![]() |
Ảnh: SGTT |
Của trời cho
Cồn Phú Đa (trên 400 hộ dân ở ấp Phú Đa và ấp Phú Bình thuộc xã Vĩnh Bình, huyện Chợ Lách, tỉnh Bến Tre) có chiều dài khoảng 4km, ngang chừng 1km, nằm giữa lòng sông Cổ Chiên có nước ngọt quanh năm. Thiên nhiên ưu đãi vậy nên người dân cứ phát triển vườn cây ăn trái xum xuê, trĩu quả bốn mùa nhờ vị thế của nó.
Và đặc biệt là con ốc gạo nằm trên dòng sông hiền hoà, cạnh cồn này nên người địa phương quen gọi là con ốc gạo cồn Phú Đa! Anh Trần Văn Tặng (tự là Ba Ngói), phó chủ nhiệm HTX thuỷ sản Vĩnh Tiến, cho biết: HTX thành lập là để bảo tồn khu ốc gạo cồn Phú Đa rộng 150ha, giáp 4 xã Sơn Định, Phú Phụng, giáp cồn Phú Đa và Vĩnh Bình.
Ốc gạo ở đây tự nhiên có, được phát hiện từ những năm 1950-1960. Thời đó, ốc nhiều nhưng ít người khai thác, cố cựu là ông Tư Hí (lái ốc), ông Sáu Đáo, dân chuyên xúc ốc gạo khu vực này.
Còn thời gian trước và sau năm 1975, ốc gạo Phú Đa nhiều vô kể, lúc đó ông Sáu Đáo cào bằng rổ xúc, khi mới nửa con nước trong ngày mà ghe đã khẳm 70 giạ ốc. Từ đó, người dân tha hồ khai thác, và… quá cỡ làm con ốc muốn bị tuyệt chủng.
Mãi đến năm 2004, địa phương thành lập HTX thuỷ sản Vĩnh Tiến, cho đến nay có 142 xã viên, chia thành nhiều tổ bảo vệ khu ốc gạo này vì đây là một phần nguồn sống của người dân trong vùng.
Năm 2006, HTX đã khai thác trên 25 tấn ốc, đạt tổng doanh thu khoảng 400 triệu đồng. Sau khi trừ chi phí và thực hiện nguyên tắc của HTX, mỗi xã viên hưởng được ít nhất 1 triệu đồng. Anh Nguyễn Văn Hưng, chủ nhiệm nói: “HTX phấn đấu năm 2007 khai thác 30 tấn ốcvà đặc biệt là giữ gìn, phát triển được con ốc gạo vùng này”.
Ốc chế biến hàng chục món
Qua tìm hiểu, cái khó nhất cho con ốc gạo là người dân không nên khai thác bằng cào máy; phải hạn chế nạn khai thác khoáng sản (cát sông) gần khu vực bảo tồn vì ảnh hưởng đến môi trường sống tự nhiên của ốc. Thời gian khai thác ốc gạo đông ken nhất là lối tháng 5 - 7 âm lịch.
Cồn Phú Đa nằm tại dòng sông Cổ Chiên, nước ngọt quanh năm, đáy sông là cát-sình - nơi ốc sống, cách mặt nước sâu khoảng 6 mét. Hiện tại, cứ cách bờ khoảng 20 mét là có ốc gạo.
Đặc biệt, mưa nhiều nước đục thì ốc càng mập. Nước chảy xiết thì ốc vùi xuống cát-sình; nước lũ thì ốc bò lên, thậm chí tận mé sông. Trung tuần tháng 6.2007 này, ốc gạo bán tại chỗ ở Phú Đa là 15.000đ/kg.
Anh Đặng Hữu Hiệp, xã viên HTX cho biết: Ở ĐBSCL nhiều nơi cũng có ốc gạo nhưng ốc Phú Đa vỏ màu xanh xanh, ruột vàng nên ăn ngọt, béo, giòn, không lẫn với những nơi khác.
Chẳng hạn, ốc luộc chấm nước mắm sả ớt, luộc mỡ hành, ốc xào thịt bò, ốc trộn dừa rám nạo cuốn bánh tráng chấm tương xay, ốc hấp sữa… Bánh xèo nhân ốc với tàu hủ dừa ăn chung với rau đồng (lá cách, cải trời, cải bẹ, lá xoài non, kèo nèo, đọt điều…) chấm nước mắm ớt. Dùng một lần thôi cũng khó quên được mùi vị ốc gạo Phú Đa.
Bình luận hay