![]() |
Ông Nguyễn Ngọc Tuấn - Ảnh: Nguyễn Khánh |
- Muốn giảm tai nạn giao thông phải xử lý triệt để từ gốc, đó là ý thức và trình độ của người điều khiển phương tiện.
Ở đây có một vấn đề là phải xem lại công tác đào tạo, sát hạch, cấp giấy phép lái xe như thế nào. Hiện Bộ GTVT đang thực hiện tất cả các công đoạn này nhưng theo tôi như vậy không ổn lắm, không đảm bảo khách quan và chất lượng. Bộ GTVT chỉ nên thực hiện việc đào tạo, còn công đoạn sát hạch đến cấp giấy phép lái xe nên để Bộ Công an quản lý. Nếu được như vậy, một bên phụ trách đào tạo, một bên thực hiện sát hạch sẽ đảm bảo khách quan, buộc người dạy và học phải nâng cao chất lượng. Việc đào tạo có thể từ 3-6 tháng nhưng sát hạch chỉ cần 1-2 ngày là xong, lực lượng công an có đủ nhân lực, vật lực để làm điều này mà không tốn kém. Các địa phương đều có phòng CSGT, chỉ cần quy định ngày sát hạch.
* Ngoài nguyên nhân con người, hạ tầng và các vấn đề kỹ thuật cũng là nguyên nhân dẫn đến TNGT. Ông đánh giá thế nào về vấn đề này?
- Qua kiểm tra các vụ việc TNGT cho thấy những tuyến đường giải quyết được tình trạng giao thông hỗn hợp thì tai nạn giảm 50-70%. Ví dụ như những đoạn của quốc lộ 11 hay nội ô ở TP.HCM. Những tuyến đường này ngăn được ôtô đi riêng, môtô đi riêng bằng dải phân cách cứng, dù đường có chật hơn, tốc độ có giảm hơn nhưng đảm bảo an toàn. Công an các quận huyện tại TP.HCM đều nhận xét nếu làm được như thế thì TNGT giảm. Về tổ chức giao thông, các đường ngang, trường học, cổng chợ... cũng nên cưỡng chế bằng gờ giảm tốc nhằm hạn chế tốc độ khi đi vào giao cắt ở các ngã ba, ngã tư.
* Một trong những vi phạm về giao thông được nhắc đến nhiều nhất hiện nay là xe khách nhồi nhét, xe quá tải lưu thông trên đường. Vấn đề này cần được giải quyết thế nào?
- Tình trạng nhồi nhét khách chúng tôi nhận định chỉ xảy ra ở các tuyến ngắn, khi các doanh nghiệp cạnh tranh nhau, còn các tuyến dài hoặc xe chất lượng cao rất hiếm xảy ra. Phải ngăn chặn đón khách ngoài bến bãi, nâng công suất bến xe vào các dịp cao điểm thì mới hạn chế được tình trạng này. Còn xe chở quá tải, chủ yếu là xe chở đất đá, cát sỏi, sắt thép siêu trường siêu trọng... là những xe phá cầu đường, trước đây Bộ GTVT lập các trạm cân nhưng do nó cản trở việc lưu thông nên phải bỏ, nay đang thực hiện lại. Về chuyện này, theo tôi, nên kiểm tra tải trọng ngay từ đầu ra, kho tàng, bến bãi chứ không phải để đến khi xe chạy trên đường mới kiểm tra. Kế đến là buộc các doanh nghiệp vận tải cũng phải chịu trách nhiệm về vi phạm quá tải thì mới có hiệu quả đối với vấn đề này.
* Ở đây có vấn đề được dư luận nêu ra, việc xe khách nhồi nhét, chạy quá tốc độ hay xe chở quá tải hoặc các vi phạm khác... là trách nhiệm của CSGT khi kiểm tra trên đường...
- Nếu nói trách nhiệm của CSGT trên đường thì nói thật việc xử lý kiên quyết triệt để là rất tốt nhưng điều này không phải dễ. Chẳng hạn như vấn đề hạ tải, chuyển khách trên đường rất khó, không thể chuyển khách đang đi trên đường sang xe khác. Hay việc hạ tải, sang tải cũng vậy, không thể kiểm tra và sang tải ngay. Do đó, CSGT chỉ thực hiện kiểm tra, xử lý như hiện tại để răn đe. Vấn đề tôi muốn nói là CSGT chỉ kiểm tra trên đường thôi, không nắm được gì về con người, việc đào tạo, sát hạch, kiểm định là thuộc ngành giao thông. Vấn đề là mười phần thì CSGT chỉ quản lý được ba phần, lúc di chuyển trên đường chứ thực tế thời gian còn lại là doanh nghiệp quản lý. Cụ thể như việc xe quá tải trọng nếu xử lý trên đường sẽ không hiệu quả bằng kiểm tra xử lý ở các bến bãi, kho tàng trước khi xuất bến tham gia giao thông.
* Có ý kiến cho rằng tình trạng vi phạm còn tồn tại là do phía sau mỗi doanh nghiệp xe khách, xe tải đều có móc ngoặc đến CSGT để làm ngơ cho xe khi chạy trên tuyến. Thực tế đã từng có những doanh nghiệp xe do cán bộ công an thành lập hoặc có cổ phần và bị phản ánh là không bao giờ bị kiểm tra hoặc xử phạt. Ông nói thế nào về chuyện này?
- Tiêu cực hay vi phạm thì ở lĩnh vực nào cũng xảy ra, vấn đề là ở mức độ nào. Để hạn chế nó thì từng lực lượng, từng ngành phải có những biện pháp khác nhau. Phải có giám sát không chỉ phương tiện giao thông vi phạm mà cả lực lượng CSGT làm việc ngoài đường, phải kiểm tra công khai, bí mật... Cục CSGT và giám đốc công an địa phương đã có nhiều biện pháp kiểm tra để hạn chế tiêu cực. Một trong những biện pháp để hạn chế là không cho lập chốt cố định mà phải tuần tra lưu động, khi dừng chỗ nào thì nhật ký công tác phải ghi đầy đủ, dừng ở đâu bao lâu, kiểm tra bao nhiêu xe... Chúng tôi còn trang bị phương tiện kỹ thuật và sử dụng để kiểm tra, đối chiếu, hạn chế tiêu cực của CSGT.
* Có ý kiến cho rằng nếu hạn chế được 5% tiêu cực thì sẽ giảm được 30% số vụ TNGT. Phó thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc cũng đã yêu cầu lãnh đạo CSGT cần “vi hành” để xem xét vấn đề tiêu cực...
- Thời gian tới, các tổng cục, các cục nghiệp vụ và thanh tra sẽ tăng cường kiểm tra chấn chỉnh CSGT hoạt động ngoài đường bằng cả biện pháp công khai lẫn hóa trang.
* Xin cho biết cụ thể trong thời gian tới ngành CSGT sẽ làm gì để hạn chế TNGT, hạn chế tiêu cực trong lực lượng của mình?
- Bắt đầu từ ngày 1-8 đến hết năm nay, Bộ Công an chỉ đạo toàn bộ lực lượng phải thực hiện đợt cao điểm đấu tranh giảm TNGT. Trong đợt này phải kiên quyết nghiêm cấm việc lập chốt, đẩy mạnh hoạt động tuần tra lưu động. Sẽ trang bị hệ thống giám sát, quản lý tự động trên đường để xử phạt xe vi phạm, hạn chế dùng CSGT. Tổng cục Hậu cần sẽ tính định mức xăng dầu để phục vụ tuần tra lưu động, đồng thời trang bị các thiết bị, công cụ phương tiện để thử chất ma túy, chất gây nghiện, máy đo nồng độ cồn, máy đo tốc độ, cân trọng tải...
Bộ Công an còn chỉ đạo các đơn vị chức năng phối hợp với ngành GTVT kiểm tra các cơ sở đào tạo, cấp phép lái xe, trung tâm kiểm định kỹ thuật xe cơ giới, không buông lỏng việc quản lý nhà nước. Tập trung điều tra các vụ TNGT nghiêm trọng đưa ra xét xử nghiêm để làm gương, răn đe.
Gần đây, bộ trưởng Bộ Công an có quy định nghiêm cấm cán bộ chiến sĩ can thiệp, xin xe cho đối tượng vi phạm dù là thân quen. Đây đúng là cây gậy cho lực lượng CSGT làm việc, vì có những trường hợp vừa dừng xe xuống thì người vi phạm nói ngay: “Ông đừng có lập biên bản vội, để tôi gọi điện thoại đã”. Những điều này sẽ nâng cao ý thức người tham gia giao thông và góp phần kiềm chế TNGT trong thời gian cuối năm.
Bình luận hay