Còn những hộ không có khả năng phải chấp nhận sống cảnh chờ nhà... sập.
Nhà nước có quy định sử dụng tiền vận động từ các mạnh thường quân để tu sửa nhà tình nghĩa, nhưng việc này đang gặp khó do đa số nhà tài trợ vì muốn quảng bá hình ảnh nên chỉ muốn hỗ trợ xây mới.
![]() |
Bà Nguyễn Thị Lùn ở xã Vĩnh Kim, huyện Châu Thành (Tiền Giang) phải chi hết tiền dành dưỡng già để sửa nhà - Ảnh: THANH TÚ |
Nỗi lo nhà sập
Dẫn chúng tôi đi thăm căn nhà tình nghĩa được xây gần 20 năm trước, ông Nguyễn Văn Phê (thương binh hạng 1/4, xã Thới Thạnh, huyện Thạnh Phú, Bến Tre) cho biết căn nhà gỗ khoảng 40m2 của ông đã hư hỏng nặng từ bốn năm nay. Dàn cột gỗ đã bị mối ăn, mục gần hết. Nhiều mảng tường bị mục, đụng tay vào là rơi rào rào xuống đất. “Bây giờ nếu dỡ ra là sập ngay nên phải chống chọi ở tạm, được ngày nào hay ngày đó” - ông Phê nói.
Ông Lê Văn Mứt, trưởng Phòng LĐ-TB&XH huyện Thạnh Phú, cho biết toàn huyện có 24 nhà tình nghĩa khác bị hư hỏng nặng, cần được hỗ trợ sửa chữa gấp.
Tương tự, nhà của mẹ VN anh hùng Nguyễn Thị Chói (91 tuổi, ở xã Mỹ Chánh, huyện Ba Tri, Bến Tre) cũng thuộc diện có thể sập bất cứ lúc nào. Dẫn chúng tôi đi xem nhà, anh Trần Văn Thau (con của mẹ Chói) chỉ cần khều nhẹ vào tường là bêtông và gạch nát rơi xuống đất. Theo anh Thau, nhà xây từ năm 1990, chân cột không có cừ, chỉ xây tường xung quanh rồi lợp ngói. Nhưng năm vừa rồi ngói cũng hư, rơi xuống suýt trúng đầu nên anh phải mua lá về lợp tạm. “Chính quyền đã tới khảo sát, hi vọng nhà sẽ sớm được sửa cho mẹ tui yên tâm sống những năm cuối đời” - anh Thau nói.
Cũng vì sợ nhà sập bất cứ lúc nào nên bà Nguyễn Thị Lùn ở xã Vĩnh Kim, huyện Châu Thành (Tiền Giang) phải lấy hết tiền dành dưỡng già để sửa nhà. Gia đình bà Lùn thuộc diện nghèo, sửa chữa nhà là chuyện không nhỏ nên con cháu bà đã đề nghị chính quyền địa phương hỗ trợ kinh phí nhưng chờ hoài không thấy. Thế là người thân mỗi người góp một ít và bà Lùn vét hết tiền dành dụm để sửa nhà, tốn hết 40 triệu đồng.
Ông Trần Văn Đức, chủ tịch UBND xã Vĩnh Kim, cho biết nhà tình nghĩa xuống cấp thì nhiều trong khi kinh phí hằng năm cho việc này chỉ khoảng 50 triệu đồng nên không thể sửa hết.
Bài toán nan giải
Ông Nguyễn Thành Hưởng, trưởng phòng người có công Sở LĐ-TB&XH tỉnh Bến Tre, cho biết toàn tỉnh có khoảng 2.500 căn nhà tình nghĩa trong số 5.000 căn được xây dựng từ 15-20 năm trước đang hư hỏng nặng, cần sửa chữa. Trong đó khoảng 300 căn phải sửa chữa gấp trong năm nay (mỗi căn tốn vài chục triệu đồng). Đây là bài toán nan giải cho địa phương vì nhà hư thì Nhà nước phải lo sửa chữa do hộ chính sách thường nghèo. Theo quy định hiện nay, kinh phí sửa chữa nhà tình nghĩa được lấy từ nguồn vận động là chính trong khi các mạnh thường quân, doanh nghiệp chỉ hỗ trợ kinh phí xây mới chứ không chịu tài trợ sửa nhà. “Nếu không có sự hỗ trợ từ nguồn ngân sách, thời gian tới sẽ có thêm nhiều căn nhà tình nghĩa tiếp tục xuống cấp nghiêm trọng hơn do không được tu bổ kịp thời” - ông Hưởng lo lắng.
Tại tỉnh Tiền Giang, UBND tỉnh vừa ban hành chỉ thị chỉ đạo các địa phương rà soát toàn bộ nhà tình nghĩa, lập danh sách những căn cần sửa chữa gấp. Thống kê bước đầu cho thấy có gần 2.000 căn phải sửa gấp. Và cũng như Bến Tre, các cơ quan chức năng ở Tiền Giang đang đau đầu vì không biết lấy đâu ra tiền để sửa nhà cho hộ chính sách.
Bà Trần Thị Kim Mai, phó chủ tịch UBND tỉnh Tiền Giang, cho biết UBND tỉnh đã chỉ đạo các địa phương rà soát, thống kê hết số nhà tình nghĩa xây dựng trước đây nay đã xuống cấp nặng. Sau đó, tỉnh sẽ tính toán số tiền cần thiết để sửa nhà cho bà con rồi mới tìm nguồn.
Trao đổi với chúng tôi, một lãnh đạo tỉnh Bến Tre cho biết không phải vì khó tìm kinh phí mà lãnh đạo tỉnh để các hộ chính sách sống bất an trong những căn nhà thiếu an toàn. Các giải pháp cần thiết đang được tỉnh xúc tiến.
Bình luận hay