![]() |
Cô Thôn cào rác trên bãi biển |
Được biết trước đây khi bãi biển An Bàng chưa mở rộng, cô Thôn thường đi tưới cỏ, quét dọn nhà hàng để kiếm tiền. Tuy không nhiều nhưng tiền lương hằng ngày cũng đủ cho cô nuôi người con gái ăn học và mẹ già 85 tuổi. Hoàn cảnh khó khăn cộng thêm đức tính chăm chỉ của mình, khi bãi biển An Bàng mở rộng, cô Thôn xin chính quyền xã đi cào rác ở biển để kiếm thêm thu nhập.
Mỗi sáng cô phải bắt đầu từ lúc 5 giờ sáng để làm sạch gần 2km đường bờ biển dọc 20 nhà hàng. Do đây là bãi thuyền thúng kèm theo buôn bán nên lượng rác thải ra rất nhiều. Phải khom lưng cào những rác vụn vặt dưới cát, gom dồn rồi gánh chạy thật nhanh lên trên cồn cho kịp xe rác. Hôm nào rác nhiều làm đến gần 10 giờ mới xong. Gánh rác chạy lên nhưng lại không kịp đổ xe rác, cô Thôn phải gánh vào sâu trong cồn bỏ đỡ, hôm sau chực xe để đổ....
Công việc vất vả, nặng nhọc nhưng mức lương mỗi tháng của cô chỉ là 600.000 đồng. Đồng lương hiếm hoi nhưng cô rất nhiệt tình, hoàn thành tốt công việc và không bị khiển trách bao giờ.
Lấy vạt áo lau mấy giọt mồ hôi trên trán, ngồi xuống bãi cát cô nói: "Đi cào rác vậy chớ cũng làm được nhiều điều tốt lắm đó”.
Năm ngoái trong khi cào rác trên bãi biển, cô nhặt được một sợi dây chuyền ba chỉ vàng. Thấy cô vui vui, những tưởng cô sẽ kể về những việc làm khi có số tiền "kếch sù” ấy. Nhưng không. Thật bất ngờ cô cho biết không lấy mà mang trả lại cho người bị mất. "Lúc đó trong nhà cũng túng lắm, hết gạo ăn luôn. Nhưng đó là mồ hôi, là nước mắt của người ta làm sao tôi có thể lấy được. Trả lại mà tôi vui lắm. Tự nhiên thấy người nhẹ nhõm hơn hẳn" - giọng Quảng đặc sệt, cô tâm sự.
Ba chỉ vàng có thể giúp cô trang trải phần nào cuộc sống túng thiếu lúc đó nhưng cô đã không lấy. Tôi còn biết, cô thường xuyên nhặt được các giấy tờ tùy thân, ví, tiền... và đều hoàn trả. Dù người Việt hay người nước ngoài bị mất của, chỉ cần người nhặt được là cô Thôn, thì sẽ được nhận lại đầy đủ của cải.
Cô trả lại không phải vì không tham tiền hay sợ dư luận mà vì biết nghĩ đến người khác. Cô nghĩ đến nỗi buồn của người mất đồ và nghĩ đến niềm vui khi họ được nhận lại đồ được mất. Lúc kể chuyện cô vui lạ thường, hệt như đang sống trong tâm trạng những người được nhận lại đồ vậy. Có lẽ niềm vui lớn nhất của cô là có thể mang lại niềm vui cho người khác.
Cào rác biển là việc hết sức bình thường nhưng đối với cô Thôn công việc đó đã mang lại cho cô niềm vui lớn. Cô vui vì có thể làm bãi biển thêm sạch, mang lại không khí trong lành cho mọi người hít thở, vui vì có thể giúp người khác lấy lại được những gì lỡ đánh mất..., vui vì được nhìn những người khỏe mạnh... Người ta ra biển để tận hưởng không khí mát lành của biển, tìm niềm vui cho chính bản thân mình. Còn cô Thôn ra biển để mang niềm vui lại cho biển cũng như niềm vui đến mọi người. đó cũng chính là niềm vui lớn nhất của cô.
Áo Trắng số 21 (ra ngày 15/11/2010) hiện đã có mặt tại các sạp báo. Mời bạn đọc đón mua để thưởng thức được toàn bộ nội dung của ấn phẩm này. |
Bình luận hay