Theo quy định tại điều 11 Luật hôn nhân và gia đình, việc kết hôn phải được đăng ký và do cơ quan nhà nước có thẩm quyền thực hiện. Nam, nữ không đăng ký kết hôn (ĐKKH) mà sống chung với nhau như vợ chồng thì không được pháp luật công nhận là vợ chồng. Không được pháp luật công nhận không có nghĩa là kết hôn trái pháp luật; việc không ĐKKH chỉ là vi phạm về hình thức nếu như không vi phạm các điều kiện kết hôn và những trường hợp cấm kết hôn quy định tại điều 9 và 10 Luật hôn nhân và gia đình. Theo hướng dẫn của hội đồng thẩm phán TAND tối cao tại nghị quyết số 02/2000/NQ-HĐTP ngày 23-12-2000 thì việc không ĐKKH không phải là căn cứ để tòa án hủy kết hôn, nếu hôn nhân đó không trái pháp luật.
Tuy nhiên, cả nghị định số 77/2001/NĐ ngày 22-10-2001 của Chính phủ và nghị quyết số 02/2000 đều không hướng dẫn trong trường hợp không ĐKKH mà sống với nhau như vợ chồng thì phải bị xử lý như thế nào, trách nhiệm của chính quyền xã phường ra sao?
Tại sao ở xã Vĩnh Thạnh Trung (huyện Châu Phú, An Giang) trước năm 2002 mỗi năm chỉ có khoảng 20 cặp vợ chồng ĐKKH, nhưng sau khi có nghị định 77/2001 ngày 22-10-2001, trong năm 2002 UBND xã đã làm thủ tục ĐKKH cho 2.040 cặp vợ chồng. Nếu xã nào cũng làm tốt như Vĩnh Thạnh Trung thì tình trạng kết hôn không đăng ký sẽ được hạn chế tới mức thấp nhất.
Vai trò của chính quyền, các đoàn thể quần chúng, nhất là đối với hội phụ nữ, Đoàn thanh niên ở địa phương thôn, bản, xã phường đối với việc tuyên truyền, giáo dục Luật hôn nhân và gia đình cho người dân là vô cùng quan trọng. Trong một thôn, một bản có một đám cưới được tổ chức thì không có lý do gì mà cán bộ thôn, bản ở đó không biết là đám cưới này đã ĐKKH chưa?!
Ngoài việc tuyên truyền, giáo dục, theo tôi, Chính phủ, TAND tối cao cũng cần phải có quy định: đối với những cặp vợ chồng lấy nhau không ĐKKH, sau đó phát sinh mâu thuẫn dẫn tới việc phải ra tòa ly dị thì việc đầu tiên là UBND xã buộc họ phải ĐKKH và phải chịu nộp phạt một khoản tiền vì không chấp hành việc ĐKKH. Việc ĐKKH chỉ là hợp thức hóa về hình thức, xác lập quan hệ vợ chồng đối với hai người, phải coi đây là nghĩa vụ bắt buộc đối với họ. Sau khi đã có ĐKKH, tòa án mới thụ lý để giải quyết như giải quyết đối với trường hợp xin ly hôn hoặc thuận tình ly hôn. Có như vậy thì quyền và lợi ích hợp pháp của vợ hoặc chồng mới được bảo đảm, pháp luật của Nhà nước mới được tôn trọng. Nếu tòa án chỉ tuyên bố không công nhận họ là vợ chồng rồi xử lý hậu quả là chưa thể hiện hết trách nhiệm của Nhà nước đối với công dân.
Nam giới cũng thiệt thòi
Việc sống chung với nhau mà không ĐKKH sẽ dẫn đến nhiều hệ lụy tai hại, thiệt thòi cho người trong cuộc bởi vì:
Thứ nhất, tài sản sẽ được giải quyết theo nguyên tắc tài sản riêng của ai vẫn thuộc quyền sở hữu của người đó. Đối với tài sản tạo lập trong quá trình chung sống với nhau, nhưng khi đăng ký chỉ một người đứng tên thì nguy cơ rủi ro đối với người còn lại rất lớn. Trong khi nếu họ có ĐKKH, đương nhiên tài sản đó được công nhận là tài sản chung của vợ chồng, trừ những tài sản được thừa kế, tặng cho riêng.
Thứ hai, không ĐKKH sẽ không làm phát sinh quyền thừa kế tài sản giữa vợ và chồng khi một trong hai người mất đi.
Thứ ba, chế độ một vợ, một chồng sẽ không được đảm bảo vì về mặt pháp luật, họ vẫn được xem là độc thân, do vậy họ vẫn có thể kết hôn với một người khác mà không gặp trở ngại về mặt pháp lý.
Tôi từng tham gia giải quyết một vụ án tranh chấp tài sản chung, trong đó phần thiệt thòi thuộc về người đàn ông. Cụ thể, bà X đã có chồng, có ĐKKH năm 1990, nhưng sau đó chồng bà bỏ đi xứ khác sống, hai người chưa làm thủ tục ly hôn. Đến năm 2000, bà X chung sống như vợ chồng với ông Y cho đến 2009. Trong quá trình chung sống, hai người có tạo lập ra nhiều tài sản, mua nhà và đất, tuy nhiên toàn bộ số tài sản đó chỉ do một mình bà X đứng tên.
Khi xảy ra tranh chấp, ông Y đã yêu cầu tòa án giải quyết cho ông và bà X được ly hôn và chia tài sản chung. Nhưng việc khởi kiện của ông Y đã không được tòa án chấp nhận, do quan hệ của ông và bà X không phải là quan hệ vợ chồng. Về tài sản, ông Y lại không đưa ra được bất kỳ một chứng cứ nào chứng minh đó là tài sản chung của hai người được tạo lập ra trong quá trình chung sống với nhau.
Bình luận hay