13/09/2014 08:21 GMT+7

​Nếu mai là ngày cuối cùng...

MAI HOA
MAI HOA

TT - Những tiếng rên hàng đêm. Những tiếng bước chân huỳnh huỵch hoảng loạn lúc nửa đêm. Mòn mỏi. Đớn đau. Khắc khoải. Bóng đen bệnh tật bao trùm.

Bà Nhan vừa chăm chồng vừa pha trò vui vẻ - Ảnh: M.Hoa

Nhưng ở nơi đó, trên tất cả là những nỗ lực cuối cùng của sự sống, của tình thương yêu...

Đó là những gì đang diễn ra từng ngày ở khu lưu trú dành cho người nhà bệnh nhân nghèo thuộc Bệnh viện Bạch Mai (Hà Nội).

Nghĩa vợ tình chồng

Khu lưu trú có 300 giường, hầu như luôn trong tình trạng đầy ắp người. Không chỉ là người nhà bệnh nhân, nhiều người chạy thận, điều trị ung thư theo đợt cũng chọn nơi này để nghỉ ngơi giữa những đợt truyền hóa chất, xạ trị... vì giá rẻ. Mỗi phòng có khoảng 40 giường. Tầng hai là các phòng có máy lạnh, giá 30.000 đồng/người/ngày đêm. Tầng một không có máy lạnh, giá chỉ 20.000 đồng cho một chiếc giường đơn rộng 80cm.

Vậy mà cũng có những vợ chồng chỉ thuê chung một giường để tiết kiệm tiền. Tối, cả hai người nằm nghiêng, chẳng dám cựa mình làm người kia thức giấc.

“Mình chưa ngủ à?”. Không có tiếng đáp. Tiếng sụt sịt cũng im, chỉ còn tiếng quạt máy ro ro trên đầu. Sáng, hai người ngượng nghịu nhìn nhau, mắt ai nấy đều sưng húp. Họ đã khóc suốt một đêm. Họ vẫn chưa thể chấp nhận được sự thật này.

Người chồng, mới chớm tuổi 40, vừa có kết luận ung thư gan giai đoạn cuối. Hai đứa con, đứa lớn mới học cấp III. Và họ thì vẫn còn quá trẻ. Những ngày hóa trị đầu tiên. Ban ngày chị vợ vẫn tất tưởi, vẫn cười nói, vẫn “mình ơi mình à” khi bón từng muỗng cơm, muỗng cháo cho chồng. Người chồng thương vợ cũng cố nuốt, cũng cố cười. Chỉ đến sáng ra, cả bốn con mắt lại đỏ hoe, sưng mọng...

Ở một góc khác trong phòng 104, có người chồng đã lặng lẽ theo vợ suốt 5-6 năm nay để chạy thận. Gia cảnh éo le, họ rất ngại nói về mình. Qua một lần đò, họ đến với nhau bằng lòng thương mến. Tám năm bên nhau là sáu năm trong bệnh viện. Sức khỏe suy kiệt, chị L. gầy teo chỉ còn hơn 30kg, đi lại khó khăn, run rẩy, cảm giác như một cơn gió mạnh cũng có thể làm chị lung lay. Cũng có những khi chị đau, chị cáu với chồng. Chị rít lên. Chị gầm ghè. Chị giận dữ.

Nhưng người ta chưa bao giờ thấy anh chồng nói lại một câu. Người đàn ông mới chừng hơn 40 tuổi, chọn cách im lặng, đi ra ngoài lụi cụi giặt quần áo, hoặc đi lại một vài vòng. Khi trở lại, chỉ một lúc sau người ta lại thấy anh gãi lưng cho vợ, thay băng gạc hay làm cho vợ một tô mì. Tối, anh trải chiếu dưới nền nhà, sát bên chân giường vợ. Chỉ một hơi thở lạc đi vì cơn hen, hay một tiếng rên nhỏ của vợ là anh bật dậy...

“Vợ chồng là ở những lúc như thế này chứ đâu” - bà Nhan, một “cư dân lâu đời” ở khu lưu trú, vừa nói vừa cười toe. Giọng nói người Sơn Tây lảnh lót như tiếng chim. Đôi má ửng lên hồng hào mỗi khi bà nhai trầu. Nếu không nói, chẳng ai biết bà đã ở tuổi 61. Tiếng cười ấy đã gắn với nơi này năm năm nay.

"Hồi đưa tôi vào đây ai cũng tưởng bà ấy đi chăm bố. Bà ấy đẹp từ xưa tới giờ, nhiều ông cũng để ý lắm. Nhưng tôi chả sợ đâu, cái gì của mình thì sẽ là của mình” - ông Nhan chồng bà, 71 tuổi, trong một phút giây tươi tỉnh nói vậy.

Ông chạy thận, nằm lâu, cơ bắp nhức mỏi. Bà Nhan vẫn thường vừa đấm lưng cho chồng, vừa pha trò. Ở đâu có bà là ở đó chộn rộn hẳn lên. Bà chăm chồng rất khéo, bữa ăn đủ đầy. Hôm nào có việc phải ra ngoài, bà cũng nhờ vả dặn dò tỉ mỉ người quen mua đồ ăn vào cho ông. Nhưng thiếu hơi vợ bên mình, ông Nhan cũng chả ăn được.

“Yêu tinh” thương nhau

Cùng lúc với bữa ăn trìu mến đó, có một người đàn bà ngoài 50 tuổi ngồi ở góc trong cùng của phòng lặng lẽ ngồi ăn. Qua quýt, vội vàng. Miếng cơm chan nước canh rồi mà vẫn khó nhọc mới trôi vào cổ họng. Đã bao lâu rồi, bà bám trụ ở bệnh viện này, không có người thân ở bên. Bữa cơm giá 10.000 đồng bà tự đi mua sau ca chạy thận.

Bà tên Bằng quê Lục Ngạn, Bắc Giang. So với các cư dân chạy thận ở đây bà là “người mới”. Hai con đã lớn, có gia đình, công việc riêng nên bà không muốn phiền. Bà nói mình vẫn còn khỏe, tự lo được. Cứ cách một ngày bà phải chạy thận một lần.

Thời gian còn lại, bà tranh thủ đi nhặt ve chai kiếm tiền trang trải. Ngày khỏe mạnh, bà có thể kiếm được 30.000-40.000 đồng, đủ trả tiền phòng và tiền ăn trong một ngày. Nhưng thời gian trôi qua, số ngày khỏe mạnh lại càng ít đi so với những ngày đau bệnh. 

Bữa trưa hôm ấy bà mệt. Luồn lách qua dòng người xe đông đúc, đi tới tận cùng một con hẻm trên đường Phương Mai, bà mới dừng lại mua một suất cơm. Bà cười: “Chịu khó đi sâu vào trong này họ bán rẻ hơn. Mình mua ít tiền, họ cũng không mắng chửi”. Quán đông nghẹt. Nhận ra khách quen, bà chủ quán kêu lớn: “Làm một suất mười nghìn!”. Hộp cơm 10.000 đồng của bà gồm một con chim quay, đậu hũ, đậu phộng và rau.

Ngoài “đội quân chạy thận”, quán cơm nằm sâu trong hẻm này cũng là nơi đến của “đội quân tóc dài” ở khu lưu trú. Đội quân này gồm những phụ nữ nông dân lên bệnh viện chăm chồng. Chân đi dép nhựa, đôi bàn tay thô, nứt nẻ, những đồng tiền gấp dọc kẹp trên đầu.

Dẫu vậy, chỉ cần ở nhà lưu trú này đến ngày thứ hai, họ đã thông thuộc hết ngõ ngách ở khu Phương Mai này. Chỗ nào mua cơm rẻ, chỗ nào có cháo ngon, không bị thiu thối, mua giỏ đựng hóa chất ở đâu thì 20.000 đồng, chỗ nào thì 40.000 đồng... Mấy ông chồng tiếu lâm gọi các bà là “yêu tinh”.

“Yêu tinh” cũ nhìn thấy “yêu tinh” mới là mon men lại gần bắt chuyện ngay: “Này, thế đã biết chỗ mua cơm chưa? Chưa à, thế tí nữa đi theo tôi nhá”, “này, đã biết mượn phích nước ở đâu chưa, lát tôi dẫn đi”...

Bà “yêu tinh” cũ quê lúa Thái Bình vào chăm chồng đang xạ trị, cười chất phác: “Thì đã vào đến đây rồi người ta cũng khổ như mình, chả biết thương nhau nữa thì thôi chứ”. Buổi tối, các bà, các mẹ ngồi thành vòng tròn xem phim từ chiếc tivi ở phòng 104 mà những người chạy thận lâu năm đã góp tiền mua.

Cơn mưa đêm ào ạt phía bên ngoài, táp cả vào cửa sổ, gió thốc vào lành lạnh. Màn hình tivi vẫn chầm chậm chiếu một bộ phim buồn. Chị L. vừa xem vừa nằm yên cho chồng gãi lưng. Chị đuối sức sau một cơn đau dài từ tối. Ông Nhan đã ngủ. Bà Nhan với tay vặn nhỏ tiếng tivi, khẽ thầm thì một câu: “Ngủ đi, đêm mưa rồi, ngày mai trời sẽ trong và mát, tôi đưa ông đi dạo”...

MAI HOA

Bình luận hay

Chia sẻ

Tuổi Trẻ Online Newsletters

Đăng ký ngay để nhận gói tin tức mới

Tuổi Trẻ Online sẽ gởi đến bạn những tin tức nổi bật nhất

Bình luận (0)
Tối đa: 1500 ký tự

Tin cùng chuyên mục

Sài Gòn - TP.HCM - miền đất hứa bao phận người - Kỳ 5: Trả nghĩa thành phố bằng một đời thầy thuốc

Sinh ra và lớn lên tại Hà Nội, bác sĩ Phan Bảo Khánh vào ngành y trong giai đoạn đất nước ở thời kỳ lịch sử đầy biến động.

Sài Gòn - TP.HCM - miền đất hứa bao phận người - Kỳ 5: Trả nghĩa thành phố bằng một đời thầy thuốc

Sài Gòn - TP.HCM - miền đất hứa bao phận người - Kỳ 4: Dang tay với những phận người khó khăn

TP.HCM dang rộng vòng tay với cả bao thân phận nghèo khó, những người khiếm khuyết, thiệt thòi cũng có thể mưu sinh thiện lương ở TP này.

Sài Gòn - TP.HCM - miền đất hứa bao phận người - Kỳ 4: Dang tay với những phận người khó khăn

Sài Gòn - TP.HCM - miền đất hứa bao phận người - Kỳ 4: Từ gánh hàng rong đến cuộc sống đủ đầy

25 năm trước, khi bước chân lên chuyến xe rời TP hoa phượng đỏ Hải Phòng vào TP.HCM lập nghiệp, bà Vũ Thị Thoa (53 tuổi, hiện ngụ phường An Khánh, TP Thủ Đức) chỉ có vỏn vẹn vài bộ quần áo và một ít tiền phòng thân.

Sài Gòn - TP.HCM - miền đất hứa bao phận người - Kỳ 4: Từ gánh hàng rong đến cuộc sống đủ đầy

Sài Gòn - TP.HCM - miền đất hứa bao phận người - Kỳ 3: Gói cháo bột TP.HCM mang ra thế giới

Thuận, ông chủ trẻ của thương hiệu cháo bột cá lóc Cà Mèn, nói rất biết ơn khi được thành phố tạo cơ hội tốt nhất cho những người xa quê.

Sài Gòn - TP.HCM - miền đất hứa bao phận người - Kỳ 3: Gói cháo bột TP.HCM mang ra thế giới

Sài Gòn - TP.HCM - miền đất hứa bao phận người - Kỳ 2: Chàng thủ khoa đất đỏ và giấc mơ đổi đời

19 năm về trước, chàng trai trẻ Đặng Dương Minh Hoàng rời quê hương Bình Phước mang theo khát vọng đổi đời ở miền đất hứa TP.HCM.

Sài Gòn - TP.HCM - miền đất hứa bao phận người - Kỳ 2: Chàng thủ khoa đất đỏ và giấc mơ đổi đời

Bùa yêu, biến thái và lừa đảo: Đốt tiền để làm bùa yêu kỳ dị

Nhiều người sau khi làm bùa yêu không chỉ mất tiền mà còn khủng hoảng tâm lý nặng nề vì bị những kẻ biến thái dụ dỗ.

Bùa yêu, biến thái và lừa đảo: Đốt tiền để làm bùa yêu kỳ dị
Tất cả bình luận (0)
Ý kiến của bạn sẽ được biên tập trước khi đăng, xin vui lòng viết bằng tiếng Việt có dấu.
Được quan tâm nhất
Mới nhất
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đâu tiên bình luận về bài viết.
Tối đa: 1500 ký tự
Avatar
Đăng ký bằng email
Khi bấm "Đăng ký" đồng thời bạn đã đồng ý với điều khoản của toà soạn Đăng ký
Đăng nhập
Thông tin bạn đọc Thông tin của bạn đọc sẽ được bảo mật an toàn và chỉ sử dụng trong trường hợp toà soạn cần thiết để liên lạc với bạn.
Gửi bình luận
Đóng
Hoàn thành
Đóng

Bình luận (0)
Tối đa: 1500 ký tự
Tất cả bình luận (0)
Ý kiến của bạn sẽ được biên tập trước khi đăng, xin vui lòng viết bằng tiếng Việt có dấu.
Được quan tâm nhất
Mới nhất
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đâu tiên bình luận về bài viết.
Tối đa: 1500 ký tự
Avatar