![]() |
“Hố tử thần” làm lật ngã xe container - Ảnh: Sơn Bình |
Căn bệnh trầm kha này kéo dài nhiều năm qua đến nay vẫn “chưa có thuốc đặc trị”. Theo báo cáo của Trung tâm Điều hành chương trình chống ngập nước TP (gọi tắt là Trung tâm Chống ngập), trong 42 vị trí hệ thống thoát nước đang bị xâm hại, đa số đều do việc thi công dự án lớn của TP gây ra.
Theo ông Đỗ Tấn Long - trưởng phòng quản lý hệ thống thoát nước thuộc Trung tâm Chống ngập, đứng “đầu sổ” trong việc xâm hại đến hệ thống thoát nước (11 vị trí) hiện nay là dự án nâng cấp đô thị. Kế tiếp là dự án đại lộ Đông - Tây với 10 vị trí, dự án vệ sinh môi trường lưu vực Nhiêu Lộc - Thị Nghè bảy vị trí, còn lại do các công trình xây dựng khác.
Trong 50 tuyến đường bị ngập sau cơn mưa tối 10-10 có hơn một nửa là những nơi có hệ thống thoát nước bị xâm hại. Cụ thể như các tuyến đường Kinh Dương Vương, Nguyễn Văn Luông (Q.6), Phan Đình Phùng (Q.Phú Nhuận), Đặng Nguyên Cẩn (Q.Tân Phú)... Đặc biệt, đường Bùi Hữu Nghĩa (Q.Bình Thạnh) tiếp tục bị ngập do nhà thầu thi công làm hệ thống dẫn dòng không đảm bảo. Đây là nhà thầu thi công dự án cải tạo hệ thống thoát nước thuộc dự án vệ sinh môi trường Nhiêu Lộc - Thị Nghè.
Nhà thầu này từng bị phát hiện nhiều lần làm tắc nghẽn hệ thống thoát nước trên đường Bùi Hữu Nghĩa. Hậu quả là cứ mỗi cơn mưa, nước từ cống tràn lên làm xói lở mặt đường này và gây ngập lan rộng sang những khu vực lân cận. Rất nhiều người lưu thông qua khu vực này bị té ngã. Điều đáng nói là nhà thầu thi công này từng bị các đơn vị chức năng nhắc nhở, lập biên bản xử lý nhưng vẫn không khắc phục hậu quả do mình gây ra.
Việc thi công dự án nâng cấp đô thị cũng làm nghẹt cống, không đấu nối hệ thống thoát nước trên đường Bà Hom (Q.6), Âu Cơ (Q.Tân Phú), khiến những con đường này trở thành sông sau mỗi cơn mưa. Và ngập lụt còn lan rộng ra khu vực Bàu Cát, Q.Tân Bình, nhưng đến nay vẫn chưa được giải quyết rốt ráo.
Ông Nguyễn Phước Thảo, giám đốc Trung tâm Chống ngập, cho rằng trung tâm không có thẩm quyền xử phạt các đơn vị xâm hại hệ thống thoát nước. Vì vậy khi phát hiện đơn vị nào làm ảnh hưởng đến hệ thống thoát nước, trung tâm chỉ mời đơn vị đó đến hiện trường lập biên bản gửi UBND TP xử lý. Tuy nhiên theo ông Thảo, việc xử lý các trường hợp xâm hại hệ thống thoát nước trong thời gian qua chưa đạt hiệu quả cao.
“Thậm chí nhiều trường hợp khi phát hiện vi phạm chúng tôi yêu cầu nhà thầu, chủ đầu tư ra hiện trường để lập biên bản nhưng họ vẫn bặt tăm. Có cán bộ thanh tra Sở Giao thông vận tải TP còn than vãn rằng một số nhà thầu cù cưa cù nhầy trong việc đóng phạt” - ông Thảo nói.
Thực tế trên không khỏi khiến dư luận đặt vấn đề có hay không sự bao che cho các nhà thầu chây ì? Bởi vì nhìn lại, hầu hết ban quản lý các dự án trên đều trực thuộc Sở Giao thông vận tải TP (dự án vệ sinh môi trường Nhiêu Lộc - Thị Nghè) và UBND TP (dự án nâng cấp đô thị, dự án đại lộ Đông - Tây).
Xe container sụp “hố tử thần” Khoảng 12g ngày 12-10 tại ngã tư Kha Vạn Cân - Hoàng Diệu 2, P.Linh Trung, Q.Thủ Đức (TP.HCM), xe container biển số 57M-2542 (thuộc Công ty TNHH Hải Trường Thành) do tài xế Lê Mạnh Hưởng điều khiển bất ngờ bị sụp hố khiến xe lật ngang và rơmooc rơi trúng xe hơi bảy chỗ làm chiếc xe này bể nát phần sau. Sự cố này không gây thiệt hại về người nhưng làm ùn ứ giao thông trong khu vực. Sau khi chiếc xe bị nạn được cẩu đi, hiện trường để lại một “hố đen” sâu hơn 1m, đường kính 2m. Khu vực xung quanh hố, mặt đường phập phồng nứt nẻ, rỉ nước trên diện rộng. Theo nhiều người dân, đoạn đường này thường xuyên bị sụt lún. Khoảng nửa tháng trước, tại đây từng xuất hiện một “hố đen” và đã khắc phục, sửa chữa. SƠN BÌNH |
------------------------------------
* Tin bài liên quan:
Bình luận hay