10/02/2022 08:44 GMT+7
Trở lại chủ đề

'Sống khỏe' với mô hình lúa tôm

MẬU TRƯỜNG - CHÍ QUỐC
MẬU TRƯỜNG - CHÍ QUỐC

TTO - Không chỉ mang lại nguồn thu nhập cao và ổn định, mô hình lúa tôm là chọn lựa tốt nhất ở những địa phương bị ảnh hưởng nặng nề bởi biến đổi khí hậu.

Sống khỏe với mô hình lúa tôm - Ảnh 1.

Nông dân Phan Văn Chí và Phan Văn Triệu thăm ruộng lúa đang giai đoạn làm hạt được trồng theo mô hình lúa tôm - Ảnh: M.TRƯỜNG

"Con tôm ôm cây lúa" là mô hình đang được chọn lựa hàng đầu tại đồng bằng sông Cửu Long (ĐBSCL).

Theo một số chuyên gia, với hiệu quả đã được khẳng định trong thực tế, các mô hình sản xuất lúa tôm thích ứng với biến đổi khí hậu trên nền ứng dụng công nghệ cần được khuyến cáo phát triển, nhân rộng nhằm góp phần nâng cao thu nhập và cải thiện cuộc sống cho người dân.

Thu nhập tăng 2 - 3 lần nhờ lúa tôm

Những năm gần đây, thu nhập của gia đình ông Phan Văn Triệu (62 tuổi), một trong số 113 xã viên của Hợp tác xã (HTX) lúa - tôm Thạnh Phú (xã An Nhơn, huyện Thạnh Phú, Bến Tre), đã tăng gấp 2 - 3 lần so với trước nhờ sản xuất theo mô hình lúa tôm, dù diện tích canh tác không tăng.

"Nếu như trước đây chỉ làm độc tôn một thứ thì nay có thể kết hợp cả hai bằng cách luân canh canh tác. Trên diện tích 11 công, từ tháng 7 đến tháng 11 hằng năm, tôi dành ra khoảng 7 công để sạ lúa, thường tôi sẽ chọn giống Đài thơm 8. Sau khi thu hoạch lúa, tôi tiếp tục xả nước ra, xử lý cá rồi thả tôm, cua. Cứ xoay vòng liên tục vậy mà có ăn", ông Triệu cho biết.

Cách đó không xa, ông Phan Văn Chí cho biết vừa thu hoạch hơn 1,6 tấn lúa trên diện tích trồng khoảng 4.500m2, bán cho HTX lúa - tôm Thạnh Phú với giá 8.300 đồng/kg. 

"Sống bằng nghề trồng lúa cả đời nhưng gần đây mới ăn nên làm ra nhờ mô hình kết hợp lúa tôm. Trước đây làm ra hạt lúa đã khó, tới lúc bán càng khó khăn hơn vì bị thương lái ép giá. Phần phải phơi thật khô mới có người mua", ông Chí nói.

Theo ông Chí, với mô hình sản xuất "thuận thiên", mưa xuống thì sạ lúa rồi cho nước vào để nuôi tôm càng xanh, cua... Nhờ thức ăn từ ruộng lúa nên tôm, cua lớn nhanh. Cây lúa không sử dụng thuốc hóa học nên bảo đảm sản phẩm lúa sạch. Sau khi cắt lúa tiếp tục cho nước vào để nuôi thêm vụ tôm sú và xoay vòng tới khi mưa xuống sẽ tiếp tục sản xuất lúa.

Hiệu quả mang lại gấp 2 - 3 lần so cách làm truyền thống như trước đây. "Từ khi áp dụng hình thức trồng lúa nuôi xen tôm, cua..., nguồn thu của gia đình tui tăng gấp 2 lần. Những lúc trúng mùa lúa, tôm nguồn thu tăng lên gấp 3 lần, mỗi năm thu về hơn 100 triệu đồng trên chừng 8 công ruộng", ông Chí cho biết thêm.

Theo UBND huyện Thạnh Phú, toàn huyện có khoảng 6.000ha sản xuất theo mô hình lúa tôm. Năm 2016, Cục Sở hữu trí tuệ (Bộ KH-CN) đã cấp giấy chứng nhận nhãn hiệu tập thể "lúa sạch Thạnh Phú" cho 17 hộ dân thuộc tổ hợp tác lúa sạch Thạnh Phú tại xã An Nhơn. 

Năm 2017, HTX lúa - tôm Thạnh Phú được thành lập để sản xuất lúa sạch ký hợp đồng tiêu thụ với doanh nghiệp và tập trung phát triển nhãn hiệu lúa sạch Thạnh Phú để tiếp cận các thị trường lớn.

"Mô hình lúa tôm mang lại hiệu quả cao, bền vững cho người nông dân vùng biển Thạnh Phú. Với lợi nhuận 70 - 80 triệu đồng/ha/năm, mô hình tôm lúa có thể xem là mô hình thích ứng rất tốt với biến đổi khí hậu hiện nay", ông Đào Công Thương, chủ tịch UBND huyện Thạnh Phú, khẳng định.

Sống khỏe với mô hình lúa tôm - Ảnh 2.

Cán bộ Trường ĐH Cần Thơ hướng dẫn cách vận hành, đo độ mặn tự động của trạm quan trắc - Ảnh: CHÍ QUỐC

Ứng dụng công nghệ, nâng cao hiệu quả

Cũng phát triển mạnh mô hình lúa tôm, nhiều nông dân ở huyện An Biên (Kiên Giang) chỉ cần thực hiện một vài thao tác trên điện thoại thông minh là có thể nắm rõ những thông số về độ mặn, độ pH, oxy... Chỉ khi độ mặn và những chỉ số khác ở mức thích hợp, nông dân mới lấy nước vào đồng ruộng. 

Trước đó, những cán bộ của Trường ĐH Cần Thơ đã đến đây lắp máy quan trắc ở những tuyến kênh và tư vấn kỹ thuật cho họ trong việc nuôi tôm trồng lúa làm sao tối ưu hóa lợi nhuận.

Ông Danh Na - một nông dân ở ấp Bào Láng (xã Nam Thái) - liên tiếp trong 4 năm đầu ông nuôi tôm theo kiểu "nuôi đại" nên không có lời nhiều, chừng 50 - 60 triệu đồng/ha/năm là cùng. 

Tuy nhiên từ năm thứ 5 trở đi, với sự hỗ trợ của cán bộ kỹ thuật Trường ĐH Cần Thơ trong việc quan trắc chỉ số mặn và các yếu tố môi trường khác, đặc biệt là kỹ thuật dùng ao vèo (nuôi tôm lớn lên một kích cỡ nhất định rồi thả ra ruộng lớn), ông Na cho biết đã có lời hơn 100 triệu đồng/ha/năm.

"Mùa nước mặn, tôi nuôi tôm sú, mùa mưa thì nuôi tôm càng kết hợp trồng lúa. Ngay cả khi đang ở Hà Nội, tôi vẫn có thể mở điện thoại thông minh ra để xem chỉ số độ mặn, độ pH để nói với người nhà là có nên lấy nước vào ruộng tôm hay không", ông Na "khoe".

Lão nông Trần Văn Tôm (ấp Rẫy Mới) cho biết trước đây người dân toàn dựa vào kinh nghiệm để lấy nước vào ruộng nên có khi trúng có khi trật. Kể từ khi các trạm quan trắc được lắp đặt, nông dân biết rất chính xác độ mặn và các chỉ số môi trường khác để lấy nước vào ruộng nên đảm bảo tôm không bị sốc, bị bệnh, hoạt động nuôi tôm đạt hiệu quả rất cao. 

"Nhờ có sự hỗ trợ của Trường ĐH Cần Thơ, chúng tôi làm lời được 130 triệu đồng/ha/năm, trong khi trước đây chỉ chừng vài chục triệu đồng", ông Tôm nói.

Theo ông Võ Thi Nhanh - phó trưởng Phòng NN&PTNT huyện An Biên, thực tế cho thấy mô hình chuyên canh không thể so với đa canh trong bối cảnh tác động của biến đổi khí hậu hiện nay. Đa canh với mô hình lúa tôm xen kẽ sẽ giúp cân bằng yếu tố môi trường, giúp cả cây lúa lẫn con tôm đều phát triển tốt.

Tuy nhiên, vấn đề còn lại là làm sao vận động người dân vào HTX càng nhiều càng tốt bởi đây là cách làm bền vững, vừa tạo thuận lợi cho doanh nghiệp hợp tác, vừa tiết kiệm được chi phí cho người nông dân do không bán qua thương lái. 

"Đến nay, toàn huyện mới chỉ có 27 HTX với diện tích khoảng 3.000ha, chiếm một tỉ lệ rất nhỏ so với 20.000ha diện tích lúa tôm trên địa bàn", ông Nhanh cho biết.

Bộ trưởng Bộ NN&PTNT Lê Minh Hoan:

Phải quy hoạch lâu dài cho sản xuất lúa tôm

le minh hoan

Ông Lê Minh Hoan phát biểu tại buổi họp mặt đầu năm với 13 giám đốc sở nông nghiệp và phát triển nông thôn ĐBSCL ngày 9-2 - Ảnh: CHÍ QUỐC

Ngày 9-2, tại buổi làm việc với giám đốc sở NN&PTNT 13 tỉnh thành vùng ĐBSCL, Bộ trưởng Bộ NN&PTNT Lê Minh Hoan khẳng định hội thảo "Phát triển lúa thơm tôm sạch vùng Mekong", do báo Tuổi Trẻ phối hợp với Bộ NN&PTNT cùng tỉnh Bạc Liêu tổ chức ngày 10-2, sẽ gợi mở cho ĐBSCL một hướng đi mới về phát triển nông nghiệp bền vững, sinh thái, tích hợp đa giá trị.

Trên cơ sở đó, phát huy được tài nguyên bản địa, điều kiện thiên nhiên của vùng và tạo ra giá trị thặng dư cao hơn từ chuỗi ngành hàng.

Dù khẳng định hiệu quả của mô hình lúa tôm, nhưng ông Hoan cũng cảnh báo rằng 1 - 2 mô hình nhỏ có thể thành công nhưng khi được triển khai trên diện rộng, vấn đề xử lý môi trường không khéo ô tôm lúa này thải ra ô tôm lúa khác, rồi lúc đó sẽ phát sinh dịch bệnh, xung đột.

"Nên đã đến lúc làm cái trước mắt nhưng cần hình dung quy hoạch lâu dài, chúng ta phải chấp nhận khi làm lớn rồi phải giữ một khoảng để xử lý môi trường, đó mới là hướng bền vững của nó. Và bền vững của nó trong sự liên kết giữa hộ nuôi, hộ trồng với các doanh nghiệp thông qua cơ chế hợp tác xã", ông Hoan yêu cầu.

CHÍ QUỐC

PGS.TS Dương Nhựt Long (trưởng bộ môn kỹ thuật nuôi thủy sản nước ngọt, khoa thủy sản Trường ĐH Cần Thơ):

Cần nhân rộng các mô hình lúa tôm

Mô hình sản xuất lúa tôm phù hợp và bền vững đối với nhiều khu vực của miền Tây. Mô hình này mang lại nguồn thu nhập cao gấp nhiều lần so với cách làm chuyên canh như bấy lâu nay.

Qua triển khai mô hình lúa tôm thích ứng biến đổi khí hậu và phát triển bền vững ở nhiều địa phương trong vùng ĐBSCL, đặc biệt là vùng lúa tôm An Biên (Kiên Giang), chúng tôi khẳng định sử dụng mô hình thành công với hiệu quả khá cao.

Cụ thể, mô hình nuôi tôm sú (bổ sung cua) vào mùa khô luân canh với nuôi tôm càng xanh trong điều kiện ruộng vào mùa mưa, tổng lợi nhuận đạt từ 140 triệu đồng/ha/năm, tỉ suất lợi nhuận 299,3%.

Với mô hình nuôi tôm sú (có bổ sung cua) vào mùa khô luân canh với lúa xen canh tôm càng xanh nuôi vào mùa mưa, tổng lợi nhuận đạt 109 triệu đồng/ha/năm, tỉ suất lợi nhuận đạt 285,5%. Trong khi đó, mô hình canh tác lúa tôm đa dạng, phát triển bền vững và thích ứng với biến đổi khí hậu, tổng lợi nhuận đạt 131,3 triệu đồng/ha/năm, tỉ suất lợi nhuận 327,6%.

Do đó, theo tôi, các mô hình sản xuất lúa tôm thích ứng với biến đổi khí hậu trên nền ứng dụng công nghệ cần được khuyến cáo phát triển, nhân rộng nhằm góp phần nâng cao thu nhập và cải thiện cuộc sống cho người dân.

Bàn cách nâng tầm mô hình "lúa thơm - tôm sạch"

Chiều nay (10-2), báo Tuổi Trẻ phối hợp với Bộ NN&PTNT và UBND tỉnh Bạc Liêu tổ chức hội thảo Phát triển mô hình "lúa thơm - tôm sạch" vùng Mekong, với sự tham dự của ông Lê Minh Hoan - bộ trưởng Bộ NN&PTNT; ông Lữ Văn Hùng - bí thư Tỉnh ủy Bạc Liêu; tham tán thương mại tại EU, Hàn Quốc, Saudi Arabia cùng lãnh đạo các bộ ngành, địa phương liên quan và 150 khách mời là các hợp tác xã, nông dân, chuyên gia, doanh nghiệp... trong lĩnh vực nông nghiệp.

Hội thảo sẽ tập trung thảo luận về các giải pháp nhân rộng mô hình sản xuất, phát triển mô hình "lúa thơm - tôm sạch"; ứng dụng công nghệ số nhằm kiểm soát chất lượng nước phù hợp mô hình lúa tôm hữu cơ; giải pháp nâng cao giá trị sản phẩm "lúa thơm - tôm sạch", tháo gỡ những khó khăn trong liên kết nguyên liệu - nhà máy - đầu ra tiêu thụ sản phẩm, chế biến sau thu hoạch, tạo thương hiệu, chỉ dẫn địa lý, quảng bá sản phẩm ra các thị trường trong và ngoài nước...

Theo Cục trồng trọt (Bộ NN&PTNT), đến năm 2021, diện tích sản xuất lúa tôm các tỉnh ĐBSCL đạt hơn 162.000ha với sản lượng khoảng 900.000 tấn, tập trung chủ yếu ở Bạc Liêu, Kiên Giang và Cà Mau.

Theo đề án của Bộ NN&PTNT, đến năm 2030, diện tích canh tác tôm lúa vùng ĐBSCL sẽ đạt 250.000ha, sản xuất 125.000 - 150.000 tấn tôm, với giá trị có thể đạt 25.000 - 30.000 tỉ đồng, tạo việc làm ổn định cho trên 1 triệu lao động.

CHÍ TUỆ

Sống khỏe với mô hình lúa tôm - Ảnh 7.


Gạo lúa tôm hút hàng

TTO - Theo các chuyên gia nông nghiệp, gạo thơm tôm sạch không chỉ là mô hình thích ứng với biến đổi khí hậu mà còn có cơ hội xây dựng thương hiệu nông sản đặc trưng cho vùng ĐBSCL, nâng cao giá trị hạt lúa, con tôm và đời sống dân vùng ngập mặn.

MẬU TRƯỜNG - CHÍ QUỐC

Bình luận hay

Chia sẻ

Tuổi Trẻ Online Newsletters

Đăng ký ngay để nhận gói tin tức mới

Tuổi Trẻ Online sẽ gởi đến bạn những tin tức nổi bật nhất

Bình luận (0)
Tối đa: 1500 ký tự

Tin cùng chuyên mục

Bí quyết giúp Việt Nam sản xuất thành công giống cá cam lần đầu tiên trên thế giới

Ngay trong lần đầu tiên nghiên cứu, cho sinh sản nhân tạo cá cam, Viện Nuôi trồng thủy sản I đã sản xuất thành công giống cá này. Trong khi các nước như Nhật Bản, Trung Quốc đã và đang nghiên cứu song chưa thành công.

Bí quyết giúp Việt Nam sản xuất thành công giống cá cam lần đầu tiên trên thế giới

Nhạc số: Mỗi lượt nghe trực tuyến mang về bao nhiêu tiền cho nghệ sĩ Việt?

Thị trường âm nhạc số Việt Nam tiếp tục tăng trưởng. Tuy nhiên, các thách thức về bản quyền, nhân sự và công nghệ mới đang cản bước nghệ sĩ, ngay cả khi ca khúc của họ đạt hàng triệu lượt nghe.

Nhạc số: Mỗi lượt nghe trực tuyến mang về bao nhiêu tiền cho nghệ sĩ Việt?

Công ty chứng khoán giảm mạnh nhân sự, tăng đầu tư công nghệ

Big data, AI… tạo ra sức ép cạnh tranh khốc liệt hơn trong ngành chứng khoán. Cục diện thị phần mới đang được sắp xếp lại dưới tác động của yếu tố công nghệ.

Công ty chứng khoán giảm mạnh nhân sự, tăng đầu tư công nghệ

Vải thiều Bắc Giang được mùa, bộ trưởng đề nghị tổ chức tiêu thụ linh hoạt

Với sản lượng hơn 165.000 tấn vải thiều cho thu hoạch trong vòng 2 tháng, Bộ trưởng Đỗ Đức Duy đề nghị tỉnh Bắc Giang tổ chức tiêu thụ linh hoạt, sát thực tế và thường xuyên cập nhật kịch bản tiêu thụ.

Vải thiều Bắc Giang được mùa, bộ trưởng đề nghị tổ chức tiêu thụ linh hoạt

Đề xuất làm tuyến đường sắt 900 tỉ đồng nối Dung Quất với đường sắt Bắc - Nam

Ban quản lý Khu kinh tế Dung Quất và các khu công nghiệp Quảng Ngãi đề xuất đầu tư tuyến nhánh đường sắt nối Dung Quất với đường sắt Bắc - Nam.

Đề xuất làm tuyến đường sắt 900 tỉ đồng nối Dung Quất với đường sắt Bắc - Nam

Hợp nhất với Kon Tum, tỉnh Quảng Ngãi mới có nhiều lợi thế tăng tốc

Sau khi hợp nhất với Kon Tum, tỉnh Quảng Ngãi mới có nhiều lợi thế để phát triển, như: Khu kinh tế Dung Quất, cửa khẩu Bờ Y, dược liệu đặc hữu sâm Ngọc Linh, khu du lịch Măng Đen, đảo Lý Sơn...

Hợp nhất với Kon Tum, tỉnh Quảng Ngãi mới có nhiều lợi thế tăng tốc
Tất cả bình luận (0)
Ý kiến của bạn sẽ được biên tập trước khi đăng, xin vui lòng viết bằng tiếng Việt có dấu.
Được quan tâm nhất
Mới nhất
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đâu tiên bình luận về bài viết.
Tối đa: 1500 ký tự
Avatar
Đăng ký bằng email
Khi bấm "Đăng ký" đồng thời bạn đã đồng ý với điều khoản của toà soạn Đăng ký
Đăng nhập
Thông tin bạn đọc Thông tin của bạn đọc sẽ được bảo mật an toàn và chỉ sử dụng trong trường hợp toà soạn cần thiết để liên lạc với bạn.
Gửi bình luận
Đóng
Hoàn thành
Đóng

Bình luận (0)
Tối đa: 1500 ký tự
Tất cả bình luận (0)
Ý kiến của bạn sẽ được biên tập trước khi đăng, xin vui lòng viết bằng tiếng Việt có dấu.
Được quan tâm nhất
Mới nhất
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đâu tiên bình luận về bài viết.
Tối đa: 1500 ký tự
Avatar