09/05/2012 07:01 GMT+7

Phim ảnh vá víu như giao thông

NGA LINH
NGA LINH

TT - "Ði đâu khỏi Việt Nam, tôi chỉ có tới nơi người ta làm phim. Nói thật, quay về tôi phải thốt lên với các đồng nghiệp: với cơ sở vật chất như thế này mà cũng làm được phim thì chúng ta giỏi thật!".

Kỳ 1: Kỳ 2:

Phóng to
Đạo diễn Khải Hưng (bìa phải) chỉ đạo diễn xuất trong bộ phim Về quê - Ảnh: N.Linh

Với các đồng nghiệp, Khải Hưng được coi là một trong những người tiên phong gây dựng phim truyền hình Việt Nam, với những bộ phim truyền hình ngắn tập gây dấu ấn: Mẹ chồng tôi, Không còn gì để nói, Lời nguyền của dòng sông...

Khi đảm trách công việc giám đốc VFC, ông cũng đấu tranh để những phim như Cổ cồn trắng (nằm trong loạt phim cảnh sát hình sự, dựa trên vụ án Năm Cam) hay Đất và người (dựa trên tiểu thuyết Mảnh đất lắm người nhiều ma của Nguyễn Khắc Trường) được sản xuất, lên sóng... làm nóng nhiều đề tài của phim truyền hình: phòng chống tội phạm, đời sống nông thôn Việt Nam...

Quản lý một hãng phim tư nhân sau khi nghỉ hưu, nguyên giám đốc VFC (Trung tâm Sản xuất phim truyền hình Việt Nam), NSND Khải Hưng vẫn đang phụ trách ba lớp đào tạo đạo diễn tại Trường đại học Sân khấu - điện ảnh Hà Nội, đồng thời dõi theo chất lượng phim truyền hình VN với tư cách một thành viên trong hội đồng duyệt phim VTV.

Những góc khuất phía sau hậu trường làm phim một lần nữa được kể chi tiết trong phần trao đổi thẳng thắn, tâm huyết và cũng nhiều buồn phiền mà ông đã dành cho Tuổi Trẻ.

Đạo diễn không có quyền

* Guồng máy làm phim thực tế hiện nay đang diễn ra như thế nào, thưa đạo diễn?

- Tôi sẽ nói cụ thể cách làm việc của nhà sản xuất, đạo diễn, biên kịch và diễn viên với những gì tôi biết được, nhưng không phải là tất cả, để bạn khỏi quá đau lòng!

Thực tế là mọi quyền hành đang thuộc về nhà sản xuất, đạo diễn bây giờ chỉ là một tay thợ. Họ đến đặt vấn đề với ông đạo diễn: "Tôi biết tiếng tăm anh từ lâu, anh làm cho tôi bộ này!". Song bên cạnh hợp đồng kinh tế là những yêu cầu "anh cần sử dụng gương mặt diễn viên A, B, C cho tôi", thậm chí "cần tài trợ chàng, nàng từ Nam ra, tôi sẵn sàng mời cho anh!".

Chưa bàn đến chất lượng phim, nếu đạo diễn gật đầu đồng ý thì tiếp sau đó sẽ là các sự kiện, xìcăngđan để làm nóng tên tuổi... Tóm lại là khâu vận động trước giờ phát sóng. Nó thậm chí còn quan trọng hơn chất lượng phim, có những công ty phải quyên tiền làm phim nhưng làm "event" thì vung tiền!

Chúng ta có thể chê các nhà sản xuất hôm trước buôn đất, hôm sau bỏ tiền làm phim là không hiểu gì về nghệ thuật. Song họ rất thạo các chi phí sản xuất, tính toán rất sát giá thị trường, bao nhiêu phần trăm cho cảnh vũ trường, bao nhiêu phần trăm cho cảnh quán bar, nội cảnh, ngoại cảnh tốn kém thế nào họ đã tính xong. Và mọi thứ đã có con số, khi họ tìm đến bạn là họ đã nhận được bảng phân cấp các loại đạo diễn, biên kịch hay quay phim để xem bạn ở khung giá nào, họ sẽ trả bạn thù lao bao nhiêu.

* Thưa ông, chấp nhận làm thợ chẳng lẽ đạo diễn chấp nhận cả cái giá rất đắt sau đó, phim dở, khán giả quay lưng?

- Ðạo diễn trẻ thấp cổ bé họng chỉ mong ra trường được giao phim. Dần dần làm nhiều quá thành thói quen... không đòi hỏi nữa hoặc chấp nhận "làm thợ" mà tôi nói. Nhà sản xuất thúc xong thì phải xong, quay đâu vào đấy rồi thì đã có người khác dựng, có khi còn không biết phim mình hình hài thế nào, bao giờ chiếu, chiếu ở kênh nào, đài nào...

Tôi nhìn thấy thực tế sinh viên của tôi chịu khó tìm tòi, khám phá, say sưa với nghề, ra trường một năm quay lại bảo thầy: "Ở phim trường khác lắm, em chẳng có quyền gì cả!". Cách làm phim như thế đang tiêu diệt một thế hệ sinh viên tử tế, cũng là nỗi đau của một đồng nghiệp già như tôi. Tôi là người chở đò qua sông, nhưng qua rồi thì không biết các em sẽ đi đến bến bờ nào.

Còn khi tôi trả lời nhà sản xuất: "Tôi thèm tiền hay đói quá, tôi cũng không nhận diễn viên này vì không hợp vai" là coi như tôi mất hợp đồng, mất miếng cơm manh áo! Nhưng nhận thế nào được khi kịch bản đưa cho tôi có nội dung na ná hàng trăm thứ tôi đã xem!

"Hợp tác xã" biên kịch và "thư ký diễn viên"

* Ông đang nói đến một bộ máy sản xuất... kịch bản phim?

- Không phải ai cũng như nhà biên kịch Nguyễn Mạnh Tuấn, một năm ngồi hì hục viết bấy nhiêu tập kịch bản. Một số biên kịch gạo cội lập nhóm, triệu tập "hợp tác xã", viết theo mảng, đề tài... Kịch bản chỉ đứng tên một người thật, một cái bút danh vơ vẩn nào đó, có lúc là cái tên tổng hợp "XYZ". Nhưng những người trong nghề chúng tôi đều hiểu rõ đó là "hợp tác xã" nào!

Còn ra đến hiện trường rồi, bây giờ không ai sử dụng kịch bản phân cảnh nữa. Có ai ngồi chăm chỉ phân cảnh 30 tập phim? Biên kịch thợ đưa đầy đủ thông tin, chia trường đoạn vào kịch bản văn học, nên bây giờ là một ngày quay được bao nhiêu trang kịch bản chứ không phải bao nhiêu cảnh! Thế mới biết vì sao phim bây giờ quay nhanh thế, 1,5-2 ngày là xong một tập, quay tháng rưỡi, hai tháng là xong một phim.

* Đã thẳng thắn nói ra những vấn đề động chạm, giờ rất cần đạo diễn có những đề xuất, để thấy một hướng ra?

- Làm ít đi, đừng tự hào vì con số 4.500 tập/năm nữa! Và còn rất nhiều điều có thể thực hiện ngay: Nhà nước cấp đất, còn tư nhân đầu tư để có vài trường quay đích thực; nên thành lập nghiệp đoàn “phim truyền hình”.

Nhưng điều quan trọng nhất: các thành phần làm phim, từ nhà sản xuất, biên kịch, đạo diễn, quay phim, họa sĩ, âm thanh, ánh sáng... phải là những người chuyên nghiệp! Để được như thế đừng tự làm mình mất nghề! Người đạo diễn không chỉ ở hiện trường, nên ngồi bàn dựng, bàn hòa âm vì đó là lúc anh ấy sáng tác lần thứ hai.

Làm phim thì phải có kịch bản phân cảnh. Gọi đó là “phim trên giấy” cũng bởi việc xây dựng kịch bản phân cảnh càng chi tiết, đạo diễn có thể đánh giá được sự thành công của phim mình. Phải thu thanh đồng bộ, công nghệ lồng tiếng đã sụp đổ trên thế giới lâu rồi. Tôi nói thì ngoa, thu trực tiếp, diễn viên không thuộc thoại có mà... mất nghiệp.

Thực trạng làm phim truyền hình ở nước ta đang nghiệp dư!

Phim ảnh của chúng ta cũng đang thủng lỗ chỗ, vá víu chằng chịt, mạnh ai người đó chạy, thiếu một tầm nhìn, thiếu một chiến lược, hệt như hiện trạng giao thông ngày hôm nay mà thôi!

* Bật tivi một tối có khi thấy một diễn viên đóng ba vai chính trong ba phim khác nhau. Giới làm phim đang xoay xở như thế nào trước tình trạng đáng báo động về chất lượng diễn viên?

- Biết vậy, để vậy. Tôi sẽ kể cho bạn nghe một câu chuyện là ra nga y bức tranh diễn viên thời nay. Ðó là lần tôi có dịp đến một nhà kho được dùng làm bối cảnh phim. Ba diễn viên, một nam thanh hai nữ tú, đang sẵn sàng diễn. Ðứng cạnh là ba trợ lý đạo diễn: "Hoài từ từ đứng dậy, sụt sịt đứng bên cạnh Nga. Nga ngẩng mặt lên hỏi: - Anh đã đỡ mệt chưa. Vừa lúc, Lan bước đến...".

Tất cả những đoạn miêu tả hành động hay thoại đều được ba trợ lý đạo diễn đọc trước, ngừng một chút, cho các diễn viên diễn theo, thoại theo răm rắp. Trợ lý đạo diễn giờ trở thành người nhắc vở cho diễn viên.

Cứ như thế, dù diễn viên không hề nắm thoại, không thuộc kịch bản, không hiểu vai diễn, không cả... nhớ tên phim mình đang đóng cũng chẳng sao, vậy chỉ mất khoảng 50 phút, với việc quay nhiều máy một lúc, họ đã có thể dựng được ngay tại hiện trường một đoạn phim khoảng 30 phút.

* Thưa ông, phải chăng đang có một thực tế diễn viên yếu và khan hiếm từ... trường đào tạo?

- Quá khan hiếm diễn viên mới dẫn đến những câu chuyện như thế! Họ "cẩu" cả diễn viên đang học từ năm thứ nhất đi làm phim, nhưng các em có biết đâu đóng vài phim trên truyền hình, khuôn mặt coi như "nhầu" rồi, không đạo diễn nào muốn mời thêm nữa... Ðấy là chưa kể đến một lượng diễn viên không chuyên. Thấy cô cậu nào sạch nước cản một chút, không đòi hỏi về thù lao là có thể trở thành diễn viên và những nạn nhân này được gieo vào cái ước mơ của mình một ngày gần đây sẽ trở thành "sao".

Chưa hết, một lực lượng hùng hậu người mẫu, ca sĩ cũng dạo chơi trong phim ảnh để minh chứng rằng ngoài cái nghề chính của mình thì việc đóng phim đâu có gì là khó!

Nhưng quan trọng là bây giờ ít người thi vào Trường Sân khấu - điện ảnh. Trước kia, trường này sinh viên hầu như là con em trong ngành hoặc con nhà có của ăn của để... Ðầu vào đã khó, làm bài tập hằng năm tốn cả chục triệu đồng mà đầu ra thì không biết đi về đâu!

Có lần sinh viên được phỏng vấn: "Tại sao em chọn điện ảnh?"; rất hồn nhiên cậu sinh viên trả lời: "Vì em biết em thi vào trường nào cũng sẽ trượt!".

* Nhiều người vẫn thường trực câu hỏi: vì sao một thời đói khổ vẫn có những phim hay?

- Thời của tôi việc làm phim thiêng liêng lắm, nó là tình yêu, là cơ hội không phải ai cũng có, là danh dự... phải cắt bỏ đoạn phim nào coi như mất ngủ nhiều ngày.

Còn bây giờ với vài ngàn phim/năm, lại có hàng chục nơi thiếu phim phát sóng, vậy phim dở, không vào được giờ vàng chỗ này thì còn nhiều chỗ khác bán được, sợ gì! Con số phim nội chiếm 30% thời lượng phát sóng theo quy định tại nghị định số 54/2010/NÐ-CP lù lù ra đấy cơ mà!

Thế nên chúng ta đang sản sinh những bộ phim đều đều, chan chán như nhau. Tôi từng nằm trong ban soạn thảo nghị định, từ thời đó tôi đã nói rồi con số 30% là bất khả thi. Ðến hôm nay nó đã thừa khả thi về số lượng, nhưng chất lượng thì...!

NGA LINH

Bình luận hay

Chia sẻ

Tuổi Trẻ Online Newsletters

Đăng ký ngay để nhận gói tin tức mới

Tuổi Trẻ Online sẽ gởi đến bạn những tin tức nổi bật nhất

Bình luận (0)
Tối đa: 1500 ký tự

Tin cùng chuyên mục

Thời đại cuồng dã của Thư Kỳ tại Cannes: Liều thuốc chữa mất ngủ hoàn hảo?

Dù nhận tràng pháo tay kéo dài 7 phút tại Cannes, Thời đại cuồng dã vẫn gây chia rẽ giới phê bình, nhận về loạt đánh giá trái chiều.

Thời đại cuồng dã của Thư Kỳ tại Cannes: Liều thuốc chữa mất ngủ hoàn hảo?

Hào quang của Cannes lu mờ

Người săn phim mới giảm mạnh, nhà hàng vắng khách, loạt băng rôn khổng lồ từng phủ kín đại lộ Croisette nay biến mất, thảm đỏ thiếu vắng những bộ trang phục lộng lẫy... khiến ánh hào quang của Cannes phai nhạt.

Hào quang của Cannes lu mờ

Cannes bước qua ngày cuối cùng với hai phim xuất sắc và giải Palm Dog danh giá

Liên hoan phim Cannes bước sang ngày thứ 10 với không khí sôi động, khi hai tác phẩm cuối cùng trong danh sách tranh giải Cành cọ vàng The Mastermind và Young Mothers chính thức ra mắt và nhận phản hồi nồng nhiệt từ giới phê bình.

Cannes bước qua ngày cuối cùng với hai phim xuất sắc và giải Palm Dog danh giá

Phim về bệnh AIDS đoạt giải, Scarlett Johansson và Kristen Stewart trắng tay tại Cannes

Hollywood không áp đảo cuộc chơi. The Chronology of Water của Kristen Stewart và Eleanor the Great của Scarlett Johansson đều không được xướng tên ở bất kỳ hạng mục nào.

Phim về bệnh AIDS đoạt giải, Scarlett Johansson và Kristen Stewart trắng tay tại Cannes

Thu Trang: 'Làm phim chuyên nghiệp, mình không vô tư được nữa'

Các đạo diễn Thu Trang, Lý Hải, Nguyễn Quang Dũng... cùng TS Ngô Phương Lan làm giám khảo cuộc thi phim ngắn Vietnamese 2025.

Thu Trang: 'Làm phim chuyên nghiệp, mình không vô tư được nữa'

Phim của Elle Fanning nhận tràng pháo tay dài kỷ lục ở Cannes, tiến gần đến Cành cọ vàng

Sentimental Value có sự góp mặt của Elle Fanning nhận tràng pháo tay dài 15 phút - dài nhất tại kỳ liên hoan năm nay. Phim đạt 100% Rotten Tomatoes và nhiều nhà phê bình gọi đây là phim hay nhất của Cannes 2025 hiện tại.

Phim của Elle Fanning nhận tràng pháo tay dài kỷ lục ở Cannes, tiến gần đến Cành cọ vàng
Tất cả bình luận (0)
Ý kiến của bạn sẽ được biên tập trước khi đăng, xin vui lòng viết bằng tiếng Việt có dấu.
Được quan tâm nhất
Mới nhất
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đâu tiên bình luận về bài viết.
Tối đa: 1500 ký tự
Avatar
Đăng ký bằng email
Khi bấm "Đăng ký" đồng thời bạn đã đồng ý với điều khoản của toà soạn Đăng ký
Đăng nhập
Thông tin bạn đọc Thông tin của bạn đọc sẽ được bảo mật an toàn và chỉ sử dụng trong trường hợp toà soạn cần thiết để liên lạc với bạn.
Gửi bình luận
Đóng
Hoàn thành
Đóng

Bình luận (0)
Tối đa: 1500 ký tự
Tất cả bình luận (0)
Ý kiến của bạn sẽ được biên tập trước khi đăng, xin vui lòng viết bằng tiếng Việt có dấu.
Được quan tâm nhất
Mới nhất
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đâu tiên bình luận về bài viết.
Tối đa: 1500 ký tự
Avatar