![]() |
Xe chở quá tải 20%, tài xế Nguyễn Quang Huy phải một mình bốc dỡ 3 tấn trứng để hạ tải xe tại trạm CSGT huyện Tuy An, Phú Yên chiều 12-4 - Ảnh: Tiến Thành |
Làm thường xuyên, đừng “ra quân cao điểm”
Từ khi cả nước đồng loạt ra quân xử lý xe quá khổ, quá tải, giới chủ xe tải như “sôi” lên để đối phó với tình hình thị trường vận tải đang thay đổi từng ngày từng giờ. Một số lái xe tuyến Buôn Ma Thuột - TP.HCM và tuyến Bắc - Nam kể rằng các nhà xe nháo nhác cả lên, người thì cắt thùng trước đó đã cơi nới để giữ đúng tải, người thì tháo bỏ tất cả những vật dụng không cần thiết nhằm giảm trọng lượng thân vỏ xe sao cho nhẹ nhất để có thể chở thêm từ 500-1.000kg, không ít người đóng xe nghỉ chờ hết đợt “cao điểm” mới chạy tiếp...
Sở dĩ giới chủ xe có tâm trạng chờ đợi “cho qua cao điểm” là do việc xử lý xe quá khổ, quá tải trước đây chỉ ở dạng “phong trào”, hết đợt cao điểm thì tình trạng vi phạm tải trọng lại tiếp diễn. Nhà xe cứ mặc nhiên vi phạm chở quá tải rồi dùng tiền để qua trạm.
Tôi cũng từng lái xe, đã từng thấy những đợt cao điểm cân xe 24/24 giờ kéo dài nửa tháng đến một tháng rồi sau đó mất hút. Trong những đợt cao điểm ấy, lái xe tải như rơi vào “cơn sóng dữ”. Tài xế xe tải cứ lái xe theo kiểu phải trốn chui trốn nhủi như ăn trộm. Khi bị bắt, bị phạt thì trăm thứ thiệt hại đổ trên đầu tài xế: bị phạt tiền, bị giam xe, bị sang hạ tải (tiền sang hạ tải, tiền bến bãi... tất tần tật lái xe phải bỏ ra), bị treo giấy phép lái xe, nặng hơn thì phải học và thi lại Luật giao thông, bị mất công ăn việc làm...
Cho nên với việc Bộ Giao thông vận tải, cơ quan cao nhất của ngành giao thông vận tải, phát động cao điểm cân xe, giới lái xe tải vừa mừng vừa lo. Mừng - với hi vọng lần này Nhà nước kiên quyết loại trừ xe quá khổ, quá tải ra khỏi đời sống, nếu làm được như vậy thì giá cước vận chuyển sẽ tăng, công việc của tài xế sẽ nhiều lên, chưa kể chạy đúng tải sẽ đỡ hao mòn hư hỏng xe, đỡ nguy hiểm... Nhưng vẫn lo không biết lần này có như những lần trước là chỉ làm kiểu phong trào, để rồi chỉ có lái xe lãnh hậu quả nhọc nhằn trong những ngày cao điểm ra quân này.
Để việc xử lý xe quá khổ, quá tải không theo kiểu “bắt cóc bỏ đĩa”, “đầu voi đuôi chuột” như các đợt ra quân cao điểm trước đây, Nhà nước cần duy trì thường xuyên việc xử lý xe quá tải, chế tài, giám sát chặt chẽ lực lượng kiểm tra cân xe để tránh tiêu cực, tránh hiện tượng bảo kê “xe nhà”, “xe vua” như đã từng xảy ra. Bên cạnh đó, Nhà nước cũng cần có chính sách quán triệt trực tiếp đến chủ hàng, kho tàng bến bãi, cảng biển... kiên quyết không xuất hàng quá tải so với giấy phép lưu hành, nếu đơn vị nào cố tình vi phạm sẽ bị xử lý thật nặng. Có làm được như thế thì giới lái xe mới trút đi gánh nặng thường trực khi phải bắt buộc chở hàng quá tải, xã hội sẽ chấm dứt nỗi bất an với những xe quá tải, quá khổ gây tai nạn giao thông và phá nát cầu đường.
TRƯƠNG NHẤT VƯƠNG
Phải chấm dứt mãi lộ, bán đường
Việc các địa phương trên khắp cả nước đồng loạt ra quân xử lý xe chở hàng quá tải đang được phần lớn người dân đồng tình ủng hộ, nhưng về phía doanh nghiệp vận tải thì lại cứ liên tục kêu than rằng nếu không chở quá tải họ sẽ không có lợi nhuận. Đó là do chi phí vận tải hiện nay quá cao so với giá cước vận chuyển có thể được xem là tương đối thấp (do ảnh hưởng của quá trình cạnh tranh). Trong các chi phí vận tải, có một loại chi phí khủng khiếp nhất không thể thiếu khi xe lưu thông trên đường, đó là “tiêu cực phí”.
Để có thể yên ổn lưu thông, doanh nghiệp hay người lái xe đành phải chấp nhận “mua đường”. Thường có hai hình thức “mua đường”, đó là mua theo tháng và mua theo chuyến. “Mua theo tháng” được giới lái xe gọi ví von là “đóng hụi chết”, với hình thức đóng trực tiếp hoặc đăng ký tham gia các “tập đoàn xe vua” để “gửi gắm” hằng tháng và sẽ được cấp phát các logo, ký hiệu đặc biệt bố trí ngay trước đầu xe làm ám hiệu. “Mua theo chuyến” còn được gọi là “mãi lộ” thì được áp dụng theo nguyên tắc “gặp đâu chung đó”.
Là một tài xế xe tải, tôi luôn mong muốn chấp hành đúng những quy định của pháp luật để không vi phạm, nhưng tôi không thể làm được. Trước đây khi mới vào nghề, tôi luôn chở hàng đúng tải trọng và tôi cũng không biết quy luật chung chi là như thế nào. Vì thế tôi thường bị “hành” theo kiểu “vạch lá tìm sâu” để tìm lỗi vi phạm giao thông, thậm chí có không ít lần tôi bị yêu cầu cho xe đi hàng chục kilômet để kiểm tra tải trọng, vừa tốn thời gian vừa tốn nhiên liệu. Sau này, được các đồng nghiệp hướng dẫn nên tôi quen dần với việc “mua đường”, có khi cứ vài kilômet tôi phải làm “nghĩa vụ” một lần, và trên đoạn đường hàng trăm kilômet đi qua cho mỗi chuyến hàng, tôi đã tiêu tốn không ít “tiêu cực phí”. Tôi buộc phải chở hàng quá tải để bù đắp lại. Nhiều đồng nghiệp của tôi kể rằng với quãng đường hàng nghìn kilômet, họ tốn “tiêu cực phí” này rất nhiều, nên chở quá tải là chuyện phải làm.
Là tài xế, tôi biết chạy xe quá tải là không an toàn giao thông, góp phần làm hư hỏng cầu đường, chưa kể cứ phải lái xe trong tâm trạng nơm nớp lo sợ bị lập biên bản vi phạm... Vì lợi ích của cá nhân cũng như lợi ích chung của xã hội, tôi rất đồng tình với việc xử lý nghiêm xe chở quá tải. Bản thân tôi tự hứa sẽ chấp hành tốt việc không chở hàng quá tải và tôi sẽ khuyến khích các bạn đồng nghiệp cùng hưởng ứng. Nhưng chúng tôi đều có chung một hi vọng là các cơ quan chức năng hãy giúp chúng tôi xóa bỏ tình trạng cố tình gây nhũng nhiễu của một số cán bộ thực thi pháp luật để “vòi vĩnh” tiền “mãi lộ”. Có như vậy hoạt động vận tải hợp pháp của chúng tôi mới có thể tìm được khoản lợi nhuận ít ỏi.
Bình Thuận: “bung trạm” để giải tỏa ùn tắc giao thông Từ chiều tối 15-4 trên quốc lộ 1 qua xã Hàm Kiệm, huyện Hàm Thuận Nam (Bình Thuận) đã xảy ra tình trạng các xe tải nằm đậu ở ven đường, tại các quán ăn để né trạm cân trọng tải đặt tại Khu công nghiệp Hàm Kiệm. Lượng xe tải chạy từ hướng Đồng Nai về Bình Thuận mỗi lúc một đông, đến 10g20 sáng 16-4 trên quốc lộ 1 qua địa bàn xã Hàm Kiệm giao thông đã bị tắc nghẽn do một hàng dài xe tải nằm chờ, ước tính khoảng 1.000 chiếc. Từ hướng TP Phan Thiết đi huyện Hàm Thuận Nam, nhiều xe tải cũng tấp vào đậu ven đường, trong khi quốc lộ 1 đang trong quá trình mở rộng nên đã tạo ra tình trạng giao thông hỗn loạn, đặc biệt là rất nguy hiểm cho người đi xe máy. Trước tình hình trên, lực lượng cảnh sát giao thông Bình Thuận đã yêu cầu những xe tải dẫn đầu đoàn xe rời đi. Có trường hợp cảnh sát giao thông phải leo lên cabin xe tải để yêu cầu tài xế điều khiển xe chạy lên. Ông Nguyễn Thanh Long, phó chánh thanh tra Sở Giao thông vận tải Bình Thuận, cho biết khi xảy ra sự việc ùn tắc giao thông, cơ quan này đã báo cáo với Tổng cục Đường bộ VN. Sau đó, trạm cân trọng tải tại Hàm Kiệm đã được “bung trạm”, tạm thời không cân trọng tải để giải quyết ùn tắc giao thông từ thời điểm 10g45-12g10. Sau thời điểm này tình hình giao thông trên quốc lộ 1 qua xã Hàm Kiệm đã thông thoáng trở lại, trạm cân trọng tải tại Khu công nghiệp Hàm Kiệm mới tiếp tục hoạt động. Ông Long cũng cho biết các cơ quan chức năng liên quan của Bình Thuận đã họp bàn để giải quyết những trường hợp tương tự khi đưa trạm cân vào hoạt động. Tính đến 16g ngày 16-4, có 248 xe tải được đưa vào kiểm tra tải trọng khi đi qua Bình Thuận, trong số này có 54 xe vi phạm bị xử lý. Trạm cân trọng tải tại Bình Thuận đang hoạt động 24/24 giờ để xử lý những xe tải chở vượt tải trọng khi đi qua tỉnh này. NGUYỄN NAM |
Bình luận hay