![]() |
Nụ cười hồn nhiên của bị cáo Hà sau vành móng ngựa - Ảnh: T.L. |
Sáng 21-11, TAND TP Hà Nội mở phiên sơ thẩm xét xử bị cáo Nguyễn Duy Hà (22 tuổi, quận Hai Bà Trưng) và đồng bọn phạm tội giết người, cướp tài sản và tiêu thụ tài sản do người khác phạm tội mà có.
Từ phiên tòa có thể tóm lược câu chuyện như sau:
Cha mẹ của Hà cưới nhau trong những ngày nghèo khó. Ông có người chị gái, chồng đã mất, phải nuôi con một mình. Thương chị, ông bán căn nhà duy nhất của bố mẹ để lại lấy tiền cho mẹ hưởng tuổi già và cho chị gái tiền xây nhà. Ông phải thuê nhà cho vợ con ở. Bà nhọc nhằn buôn gánh bán bưng để nuôi con. Rồi thời điểm khó khăn ấy cũng qua đi. Ông bà tích cóp mua được căn nhà mới, các con cũng lớn khôn. Nhưng nỗi buồn từ những ngày gian khó vẫn âm ỉ trong lòng bà. Bà cấm các con không được đi lại với người bác ruột - là chị gái của ông. Họ không qua lại với nhau. Riêng ông vẫn giấu vợ đưa Hà, đứa con trai út, về thăm chị gái.
Cháu và bác
Rồi một ngày, ông bà bàng hoàng nhận được tin đứa con trai út ngờ nghệch, hiền lành ấy đã ra tay đâm chết người bác.
Hồ sơ vụ án thể hiện ngày 22-12-2011, Hà đến nhà bác là bà N.T.Y. để vay tiền chị họ (con của bác). Hà rủ bạn là Vũ Ngọc Lương đi cùng. Khi Hà ngỏ ý muốn vay tiền, bà Y. tỏ thái độ không bằng lòng. Cả hai xảy ra cự cãi. Hà dùng búa giã hành tỏi đánh vào đầu làm bà Y. ngã gục. Đánh xong, Hà còn dùng dao đâm vào bả vai người bác, chuôi dao bị gãy, lưỡi văng ra ngoài. Hà lại kéo bác vào bếp và dùng dao khác đâm bác cho đến chết. Xong việc, Hà gọi Lương vào lấy chiếc xe tay ga mang lên Thái Nguyên bán được 8 triệu đồng.
“Tại sao chủ ý đi vay tiền mà lại giết người, rồi cướp xe máy?” - chủ tọa, vị hội thẩm nhân dân và đại diện viện kiểm sát thay nhau đặt câu hỏi nhằm làm rõ việc Hà giết bác ruột là bộc phát, có động cơ từ trước hay còn nguyên nhân nào khác.
Bị cáo khai giữa mình và bác không có mâu thuẫn, xích mích gì. Trước đó, thỉnh thoảng bị cáo vẫn cùng bố đến thăm bác, được chị họ cho tiền. “Thế tại sao bị cáo lại ra tay giết chết bác ruột đã 66 tuổi bằng hàng chục nhát dao và búa?”. Trả lời câu hỏi của vị hội thẩm nhân dân, bị cáo bảo: “Vì câu nói của bác”.
Những “câu nói của bác” - một phần nguyên nhân xảy ra vụ việc - được nêu rất rõ trong cáo trạng. Khi biết Hà muốn vay tiền, bà Y. bảo: “Mày cẩn thận không lại chết giống như con mẹ mày đấy”. Hà trả lời bác: “Bố mẹ tôi không như ai kia đâu, chỉ có loại người tham của mới cướp nhà cửa của anh em”. Vì câu nói ấy của Hà mà bà Y. nổi giận, khua dao đuổi Hà ra khỏi nhà. Hai bên cãi nhau rồi sự việc xảy ra.
Lần lượt con gái của bà Y. và mẹ bị cáo được hội đồng xét xử mời lên hỏi để làm rõ mâu thuẫn giữa hai gia đình thế nào. Con gái bị hại cho biết: “Chuyện xích mích gia đình từ xa xưa tôi không thể nhớ”. Mẹ bị cáo trả lời hội đồng xét xử bằng giọng nói run run: “Chuyện mâu thuẫn đất đai của hai gia đình từ cách đây 35 năm, lâu lắm rồi tôi không nhắc tới. Chị tôi hiền lắm. Chúng tôi không ghét bỏ gì nhau nhưng vì không hợp tính nên tôi ít đi lại. Tôi không nhắc mâu thuẫn cho con cái nghe, nhưng thỉnh thoảng bố mẹ cãi nhau nên chúng mới biết...”.
Một mâu thuẫn từ cách đây 35 năm, người trong cuộc không còn nhớ rõ. Vậy mà “đứa trẻ” - giờ là bị cáo trong vụ án - vẫn còn giữ ấm ức trong lòng. Nó như một hòn than âm ỉ, chỉ chờ có cơ hội để bùng lên.
Nụ cười đã tắt
Có mặt tại phiên tòa, con gái của bị hại không yêu cầu bồi thường gì. Chị bảo biết gia đình bị cáo khó khăn, lại là máu mủ ruột rà nên “xin tòa nếu giảm án được thì hãy cho Hà một cơ hội”. Sự vị tha của đại diện bị hại làm những người có mặt tại phiên tòa ngày hôm ấy rưng rưng.
Nghị án. Người phụ nữ trẻ là vợ bị cáo, mới nhờ được người giữ hộ con, vội vàng sấp ngửa bước vào phòng xử. Phút ngoái đầu lại nhìn thấy vợ, bố mẹ và bà ngoại ngồi trong phòng xử, bị cáo Hà luôn nở nụ cười rất tươi. Nụ cười hiền lành, âu yếm và hồn nhiên như một đứa trẻ. Hà bị bắt khi vợ đang mang thai. Đến khi vụ án được đưa ra xét xử, con trai bị cáo đã tròn 3 tháng tuổi.
Vợ bị cáo mân mê trên tay lá thư đề chữ “Gửi chồng hâm”, cứ nhấp nhổm trên ghế đợi dúi lá thư vào tay chồng. Suốt giờ tuyên án, chị luôn nắm chặt tay mẹ chồng như sợ bà khuỵu xuống, vì đôi chân bà liêu xiêu không còn đứng vững.
“Hành vi của bị cáo thể hiện sự xuống cấp về đạo đức, bị cáo phạm tội quyết liệt, phạm tội rất nghiêm trọng mà liền sau đó lại phạm một tội đặc biệt nghiêm trọng khác, hành động mất hết tính người”... đó là quan điểm của hội đồng xét xử khi tuyên bị cáo Nguyễn Duy Hà mức án tử hình.
Bị cáo được giải đi thật nhanh. Ngang qua những bước chân liêu xiêu của mẹ và bà ngoại, nụ cười trên môi bị cáo đã tắt. Vợ bị cáo luống cuống, không đuổi kịp “chồng hâm” để đưa lá thư tay. Chị lập cập theo sau luật sư để hỏi các thủ tục xin giảm án cho chồng. Câu hỏi mà người vợ còn rất trẻ ấy nhắc đi nhắc lại là “liệu chồng cháu còn có cơ hội không chú?”.
Mẹ bị cáo xót xa nói sau phiên xử: “Nó hiền lắm, ăn chưa no lo chưa tới, ngờ nghệch nhất trong cả họ, thế mà gây ra án mạng. Trong suy nghĩ của chị tôi thì gia đình chị là người nhà nước, tôi là dân buôn bán. Thời bao cấp nhiều người coi dân buôn bán như phường trộm cướp. Tôi mặc cảm chuyện đó, cộng với mâu thuẫn đất đai từ xưa nên tôi không qua lại gì với chị. Từ lúc các con còn nhỏ, tôi đã cấm không cho chúng đi lại với bác. Tôi sợ mình và các con nóng nảy lại xảy ra chuyện. Chuyện xảy ra do lỗi của con tôi, nhưng một phần cũng vì chị tôi chưa quên chuyện cũ, nhắc đến tôi bằng thái độ coi thường nên cháu mới tức giận mà sinh chuyện. Sau khi cháu gây tội, chồng tôi bị trách móc rất nhiều. Ông ấy đau xót trong lòng mà không biết bày tỏ với ai, gầy rộc đi mất bảy cân”.
Bình luận hay