24/05/2025 06:01 GMT+7
Trở lại chủ đề

Người Việt bỏ ví, cầm điện thoại

LÊ THANH
và 1 tác giả khác

Không còn phải đến trường nộp học phí, đến kho bạc đóng thuế, hay ra quầy thanh toán tiền điện nước, giờ đây mọi giao dịch từ lớn đến nhỏ trong cuộc sống hằng ngày đều được người dân thực hiện nhanh chóng chỉ trong vài giây qua ứng dụng ngân hàng.

không tiền mặt - Ảnh 1.

Người dân sử dụng thẻ Napas đi metro Bến Thành - Suối Tiên - Ảnh: QUANG ĐỊNH

"Không tiền mặt" đang trở thành xu hướng tất yếu với sự tham gia ngày càng sâu rộng của các ngân hàng (NH) vào lĩnh vực thanh toán điện tử, mang lại tiện ích thiết thực cho người dân ở mọi lứa tuổi, ngành nghề.

Vào app NH, thanh toán, nộp thuế: 1 - 2 giây là xong

Chị Lê Phương Linh (quận Cầu Giấy, Hà Nội) cho biết hơn một năm qua, mọi khoản thuế như thuế hộ kinh doanh, thuế sử dụng đất phi nông nghiệp, lệ phí trước bạ xe máy hay học phí cho con chị đều thanh toán qua tài khoản NH.

"Chỉ cần vài thao tác trên app, trong 1 - 2 phút là xong, không còn cảnh xếp hàng ở kho bạc hay NH như trước đây", chị chia sẻ.

Nhà trường nơi con chị Linh học từng thu học phí bằng tiền mặt, phụ huynh phải đến tận nơi nộp. Từ hai năm nay mỗi học sinh được cấp một mã định danh. Chỉ cần nhập mã này vào app NH là hệ thống tự động hiển thị đầy đủ thông tin: họ tên, lớp, trường và số tiền học phí.

"Tôi có thể nộp từ bất cứ đâu, bất cứ lúc nào, rất tiện lợi. Rõ ràng thanh toán không tiền mặt vô cùng tiện lợi và dễ dàng, không có sự nhầm lẫn", chị Linh nói.

Tại TP.HCM, chị Kim Anh (quận Bình Thạnh) cho biết việc thanh toán học phí càng thuận tiện hơn khi trường học in sẵn mã QR trên thông báo học phí. "Chỉ cần quét mã, mọi thông tin được tự động điền vào app, tôi chỉ việc xác nhận thanh toán", chị nói.

Không chỉ giáo dục, nhiều dịch vụ công cũng đang chuyển đổi mạnh mẽ. Anh Nguyễn Văn Thanh (quận Nam Từ Liêm, Hà Nội) kể mới đây anh làm hộ chiếu qua Cổng dịch vụ công quốc gia. Trước kia dù khai báo online nhưng vẫn phải đến nơi nộp lệ phí. Giờ đây mọi thứ được thực hiện trực tuyến, giúp tiết kiệm thời gian đáng kể.

Ngoài ra các dịch vụ hằng ngày như thanh toán điện, nước, điện thoại... cũng được tự động hóa. Chị Phan Hoài Thu (Hải Phòng) chia sẻ: "Tôi đặt lệnh trích nợ tự động qua tài khoản. Đến ngày 10 hằng tháng là hệ thống tự động trừ tiền, không còn lo trễ hạn hay bị cắt dịch vụ".

Chị Thu cũng vừa hoàn tất đặt vé máy bay và khách sạn cho kỳ nghỉ cuối tháng. Điều thú vị là tất cả trên app NH. "Không chỉ tiện lợi mà còn có giá ưu đãi hơn so với đặt trực tiếp", chị cho biết.

"Giờ ra đường tôi chỉ cầm điện thoại. Từ mua bất động sản, ô tô đến ly cà phê hay vé gửi xe vài nghìn đồng - mọi thứ đều có thể thanh toán bằng mã QR. Ví chỉ còn để thẻ và giấy tờ tùy thân, hầu như không dùng tiền mặt nữa", chị Thu nói.

Hộ kinh doanh yên tâm bán hàng

Đối với tiểu thương, người kinh doanh, bà Phạm Thị Thịnh (Hà Nội), chủ quán phở trên đường Hai Bà Trưng (Hà Nội), cho hay hiện có tới 80 - 90% khách hàng thanh toán là không dùng tiền mặt. Trong số đó 100% khách hàng thanh toán bằng mã QR.

"Chưa bao giờ thanh toán lại tiện như hiện nay cho cả người bán và khách hàng. Khách mở app NH quét mã QR để thanh toán. Điều thuận tiện nữa là tôi không phải kiểm tra tài khoản sau mỗi lần khách thanh toán nữa.

Với loa thanh toán mà NH cấp miễn phí, số tiền chuyển đến được loa thông báo chỉ sau một giây. Nên người bán hàng tránh được tình trạng chuyển nhầm, thậm chí gian lận, yên tâm kinh doanh", bà Thịnh vui vẻ nói.

Đại diện Techcombank cho hay với người kinh doanh nhỏ, việc kiểm soát dòng tiền và xử lý thanh toán nhanh chóng, chính xác là yếu tố then chốt quyết định sự thành công.

Trên thực tế, nhiều tiểu thương gặp khó khăn khi thanh toán truyền thống như cộng nhẩm tiền, nhận thanh toán bằng tiền mặt... Nên ngoài việc mất thời gian, không ít trường hợp có số tiền thanh toán bị sai sót.

Cùng chung quan điểm này, SHB cho rằng loa thanh toán đã giải quyết triệt để những hạn chế này. Loa thanh toán là trợ thủ đắc lực cho tiểu thương, hộ kinh doanh khi giúp người bán hàng nhận thông báo chính xác và ngay tức thì số tiền giao dịch.

Người bán hàng không cần chụp màn hình hay kiểm tra tài khoản mỗi khi nhận tiền.

Trên thị trường, hàng loạt NH như Techcombank, SHB, VietinBank, Sacombank... đã phát triển loa bán hàng - thiết bị thông minh thông báo số tiền giao dịch bằng giọng nói, hỗ trợ thông báo giao dịch nhanh chóng và chính xác.

không tiền mặt - Ảnh 2.

Khách hàng thanh toán không tiền mặt khi mua hàng tại cửa hàng điện thoại ở quận 1, TP.HCM - Ảnh: QUANG ĐỊNH

Hơn 90% giao dịch qua kênh số

Đại diện HDBank cho hay năm 2024 đã đánh dấu sự phát triển mạnh mẽ nền tảng văn hóa số, kinh doanh số. Năm 2024 có tới 94% giao dịch của khách hàng cá nhân tại HDBank được thực hiện trên các nền tảng số.

Kênh số cũng đóng góp tới 82% số lượng khách hàng mới, số lượng khách hàng mới vượt mốc 2 triệu khách hàng. Số lượng giao dịch vượt mốc 100 triệu giao dịch, số dư tiền gửi trên kênh số tăng trưởng theo cấp số nhân.

Số hóa hành trình khách hàng, quy trình vận hành, phân tích dữ liệu lớn, ứng dụng robot, trí tuệ nhân tạo vào phục vụ khách hàng được đẩy mạnh, giúp nâng cao năng suất và tối ưu hóa chi phí.

Năm 2024, Trung tâm đổi mới và sáng tạo Galaxy Innovation Hub, một mô hình chuyển đổi công nghiệp điển hình được phát triển bởi HDBank, đã chính thức đưa vào hoạt động không chỉ đánh dấu bước phát triển vượt bậc về cơ sở hạ tầng công nghệ, mà còn tạo ra một hệ sinh thái đổi mới sáng tạo nhằm thúc đẩy tăng trưởng bền vững.

NH Nhà nước thống kê tính đến nay, số lượng tài khoản thanh toán cá nhân tại Việt Nam đạt hơn 200 triệu. Tại nhiều tổ chức tín dụng, hơn 90% giao dịch tài chính được thực hiện qua các kênh số.

Các con số này phản ánh nỗ lực lớn và thành công của toàn ngành NH trong cung cấp trải nghiệm vượt trội và đem đến lợi ích thiết thực cho người dùng dịch vụ.

Hay tại Agribank có lượng giao dịch tự động chiếm tới 91,97% tổng số giao dịch. Hiện nay Agribank có gần 20 triệu khách hàng có tài khoản tiền gửi thanh toán, gần 16 triệu khách hàng sử dụng thẻ ATM, khoảng 15 triệu khách hàng sử dụng dịch vụ thanh toán qua kênh mobile banking.

Ông Nguyễn Quốc Hùng, tổng thư ký Hiệp hội NH, nhận định tỉ lệ người trưởng thành có tài khoản thanh toán đã đạt 87%, vượt mục tiêu 80% vào năm 2025. Tốc độ tăng trưởng thanh toán không dùng tiền mặt trung bình hằng năm đạt hơn 50%.

không tiền mặt - Ảnh 3.

10 tháng, hơn 108 triệu tài khoản NH được xác thực sinh trắc học

Sau 10 tháng triển khai xác thực sinh trắc học qua căn cước công dân (CCCD) gắn chip và ứng dụng VNeID, ngành NH đã đối chiếu thành công thông tin của hơn 108 triệu hồ sơ khách hàng cá nhân, tương đương hơn 92% tổng số tài khoản phát sinh giao dịch trên kênh số.

Ngoài ra hơn 530.000 hồ sơ khách hàng tổ chức, đạt 41% tổng số tài khoản tổ chức có giao dịch điện tử và khoảng 20,9 triệu tài khoản ví điện tử (đạt tỉ lệ 73,1%) cũng đã được đối chiếu thông tin sinh trắc học với dữ liệu quốc gia về dân cư.

NH Nhà nước cho biết việc xác thực sinh trắc học không ảnh hưởng đến hoạt động thanh toán và đang góp phần giảm thiểu các vụ lừa đảo, mất tiền trong giao dịch trực tuyến. Để tăng cường bảo mật, NH Nhà nước đã ban hành thông tư số 50/2024 ngày 31-10-2024 về an toàn trong cung cấp dịch vụ trực tuyến, có hiệu lực từ ngày 1-1-2025.

Hoạt động xác thực này nằm trong khuôn khổ triển khai đề án 06 về phát triển ứng dụng dữ liệu dân cư, định danh và xác thực điện tử, phục vụ chuyển đổi số quốc gia giai đoạn 2022 - 2025, tầm nhìn đến 2030.

Các tổ chức tín dụng và trung gian thanh toán đang tích cực tham gia, góp phần nâng cao an toàn hệ thống tài chính và niềm tin người dùng.

Tội phạm công nghệ cao trong hoạt động thanh toán ngày càng tinh vi

Theo NH Nhà nước, hiện nay công tác phòng chống ngăn chặn tội phạm sử dụng công nghệ cao trong thanh toán điện tử gặp một số khó khăn do tội phạm công nghệ cao trong hoạt động thanh toán ngày càng tinh vi, với các thủ đoạn phức tạp và thay đổi nhanh, liên tục.

Kẻ xấu thường lợi dụng hệ thống thanh toán cho các hoạt động phi pháp như cờ bạc, lừa đảo, trốn thuế, buôn bán ma túy, gian lận thương mại... có xu hướng gia tăng.

Tuy nhiên hoạt động thanh toán chỉ là bước cuối trong quá trình giao dịch, trong khi việc xác định tính hợp pháp của hàng hóa, dịch vụ lại thuộc thẩm quyền của các bộ ngành quản lý chuyên ngành.

Vì vậy ngành NH không thể đơn phương xác minh và ngăn chặn hiệu quả các giao dịch bất hợp pháp nếu thiếu sự phối hợp chặt chẽ, thường xuyên và kịp thời từ các cơ quan liên quan.

NH Nhà nước cũng cho biết thông tin sai lệch lan truyền trên mạng xã hội về các rủi ro an ninh trong thanh toán số đang ảnh hưởng tiêu cực đến niềm tin của người dân với hệ thống NH, đồng thời tạo rào cản cho việc mở rộng thanh toán không dùng tiền mặt.

Ngoài ra hạ tầng thanh toán vẫn tập trung chủ yếu ở đô thị, trong khi vùng nông thôn, vùng sâu, vùng xa còn thiếu tiếp cận. Các quy định pháp lý về hoạt động đại lý thanh toán cũng đang trong quá trình hoàn thiện, cần thêm thời gian để hướng dẫn và triển khai phù hợp thực tế.

Việc nâng cao hiệu quả phòng chống tội phạm công nghệ cao trong lĩnh vực tài chính - NH cần được thực hiện đồng bộ giữa các ngành, trong đó vai trò điều phối và kết nối thông tin là yếu tố then chốt.

Thanh toán không tiền mặt đã bắt kịp với nhiều nước

Người Việt bỏ ví, cầm điện thoại - Ảnh 4.

Khách hàng thanh toán bằng thẻ trong siêu thị tại TP.HCM - Ảnh: T.PHƯƠNG

Trao đổi với Tuổi Trẻ, ông Nguyễn Hoàng Long, phó tổng giám đốc Công ty CP Thanh toán quốc gia Việt Nam (NAPAS), nhận định như vậy.

* Ông đánh giá ra sao về tốc độ phát triển thanh toán không dùng tiền mặt của Việt Nam?

- Cách đây khoảng bảy năm, không ai hình dung sẽ có một ngày ví sẽ không dùng để tiền mặt nữa. Vì với nhiều người, nhất là người trẻ, chỉ cần đi ra ngoài với điện thoại thông minh và tài khoản có số dư nhất định là sẽ ăn sáng, cà phê, đi chợ, đi xe buýt, metro, xem phim, mua hàng online...

Điều quan trọng là thanh toán bằng mã QR, điện thoại... đã thay đổi hành vi tiêu dùng của người dân rất nhiều. Người dân có thể ngồi ở nhà để mua hàng online và thanh toán cũng online một cách dễ dàng.

Việc số hóa tài khoản, thực hiện thanh toán bằng QR, điện thoại di động đã tạo thuận lợi cho người dùng và góp phần thúc đẩy kinh tế phát triển.

Thanh toán không tiền mặt ở Việt Nam đã bắt kịp với các nước trong khu vực châu Á như Trung Quốc... Thậm chí nhìn ở góc độ nào đó, chúng ta còn đi trước các nước phát triển. Như ở châu Âu, hạ tầng thanh toán của nhiều nước chủ yếu vẫn bằng thẻ vật lý, tài khoản.

* Ông dự báo như thế nào về xu hướng các phương thức thanh toán thời gian tới?

- Về mặt xu hướng, công nghệ thanh toán đang có chuyển hướng thanh toán qua tài khoản, đặc biệt là qua mã QR. Thanh toán bằng mã QR được kết nối với tài khoản đang có tốc độ tăng trưởng rất nhanh và vượt hình thức thanh toán truyền thống là bằng thẻ NH, thẻ tín dụng.

Tại các nước như Trung Quốc, Việt Nam, Ấn Độ, Thái Lan, giao dịch thanh toán qua tài khoản dưới hình thức chuyển khoản, bằng mã QR vượt hơn rất nhiều so với thẻ rồi.

Về doanh số thanh toán qua NAPAS, hiện có tới 95% giao dịch thanh toán qua tài khoản, chỉ có 5% là bằng thẻ. Nếu cộng thêm cả thẻ quốc tế nữa thì vẫn hơn 90% giao dịch là qua tài khoản.

Con số này cho thấy việc thanh toán thẻ phù hợp với thói quen tiêu dùng của người dân ở các nước châu Á, trong đó có Việt Nam. Đây là xu hướng thanh toán trong những năm tới.

* Theo ông, tại sao giao dịch thanh toán qua tài khoản lại áp đảo?

- Khi thanh toán thẻ mà dùng qua app NH, mọi người sử dụng rất dễ dàng và tiện dụng. Thêm nữa, thanh toán qua thẻ còn an toàn vì từ 1-7 tới phải xác thực khuôn mặt với món tiền trên 10 triệu đồng. Toàn bộ lớp bảo vệ an toàn như vậy thì thẻ quốc tế không có.

Từ góc độ bảo mật, cùng việc hạ tầng công nghệ viễn thông và hạ tầng số hóa trên điện thoại di động phát triển thì thanh toán bằng tài khoản là xu thế tất yếu.

Liên thông thanh toán khu vực

* NAPAS có vai trò như thế nào trong việc hình thành thói quen thanh toán không tiền mặt của người dân?

- Là đơn vị cung cấp hạ tầng kỹ thuật thanh toán, NAPAS đóng vai trò quan trọng trong việc hình thành thói quen thanh toán không tiền mặt của người dân.

Về phía đầu NH, NAPAS kết nối hệ thống thẻ, tài khoản, triển khai các dịch vụ số hóa như Apple pay, Bank pay để số hóa thẻ lên điện thoại di động. Đồng thời, NAPAS đưa ra tiêu chuẩn kỹ thuật như VietQR để người dân và doanh nghiệp có thể dùng tài khoản để thanh toán, thay vì dùng tiền mặt hoặc thẻ.

Với sự ủng hộ của các NH, NAPAS đã triển khai thành công hệ thống VietQR không chỉ trong nước mà còn mở rộng ra thị trường quốc tế. Hệ thống này hiện đã được liên thông tại Lào, Thái Lan, Campuchia, Hàn Quốc và sắp tới là Trung Quốc, Nhật Bản.

Nhờ đó người Việt Nam khi du lịch tại các quốc gia này có thể sử dụng ứng dụng mobile banking của NH trong nước để quét mã QR thanh toán hàng hóa, dịch vụ mà không cần mang theo tiền mặt hay dùng thẻ quốc tế.

Hình thức này không chỉ tiện lợi, an toàn mà còn tiết kiệm chi phí nhờ tránh được phí chuyển đổi ngoại tệ cao.

không tiền mặt - Ảnh 4.

Khởi động Ngày không tiền mặt 2025: Thúc đẩy phát triển kinh tế số

Ngày Không Tiền Mặt năm 2025 chính thức khởi động từ hôm nay với chủ đề "Thanh toán không tiền mặt thúc đẩy kinh tế số", đánh dấu cột mốc 5 năm thực hiện Đề án phát triển thanh toán không dùng tiền mặt tại Việt Nam giai đoạn 2021–2025.

Chương trình do Báo Tuổi Trẻ phối hợp cùng Thời báo Ngân hàng, Vụ Thanh toán - Ngân hàng Nhà nước, Sở Công thương TP.HCM, Công ty Cổ phần thanh toán quốc gia (Napas) và nhiều đơn vị tổ chức thực hiện, hướng đến mục tiêu nâng cao nhận thức xã hội, khuyến khích người dân tiếp cận và sử dụng các phương thức thanh toán hiện đại như ví điện tử, mã QR, thẻ không tiếp xúc… đồng thời góp phần xây dựng hệ sinh thái không tiền mặt bền vững tại Việt Nam.

Điểm nhấn nổi bật của chuỗi sự kiện năm nay là Lễ hội "Ting Ting Day" diễn ra tại phố đi bộ Nguyễn Huệ (TP.HCM), với các hoạt động trải nghiệm công nghệ thanh toán, minigame, workshop giải pháp bảo vệ an toàn cho giao dịch số, đêm nhạc và phát động chương trình khuyến mãi toàn quốc. Chương trình dự kiến thu hút 50.000 lượt người tham dự trực tiếp, tiếp cận khoảng 50 triệu lượt xem qua các kênh online, lan tỏa mạnh mẽ tinh thần sống số, tiêu dùng số trong cộng đồng, góp phần thúc đẩy tăng trưởng kinh tế.

Bên cạnh lễ hội chính, Ngày Không Tiền Mặt 2025 còn có nhiều hoạt động đáng chú ý như: Gameshow "Đấu Trường Tài Chính" diễn ra từ ngày 20-5 đến 15-6 với sự tham gia của đông đảo bạn trẻ thi đấu kiến thức và kỹ năng quản lý tài chính cá nhân; Hội thảo "Thanh toán không tiền mặt – Động lực tăng trưởng kinh tế số" diễn ra vào sáng 14-6 tại TP.HCM, với nội dung tổng kết 5 năm thực hiện đề án và thảo luận giải pháp phát triển thanh toán số trong thời gian tới.

Được khởi xướng từ năm 2019 và tổ chức liên tục trong những năm qua, Ngày Không Tiền Mặt đã trở thành hoạt động truyền thông xã hội thường niên, góp phần thay đổi hành vi tiêu dùng của người dân, thúc đẩy tài chính toàn diện và hỗ trợ mạnh mẽ cho quá trình chuyển đổi số quốc gia.

Hướng tới phủ sóng 5G toàn TP.HCM, 80% thanh toán không tiền mặt

Đây là các mục tiêu trong nhiều mục tiêu mà TP.HCM đưa ra thực hiện từ nay đến năm 2030 để thúc đẩy phát triển khoa học công nghệ, đổi mới sáng tạo và chuyển đổi số.

Bình luận hay

Chia sẻ

Tuổi Trẻ Online Newsletters

Đăng ký ngay để nhận gói tin tức mới

Tuổi Trẻ Online sẽ gởi đến bạn những tin tức nổi bật nhất

Bình luận (0)
Tối đa: 1500 ký tự

Tin cùng chuyên mục

Tăng trưởng 2 con số bền vững, giải pháp nào?

Nhiều đại biểu Quốc hội đã hiến kế để khơi thông thúc đẩy đầu tư, tiêu dùng, xuất khẩu và kinh tế mới nổi, tạo nền tảng tăng trưởng 2 con số.

Tăng trưởng 2 con số bền vững, giải pháp nào?

Từ vụ thu hồi mỹ phẩm không đạt chất lượng: Thế nào là hàng giả?

Kết luận không có dấu hiệu hình sự, đề nghị xử phạt hành chính vụ hai mỹ phẩm bị đình chỉ lưu hành do công ty của ông Nguyễn Quốc Vũ - chồng ca sĩ Đoàn Di Băng - phân phối của Sở Y tế tỉnh Đồng Nai đang gây nhiều tranh cãi.

Từ vụ thu hồi mỹ phẩm không đạt chất lượng: Thế nào là hàng giả?

Tin tức sáng 24-5: Bệnh viện Bạch Mai, Việt Đức 2 đầu tư hơn 10.000 tỉ sẽ hoạt động từ tháng 12-2025

Tin tức đáng chú ý: Bệnh viện Bạch Mai, Việt Đức 2 đầu tư hơn 10.000 tỉ sẽ hoạt động từ tháng 12-2025; Quốc hội bàn Luật Bảo vệ dữ liệu cá nhân, chính sách đặc thù phát triển nhà ở xã hội; Mức độ phơi nhiễm khói thuốc lá ở địa điểm công cộng cao...

Tin tức sáng 24-5: Bệnh viện Bạch Mai, Việt Đức 2 đầu tư hơn 10.000 tỉ sẽ hoạt động từ tháng 12-2025

Vụ mỹ phẩm thu hồi ‘không có dấu hiệu hình sự’: Sở Y tế Đồng Nai xin điều chỉnh câu chữ

Sở Y tế Đồng Nai xin điều chỉnh nội dung văn bản có từ ‘không có dấu hiệu hình sự’ thành ‘chưa phát hiện sai phạm phải chuyển cơ quan điều tra’.

Vụ mỹ phẩm thu hồi ‘không có dấu hiệu hình sự’: Sở Y tế Đồng Nai xin điều chỉnh câu chữ

Thủ tướng chỉ đạo loạt nhiệm vụ siết quản lý để thúc đẩy xuất khẩu sầu riêng

Thủ tướng yêu cầu xây dựng và triển khai ngay chương trình giám sát việc thực hiện cấp, quản lý mã số vùng trồng, cơ sở đóng gói và an toàn vệ sinh thực phẩm, kiểm dịch thực vật từ gốc đối với trái sầu riêng.

Thủ tướng chỉ đạo loạt nhiệm vụ siết quản lý để thúc đẩy xuất khẩu sầu riêng

Chấp thuận nhà đầu tư 2 dự án lớn tại khu kinh tế Nam Phú Yên

UBND tỉnh Phú Yên đã ban hành quyết định chủ trương đầu tư, đồng thời chấp thuận nhà đầu tư đối với 2 dự án lớn trong khu kinh tế Nam Phú Yên.

Chấp thuận nhà đầu tư 2 dự án lớn tại khu kinh tế Nam Phú Yên
Tất cả bình luận (0)
Ý kiến của bạn sẽ được biên tập trước khi đăng, xin vui lòng viết bằng tiếng Việt có dấu.
Được quan tâm nhất
Mới nhất
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đâu tiên bình luận về bài viết.
Tối đa: 1500 ký tự
Avatar
Đăng ký bằng email
Khi bấm "Đăng ký" đồng thời bạn đã đồng ý với điều khoản của toà soạn Đăng ký
Đăng nhập
Thông tin bạn đọc Thông tin của bạn đọc sẽ được bảo mật an toàn và chỉ sử dụng trong trường hợp toà soạn cần thiết để liên lạc với bạn.
Gửi bình luận
Đóng
Hoàn thành
Đóng

Bình luận (0)
Tối đa: 1500 ký tự
Tất cả bình luận (0)
Ý kiến của bạn sẽ được biên tập trước khi đăng, xin vui lòng viết bằng tiếng Việt có dấu.
Được quan tâm nhất
Mới nhất
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đâu tiên bình luận về bài viết.
Tối đa: 1500 ký tự
Avatar