
Cine 7 - Ký ức phim Việt tối 19-7 trên VTV3 xoay quanh phim Bài ca ra trận có sự góp mặt của các diễn viên Thanh Loan, Dũng Nhi, Như Quỳnh...
Bài ca ra trận đẹp như một bài thơ
Bài ca ra trận khắc họa sự khốc liệt của cuộc chiến tranh dưới góc nhìn lãng mạn của đạo diễn Trần Đắc.
Dù là phim chiến tranh, nhưng tâm điểm bộ phim không nằm ở những cuộc chiến khốc liệt mà tập trung khắc họa nỗ lực sống đẹp, sống có ích của những người lính trở về không lành lặn.
Bộ phim được miêu tả là "một bài ca về lòng yêu nước, lý tưởng sống cao thượng của những người trẻ tuổi lúc bấy giờ", "đẹp như một bài thơ giữa bối cảnh chiến tranh ác liệt".
Bài ca ra trận tập trung truyền tải lòng yêu nước, nghị lực phi thường, sức mạnh của tình yêu, niềm tin và nỗ lực sống đẹp, sống có ích của những người trẻ tuổi.
Phim xoay quanh nhân vật Nam (Dũng Nhi đóng), một chiến sĩ trẻ dũng cảm được đưa từ chiến trường về quân y viện, và đang phải đối mặt với thử thách nghiệt ngã khi đôi mắt không còn nhìn thấy ánh sáng.
Song những hồi ức trong sáng cùng sự chăm sóc tận tình của y tá Mai (Như Quỳnh), đã khơi dậy ngọn lửa ý chí trong người chiến sĩ trẻ giúp anh vượt qua cú sốc tinh thần để tiếp tục lý tưởng.
Bài ca ra trận cũng khắc họa rõ nét về một thế hệ trẻ mong muốn được bước ra thế giới lĩnh hội những kiến thức mới để quay về đóng góp cho quê hương thông qua vai diễn Lê (Thanh Loan).
Sự thay đổi của nhân vật Lê từ một cô gái nông thôn đến một nữ sinh du học với tạo hình hiện đại (chấm bi, váy ngắn, đeo bờm, lộ chân), cho thấy sự tự tin và khát vọng vươn ra thế giới, đồng thời vẫn giữ vững lý tưởng cống hiến cho Tổ quốc.

Nghệ sĩ Thanh Loan nhớ lại những kỷ niệm khi đóng Bài ca ra trận - Ảnh chụp màn hình
Nhiều người viết đơn đi chiến trường sau khi xem Bài ca ra trận
Thanh Loan kể phim được quay cầu kỳ, di chuyển cảnh ngoại nhiều. Những bối cảnh trong chiến khu được quay ở rừng Cúc Phương, phụ thuộc nhiều vào thời tiết.
"Trời mà mưa thì hết ông đạo diễn đến âm thanh, kỹ xảo ánh sáng ra ngóng trời ngóng mây", bà nhớ lại một thời phim nhựa nhiều khó khăn.

Phân đoạn nghệ sĩ Thanh Loan nhớ nhất - Ảnh chụp màn hình
Cảnh quay mà bà nhớ nhất là cảnh Nam và Lê ngồi trong chiều hoàng hôn tím nói về ước mơ và có một trung đoàn hành quân đi qua, trêu chọc đôi bạn trẻ một cách rất hồn nhiên. Để quay được khoảnh khắc đó, đoàn phim phải chuẩn bị cả buổi chiều.
Thời bao cấp, tem phiếu, một năm mỗi người được 4m vải. Để có một bộ váy đẹp cho nhân vật Lê, đạo diễn phải làm một công văn lên chỗ mậu dịch Cửa Nam để đăng ký một mảnh vải hoa.
"Thời đó chiến tranh ác liệt, chúng tôi đều thấm nhuần câu nói 'cuộc đời đẹp nhất là trên trận tuyến đánh quân thù' nên tuổi 17, 18, đôi mươi có nhiều bạn không vào học đại học mà đi ra chiến trường, và những bạn đó đều là những người con ưu tú của đất nước", nghệ sĩ Thanh Loan chia sẻ.

Cảnh quay bạn bè quốc tế ăn mừng tin chiến thắng của Việt Nam trong phim Bài ca ra trận - Ảnh chụp màn hình
Trong phân cảnh cuối phim, các diễn viên đã diễn rất thật và xúc động như thể họ đang bừng lên niềm vui đất nước được hòa bình, chấm dứt chiến tranh sau bao nhiêu năm kìm nén và mong mỏi tin thắng trận.
Bài ca ra trận ra mắt năm 1975, một năm trước Đại thắng mùa xuân năm 1975. Phim được chiếu rộng rãi ở các trường đại học, trường cấp 3 thời đó. Nghệ sĩ Thanh Loan kể lại sau khi xem xong phim, nhiều người đã viết đơn xung quanh ra chiến trường. Phim cũng giành được Giải Bông sen bạc tại Liên hoan phim Việt Nam lần thứ III năm 1975.
Bình luận hay