
Một số video âm nhạc trở thành xu hướng thời gian gần đây - Ảnh chụp màn hình
Hành trình một bài hát số
Khi video ca nhạc Bắc Bling của Hòa Minzy cán mốc 100 triệu lượt xem trên YouTube chỉ sau một tháng ra mắt, các chuyên gia ước tính nữ ca sĩ có thể thu về 3,6 - 5,1 tỉ đồng từ YouTube Ads và các nền tảng nhạc số như Spotify, Apple Music (nhạc số chiếm 70 - 80% doanh thu).
Nhưng nữ ca sĩ từng thẳng thắn: "Số tiền có được từ YouTube không đáng kể so với những gì tôi đã bỏ ra".
Tóm gọn ngành âm nhạc số vận hành qua ba giai đoạn: sản xuất, phát hành và truyền thông.
Ở giai đoạn sản xuất, các nghệ sĩ độc lập (indie) thường tự quản lý một đội ngũ nhỏ, từ sáng tác đến thu âm. Cũng có các nghệ sĩ hợp tác với công ty quản lý để được hỗ trợ chiến lược bài bản.
Giai đoạn phát hành đòi hỏi hợp tác với hãng đĩa hoặc đơn vị phát hành nhạc số để đưa bài hát lên Spotify, Apple Music... Các đơn vị này đảm nhiệm đồng bộ toàn bộ dữ liệu định danh như tên bài, nghệ sĩ, thể loại... để nền tảng nhận diện và phân phối chính xác.
Cuối cùng, truyền thông, đặc biệt là mạng xã hội TikTok góp phần thay đổi cách quảng bá: chỉ cần 15 giây nhạc bắt tai là đủ tạo xu hướng, giúp nghệ sĩ thử phản ứng khán giả trước khi ra mắt chính thức.
Nội dung ngắn như bản phối lại, hậu trường, hát lại cũng dễ thu hút người xem Việt. Nền tảng số còn hỗ trợ mở rộng thị trường, như chiến dịch EQUAL của Spotify giúp nghệ sĩ nữ Việt Nam như Đông Nhi tiếp cận khán giả quốc tế và truyền thông toàn cầu.
Tiền từ nhạc số: không chỉ là lượt nghe
Các nền tảng phát nhạc trực tuyến cho phép khán giả chọn gói trả phí để nghe các bài hát bản quyền theo yêu cầu từ thư viện tập trung; trong khi một số nền tảng cho phép người dùng nghe nhạc miễn phí, xen lẫn với xem quảng cáo.
Tại Việt Nam có các nền tảng trong nước và quốc tế như Zing MP3, NhacCuaTui, Spotify, Apple Music... nhưng theo Báo cáo tổng quan ngành công nghiệp âm nhạc kỹ thuật số Việt Nam 2024 do nhóm nghiên cứu khoa truyền thông và thiết kế thuộc Đại học RMIT Việt Nam thực hiện, YouTube, TikTok và Zing MP3 là ba nền tảng được sử dụng nhiều nhất.
Nhưng một bài hát được nghe trên Spotify, Apple Music hay Zing MP3 mang về bao nhiêu tiền? Trung bình, Spotify trả 0,003 - 0,005 USD mỗi lượt phát. Nhưng nghệ sĩ không nhận trực tiếp số tiền này. Nền tảng dùng mô hình phân phối tỉ lệ, tính tổng doanh thu theo nhiều chỉ tiêu và nền tảng giữ 30% trong khi 70% còn lại chia cho các chủ sở hữu bản quyền (nghệ sĩ, nhạc sĩ hoặc nhà sản xuất).
Theo bà Tôn Nữ Như Ngọc, chuyên gia lĩnh vực quản lý nghệ sĩ và âm nhạc số, mỗi lượt nghe trên nền tảng sẽ được quy đổi thành tiền tùy theo nhiều yếu tố, như tài khoản người nghe là trả phí hay miễn phí. Phần doanh thu này được chuyển cho đơn vị phát hành, sau đó mới được chia lại cho nghệ sĩ dựa trên thỏa thuận giữa hai bên.
"Tỉ lệ chia sẻ doanh thu giữa nhà phát hành và nghệ sĩ phụ thuộc vào hợp đồng đã ký. Không có một công thức cố định nào áp dụng chung" - bà Ngọc cho biết.
Hiện có nhiều mô hình hợp tác khác nhau. Nghệ sĩ có thể chọn phương án trọn gói từ sản xuất đến truyền thông, hoặc chỉ sử dụng một phần dịch vụ từ công ty phát hành. Tùy theo mức độ tham gia của từng bên, nghệ sĩ có thể nhận từ 10 đến 70% doanh thu từ bản thu.
Bản quyền, nhân sự và bóng dáng AI
Dù tăng trưởng nhanh, ngành âm nhạc số Việt Nam vẫn đối mặt với nhiều rào cản. Theo bà Lê Nguyễn Trà My, thành viên Chi hội blockchain TP.HCM, năm 2024 có khoảng 80 vụ kiện liên quan tới bản quyền âm nhạc ở Việt Nam, khi các ca khúc được sử dụng trên nhiều nền tảng mà chưa có sự cho phép của bên sở hữu.
Đồng thời, khoảng 80% nghệ sĩ không nắm quyền sở hữu bản quyền với tác phẩm của mình do thiếu kiến thức pháp lý hoặc đã ký hợp đồng bất lợi.
"Hãy tìm một luật sư giỏi" là lời khuyên của nữ ca sĩ tỉ phú Taylor Swift dành cho ai muốn bước chân vào ngành công nghiệp âm nhạc và tồn tại lâu dài.
Thực tế, nhiều nghệ sĩ ký vào hợp đồng bất lợi chỉ vì thấy tên mình được nhắc tới, mà không hiểu mình vừa từ bỏ quyền tác giả, thậm chí cả quyền sở hữu trí tuệ.
Một chuyên gia ngành giải trí khuyến nghị: "Nếu cảm thấy không thể học hay hiểu tất cả các luật, hãy đi thuê luật sư. Đừng quá tin vào một cá nhân hay công ty nào nói để anh, chị giúp hết cho em".
Nhân sự ngành cũng thiếu hụt, theo bà Tôn Nữ Như Ngọc, người làm truyền thông giỏi chuyên môn nhưng không rành dữ liệu phân tích thị trường, người biết kinh doanh lại mù mờ về Luật
Bản quyền, trong khi người làm luật giỏi cãi nhưng thiếu năng lực thương thuyết kinh doanh. Đồng thời, vấn đề bản quyền trở nên phức tạp khi AI ngày càng phổ biến. Nhạc do AI tạo ra chưa được luật pháp bảo hộ rõ ràng, đặt ra nguy cơ sao chép hoặc tranh chấp.
"Ngành âm nhạc Việt Nam tiềm năng phát triển lớn nhưng các yếu tố nền tảng vẫn còn nhiều bất cập" - TS Nguyễn Văn Thăng Long, Đại học RMIT Việt Nam, nhận định.
Ông cho rằng việc phá vỡ thỏa thuận một cách tùy tiện hay giải quyết bất đồng thiếu chuyên nghiệp vẫn xảy ra. Nhận thức và sự tôn trọng đối với quyền tác giả, bản quyền cũng chưa được các bên quan tâm đúng mức. Đây là những hạn chế cần được cải thiện cho một ngành âm nhạc phát triển bền vững.
Nhiều ca sĩ đạt doanh thu hằng năm không nhỏ
Theo thông tin tổng hợp từ nhiều kênh, bao gồm Social Blade (số liệu chỉ mang tính tham khảo, do phụ thuộc vào nhiều yếu tố như tỉ lệ chia sẻ doanh thu của từng kênh, số lần hiển thị quảng cáo...), ước tính một video ca nhạc đạt 1 triệu lượt xem trên YouTube có thể mang về khoảng 500 USD (hơn 12 triệu đồng).
Kênh YouTube của ca sĩ M., người được xem là một trong những ngôi sao trẻ nổi bật nhất Vpop hiện nay, được ước tính tạo ra doanh thu từ 2-32 tỉ đồng/năm. Bên cạnh đó, mỗi buổi biểu diễn trực tiếp của anh thu hút hàng ngàn khán giả, với mức cát xê từ đơn vị tổ chức lên khoảng 1 tỉ đồng.
Nữ ca sĩ M., người nổi bật gần đây với ca khúc tôn vinh truyền thống văn hóa Việt, cũng sở hữu kênh YouTube có doanh thu dao động từ 1,4-23,3 tỉ đồng/năm.
Theo thống kê từ nền tảng Social Blade, kênh YouTube của ca sĩ Phan Đinh Tùng có doanh thu ước tính hằng tháng từ 19-320 triệu đồng, tương đương khoảng 240 triệu đến 3,8 tỉ đồng/năm...
Ngoài nhạc số, nghệ sĩ kiếm tiền từ biểu diễn trực tiếp, bán sản phẩm độc quyền và bản quyền dùng trong quảng cáo, phim ảnh. Theo dữ liệu từ Zing MP3 và Adtima về người hâm mộ trung thành: khoảng 87,5% sẵn sàng mua hàng để đổi lấy sản phẩm, dịch vụ độc quyền liên quan đến thần tượng; 71,6% chi cho nhãn dán nhắn tin có hình thần tượng.
Nhạc sĩ NGUYỄN VĂN CHUNG:
Phải thích nghi nếu không muốn bị bỏ lại
Việc phát hành nhạc lên các nền tảng số là xu thế bắt buộc của thời đại mà nhạc sĩ cũng phải thích nghi nếu không muốn bị bỏ lại trong dòng chảy đó. Nhạc sĩ cũng phải cập nhật xu hướng nghe của từng đối tượng khán giả để đưa ra những chiến lược phù hợp (khán giả lớn tuổi hay vào YouTube, trẻ thì nghe trên TikTok hoặc Spotify). Việc phát hành nhạc số có một số ưu điểm: nhanh, tiếp cận khán giả trực tiếp hơn, đo lường phản hồi của khán giả nhanh hơn, tiết kiệm chi phí đáng kể so với in đĩa CD…

Nhật ký của mẹ (Nguyễn Văn Chung) là một trong những bài hát được nghe đi nghe lại nhiều trên mạng - Ảnh chụp màn hình
Ngoài ra tác giả còn thu được tiền từ tác quyền cũng như lượt nghe sản phẩm trên các nền tảng. Số tiền không nhiều so với các ca sĩ thu bản ghi nhưng dẫu sao đó vẫn là một con số khiến tôi hài lòng, đầu tư ngược lại cho sáng tác mới.
Tuy nhiên nhạc số hiện nay cũng đối diện nhiều thách thức: sự can thiệp của AI, xâm phạm bản quyền, việc đăng tải quá dễ dàng dẫn đến chất lượng nội dung đi xuống (mặc dù chất lượng âm thanh/hình ảnh có thể tốt hơn).
Mỗi nền tảng lại có cách truyền thông khác nhau. Ví dụ xu hướng video ngắn 45 giây, làm cho người nghe chỉ tập trung vào đoạn nhạc bắt tai nhất, dẫn đến sự dễ dãi trong sáng tác và sự tiếp cận vẻ đẹp cũng như tinh thần của âm nhạc không được trọn vẹn... Dù vậy, đây là luật chơi trên mỗi nền tảng mà nghệ sĩ tham gia cũng phải chấp nhận.
Bình luận hay