
Thời tiết cực đoan khiến người dân thành phố Rawalpindi, Pakistan phải kê giường ngoài đường để ngủ - Ảnh: REUTERS
Theo báo South China Morning Post, ngày 25-5, giới chức Pakistan cho biết loạt hiện tượng thời tiết cực đoan liên tục nối đuôi nhau trong những ngày qua, với đỉnh điểm là các trận bão gió "tàn khốc" hôm 24-5.
Trong khoảng chiều đến tối 24-5, dông lốc, sấm chớp đã tràn ngập các tỉnh Punjab ở phía đông, Khyber-Pakhtunkhwa ở phía tây bắc và thủ đô Islamabad. Gió mạnh đã làm nhiều cây cối, trụ điện khắp nơi bị bật gốc.
Chỉ riêng tại tỉnh Punjab, thời tiết cực đoan đã khiến ít nhất 14 người thiệt mạng và hơn 100 người bị thương.
Trong số 14 người thiệt mạng, hầu hết tử vong do bị tường hoặc mái nhà sập đè. Ngoài ra có ít nhất hai người bị các tấm pin mặt trời cuốn trúng. Một người chết và ba người khác bị thương do sét đánh.
Ông Mazhar Hussain, người phát ngôn cơ quan quản lý thiên tai tỉnh Punjab, khẳng định các cơn bão gió trên là kết quả của chuỗi ngày nắng nóng diễn ra ngay trước đó.
Ông cho biết theo lý thuyết, các cơn bão dạng này thường hình thành sau những ngày nhiệt độ lên tới trên 45°C.
"Có ba đến bốn ngày liên tiếp nắng nóng cực điểm. Cơn bão lần này đặc biệt dữ dội, gió rất mạnh và bụi dày đặc làm giảm nghiêm trọng tầm nhìn", ông chia sẻ.
Cơ quan Khí tượng Pakistan dự báo thời tiết xấu sẽ tiếp diễn trong ngày 25-5.
Từ tối 24-5, nhiều video đã lan truyền trên mạng xã hội ghi lại cảnh tượng hỗn loạn do bão gây ra. Nhiều đoạn video khác nhau ghi lại cảnh cây đổ đè lên ô tô, đường sá bị tắc nghẽn vì các đống đổ nát bị thổi bay...
Đặc biệt, một đoạn clip quay từ bên trong máy bay chuẩn bị hạ cánh xuống thành phố Lahore (tỉnh Punjab) cho thấy hành khách hét lên hoảng loạn khi máy bay rung lắc dữ dội do nhiễu động không khí. Chuyến bay này đã phải chuyển hướng và hạ cánh tại thành phố Karachi (tỉnh Sindh).
Pakistan là một trong những quốc gia chịu ảnh hưởng nặng nề nhất của biến đổi khí hậu, với các hiện tượng thời tiết cực đoan ngày càng thường xuyên.
Trong tháng 4 và 5 vừa qua, thủ đô Islamabad đã liên tục hứng chịu các trận mưa đá bất thường, gây thiệt hại cho xe cộ và hạ tầng năng lượng.
Nhiệt độ tăng vọt trong giai đoạn này cũng khiến các tỉnh Punjab và Balochistan phải cho học sinh nghỉ hè sớm. Riêng tại Punjab, có nơi ghi nhận mức nhiệt gần kỷ lục 46,5°C, dù mùa hè theo thường lệ chỉ bắt đầu từ đầu tháng 6.
Bình luận hay