05/11/2020 11:59 GMT+7

Nước Mỹ hậu bầu cử - Kỳ 1: 'Tổng thống của khủng hoảng'

TÔ HOÀNG
TÔ HOÀNG

TTO - Cho dù ông Donald Trump hay ông Joe Biden giành thắng lợi trong cuộc bầu cử tổng thống ngày 3-11, người thắng cử sẽ bắt đầu một nhiệm kỳ mới trong Nhà Trắng với một 'nước Mỹ hậu bầu cử', bao gồm cả những điểm tích cực cũng như tiêu cực.

Nước Mỹ hậu bầu cử - Kỳ 1: Tổng thống của khủng hoảng - Ảnh 1.

Bốn năm dưới sự lãnh đạo của Tổng thống Trump, nước Mỹ đã thay đổi nhiều mặt. Cộng với yếu tố bất ngờ, ngoài dự liệu là đại dịch COVID-19 bùng phát đã làm nước Mỹ biến đổi hoàn toàn so với trước. 

Nước Mỹ cuối năm 2020 đã không còn là nước Mỹ của đầu năm 2020 và càng khác xa với nước Mỹ của năm 2016 khi ông Trump lên nắm quyền.

Khủng hoảng ngoài kịch bản

Nếu nước Mỹ bước vào năm 2020 với vị thế tương đối vững chãi thì bước vào năm 2021 bắt đầu một nhiệm kỳ tổng thống mới ở một vị thế khá chông chênh. 

Bằng sự lựa chọn của mình, các cử tri đặt lòng tin vào người chiến thắng sẽ có thể đưa nước Mỹ ra khỏi tình thế khủng hoảng của giai đoạn hậu bầu cử này.

Nước Mỹ của năm 2020 chìm trong cuộc "khủng hoảng kép" về kinh tế và sức khỏe, dù điều này xảy ra ngoài chủ ý của ông Trump cũng như dự liệu của ông Biden. 

Có lẽ chỉ hơn nửa năm trước, khi xây dựng những định hướng lớn cho nhiệm kỳ 2 (đối với ông Trump) cũng như những ý tưởng cho nhiệm kỳ mới (đối với ông Biden), cả hai ông cũng không thể tính đến yếu tố bất định, ngoài kịch bản này.

Không chỉ quét sạch những thành quả kinh tế ấn tượng mà ông Trump đã nỗ lực xây dựng trong 3 năm đầu nhiệm kỳ, dịch COVID-19 còn đặt nước Mỹ trước một cuộc khủng hoảng y tế chưa có lối thoát.

Dù rằng có những hi vọng mới với việc kinh tế dần phục hồi và dịch COVID-19 được cho là đang qua giai đoạn đỉnh, liệu rằng tổng thống mới của nước Mỹ có thể đưa nước Mỹ "vĩ đại trở lại" hay đi vào vết xe đổ của các nước châu Âu chìm vào một thập niên mất mát sau cuộc khủng hoảng kinh tế những năm 2008-2009. 

Khôi phục lại lòng tin và vị thế của nước Mỹ trong tương quan so sánh với các đối thủ cạnh tranh đang ngày càng lớn mạnh sẽ là thách thức lớn cho vị tổng thống tương lai của nước Mỹ.

Nước Mỹ năm 2020 cũng bị giằng xé trong việc lựa chọn hướng đi nào giữa việc tìm cách tái lập cuộc sống bình thường thông qua các chính sách kiểm soát dịch thận trọng hay mở cửa lại nền kinh tế để đưa các hoạt động xã hội về như cũ. 

Với lá phiếu của mình, các cử tri Mỹ được lựa chọn giữa mở cửa kinh tế với ông Trump hay khống chế dịch bệnh với ông Biden. Sự giằng co về số phiếu giữa hai ứng cử viên đã cho thấy sự lựa chọn này không hề dễ dàng.

Khi tỉ lệ thất nghiệp đã lên hơn 8% trong khi cùng lúc đã có hơn 230.000 người chết vì COVID-19, những lúng túng của chính phủ liên bang và những chia rẽ của chính quyền từng bang đã làm cho mục tiêu chung là bình thường hóa đời sống xã hội trở nên khó khăn hơn bao giờ hết. 

Khống chế dịch bệnh và mở cửa kinh tế sẽ là "liều thuốc thử" đầu tiên cho người chiến thắng trong nhiệm kỳ tổng thống mới này.

Nước Mỹ hậu bầu cử - Kỳ 1: Tổng thống của khủng hoảng - Ảnh 2.

Một người vô gia cư nằm bên ngoài một cửa hàng được che chắn bằng ván ép ở thủ đô Washington ngày 3-11 để đề phòng bạo lực hậu bầu cử - Ảnh: Reuters

Chia rẽ sâu sắc

Nước Mỹ của năm 2020 bị chia rẽ hơn bao giờ hết sau nhiều thập niên. Hiếm có khi nào một cuộc bầu cử lại trở thành một cuộc trưng cầu dân ý về một tổng thống đương nhiệm cùng với di sản 4 năm cầm quyền. 

Số lượng cử tri đi bỏ phiếu kỷ lục ở nhiều nơi để thể hiện ý chí chính trị của mình trong bối cảnh dịch bệnh là chỉ dấu cho thấy sự chia rẽ sâu sắc giữa những người "ủng hộ Trump" và "chống Trump", giữa "màu đỏ" và "màu xanh", giữa Cộng hòa và Dân chủ.

Bên cạnh sự chia rẽ về chính trị, sự chia rẽ về sắc tộc cũng lại bùng lên trong năm 2020 cùng phong trào phản kháng, đòi bình đẳng cho người da màu sau cái chết của George Floyd và đi kèm với đó là làn sóng bạo lực gia tăng, gây bất ổn trên nhiều vùng của nước Mỹ. 

Hiếm khi nào người dân Mỹ phải gia cố nhà ở, cửa hàng vì lo ngại bạo loạn xảy ra sau cuộc bầu cử vốn vẫn được coi là biểu tượng và ngày hội thể hiện sự tự do và dân chủ của xã hội Mỹ.

Và nước Mỹ của năm 2020 luôn là một ẩn số đầy bất ngờ cho các nước, cả đồng minh lẫn đối thủ của Mỹ. 

Ông Trump đã làm đảo lộn các mối quan hệ quốc tế với chủ thuyết "nước Mỹ trên hết" của mình: va chạm với đồng minh, bắt tay với đối thủ, tạo ra những kẻ thù mới, phá bỏ các cam kết..., luôn đặt các nước ở thế bị động với những thay đổi của mình.

Một số nước đón nhận những thay đổi này một cách tích cực; nhưng nhiều nước khác không hài lòng với những chính sách mới dưới thời đại của ông Trump. 

Nhưng tất cả đều có sự e dè và hoài nghi nhất định về sự không ổn định trong chính sách đối ngoại của Mỹ cũng như về vai trò của nước Mỹ trong trật tự thế giới. Nước Mỹ trong 4 năm tới không chỉ cần "vĩ đại trở lại" ở bên trong mà cũng cần củng cố lại vị thế ở bên ngoài.

Như các cử tri Mỹ đã trả lời trong các cuộc thăm dò dư luận, họ đi bỏ phiếu lần này không phải vì lo ngại mất việc làm do khủng hoảng kinh tế, hay vì nguy cơ nhiễm COVID-19 do dịch bệnh lan tràn, hay vì khả năng bị tấn công bạo lực do mâu thuẫn xã hội, họ đi bỏ phiếu để lựa chọn người mà theo họ có thể mang lại một tương lai tốt đẹp hơn.

Cho dù ai là người giành thắng lợi cũng sẽ thừa hưởng một nước Mỹ hậu bầu cử và bước vào năm 2021 như nó vốn có: một nước Mỹ đã thay đổi mà nhờ nó người chiến thắng đã được lựa chọn để trở thành tổng thống. 

Các cử tri Mỹ đi bỏ phiếu với kỳ vọng người thắng cử có thể lèo lái nước Mỹ ra khỏi cuộc khủng hoảng này.

Vị tổng thống mới của nước Mỹ sẽ là "tổng thống của khủng hoảng" và nhiệm kỳ tổng thống tới sẽ được đánh dấu bởi việc nước Mỹ sẽ ra khỏi cuộc khủng hoảng giai đoạn "hậu bầu cử" này như thế nào.

Nước Mỹ hậu bầu cử - Kỳ 1: Tổng thống của khủng hoảng - Ảnh 3.

Ông Trump và ông Biden trong các cuộc vận động tranh cử năm 2020 - Ảnh: AFP

Đường đua Nhà Trắng Ông Trump:

* 18-6-2019: Chính thức khởi động chiến dịch tái tranh cử tổng thống năm 2020.

* 5-2-2020: Thượng viện Mỹ bỏ phiếu tha bổng cho ông Trump về 2 điều khoản luận tội, đồng nghĩa ông không bị phế truất.

* 24-8-2020: Đảng Cộng hòa chính thức đề cử ông Trump làm ứng viên tranh cử tổng thống Mỹ.

* 29-9-2020: Bước vào cuộc tranh luận đầu tiên với Joe Biden. Sau đó, họ chỉ có cuộc tranh luận trực tiếp duy nhất còn lại vào 22-10.

* 2-10-2020: Thông báo mắc COVID-19, nhưng sau đó ông nhanh chóng khỏi bệnh và quay lại chiến dịch tranh cử.

Ông Biden:

* 25-4-2019: Chính thức tuyên bố tranh cử tổng thống Mỹ năm 2020.

* 3-3-2020: Ngày bầu cử sơ bộ "Siêu thứ ba" diễn ra. Đường đua vào Nhà Trắng hiện rõ 2 gương mặt sáng giá: Joe Biden và thượng nghị sĩ Bernie Sanders.

* 8-4-2020: Bernie Sanders, đối thủ cuối cùng của Biden, ngừng chiến dịch tranh cử, mở đường để ông Biden chuyển sang tập trung đối đầu ông Trump.

* 11-8-2020: Chọn nữ thượng nghị sĩ Kamala Harris, một cựu đối thủ của ông, làm đối tác tranh cử.

BẢO ANH

"Mẹ sẽ bầu cho Tổng thống Trump" - Mayra Gomez, một đảng viên Dân chủ lâu năm, báo với con mình khi chỉ còn 5 tháng nữa đến ngày bầu cử. "Bà không còn là mẹ tôi nữa vì bà đã bỏ phiếu cho lão đó", đứa con trai 21 tuổi đáp lại trong sự ngỡ ngàng của người mẹ.

Kỳ tới: Hàn gắn các gia đình

Bầu cử Mỹ và kỳ vọng quan hệ Việt - Mỹ 4 năm tới

TTO - Cuộc bầu cử tổng thống Mỹ vô cùng kịch tính đến phút chót. Hai chuyên gia của Việt Nam có cuộc chuyện trò trực tiếp, phân tích về cuộc bầu cử kỳ lạ này và quan hệ Việt - Mỹ thời gian tới.

TÔ HOÀNG

Bình luận hay

Chia sẻ

Tuổi Trẻ Online Newsletters

Đăng ký ngay để nhận gói tin tức mới

Tuổi Trẻ Online sẽ gởi đến bạn những tin tức nổi bật nhất

Bình luận (0)
Tối đa: 1500 ký tự

Tin cùng chuyên mục

Phố xá, ruộng đồng nào cũng quê hương - Kỳ 1: 'Anh Tây Ninh, em Long An' đã là kỷ niệm

Mới hôm qua thôi, nhiều người sống ở các vùng ranh tỉnh thành cũ còn đầy chuyện khôi hài như "nhà tôi Long An nhưng cái chuồng bò ở Tây Ninh", "con gái tôi dân TP.HCM lấy chồng Bình Dương dù hai nhà liền cái giậu mồng tơi"…

Phố xá, ruộng đồng nào cũng quê hương - Kỳ 1: 'Anh Tây Ninh, em Long An' đã là kỷ niệm

50 năm kỳ thi tốt nghiệp THPT - Kỳ cuối: Gian nan học thật, thi thật

Trong lịch sử những kỳ thi tốt nghiệp THPT, xuyên suốt hành trình 50 năm vẫn là nỗ lực đổi mới đầy gian nan để hướng đến việc học thật, thi thật.

50 năm kỳ thi tốt nghiệp THPT - Kỳ cuối: Gian nan học thật, thi thật

50 năm kỳ thi tốt nghiệp THPT - Kỳ 5: Những vụ gian lận rúng động

Chỉ vài năm kể từ khi thực hiện cuộc vận động "hai không", cảnh gian lận thi cử lại tái phát.

50 năm kỳ thi tốt nghiệp THPT - Kỳ 5: Những vụ gian lận rúng động

Lấy chuyên môn làm tình nguyện

Đoàn y bác sĩ tình nguyện TP.HCM đón trung bình 500 lượt người dân đến khám mỗi ngày tại Attapeu, Lào.

Lấy chuyên môn làm tình nguyện

50 năm kỳ thi tốt nghiệp THPT - Kỳ 4: Kỳ thi thời 'hai không'

Năm học 2006-2007 là mốc thời gian thực hiện việc nói không với tiêu cực trong thi cử và bệnh thành tích trong giáo dục.

50 năm kỳ thi tốt nghiệp THPT - Kỳ 4: Kỳ thi thời 'hai không'

50 năm kỳ thi tốt nghiệp THPT - Kỳ 3: Cuộc đổi mới từ đề tự luận đến trắc nghiệm

Nếu tính từ mốc 2006, khi môn ngoại ngữ lần đầu thi trắc nghiệm trong kỳ thi tốt nghiệp THPT thì cuộc chuyển đổi từ đề thi tự luận sang trắc nghiệm đã kéo dài gần 20 năm.

50 năm kỳ thi tốt nghiệp THPT - Kỳ 3: Cuộc đổi mới từ đề tự luận đến trắc nghiệm
Tất cả bình luận (0)
Ý kiến của bạn sẽ được biên tập trước khi đăng, xin vui lòng viết bằng tiếng Việt có dấu.
Được quan tâm nhất
Mới nhất
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đâu tiên bình luận về bài viết.
Tối đa: 1500 ký tự
Avatar
Đăng ký bằng email
Khi bấm "Đăng ký" đồng thời bạn đã đồng ý với điều khoản của toà soạn Đăng ký
Đăng nhập
Thông tin bạn đọc Thông tin của bạn đọc sẽ được bảo mật an toàn và chỉ sử dụng trong trường hợp toà soạn cần thiết để liên lạc với bạn.
Gửi bình luận
Đóng
Hoàn thành
Đóng

Bình luận (0)
Tối đa: 1500 ký tự
Tất cả bình luận (0)
Ý kiến của bạn sẽ được biên tập trước khi đăng, xin vui lòng viết bằng tiếng Việt có dấu.
Được quan tâm nhất
Mới nhất
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đâu tiên bình luận về bài viết.
Tối đa: 1500 ký tự
Avatar