Mỗi ngày một câu nói
"Công lý là điều nhân dân khát khao. Thiếu ăn, rách mặc có thể chịu đựng được, nhưng mỗi khi công lý bị chà đạp, bị vi phạm thì lòng dân không yên".

"Các cơ sở kinh doanh gas vi phạm hiện nay chỉ bị xử phạt hành chính với mức phạt tiền thấp nên không đủ sức răn đe. Một doanh nghiệp ở huyện Hóc Môn sửa chữa hàng ngàn vỏ bình gas trái phép của nhiều thương hiệu gas bị cơ quan chức năng phát hiện cũng chỉ bị xử phạt hành chính 2 triệu đồng".

"Kẹt xe như vậy thì còn ai ghé mua hàng? Doanh thu bây giờ không bằng phân nửa trước khi lô cốt đến đây. Đây là thời điểm cuối năm, các cửa hàng buôn bán như chúng tôi được hay mất nhờ lúc này nhưng với tình cảnh này chắc chết!".

"Mức lương ngành điện 7,3 triệu đồng/tháng mà nói không sống được thì không phù hợp với thực tiễn hiện nay. Thực tế lương tối thiểu khối doanh nghiệp là 2 triệu cũng là tạm ổn. Còn nói lương hơn 7 triệu đồng mà không sống được thì tôi thấy phải xem lại".

"Tôi đề nghị lần này Quốc hội ban hành luật thế nào để lương phải là lương. Lương tối thiểu phải bám sát đời sống tối thiểu, bám sát theo ngành và theo từng khu vực. Lương tối thiểu không phải là con số “chết”, mà phải điều chỉnh dựa theo biến động chỉ số giá tiêu dùng (CPI). Hằng năm CPI tăng bao nhiêu thì hệ số lương tối thiểu phải tăng tương ứng"

"Ở nước ta tham nhũng có dính đến rửa tiền. Vậy mà những năm qua, Cục phòng chống rửa tiền chưa làm được bao nhiêu. Để ngăn chặn phòng chống rửa tiền, có lẽ không nên giao việc này cho Cục phòng chống rửa tiền của ngân hàng Nhà nước, mà phải giao nhiệm vụ đó cho Bộ Công an".

"Để được cấp một giấy phép thăm dò khai khoáng phải có 26 con dấu của bộ, ngành, địa phương nhưng khi xảy ra sự cố thì đùn đẩy không ai chịu trách nhiệm chính. Việc khai thác khoáng sản hiện nay được các chuyên gia ví von trong sáu chữ "loạn cấp phép, thả sức đào".

"Cần thấy rằng tham nhũng nằm ngay trong chính quyền, những người trực tiếp thực hiện các chính sách nên họ rất nhạy bén với việc phát hiện những kẽ hở, kẽ nào to, kẽ nào nhỏ và chỗ nào có thể chui vào được. Vì thế phải bịt kín các kẽ hở ngay trong chính sách mà việc đầu tiên là cắt bớt các quyền can thiệp của cơ quan hành chính, xóa bỏ dần tệ xin - cho".

"Xe máy sẽ tồn tại ít nhất 10-15 năm nữa và nó chỉ giảm hẳn khi có những loại xe khác thay thế được người dân chấp nhận. Vậy giải pháp lúc này là làm sao khơi thông dòng chảy xe máy chứ không phải hạn chế hay cấm đoán".

"Các ngành sư phạm, kể cả các ngành sư phạm cơ bản, bị ghẻ lạnh là điều đáng báo động. Nhà nước cần có chính sách để phát triển các ngành này, nếu không sẽ có tác động không tốt đến sự phát triển chung của hệ thống giáo dục "

"Nếu việc sử dụng nợ công gây thất thoát, tham nhũng, lạm phát và các bất ổn vĩ mô khác thì cần phải tuyệt đối hạn chế nó. Những rủi ro này ở Việt Nam hiện nay là rất lớn thông qua hàng loạt các vụ việc bị phát hiện gân đây. Chất lượng sử dụng các khoản nợ công sẽ quyết định đến khả năng thanh toán nó và triển vọng trong tương lai của nền kinh tế".
