
Chủ tịch nước Trần Đức Lương trao đổi với TS Tô Văn Trường trong chuyến khảo sát trận lũ lịch sử năm 2000 ở Đồng bằng sông Cửu Long - Ảnh: Nhân vật cung cấp
Nguyên Chủ tịch nước Trần Đức Lương đã từ trần hồi 22h51 ngày 20-5 tại nhà riêng, hưởng thọ 88 tuổi. Lễ viếng, lễ truy điệu, lễ an táng nguyên Chủ tịch nước sẽ được thông báo sau.
Một con người đáng kính, mực thước và sâu sắc
Trao đổi với Tuổi Trẻ Online, TS Tô Văn Trường, nguyên viện trưởng Viện Quy hoạch thủy lợi miền Nam, chia sẻ đã lặng đi hồi lâu khi nhận tin nguyên Chủ tịch nước Trần Đức Lương từ trần.
"Dẫu biết quy luật sinh tử không thể cưỡng, nhưng với những ai từng có cơ hội làm việc, gắn bó, sự ra đi đó để lại khoảng lặng sâu sắc, nỗi tiếc thương khó gọi thành tên", ông Trường tâm sự.
Theo ông Trường, nguyên Chủ tịch nước không chỉ là một lãnh đạo cấp cao của đất nước, mà là con người đáng kính, điềm đạm, sâu sắc, luôn lắng nghe và hành động một cách có trách nhiệm.
"Trong ký ức của tôi, ông không chỉ là một vị nguyên thủ quốc gia, "thủ trưởng" đúng nghĩa mà là một con người đáng kính, mực thước và sâu sắc.
Một người lãnh đạo kỹ trị, không ưa hào nhoáng, không chạy theo hình thức, mà chọn cách sống và làm việc thầm lặng nhưng bền bỉ", TS Trường nêu rõ.
* Ông chia sẻ, khi sinh thời, Thủ tướng Võ Văn Kiệt từng tâm sự với ông, trong đội ngũ cộng sự thân tín thời ông làm Thủ tướng, có ba người phó tướng, đại diện cho ba miền đất nước mà ông đặc biệt quý trọng. Gồm ông Trần Đức Lương, ông Phan Văn Khải và ông Nguyễn Khánh. Mỗi người một phong cách, thế mạnh, nhưng đều là những người đã khẳng định được vai trò, trách nhiệm trước Đảng, nhân dân.
Vậy lần đầu tiên gặp, làm việc với nguyên Chủ tịch nước Trần Đức Lương, cảm nhận của ông thế nào?
- Tôi gặp nguyên Chủ tịch nước lần đầu vào đầu năm 2000 tại Văn phòng Chủ tịch nước trong một buổi làm việc liên quan quản lý tài nguyên nước quốc gia. Khi đó có cả Bộ trưởng, Chủ nhiệm Văn phòng Chủ tịch nước Nguyễn Cảnh Dinh cùng tham dự.
Ấn tượng đầu tiên với tôi: Chủ tịch nước Trần Đức Lương là một người lãnh đạo rất cẩn trọng, điềm tĩnh nhưng luôn đi thẳng vào trọng tâm.
Ông không vòng vo, không tạo khoảng cách, luôn tôn trọng tri thức và ý kiến chuyên môn. Sau này tôi hiểu phong cách kỹ trị đó có gốc rễ từ nền tảng nghề nghiệp của một kỹ sư địa chất.
Ông làm việc như một nhà khoa học, nhưng quyết đoán như một chính khách, luôn đi đến tận cùng của lý lẽ và thực tế. Đó là kiểu lãnh đạo mà đất nước luôn cần.
Ông sống thầm lặng, làm việc tận tụy, không ồn ào, nhưng để lại nhiều giá trị bền lâu trong chính sách, trong tinh thần và ký ức của những người từng đồng hành.
Tôi còn nhớ mãi, có lần ông gọi điện cho tôi để hỏi về khả năng hình thành hồ chứa nước ngọt ở Đồng bằng sông Cửu Long.
Câu hỏi của ông không mang tính chỉ đạo, mà giống như một lời gợi mở: "Với đặc thù đất đai chua phèn, địa hình bằng phẳng, liệu có thể dùng vải địa kỹ thuật làm lớp lót đáy để giữ nước ngọt cho đồng bào ở những vùng khô cạn không?".
Chính những câu hỏi như vậy đã mở đường cho chúng tôi suy nghĩ sâu hơn, từ đó cụ thể hóa thành các đề xuất kỹ thuật. Nhìn lại có thể thấy những gợi ý tưởng nhỏ ấy sau này đã góp phần hình thành nên hướng tiếp cận mới trong quy hoạch thủy lợi cho cả vùng.

Chủ tịch nước Trần Đức Lương và TS Tô Văn Trường cùng các thành viên trong chuyến khảo sát trận lũ lịch sử năm 2000 ở Đồng bằng sông Cửu Long - Ảnh: Nhân vật cung cấp
5 ván cờ tướng với nguyên Chủ tịch nước
* Từng đồng hành, gắn cùng nguyên Chủ tịch nước trong nhiều cuộc làm việc, các chuyến công tác, kỷ niệm nào ông nhớ nhất?
- Có lẽ kỷ niệm sâu sắc nhất với tôi là chuyến khảo sát trận lũ lịch sử năm 2000 ở Đồng bằng sông Cửu Long.
Tôi nhớ rõ khoảnh khắc thuyền của Chủ tịch nước Trần Đức Lương khi đó dừng lại giữa dòng, và một cán bộ được cử sang mời tôi lên thuyền chính để trao đổi với ông về dòng chảy kênh Hồng Ngự.
Ông đặt những câu hỏi rất cụ thể, hóc búa về thủy văn, địa chất không phải để thử thách mà để hiểu thật kỹ vấn đề.
Tôi trình bày về bài toán thủy lực từ điều kiện biên, điều kiện ban đầu, độ nhám, tổn thất cục bộ… đến tác động của thủy triều và yêu cầu bảo vệ sản xuất nông nghiệp.
Chủ tịch nước lắng nghe chăm chú, không ngắt lời, chỉ gật đầu và đặt thêm vài câu hỏi sâu hơn. Cách làm việc ấy khiến tôi vô cùng nể phục. Đó không phải kiểu đối thoại hình thức, mà là sự truy vấn chân thành để hiểu đến tận cùng bản chất vấn đề.
Tối cùng ngày, sau khi kết thúc cuộc họp với lãnh đạo các tỉnh, bộ ngành tại trụ sở Tỉnh ủy Kiên Giang, Chủ tịch nước Trần Đức Lương bất ngờ gọi tôi lên đánh cờ tướng. Hai chúng tôi đã chơi 5 ván, tôi thắng 3, thua 2.
Ông chơi cờ cũng giống như cách làm việc: quyết đoán, không ưa sự uốn éo, càng không khoái sự ve vuốt.
Trên bàn cờ, ông tung mã quỳ, giăng bẫy hiểm hóc; trong công việc, ông cũng thường đặt ra những bài toán khó nhưng để tìm lời giải thực chất chứ không phải "thử thách" người khác.
Ván cờ hôm ấy là một lát cắt sống động phản ánh đúng con người của ông và cũng là dịp để tôi soi chiếu lại chính mình. Chúng tôi chơi trong tinh thần rất nghiêm túc, không ai nhường ai.
Ông không phải kiểu lãnh đạo thích được "thua cho đẹp lòng" và tôi cũng không phải kiểu "Triển Chiêu thời thế" biết đi những nước cờ uốn lượn mềm mại để lấy lòng người trên. Cả hai chúng tôi đều thích sự sòng phẳng, minh bạch cả trong công việc lẫn trên bàn cờ.
Nhưng điều khiến tôi hài lòng không phải thắng thua, mà tinh thần thi đấu trung thực, không màu mè. Một ván cờ tưởng đơn giản nhưng lại minh chứng cho sự thẳng thắn và tinh thần tôn trọng lẫn nhau, điều rất hiếm hoi trong nhiều quan hệ công tác ở cấp cao.
Hành động vì kết quả, không phải vì tiếng vang
Nguyên Chủ tịch nước Trần Đức Lương sinh năm 1937, xuất thân kỹ sư địa chất - một nghề đòi hỏi sự tỉ mỉ, chính xác và kiên nhẫn.
Có lẽ chính xuất phát điểm đó đã hun đúc nên một phong cách lãnh đạo kỹ trị hiếm có: ít nói, ít biểu diễn, nhưng rất coi trọng căn cứ khoa học và hiệu quả thực tiễn.
Trong thời gian giữ cương vị Phó thủ tướng rồi Chủ tịch nước, ông không để lại những phát ngôn lớn lao, không tạo "hiệu ứng truyền thông", nhưng sự hiện diện của ông luôn bảo đảm tính ổn định và chừng mực trong điều hành đất nước.
Ông hành động vì kết quả, không phải vì tiếng vang. Báo chí nước ngoài từng nhận định ông là "một nhân vật trầm lặng nhưng có ảnh hưởng trong quá trình hội nhập của Việt Nam".
Nếu được nói một câu ngắn gọn về ông, tôi muốn nói rằng: "Ông là một chính khách trầm lặng, nhưng trí tuệ, ảnh hưởng của ông âm thầm lan tỏa và bền bỉ".
Bình luận hay