
Tổng thống Mỹ Donald Trump ngày 19-5 - Ảnh: REUTERS
Sau hai giờ nói chuyện với Tổng thống Nga Vladimir Putin ngày 19-5, Tổng thống Donald Trump cho biết: “Nga và Ukraine sẽ lập tức bắt đầu đàm phán về một lệnh ngừng bắn”, nhưng có thể không bao gồm sự tham gia của Mỹ.
Đáng chú ý, các tuyên bố của ông Trump, không yêu cầu về mốc thời gian cụ thể, cũng như không gây áp lực lên Tổng thống Putin. Ngược lại, nhà lãnh đạo Mỹ nhấn mạnh tiềm năng hợp tác thương mại giữa Matxcơva và Washington sau khi chiến sự kết thúc là "không giới hạn".
Châu Âu lo ngại
Sau cuộc điện đàm với ông Putin, ông Trump đã truyền đạt kế hoạch đàm phán này cho Tổng thống Ukraine Volodymyr Zelensky, cũng như các nhà lãnh đạo Liên minh châu Âu, Pháp, Ý, Đức và Phần Lan.
Ông Zelensky tuyên bố Ukraine sẵn sàng tổ chức đàm phán với Nga tại Thổ Nhĩ Kỳ, Thụy Sĩ hoặc Vatican, đồng thời một lần nữa kêu gọi lệnh ngừng bắn vô điều kiện và khẳng định điều quan trọng là Nga cũng phải thể hiện thiện chí tương tự khi tham gia đàm phán.
Tuy nhiên một số chính phủ châu Âu cũng bày tỏ sự thất vọng trước kết quả này vì Washington đã không thể đưa Matxcơva tới gần hơn với thỏa thuận hòa bình sau nhiều tháng nỗ lực.
Hãng tin Bloomberg dẫn lời một quan chức châu Âu giấu tên cho hay các nhà lãnh đạo châu Âu đang lo ngại Tổng thống Trump rút khỏi tiến trình đàm phán hòa bình, “bỏ rơi” Ukraine và châu Âu.
Một quan chức khác cho rằng ông chủ Nhà Trắng thể hiện rõ việc không muốn áp thêm lệnh trừng phạt nhằm vào Nga, đồng thời tiết lộ các quan chức ở Ukraine và châu Âu không đồng ý với kế hoạch của Washington về việc Nga - Ukraine đàm phán trực tiếp.
“Hôm nay, có vẻ như chúng ta đang quay trở lại một kịch bản dài hạn hơn nhiều, trong đó ông Putin mua thêm thời gian cho quân đội Nga và bản thân ông ấy.
Ông Putin đã giành được thêm cơ hội, và một lệnh ngừng bắn hay giải pháp dường như càng lúc càng xa vời”, chuyên gia địa chính trị và an ninh xuyên Đại Tây Dương Kristine Berzina nhận định.
Vấn đề của riêng châu Âu

Tổng thống Nga Vladimir Putin ngày 19-5 - Ảnh: REUTERS
Theo bà Maria Snegovaya, nghiên cứu viên cao cấp về Nga tại Trung tâm Nghiên cứu chiến lược và quốc tế (CSIS), Nga thể hiện rằng họ sẵn sàng đàm phán và công khai ca ngợi các nỗ lực của Mỹ, nhằm tránh làm phật lòng Washington.
Mặt khác, bà Snegovaya đánh giá xứ sở bạch dương vẫn kiên định với lập trường ban đầu của họ về cuộc chiến ở Ukraine.
Việc bình thường hóa quan hệ với Nga và tìm kiếm các tiềm năng hợp tác với xứ sở bạch dương vốn đem lại được nhiều hơn mất cho Tổng thống Trump - người đặt triết lý "Làm nước Mỹ vĩ đại trở lại" (MAGA) lên hàng đầu.
Theo đánh giá của Đài CNN, bất kỳ hành động nào gây ảnh hưởng tiêu cực lên Matxcơva, trong đó bao gồm tăng cường thêm các lệnh trừng phạt so với chính quyền cựu tổng thống Joe Biden đều không phù hợp với triết lý MAGA.
Việc Mỹ tiếp tục can thiệp sâu vào cuộc chiến ở Ukraine thông qua các gói viện trợ Kiev hay lệnh trừng phạt lên Matxcơva chỉ khiến Washington “lún sâu” hơn vào một cuộc chiến dài hơi mà hiện tại chưa nhìn thấy hồi kết.
Với tư duy của một nhà kinh doanh như ông Trump, điều này không đem lại lợi ích thực tế cho nước Mỹ.
Cuối ngày 19-5, ông Trump bày tỏ: "Đây là một tình huống của châu Âu. Lẽ ra nó nên được giữ nguyên là tình huống của châu Âu". Trước đó Phó tổng thống Mỹ JD Vance cũng khẳng định: “Đây không phải cuộc chiến của chúng tôi”.
Bình luận hay