ chuẩn vào từ điển để tiếng Việt được giàu thêm? Để người Việt làm đẹp cũng là làm giàu!
Bình luận hay