![]() |
“Cửu bay” chở hàng từ biên giới về Đồng Đăng - Ảnh: V.Bình |
Nghe đọc nội dung toàn bài: |
Tiền ăn, tiền điện, nước, tiền phòng trọ và các khoản chi cho các "đại ca" để không bị "quấy rầy" chỗ làm ăn cũng đã tiêu tốn hơn hai phần ba số tiền anh kiếm được.
Kỳ 1:Những chuyến tải hàng sinh tử
"Vượt biên" tải hàng
"Tháng nào cũng có một vài tay "anh, chị” ghé thăm. Khi thì xin vài trăm ngàn, khi thì gói thuốc, chai rượu. Nếu không cho thì khó mà tồn tại ở vùng biên giới này. Bần hàn như dân cửu vạn mà cũng vẫn bị bắt nạt đủ thứ" - anh Hải nói. Tháng trước nghe tin con trai út bị đau, anh Hải định về miền Nam thăm nhà nhưng không xoay đâu ra tiền để đi xe vì dân cửu vạn đều nghèo như nhau, chẳng có ai dư được vài trăm ngàn để cho mượn. "Hầu hết dân cửu vạn tụi mình đều phải chấp nhận làm thêm là tải hàng lậu từ bên kia biên giới về đây thì mới đủ sống, chứ chỉ vác hàng "chính" tại cửa khẩu thì có mà đói" - anh Hải cho biết.
Anh Hải được cho là một trong những cửu vạn sành sõi tất cả đường đi, ngóc ngách của hai bên biên giới và "biết điều, biết chuyện" với giới "cửu cai" nên mấy năm trước thường được giới đầu nậu cho qua tận Lũng Vài, Trung Quốc "cõng" hàng về Tân Thanh. Sau khi cùng lực lượng "cửu lậu" đem hàng về đến VN, anh Hải lại gia nhập đội quân "cửu bay" chuyên chở hàng về thị trấn Đồng Đăng bằng xe Minsk chạy với vận tốc 90-100km/giờ để qua mặt lực lượng chống buôn lậu phân tán hàng vào nhà dân.
Cái đáng lo nhất của những người làm cửu vạn "vượt biên" tải hàng là không được biết mình đang vác thứ gì trên lưng. Hàng đã được cột sẵn, chỉ việc vác mang về. Nếu gặp phải hàng gian, hàng quốc cấm… và bị chính qưyền hai bên kiểm tra thì xem như cửu vạn "lãnh đủ”.
Xế trưa, cả đoàn cửu vạn chúng tôi dừng lại bên một triền núi ăn vội mẩu lương khô và uống ngụm nước thì bất ngờ nghe tiếng máy bộ đàm của đám "chim lợn" rè rè báo động. "Bên Trung Quốc người ta kiểm tra. Tẩu tán gấp". Bị báo động bất ngờ, những người cửu vạn bỏ ăn, đứng bật dậy, xốc vội đai hàng bỏ chạy. Một chị cửu vạn đai hàng quá nặng, chay vội quá, bị té sấp dập mặt vào vách đá, máu tuôn xối xả khắp mặt nhưng vẫn cố đứng dậy khư khư giữ chặt kiện hàng. Một đứa trẻ 13-14 tuổi thì cố nhoài người đeo kiện hàng, đu lên thành đá trơn trượt mà chạy.
"Có chết thì cũng chịu chứ phải lo tẩu tán hàng trước. Nếu không "cửu cai" bắt đền thì lấy gì mà trả? Một đai hàng này ít nhất cũng cả chục triệu đồng, có làm mấy năm cũng không đủ trả”, chị Hoa - người phụ nữ vừa bị ngã - lấy tay áo lau vội những vết máu trên mặt nói sau khi được các "chim lợn" báo là lực lượng biên phòng Trung Quốc không vào khu vực này. Chị Hoa nói rằng để mất hàng không có tiền đền cho chủ cũng nhừ đòn với dân "cửu cai". Bọn chúng ghi lãi số tiền trị giá món hàng đó, lãi mẹ đẻ lãi con, làm cửu vạn cả đời cũng không trả hết, có người làm không công khổ quá, bỏ trốn về quê, chúng tìm đến tận nơi lôi cổ quay lại...
"Dẫn con về quê tìm việc khác"
![]() |
Người phụ nữ này lê từng bước một đai hàng giữa rừng - Ảnh: P.H.Nam |
Chị Nguyễn Thị Thu - người đã hơn chục năm làm cửu vạn tại Bản Thấu nằm sát biên giới với Trung Quốc ở khu cửa khẩu Tân Thanh - nói thân phận những người làm cửu vạn ở vùng biên ải hết sức mong manh, "còn an toàn tính mạng, lo được cho con cái ngày nào là mừng bữa đó.
Nhiều khi vừa vác hàng vừa khóc giữa rừng". Ở trạm trung chuyển hàng tại Bản Thấu, có đến 400-500 dân cửu vạn là người bản xứ lẫn tha phương chầu chực ở đây mỗi ngày để mưu sinh. Cứ sáng tinh mơ đến tối mịt mỗi ngày, hàng trăm con người lại đứng co ro trong giá lạnh chờ đợi những chuyến tải hàng "chính ngạch" lẫn "tiểu ngạch" với biết bao rủi ro khó lường trước.
Vùng quê Quảng Nam của chị Thu đất đai cằn cỗi, làm ruộng không đủ sống nên nghe lời một người quen, hai vợ chồng đánh liều ra cửa khẩu Tân Thanh mưu sinh, hi vọng cuộc sống khấm khá hơn. Không nghề nghiệp, hai vợ chồng đành làm cửu vạn. Sau lần anh bị tai nạn trượt chân qua đời trong lúc cõng hàng, chị Thu phải dè xẻn từng đồng mới đủ nuôi con. Nhưng chị nhất định không tham gia những chuyến tải hàng lậu vì "con còn nhỏ quá, lỡ có chuyện gì thì cháu mồ côi cha mẹ”. Dân "anh, chị”, "đại ca" cũng từng làm khó, làm dễ chị đủ điều từ khi chồng mất vì thấy chị thân cô, thế cô. Có cả tay "cửu cai" đề nghị chị làm vợ bé cho hắn thì sẽ lo chu toàn cho mẹ con của chị.
"Mình đã làm cái nghề bần hàn nhất, mạng sống có thể mất bất cứ lúc nào thì còn gì phải sợ. Mình cứ sống đàng hoàng thì chẳng thằng nào dám đụng đến mình. Có như vậy mới dạy con nên người được". Chị Thu kể chị đã từng ném thẳng xấp tiền vào mặt tên "cửu cai" khi tên này định cho tiền chị để giở trò sàm sỡ. Giận là giận như vậy nhưng hôm sau lại phải ra nhận vác hàng cho hắn vì "không đai hàng thì lấy gì mà sống".
Tôi theo chị Thu đến viếng đám tang của một chị "cửu bay" quê ở Bắc Ninh vừa bị ngã xe chấn thương sọ não và chết trên đường đi cấp cứu. Đám tang buồn và lặng lẽ ở giữa xóm đìu hiu chốn núi rừng. Hằng ngày, hai vợ chồng chị Kim, tên người phụ nữ, vác hàng qua lại biên giới ở khu Cổng Trắng, sau đó nhận tải hàng bằng xe Minsk về Đồng Đăng cho chủ. Chiều qua, xe gắn máy của hai vợ chồng bị lực lượng kiểm tra truy đuổi, xe chạy quá nhanh nên trượt bánh ở khúc cua đường đèo ngã xuống vực.
"Kim ôm choàng người tôi để che chắn lúc lăn xuống vực nên đầu, mặt cô ấy bị va vào đá. Trước khi mất, cô ấy còn nói: "Anh đừng buồn. Trong hai người thì phải có một người sống để lo cho hai con và bố, mẹ ngoài quê. Em chết rồi thì dẫn con về quê mà tìm việc khác, chứ nghề này nguy hiểm quá” - anh Nguyễn Văn Thái, chồng chị, nghẹn giọng, kể.
Vùng biên vào đêm. Những nhóm người cửu vạn lại lục tục kéo nhau ra đi cho những chuyến vác hàng đêm.
-----------------
Một bà cụ ngã sóng soài vào vách núi nhưng lật đật đứng bật dậy, nhìn lấm lét như sợ bị chủ hàng phát hiện. Gương mặt bà cụ đầy những vết bầm, trầy xước.
Kỳ tới:Đội quân đặc biệt
Bình luận hay