
Kunlavut Vitidsarn là thành quả từ chiến lược đầu tư giàu chiều sâu của thể thao Thái Lan - Ảnh: REUTERS
Niềm tự hào của thể thao Thái Lan
Cầu lông là môn thể thao nhà nghề hiếm hoi mà "vùng trũng" Đông Nam Á vươn đến đẳng cấp thế giới. Và với riêng Thái Lan, họ lại đang sở hữu tay vợt số 1 thế giới hiện tại.
Trong bảng xếp hạng cập nhật vào tháng 7 của Liên đoàn Cầu lông thế giới (BWF), Kunlavut Vitidsarn chính thức trở lại vị trí số 1 thế giới ở nội dung đơn nam.
Đây là lần thứ hai tay vợt sinh năm 2001 người Thái Lan giữ ngôi vị cao nhất làng cầu lông thế giới. Trước đó, anh lần đầu lên đỉnh vào tháng 6-2025, đánh dấu cột mốc lịch sử: tay vợt Thái Lan đầu tiên trong lịch sử đứng đầu bảng xếp hạng đơn thế giới của BWF.
Lần trở lại ngôi số 1 này là kết quả của chuỗi phong độ ổn định trong hơn 6 tuần liền: Kunlavut vào đến chung kết Giải Singapore mở rộng, bán kết Indonesia mở rộng, rồi lên ngôi vô địch tại Canada mở rộng chỉ trong vòng chưa đầy hai tháng.
Trong trận chung kết Giải Canada mở rộng, Vitidsarn đánh bại Shi Yuqi (Trung Quốc) với tỉ số 21-15, 17-21, 21-12, qua đó tích lũy đủ điểm để vượt qua Viktor Axelsen - người hầu như giữ vị trí số 1 suốt 3 năm qua.
Sự kiện này khiến làng cầu lông nói riêng và thể thao thế giới nói chung phải nhìn lại chiến lược phát triển, đào tạo trẻ đặc biệt của người Thái. “Chưa bao giờ một tay vợt nam Thái Lan tiến xa đến vậy", cây bút thể thao kỳ cựu Dev Sukumar nhận định trên Badminton Asia.
“Kunlavut không chỉ có kỹ thuật phòng ngự bền bỉ như Momota, mà còn có đầu óc chiến thuật cực kỳ thực dụng. Điều quan trọng hơn là anh ấy trưởng thành trong một hệ thống đào tạo chặt chẽ, có chiều sâu của Thái Lan", Sukumar nói thêm.
Con đường đầu tư đặc biệt
Cách Thái Lan đầu tư cho Kunlavut là câu chuyện của một quá trình dài và tinh tế.
Anh khởi đầu tại trường Banthongyord - học viện cầu lông nổi tiếng được bà Kamala Thongkorn sáng lập, nơi đã đào tạo ra nhiều VĐV quốc gia.
Từ năm 10 tuổi, Kunlavut đã được huấn luyện bởi một ê kíp riêng biệt: HLV kỹ thuật chính là Xie Zhihua - người Trung Quốc, phụ trách toàn diện các mảng chiến thuật phòng ngự và điều tiết nhịp độ.
Cùng với đó anh còn có hai đối luyện viên (người đánh tập) chuyên mô phỏng lối chơi của các tay vợt top đầu thế giới, như Axelsen hay Momota. Chừng đó đủ cho thấy tham vọng của Thái Lan.
Thái Lan không chỉ dừng lại ở đào tạo kỹ thuật. Bộ Du lịch & Thể thao Thái Lan từ năm 2018 đã cấp học bổng "Tài năng trẻ quốc gia" cho Kunlavut, trị giá 1,2 triệu baht/năm (khoảng 800 triệu đồng), để tài trợ chi phí ăn ở, di chuyển, và tham dự các giải quốc tế.

Kunlavut luôn thể hiện quyết tâm đánh bại Axelsen - Ảnh: STAR
Liên đoàn Cầu lông Thái Lan (BAT) cũng chọn anh làm một trong ba VĐV nam được cử bác sĩ dinh dưỡng và vật lý trị liệu riêng đi theo trong toàn bộ mùa giải World Tour.
Đây là một trong những sự khác biệt quan trọng giúp Kunlavut hồi phục nhanh và duy trì thể lực khi di chuyển liên tục trên toàn thế giới.
Ngoài thể lực, tâm lý thi đấu là yếu tố mà Thái Lan đặc biệt chú trọng. Sau khi Kunlavut vô địch Giải vô địch thế giới 2023, anh trải qua một giai đoạn khó khăn: không vào nổi bán kết ở 7 giải kế tiếp. Đống thời, anh phải đối mặt với khủng hoảng phong độ và áp lực dư luận.
Kunlavut từng thừa nhận đã “rơi vào trạng thái mất động lực sau đỉnh cao” và chủ động rút lui khỏi các giải cuối mùa.
Từ đó anh nhận được sự hỗ trợ gián tiếp từ chương trình tâm lý thể thao hợp tác giữa BAT và Đại học Mahidol. Dù không điều trị tâm thần chuyên sâu, nhưng anh được tư vấn tâm lý đều đặn để duy trì trạng thái cân bằng, tránh trầm cảm.
Tuy nhiên phần lớn thành công cũng đến từ chính sự đầu tư bài bản của bản thân Kunlavut. Từ năm 2022, anh mua riêng một bộ thiết bị phản xạ tốc độ ánh sáng đặt tại nhà, tập phản xạ mỗi tối 30 phút.
Sau khi liên tục bị Kento Momota đánh bại vì tốc độ ra vợt, đây là cách anh khắc phục nhược điểm này. Anh còn tự bỏ tiền thuê một chuyên gia vật lý trị liệu từng làm việc với đội tuyển Nhật Bản đến Bangkok 3 tháng để chỉnh tư thế cổ tay và giảm áp lực lên đầu gối - một chấn thương dai dẳng từ thời trẻ.
Kunlavut sẽ không thể làm được điều đó nếu không có sự hỗ trợ tài chính của liên đoàn và Chính phủ Thái Lan. Tay vợt 24 tuổi này ước tính có thu nhập khoảng 16 triệu baht (nửa triệu USD) mỗi năm, chưa tính đến các bản hợp đồng tài trợ.

Kunlavut có quyết tâm cực cao - Ảnh: BWF
Không sử dụng mạng xã hội cũng là một quyết định thể hiện sự đầu tư nghiêm túc của Kunlavut.
Kể từ khi cảm thấy những lời chỉ trích gây tổn hại đến tâm lý, anh khóa toàn bộ tài khoản cá nhân. Anh chỉ giữ một tài khoản riêng để theo dõi video thi đấu của các đối thủ như Shi Yuqi, Li Shifeng.
Chia sẻ với BWF TV, Kunlavut nói: “Tôi không phải là người có năng khiếu vượt trội. Nhưng tôi học cách cải thiện từng phần một. Tôi từng thua Axelsen, Momota, Shi Yuqi rất nhiều. Nhưng sau mỗi trận thua, tôi dành một tuần để phân tích trận thua đó. Thắng thua không quan trọng bằng việc mình có hiểu rõ lý do vì sao mình thua".
Ở tuổi 24, Vitidsarn đã vô địch thế giới (2023), giành HCB Olympic (2024) và giành vô số danh hiệu ở các giải đấu lớn khác. Quan trọng hơn cả, Vitidsarn giúp Thái Lan tiếp tục chạm đến thương hiệu "số 1 thế giới" ở một môn thể thao nhà nghề.
Bình luận hay